Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Gió Hạ

02/08/201200:00:00(Xem: 18976)
Ngôi chùa như có đôi cánh đại bàng, sải rộng, để mỗi nhịp vỗ, đều vút lên mênh mông chuyển tải!

Chỉ chưa đầy ba năm - thời gian huyễn ảo chốn trần gian là chớp mắt trên thiên cung - mà miếng đất rộng 2.2 mẫu, với hai dẫy nhà đơn sơ, nay đã là biểu tượng khiêm cung nhưng vô cùng đặc thù về nền văn hóa Phật Giáo mà cư dân Santa Ana thấy đổi mới mỗi ngày.

Đó là chùa Bảo Quang, tọa lạc tại số 713 N. Newhope, Santa Ana, miền Nam California.

Với sự tin tưởng và nhiệt tình đóng góp tài lực của đồng hương Phật tử, đã tạo duyên, để tâm huyết và đôi bàn tay nghệ nhân của Hòa Thượng viện chủ đã như người họa sỹ đứng trước khung vải, đưa những nét bút bén nhạy tuyệt luân, tạo thành họa phẩm linh động trong thời gian kỷ lục!

Sự đóng góp của đồng hương Phật tử không chỉ hoan hỷ vì thấy những dự án liên tục thành hình nhanh chóng, mà sâu sa hơn, là sự cảm động, ngưỡng phục trước trí sáng tạo và sức làm việc của nhị vị: Hòa Thượng Thích Quảng Thanh và Đại Đức Thích Nhuận Hùng.

Đúng thế. Hình ảnh thân thương của hai ông thầy tu Việt Nam, một cao, một thấp, luôn khiêng cái này, vác cái kia, cưa, đục, cột, bó, thoắt trên mái nhà, đã lại đang sửa non bộ dưới đất, vừa nhào xi măng đúc gạch, đã thấy lúi húi trông cây … Khắp tự viện mênh mông này, không vuông đất nào không có mồ hôi và tấm lòng của quý thầy nhỏ xuống và thấm vào! Làm sao mà mỗi bước kinh hành nơi đây không có niềm chiêu cảm sâu sa giữa lòng biết ơn của sự thọ nhận và niềm hoan hỷ của sự hiến tặng!

Từ ngữ “Good team work” của bản xứ không đủ diễn tả về hai thầy, vì chữ nghĩa hữu tướng không thể nói hết cái tình vô tướng. Có lẽ chính tình đạo nhiệm mầu đã gắn bó hai thầy trong cùng tâm nguyện kiên trì không mỏi mệt, để phụng sự chúng sanh là báo ân Chư Phật.

Năm trước, phòng ốc còn đang sửa chữa, mà do lời thỉnh cầu của đại chúng, Hòa Thượng viện chủ vẫn hoan hỷ mở trường hạ. Tứ chúng tựu về cũng tùy thuận phương tiện, hội nhập ngay với những gì đang có và hoàn tất một mùa an cư vô cùng an lạc.

Năm nay, đầu tháng bẩy mà sân chùa Bảo Quang còn tấp nập những xe cơ giới ra vào như mắc cửi, không gian mịt mù cát bụi trong công tác xây khu đậu xe mênh mông, ai dám nghĩ chỉ hơn hai tuần lễ sau, bãi đất nhấp nhô sỏi đá đã trở thành khu parking đẹp hơn cả parking các thương xá (vì mới toanh!)
bao_quang_mua_kiet_ha__5_
Hình ảnh an cư kiết hạ ở Chùa Bảo Quang.
Khi chúng tôi lò dò đến, với ý định hỏi xem năm nay chùa có mở hạ không, nhưng thấy cát bụi mịt mù, gạch ngói ngổn ngang, lại không dám hỏi, vì nghĩ, bề bộn thế này, làm sao mà mở hạ!

Ấy thế mà, gặp Hòa Thượng ở sân trước, đang tay búa, tay đinh, bộ áo mầu vàng loang ố lẫn mầu nâu, nhưng nụ cười cố hữu và ánh mắt rực sáng vẫn luôn hiện hữu. Hòa Thượng hỏi:

- Đi đâu đó? Năm nay có về nhập hạ không?

Phản ứng của tôi mới ngớ ngẩn làm sao:

- Thưa thầy, hạ ở đâu ạ?

Thầy cười lớn:

- Đây chứ đâu! Bát Nhã hoàn mãn rồi, lại tới Bảo Quang, như năm trước đó!

Ánh mắt tôi như chợt đậu trên đóa sen trong hồ.

Và đóa sen, theo tiếng thầy vừa dứt, bỗng bừng nở! Cánh sen bung ra, cho gương sen vàng thơm nức, tỏa hương.

Thế là năm nay, mùa hè 2012 chúng tôi lại được nhập hạ tại chùa Bảo Quang với những phòng ốc khang trang và bãi đậu xe sạch sẽ, thoải mái.

Khóa hạ được ấn định mười ngày, từ 16 tới 25 tháng 7, năm 2012.

Trước 2 giờ chiều, ngày 15, Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi đã rộn rã hướng về Bảo Quang, như trăm sông ngàn suối đều chảy về biển cả. Buổi họp Cung An Chức Sự được diễn ra nhanh chóng, hài hòa và đạt sự đồng thuận với thành phần Chư Tôn Đức:

Chứng minh:

- Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Phó thượng thủ GHPGVN trên Thế Giới

Thiền Chủ:

- Hòa Thượng Thích Phước Thuận, Hội Đồng Chứng Minh, GHPGVN trên Thế Giới

Hóa Chủ:

- Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVN trên Thế Giới

Nghi Lễ:

Sám Chủ:- Hòa Thượng Thích Huệ Minh

- Thượng Tọa Thích Tâm Thành (Duy Na)

- Đại Đức Thích Tuệ Thành (Duyệt chúng)

Trưởng Chúng:

- Hòa Thượng Thích Tâm Vân

Bảo trợ:

- Hòa Thượng Thích Giác Sỹ

Tri Sự:

- Đại Đức Thích Nhuận Hùng
bao_quang_mua_kiet_ha__2_
Hình ảnh an cư kiết hạ ở Chùa Bảo Quang.
Sáng hôm sau, Lễ Kiết Giới khai diễn, minh định rõ ràng nội quy và vị trí tinh thần của người tăng lữ khi theo dấu chân Như Lai bước trên đường trung đạo. Trên bốn mươi người con Phật hiện diện tại Đại Hùng Bửu Điện chùa Bảo Quang đồng cất cao tiếng trầm hùng tụng hai mươi mốt biến Chú Đại Bi. Âm thanh từ những trái tim khẩn thiết, bi mẫn, thoát ra, tạo năng lực cực kỳ dõng mãnh để gió hạ đón lấy, bay lên cao, tỏa ra không gian khắp tám hướng mười phương cho ân Phật rải đều đại địa.

Ngay buổi chiều cùng ngày, thời pháp thoại đầu tiên đã được Hòa Thượng Thiền Chủ đăng tòa. Ôn gợi ý một chủ đề thiết thực, là luật Phật chế từ hơn hai mươi lăm thế kỷ, nay áp dụng cho đời sống hiện tại ở xứ người thì những gì có thể, hoặc không thể áp dụng được?

Đại chúng hân hoan ghi nhận những lời chỉ dạy quý báu, đặc biệt là sự nhắc nhở về mục đích an cư, thì trước hết, tự trọng và tự giác tuân theo thanh quy trường hạ là chìa khóa mở cánh cửa lục hòa. Tăng lữ cùng tu học có lục hòa mới đạt được sự chuyên cần, tinh tấn.

Sáng ngày 18, trước nhị bộ Đại Tăng, Hòa Thượng Thích Thiện Long, viện chủ chùa Phật Tổ, Long Beach, cung kính tác bạch xin nhập hạ. Năm nay, Hòa Thượng đã liên tục nhập hai khóa hạ. Bát Nhã vừa mãn là bay sang Canada; và trường hạ xứ lá phong vừa giải chế là quay về Cali để nhập Bảo Quang.

Trường hạ tại miền nam California năm nay, thấp thoáng bóng dáng hai chú tiểu, là hình ảnh linh động, vui tươi gợi sự quan tâm và hoan hỷ cho bất cứ ai chợt nhìn thấy. Hai chú nhỏ, tuổi kề sát nhau, mười và mười một, không là anh em ruột ngoài đời thường, nhưng từ hơn hai năm trước, sau khi được theo cha và mẹ đến chùa Phật Tổ, hai chú đã là anh em ruột trong nhà Như Lai, được quý thầy chùa Phật Tổ hết lòng chăm sóc, để cùng học, cùng chơi, kể cả cùng bị phạt khi phạm lỗi! Sơ tâm hướng về đạo pháp của hai chú, ngày một rõ nét, như hoa trái đã chín, không thể đậu mãi trên cành, nên trong Đại Giới Đàn tại trường hạ Bát Nhã năm nay, Hòa Thượng Thích Thiện Long đã ân cần dắt hai chú đến, thỉnh cầu cho hai chú được thọ giới để trở thành Sa Di Thường Nguyên và Sa Di Thường Chiếu. Riêng tại trường hạ Bảo Quang, hai chú được sự đặc biệt chăm sóc của Đại Đức Thích Trung Tài, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, tới xử dụng pháp khí trên chánh điện. Chú Thường Chiếu đã biểu lộ lòng yêu mến của mình trong một lần vui đùa, gọi Đại Đức Trung Tài là “Mamy”!

Ôi! Sơ tâm mới trong sáng và đẹp đẽ nhường bao! Ngưỡng xin Chư Phật mười phương gia hộ cho hai chú.

Trong buổi pháp đàm cùng ngày, Thượng Tọa Thích Tâm Thành đã dẫn chứng tinh thần cầu đạo, cầu học của quý thầy, cô, khi xưa mà nhắc nhở rằng, người xuất gia, ít nhất phải thuộc bốn cuốn luật căn bản và hành trì hai thời công phu sớm tối.

Lời nhắc nhở của Thượng Tọa thật đúng lúc, để Lễ Sám Hối hôm đó, có những trái tim tự giác, thổn thức cùng Chư Phật, xin cố gắng hoàn chỉnh những thiếu sót!

Hai tôn kinh được trân quý mở ra trong những thời khóa tụng kinh, là Kinh A Di Đà và Kinh Địa Tạng. Dưới sự chứng minh và hướng dẫn của Chư Tôn Đức, những trang kinh trùng tuyên lời Đức Thế Tôn, hàng ngày đều âm vang, không chỉ trong lòng người, mà ân cần gửi tới từng bờ cây, ngọn cỏ.
bao_quang_mua_kiet_ha__7_
Hình ảnh an cư kiết hạ ở Chùa Bảo Quang.
Một thiền sư, trong phút cảm khái đã thốt lên:

“Nhất điểm mai hoa nhụy
Tam thiên thế giới hương”

Chỉ một đóa mai nở, ba ngàn thế giới ngát hương.

Đó là đóa mai tưới tẩm bằng đạo vị.

Lời kinh cất lên từ tâm đạo thiết tha của người con Phật, làm sao âm thanh đó chẳng bay ngược gió, để vạn hữu cùng được thấm nhuần ân sủng!

Sáng ngày 19, là thời Bố Tát, toàn thể tăng ni về nhập hạ lại được Chư Tôn Trưởng Lão nhắc nhở giới luật trong không gian cực kỳ trang nghiêm. Lắng nghe, để cảm niệm ơn đức cao dày, như hàng rào nhẹ nhàng nhưng vững chãi mà Đức Thế Tôn đã dựng nên để bảo vệ con cái của Ngài.

Buổi chiều cùng ngày, khi đăng tòa, Hòa Thượng Thích Chơn Thành đã mỉm cười mở lời rằng;

- Các thầy trẻ thì giảng, tôi già rồi, lên đây chỉ ngồi cười thôi.

Kính bạch Hòa Thượng,

Nụ cười từ bi, mẫn ái của Ôn đã là bài pháp vô giá cho chúng con rồi.

Và không chỉ nụ cười không hề thiếu vắng trên môi, trên mắt, mà bước chân thong dong, nhân dáng tự tại, an nhiên của Ôn, chính là thân giáo, nhắc nhở, trong mỗi con-người-tích-môn sinh lão bệnh tử này, đều có một con-người-bản-môn, là Phật tánh.


Hòa Thượng từng giảng dạy về triết học tây phương ở nhiều nơi, nhưng thiết thực và cô đọng, Ôn nhắc rằng, học kinh Phật, người trí phải hiểu, phải nhìn, là phương tiện chứ không phải là phương pháp hay cứu cánh.

Mỗi lời dạy của quý Ôn trong những giờ pháp thoại ngắn ngủi đều ban cho thính chúng những hành trang cần thiết trên dặm đường dài. Như lời chia sẻ đầy xúc động của Hòa Thượng Thích Thiện Long về kinh nghiệm những lần nhập bệnh viện. Hòa Thượng lặng lẽ nhìn từng gương mặt trong hội chúng, như thể những lời sắp nói đây, là ân cần gửi tới từng người; rồi trong sự chăm chú, chờ đợi lắng nghe đó, Hòa Thượng đã nói một điều thật mộc mạc mà thấm thía:

- Hãy siêng năng “tu mót” đi! Quý vị biết tu mót là gì không? Ở thôn quê, vào những mùa gặt, sau khi chủ điền sai thợ cấy gặt lúa về, thì thế nào cũng còn sót đó đây, ruộng này dăm ba nhánh, ruộng kia năm, bẩy đọt. Kẻ nghèo trong làng cứ đi mót lúa quanh ruộng cũng đầy bát cơm chiều. Mùa nào thức nấy, hết mót lúa thì mót khoai, hết mót khoai thì mót bắp, nhưng phải đều đặn, ngày nào có mót, ngày ấy mới có ăn. Cũng thế, người con Phật phải đều đặn việc tu tập, trì tụng mới diệt được tâm giải đãi:

“Tụng kinh giả, minh Phật chi lý
Niệm Phật giả, minh Phật chi cảnh” 

Người tụng kinh lâu ngày mới mong hiểu được lời kinh. Người niệm Phật lâu ngày mới mong thấy được cảnh Phật. Hòa Thượng còn thành thật chia sẻ rằng, trên giường bệnh, khi hơi thở đã đứt quãng thì chỉ còn dồn năng lượng vào thở. Thở! Thở! Cố hớp lấy hơi thở! Cố níu lấy hơi thở trước đã, rồi trong sát na mơ màng giữa đôi bờ sinh tử đó, mới ẩn hiện nhận thức còn hơi thở mới còn niệm Phật được.

Thời tọa thiền tối chủ nhật 21, sau tiếng hô canh đầy xúc tích và thiền vị của Hòa Thượng Hóa Chủ, mọi đèn điện đều được tắt. Chánh điện hoàn toàn im lắng trong ánh nến lung linh. Mỗi thiền giả ngồi lặng thinh trước mỗi ngọn nến, mang hình ảnh tuyện vời của sự phản quang tự kỷ.

Tâm ta đấy! Hãy trực diện mà soi cho kỹ! Bóng ta đấy, hãy trí tuệ mà nhận cho tường! Chư Phật đang nhìn xuống, hay chính ta đang ngước lên! Đâu đây, dường như phảng phất sự nhiệm mầu của:

“Năng lễ sở lễ tánh không tịch.
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì …”

Đa tạ Hòa Thượng Hóa Chủ đả sắp xếp cho đại chúng có được phút giây tiếp cận với “Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền”, để khi “Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” thì tâm chí thành mới mong thể hiện tròn đầy hơn.

Thời tụng kinh sáng ngày 22, đại chúng hoàn mãn Kinh Địa Tạng, lần thứ hai.Bỗng dưng lòng tôi chợt bồi hồi đến mức không cầm nổi nước mắt. Trên khắp năm châu bốn biển, hàng ngày, hàng giờ, biết bao sắc dân, bằng bao ngôn ngữ, đã trì tụng và hoàn mãn Kinh Địa Tạng, nhưng Ngài Địa tạng, trải qua vô số kiếp, vẫn còn là một vị Bồ Tát, vì lời đại nguyện “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật!”
bao_quang_mua_kiet_ha
Hình ảnh an cư kiết hạ ở Chùa Bảo Quang.
Nam Mô Địa Bi, Đại Nguyện, Đại Thánh, Đại Từ, Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Dù bận rộn trăm công ngàn việc, nhưng Hòa Thượng Hóa Chủ vẫn hoan hỷ chia sẻ với đại chúng một buổi pháp thoại. Thầy điềm đạm khi nói rằng, đào tạo một nhà tu, thành một nhà lãnh đạo, không phải dễ dàng, vì vị lãnh đạo này không chỉ hướng dẫn và xử lý những gì mắt thấy, tai nghe, mà khó khăn và tế nhị hơn, là phải thấy được những điều không thấy, nghe được những điều không nghe. Hòa Thượng cũng không quên đề cập tới văn hóa và tinh thần dân tộc là những điều mà Thầy luôn cưu mang, trăn trở. Hơn hai chục năm, Thầy miệt mài sưu tập những cổ vật nói lên nét đặc thù của dân tộc Việt nam - nói chung, và Phật Giáo Việt Nam - nói riêng - để làm gì? Thầy gợi ý về thói quen của chúng ta, là khi nghe chùa nào đẹp, thầy nào hay, của những dân tộc khác, thì lập tức rủ nhau tìm đến chiêm ngưỡng, tán thán, mà ít khi khởi lên niềm hoài vọng “Sao không cùng nhau góp công sức, để cũng có như thế?”

Được biết, trong tháng mười, năm 2012 này, Hòa Thượng sẽ chính thức mở cửa Viện Bảo Tồn Văn Hóa Phật Giáo với những cổ vật đặc thù, tự nói lên phần nào, giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, tuy nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất mới tồn tại đến ngày nay.

Giờ pháp thoại ngắn ngủi, mà tâm huyết Thầy còn tràn đầy, và lòng thính chúng còn nao nức lắng nghe, nên đại chúng đồng thỉnh cầu xin tiếp một buổi nữa. Quả là “Hoa phải thơm hương mới thực hoa”.

Buổi giảng tiếp của Hòa Thượng Hóa Chủ đã phát ra một từ trường mạnh mẽ, làm rung động tinh thần dân tộc của những ai còn quan tâm đến. Trên cương vị một nhà tu, thầy dẫn giải về hạnh nguyện Đức Quan Thế Âm. Khi cần độ ai, ở hoàn cảnh nào, thì hóa hiện thân mình ở hoàn cảnh đó.

Đầu hơi cúi xuống, lặng thinh một giây. Rồi Thầy bỗng ngửng lên, cất cao giọng:

- Trước thảm họa Trung Quốc đang cướp biển, cướp đất Việt Nam, tự ái dân tộc có cho phép tăng lữ Việt Nam ngoảnh mặt làm ngơ không? Quân xâm lăng nào cũng tiêu diệt văn hóa trước rồi mới cai trị sau vì chúng biết rằng văn hóa còn là dân tộc còn. Hãy nhìn cách Trung Quốc đang phá hủy và chà đạp văn hóa Tây Tạng thì biết. Vậy mà, sau cả ngàn năm từng bị Trung Hoa đô hộ, cha ông chúng ta vẫn giữ vững được nền văn hóa. Do đâu vậy? Mỗi người, trong khả năng mình, có từng tự hỏi và tự trả lời chưa?

Câu hỏi và câu trả lời nhức nhối này, thấp thoáng ở sự bất chợt chuyển đề tài, về Thiền và Nghệ Thuật, về Động và Tĩnh, khi Thầy đề cập tới ba vị tu sỹ hiếm hoi, tiêu biểu cho tài đức, trí tuệ và ảnh hưởng quốc tế. Đó là quý Thầy Nhất Hạnh, Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Lê Mạnh Thát. Hình thành tư cách đích thực của người tu, không thể thiếu trí tuệ, nên Đạo Phật mới có câu “Duy tuệ thị nghiệp”. Những tâm hẹp hòi chỉ bận rộn bươi móc những hạt bụi vương trên áo, mà quên giá trị của cả chiếc áo đẹp.

Khóa An Cư chỉ có mười ngày, mỗi ngày thời khóa từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, mà Chư Tôn Đức đã cố gắng hướng dẫn, nhắc nhở và cùng ôn tập với đại chúng, không chỉ về nội điển, mà cả những tình huống để ứng xử trong đời sống thực tế hàng ngày.

Thời khóa khít khao như thế, lấy sức đâu mà “vực đạo” nếu không có Ban Trai Soạn của chùa Bảo Quang, đồng hoan hỷ hàng ngày làm việc hơn mười tiếng đồng hồ, để mỗi ngày chu toàn ba bữa ăn đầy đủ tinh khiết, bổ dưỡng cho đại chúng. Hôm tôi vào bếp, chỉ định thăm hỏi để có thêm chút chi tiết cho bài tường thuật. Vậy mà “bí mật cũng bị bật mí!” nên không ai chịu nói tên, đồng lòng là:

- Thưa sư cô, chúng con đều là Ban Trai Soạn chùa Bảo Quang. Chỉ thế thôi ạ!

Quả là, hạnh phúc thực sự có mặt khi tự-ngã ra đi.

Duy nhất một người tôi biết tên, là cô Thương, do tình cờ ai đó gọi, và cô trả lời. Cô Thương đến với chùa Bảo Quang đã hơn 15 năm. Các cô cùng nhau hội ý ra món, rồi chia nhau đi chợ. Cách nấu nướng thì tuyệt đối tuân thủ theo tiêu chuẩn của Hòa Thượng viện chủ, là giảm thiểu tối đa dầu mỡ và không bột ngọt, nấu vừa đủ thì tốt, nếu không, thà thiếu chút còn hơn dư nhiều (có ai chết vì thiếu chút đâu, nhưng dư nhiều thì mang tội!).

Ban Trai Soạn chùa Bảo Quang cũng là thành phần nòng cốt, kiên trì hàng tuần cung cấp thực phẩm cho người vô gia cư trong vùng, từ hơn 19 năm qua. Cho đột xuất thì dễ. Kiên trì 19 năm không hề sót một lần, chẳng dễ đâu! Chỉ cần biết ngoài kia có người thiếu, thì khi cho được, hãy cứ cho, xá chi, phải thực biết ai cần, ta mới cho.

Tinh thần Bố Thí Ba La Mật thể hiện ngay đây qua tâm hoan hỷ tự tại.

Xin tán thán công đức của Ban Trai Soạn, chùa Bảo Quang.

Mười ngày hạ trôi qua với bao phước lành, hiện lên ánh mắt từng người trong giờ Tự Tứ. Trang trọng mà an lạc. Nghiêm túc mà vui tươi.

Chúng con kính cảm tạ Hòa Thượng Hóa Chủ đã từ bi mở trường hạ cho chúng con có cơ hội cùng về để trau dồi trí đức, thúc liễm thân tâm.

Chúng con kính cảm tạ Chư Hòa Thượng Chứng Minh, Hòa Thượng Thiền Chủ và Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni đã không từ nan những khó khăn để mười ngày an cư vừa qua đã hoàn mãn trong tốt đẹp.

Ngưỡng nguyện hồng ân mười phương Chư Phật luôn gia hộ quý ngài được pháp thể khinh an, tuệ đăng phổ chiếu, vạn sự kiết tường, làm bóng mát Bồ Đề cho hàng hậu học chúng con nương tựa.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

Huệ Trân
(Tào Khê tịnh thất – hạ 2012)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kỹ Sư Tạ Trung, Chủ Tịch Ủy Ban Người Mỹ Gốc Việt Ủng Hộ Harris, đã phát biểu "Tự Do và Dân Chủ (Freedom and Democracy) là những quyền tối thượng mà Phó Tổng Thống Harris hứa sẽ tích cực tranh đấu để bảo vệ nếu bà trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ..."
Cook Political Report công bố tỷ lệ hiện tại là “Ngang Ngửa” thay vì “Nghiêng về đảng Cộng Hòa” giữa hai ứng cử viên tranh cử chức vụ dân biểu liên bang Địa Hạt 45, Derek Trần và Michelle Steel.
Để đón mừng Tết Trung Thu sắp tới, chúng tôi khuyến khích bỏ hút thuốc cho một tương lai tươi sáng, giống như vầng trăng tròn thắp sáng màn đêm. Đây là dịp để người thân trong gia đình và bằng hữu quây quần bên nhau, cùng thưởng thức hương vị bánh trung thu và ăn mừng sự đoàn viên và sung túc. Hãy để ánh trăng tròn là nguồn cảm hứng khơi dậy quyết tâm làm sáng rực tương lai bằng cách cai thuốc lá
Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) trân trọng kính mời quý vị tới dự Chương Trình Khởi Động của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest), diễn ra từ 3 giờ tới 5 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 22 tháng 9, tại rạp The Frida Cinema, số 305, E. 4th Street, #100, thành phố Santa Ana
Hiệp Hội Phát Huy Công Lý Cho Người Mỹ Gốc Á Nam California (AJSOCAL) và RAND vừa công bố kết quả khảo sát cộng đồng tại Los Angeles, New York; cùng bộ công cụ thông tin giáo dục và tiếp cận cộng đồng liên quan đến việc chống lại sự thù ghét người Mỹ gốc Á. Bảng báo cáo khảo sát và bộ công cụ được tạo nên để giúp các tổ chức cộng đồng đối phó với những thử thách liên quan đến phân biệt chủng tộc mà nhiều người Mỹ gốc Á đang phải đối mặt.
Liên Đoàn Hướng Đạo Lĩnh Nam là một tổ chức bất vụ lợi, sinh hoạt theo hệ thống liên đoàn bao gồm các ngành Tráng, Thanh, Thiếu và Ấu. Liên Đoàn được thành lập vào ngày 12 tháng 11 năm 2022, không ngoài mục đích tạo một môi trường vui chơi lành mạnh cho các em trong lứa tuổi thanh-thiếu niên, nhất là trang bị cho các em, trước khi đến tuổi trưởng thành, một số kiến thức cơ bản trong cuộc sống mà gia đình và học đường chưa hoặc không có điều kiện chuẩn bị.
Bắt đầu từ bây giờ, những người ghi danh hợp lệ và hoàn tất cuộc gọi để lập kế hoạch cai thuốc với một nhân viên tư vấn nói tiếng Việt sẽ nhận được Thẻ Quà Tặng $20
Vào chiều Chủ Nhật ngày 31 tháng 8 năm 2024, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới - Tổ Đình Minh Đăng Quang tọa lạc tại 3010W.Harvard ST, Santa Ana, do Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, Đệ Tam Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK), Viện Chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan PL. 2568-DL.2024.
Vào ngày 05 tháng 9 năm 2024, người Mỹ gốc Việt trên toàn quốc sẽ chính thức thành lập tổ chức Ủy Ban Người Mỹ Gốc Việt Ủng Hộ Harris (VafH), để vận đông và hậu thuẫn cho ứng cử viên Kamala Harris vào chức vụ tổng thống.
Cuộc thăm dò tiếp theo với nhiều thông tin hơn cho thấy Derek Trần đã dẫn đầu Michelle Steel 3 điểm với tỉ lệ 50/47. Riêng với cử tri gốc Việt Derek Trần vượt trội hẳn lên với tỉ lệ 68/30.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.