Hôm nay,  

Dưới Mũi Súng Quân Thù

04/05/201200:00:00(Xem: 15282)
(Lời dẫn nhập:

Thượng nghị sĩ John Mc Cain, cựu Đại Tá phi công Hải Quân Hoa Kỳ, đã từng là tù binh chiến tranh của CSVN, phát biểu khi được hỏi về cuộc chiến Việt Nam: "The bad guys won the war." ("Những tên gian ác đã thắng trận.") Câu nói đó có thể dùng làm tiền đề cho hàng ngàn thiên hồi ký của các nạn nhân cộng sản khi mô tả về sự ngu dốt và tàn ác mà CSVN đã và đang áp đặt lên trên hàng chục triệu dân quân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam.

Trong bài viết nầy, người viết muốn ghi lại một vài dữ kiện trung thực, tự bản thân đã mắt thấy, tai nghe: những ký ức khắc sâu vào tâm não tại trại tù "cải tạo A-30," ngõ hầu góp thêm một phần nhỏ sự hiểu biết của mình vào định nghĩa "thiên đàng cộng sản."

A-30, tên của một trại giam tù chính trị, đã được CSVN dùng làm thí điểm để xây dựng một xã hội chủ nghĩa cho những người "mới được đi học tập cải tạo." A-30 nằm sát liên tỉnh lộ 7A, phía nam sông Ba, giữa đập nước Đồng Cam và cầu Đồng Bò, thuộc thôn Liên Thạch, xã Thạch Thành, cách thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, khoảng 22 cây số.

Nhằm mục đích ghi lại trung thực sự kiện, tất cả tên họ của các nhân vật đều giữ đúng như tại thời điểm xảy ra. Chữ "tôi" rất khó dùng, dễ gây ra ngộ nhận; nhưng "tôi" xin được phép sử dụng trong bài viết mà không hề có ý trau chuốt bóng bẩy dưới làn khói thuốc, hoặc qua hương vị đậm đà của tách cà phê đen trong một căn phòng vắng, thay vào đó, nó được viết lên từ tấm lòng của người viết - một ký ức đầy đau thương của một người trong cuộc. "Tôi" được dùng trong bài chính là người viết.

Những chữ viết tắt:
VNCH: Việt Nam Cộng Hòa
QLVNCH : Quân Lực VNCH
CSVN: Cộng Sản Việt Nam
VC: Việt Cộng)

Một buổi sáng ngày…tháng 9 năm 1978, hội trường mang tên "2 Tháng 9” nằm trong khuôn viên Trại Cải Tạo A-30, chật ních người ngồi kéo dài luôn ra cả ngoài sân trại. Chúng tôi đã được tập họp từ sáng sớm hôm đó để "được" tham dự một phiên tòa án nhân dân, một phiên tòa xử vụ cướp súng để trốn trại: vụ án Nguyễn Minh Trung.

Tên Trung Úy VC lên đứng trước chiếc mi-cro, mắt nhìn về phía chúng tôi và cất giọng:

- Ban Giám Thị yêu cầu tất cả các anh em cải tạo viên được mời tham dự phiên tòa ngày hôm nay phải tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, đi đâu phải báo cáo cán bộ, tuyệt đối giữ im lặng. Anh nào vi phạm sẽ bị nghiêm trị, các anh nghe rõ chưa?

Cả hội trường đồng thanh: "Rõ!"

Tôi không còn ngạc nhiên về những lời giáo đầu nầy nữa. Cứ mỗi lần chúng tôi được gọi tập họp chung lại với số người quá đông như vậy, bọn chúng thường lên giọng hăm dọa của kẻ thắng thế để cảnh cáo trước hầu phòng ngừa những bất trắc có thể xảy ra.

Không khí trở lại yên lặng, nặng nề hơn bình thường. Mọi người đâu ngồi đó, không ai nói ai, mắt chỉ dán nhìn lên sân khấu hội trường, trang trí toàn màu đỏ thẫm. Một tấm băng-đơ-rôn nền đỏ in bảy chữ màu vàng: "TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ KHÁNH" treo trên màn sân khấu. Dưới tấm băng-đơ-rôn đó, một lá cờ đỏ sao vàng mang bức ảnh Hồ Chí Minh trông đầy nét khắc nghiệt. Trước đó là ba cái bàn, một cái để ở giữa, hai cái để hai bên, được trải khăn đỏ phẳng phiu. Bàn giữa có một bình bông tươi màu đỏ. Trên mỗi bàn có một cái mi-cro cũ kỹ. Phía dưới sân khấu ngay phía bên phải là "vành móng ngựa," thật ra đó chỉ là một cái bàn nhỏ, không trải khăn, một chiếc mi-cro khác được dựng kế bên.

Tôi cảm thấy trước mặt, trên sân khấu hội trường kia không phải là tòa án, mà là một bàn hương án, lạnh lùng không nhang không khói. Một cảm giác rờn rợn chạy dài trên tủy sống. Giây phút chờ đợi đã đến.

Từ ngoài cổng trại, một chiếc xe mi-cro-bus (một loại xe VAN) sơn màu xanh đen từ hướng “cơ quan” (Bộ Chỉ Huy của VC) chạy vào. Xe ngừng lại ở cửa hông cạnh sân khấu hội trường.

- Tất cả chú ý: “Nghiêm!” Giọng quát lớn của một tên VC khác nổi lên. Một phút trôi qua.

- Tất cả: “Ngồi!”

Trên sân khấu, ba chiếc ghế trống được ba tên xử án điền vào. Tên thứ nhất ngồi phía bên trái nhìn từ phía dưới lên, lạnh lùng, đanh thép, từ từ đứng lên, tay sửa lại chiếc mi-cro cho vừa tầm, rồi nói:

- Kính thưa đồng chí chánh án Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Phú Khánh; kính thưa đồng chí giám sát viên; thưa tất cả các đồng chí trong ban giám thị trại; thưa các đồng chí cùng tất cả anh chị em cải tạo viên. Hôm nay là phiên tòa xử vụ án tên Nguyễn Minh Trung cùng đồng bọn cướp súng cán bộ để trốn trại, sau đây tôi xin giới thiệu ủy ban xử án:

- Thứ nhất, đồng chí … chánh án Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Phú Khánh.Tên ngồi giữa, mang cặp kính đen, dường như muốn che lấp cặp mắt bạo tàn của loài quỷ đỏ, đứng lên khẽ gật đầu tự đắc.

- Thứ hai, đồng chí … giám sát viên, Viện Giám Sát Tỉnh Phú Khánh.Tên bên phải đứng lên, gật đầu, bắn một cái nhìn không thân thiện về phía chúng tôi.

-Thứ ba, tôi …, thư ký phiên tòa. Sau đây, tôi xin nhường lời cho đồng chí chánh án.

Tên chánh án đứng lên, kéo chiếc mi-cro lại gần, gõ nhẹ vài cái, chúi đầu đưa sát miệng vào chiếc mi-cro, tằng hắng cất tiếng:

- Nhân danh Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tôi xin khai mạc phiên tòa.

Tên thư ký tiếp lời: “Sau đây xin mời đồng chí giám sát viên đọc lại diễn tiến vụ án.” Tên giám sát viên bắt đầu:

- Vào ngày… tháng 6 năm 1977, tên Nguyễn Minh Trung, một Thiếu Úy Ngụy đã cầm đầu một tổ chức cướp súng cán bộ để trốn trại.

Tên chánh án tiếp lời:

- Mời Nguyễn Minh Trung ra trước tòa.

Trung và An đã được dẫn vào ngay khi chiếc xe mi-cro-bus đến.Hai chân yếu ớt,Trung đứng dậy với dáng người nho nhỏ nay gầy khòm đi, trông anh khắc khổ đau thương hơn, dù được chúng khoát lên một bộ đồ tươm tất, quần dài xanh sẫm, áo màu vàng nhạt, đầu được hớt cao, nét mặt anh lộ vẻ trầm tư mặc tưởng nhưng tôi vẫn có thể thấy rõ nét hận thù cộng sản trong đôi mắt đầy can đảm và nghị lực ấy.Không còn dáng dấp nhanh nhẹ như những ngày đầu tôi biết anh ở trại, anh mệt mỏi kéo lê từng bước, chậm chạp tiến đến chiếc mi-cro.Nhìn hình ảnh nầy, tôi cảm thấy thương xót và đau lòng cho người bạn đồng cảnh ngộ.Anh cất tiếng:

- Tôi tên Nguyễn Minh Trung, sinh năm 1948, cấp bậc Thiếu Úy Pháo Binh, quân đội… (anh ngập ngừng trong giây lát rồi tiếp) … quân đội Sài Gòn.

Tôi đoán ngay là anh cố tránh chữ “Ngụy” mà bọn CSVN đã gán cho những người lính Cộng Hòa chúng tôi.Trung tiếp lời: “gia cảnh một vợ, một con 3 tuổi.”

Trung lê bước sang một bên, nhường chiếc mi-cro lại cho An theo lời ra lệnh của tên chánh án.An cũng gầy ốm xanh xao không khác gì Trung lắm. An là một học sinh tham gia phong trào học sinh, sinh viên phục quốc bị bắt vào cuối năm 1975, bước đến trước mi-cro, đầu hơi ngước lên nhìn tên chánh án, với giọng còn non choẹt, An nói:

- Tôi tên Hồ Ngọc An, sinh năm 1957, học sinh, gia cảnh độc thân.

Tên chánh án cao giọng ra lệnh cho hai anh về chỗ ngồi, sau đó tên cộng sản nạn nhân trong vụ trốn trại được mời ra, hắn ta nhỏ thó người, mặt đanh thép của những thanh niên vừa mới lớn học vẻ hách dịch oai quyền của một người chỉ huy; trong bộ sắc phục công an màu vàng nghệ, hai cầu vai đeo hai bên cùng với uy hiệu trên cổ áo, vẫn không sao che lấp được cái ngu ngơ khờ khạo của hắn. Hắn nói:

- Tôi tên Nguyễn Văn Lẫn, sinh năm 1954, độc thân, đơn vị phục vụ: trại cải tạo A-30, chức vụ: cán bộ quản giáo đội 13.”

(Đội 13 là đội luôn luôn bị nằm trong căn nhà kỷ luật số 6, mái được lợp cỏ tranh, vách và trần được làm bằng đất sét trộn với miểng ve chai, được vây quanh bởi ba hàng rào kẽm gai rất sắc bén, nằm gần cổng ra vào, dưới tháp canh của bộ đội VC).

Sau khi tên chánh án cám ơn và ra lệnh cho tên Lẫn về chỗ ngồi, tên đóng vai giám sát viên dõng dạc đọc lại diễn tiến vụ án.

Không khí hầu như cô đọng, nặng trĩu. Hàng ngàn cặp mắt tù binh chăm chú theo dõi, hồi hộp đợi chờ. Tôi chắc Trung không sao quên được giờ phút quan trọng nầy. Thảm kịch trốn trại cuồn cuộn sống lại trong đầu óc một số anh em và tôi, từng chi tiết một liên tiếp kéo đến, trong đó các nhân vật then chốt trong thảm kịch gồm có:

- Nguyễn Văn Đức, thường được gọi là Đức Nguyễn (nhóm hoạt động chống CSVN của Thiếu Tá Đặng Hữu Thân),

- Ngô Bá Tùng và Nguyễn Văn Dũng - cả hai đều là sĩ quan cấp úy thuộc bộ binh QLVNCH,

- Tên công an VC Lẫn, cấp bậc tương đương với cấp thượng sĩ phía bên QLVNCH,

- Và ba tên khác là cựu sĩ quan QLVNCH, làm nhân chứng cho VC: Đỗ Văn Đức còn gọi là Đức Đỗ (Thiếu Tá bộ binh biệt phái cảnh sát dã chiến), Trần Thái Bửu và Đoàn Văn Lập (cả hai đều mang cấp Trung Tá bộ binh và đã từng nắm chức quận trưởng.)

Khoảng 2 giờ 30 trưa hôm đó, Tùng rời vị trí lao động để đi uống nước, ngang qua chỗ các bạn anh đang đứng cuốc đất, anh đi chậm rãi và nói nhỏ: “Tụi bây sẵn sàng chưa?” Dũng và Đức Nguyễn lần lượt trả lời "Rồi."Tùng vác cuốc đi đến thùng nước uống cách chỗ tên bộ đội VC Lẫn không bao xa, độ chừng bốn mét, anh dừng lại, tay cầm lon nước, tay chống cán cuốc, len lén đưa mắt quan sát một vòng ngoại cảnh.Trong khi đó Dũng và Đức Nguyễn đang cuốc đất nhưng vẫn luôn theo dõi từng hành động của Tùng để chờ đợi mật hiệu của anh.

Vừa lúc tên VC Lẫn quay lưng, Tùng phóng nhanh tới với tư thế đã chuẩn bị, đập thật mạnh đai cuốc vào ót tên nầy.Tên Lẫn bị đập bất ngờ, mất tư thế, lảo đảo té quỵ xuống.Cách đó không xa, anh Đức Nguyễn đã sẵn sàng nhào tới giựt khẩu AK-47 của tên VC Lẫn, nhưng vì khẩu AK được đeo choàng chéo qua vai hắn nên súng bị dằn co, không giựt hẳn ra được.Tên Đức Đỗ làm ăng-ten (tiếng dùng ám chỉ bọn tù cải tạo đã trở cờ, theo VC) cho giặc, đã được VC chỉ định làm đội trưởng cho đội nầy, thấy vậy la lớn lên: “Anh em ơi! Tụi nó giựt súng cán bộ.”

Hắn nhào tới đỡ lấy và kềm phụ khẩu súng AK cho tên VC Lẫn.Được sự trợ giúp đắc lực của tên ăng-ten nầy và vì đai cuốc của Tùng bổ vào chưa trúng nhược điểm nên tên VC lấy lại được bình tỉnh.Dũng thấy rõ nguy cơ đã đến cho bạn mình khi có tên ăng-ten Đức Đỗ vào trợ giúp, anh liền chụp lấy cây rựa nhào tới chặt thật mạnh vào gáy tên Đức Đỗ; tuy nhiên, vì vội vàng, lưỡi rựa chỉ tạt phớt qua màng tang tên Đức nên hắn ta không bị hề hấn gì. Bấy giờ, tên VC Lẫn đã ôm ghì lại được khẩu AK, hắn bóp cò báo động, nhưng súng không nổ.Tên Đức Đỗ khôn ngoan và sáng suốt hơn thét to nhắc nhở:

- Mở khóa an toàn! Mở khóa an toàn đi cán bộ!

Tên VC Lẫn không còn tự chủ được nữa, hắn làm y theo lời thúc giục của tên ăng-ten Đức, mở khóa an toàn. Bóp cò! Hai phát súng nổ báo động toàn trại.

Tùng, Dũng và Đức Nguyễn thấy sự việc không thành vụt chạy xuống bờ sông nơi đã định cách đó chừng 50 mét.Tên Đức Đỗ nhắc nhở và thúc giục tên VC:

- Quỳ xuống bắn chính xác hơn cán bộ.

Lẫn riu ríu thi hành như một khóa sinh đang tập ở sân bắn quân trường.Hắn ta quỳ xuống, nâng khẩu AK lên ngang tầm mắt,cẩn thận lấy đường nhắm. Bóp cò!

Đùng! Phát súng nổ vang chát chúa, viên đạn đầu cũng là viên đạn cuối cùng xuyên qua màng sọ của anh Đức Nguyễn - giải thoát anh khỏi lao tù cộng sản trong khoảnh khắc, nhưng chắc hẳn anh vẫn còn uất hận với mối thù giặc cộng chưa trả được. Anh Đức nằm bất động trên bãi cát, không có được một cử động giẫy giụa của một người sắp chết - cách tên VC Lẫn không ngoài 20 mét.

Cán binh bộ đội VC được báo động vụt ù chạy lại tiếp cứu.

Lẫn la lớn lên: “Còn hai thằng chạy xuống bờ sông!”

Tùng đã xuống sát bờ, còn Dũng đã đến gần được nửa sông. Ba phát đạn nữa tới tấp từ phía sau bắn tới hướng Tùng.Ba viên đạn của hận thù đã kết liễu đời anh. Tùng gục xuống, không quên quay nhìn lần chót những tên VC bạo tàn và bầy chó săn quái ác.

Dũng thấy không còn kịp nữa, cùng lúc có tiếng la: "Đứng lại! Đứng lại! Đưa tay lên!" từ sau vọng tới.Anh đứng vụt lại, hai tay đưa lên khỏi đầu, từ từ quay lại.

Đùng! Viên đạn xuyên qua đùi anh. Dũng nghiến răng uất hận gào thét lên:

- Đả đảo cộng sản! Đả đảo cộng sản!...

Đùng! Đùng! Thêm hai viên đạn nữa, một xuyên qua bụng và một viên làm bay mất nửa phần hàm dưới của Dũng, tiếng thét của anh đã bị viên đạn thứ ba làm lệch giọng.

-Đ..ả...đ..ả..o..c..ộ..n..g.. s..ả..n..!” Anh vẫn còn tỉnh, vẫn còn từ từ bước tới hàng rào cán binh VC cách đó khoảng chừng 30 mét, anh như là tấm bia cho bọn VC nã đạn vào.

Đùng! Viên đạn thứ tư ghim sâu vào ngực Dũng. Máu lần nầy xối xả phun ra từ một trái tim chỉ biết tôn thờ một màu cờ, sắc áo. Anh không còn chịu đựng được nữa, thân anh co quặp lại, quỵ xuống trên giòng sông chảy xiết, máu anh hòa với nước lờ đờ chảy như vẫy chào anh trở về với lòng đất mẹ thân yêu. Tám viên đạn AK kết liễu ba mạng người một lòng trung chính không chịu khuất phục sự bạo tàn.

Từ khi hai phát súng báo động nổ, An từ xa chạy đến thấy sự việc không thành, anh khựng lại rồi hối hả chạy đi như không hay biết sự việc.Ngay từ giây phút đầu tiên thảm kịch xảy ra cho đến bây giờ, Trung hoàn toàn không hay biết mưu định của bạn mình. Anh bàng hoàng, ngỡ ngàng hối tiếc trước sự việc không thành của bạn. Quang cảnh lúc bấy giờ hỗn loạn, anh Trung cũng như mọi người chạy tứ tán tìm nơi trú ẩn an toàn, chỉ có những tên ăng-ten còn sáng suốt nắm lấy cơ hội để lập công.

Trong sinh hoạt thường ngày của trại, Trung, An và một số đông bạn bè khác bị bọn tay sai lấy điểm với bọn VC theo dõi vì bộc lộ tư tưởng căm thù cộng sản. Sau khi thảm kịch xảy ra, Trung, An là mục tiêu để bọn chúng chộp lấy trước nhất.Bọn ăng-ten đã nhanh nhẹn đuổi bắt Trung, An và Tâm lại.

Ba anh Trung, An và Tâm bị trói ngay sau đó. Trước khi đưa về bộ chỉ huy, bọn chúng không quên trút hết những cơn hận thù vừa qua bằng hàng loạt báng súng AK vào thân xác gầy còm của các anh sau những năm tháng dài làm lao động xã hội chủ nghĩa.

Chiều hôm đó cảnh trại lạnh lùng tiêu điều như một nghĩa trang. Người người đi lại nhìn nhau, không nói, không cười, mỗi người mang một nỗi buồn chua chát. Buồn vì cái chết đau thương của những bạn mình, buồn cho cuộc sống tù đày mà nhân mạng con người không còn nghĩa lý gì với loài quỷ đỏ, buồn cho số phận của những kẻ phải chịu cảnh sa cơ thất thế. Tư tưởng chống bạo quyền còn đó, căm thù còn đây, lại thêm hận thù chồng chất…Cho biết đến bao giờ!

Ba anh Trung, An và Tâm mỗi người được đưa vào một căn nhà khác nhau để cho việc điều tra dễ dàng hơn.

Về phía tên VC Lẫn, sau khi được y sĩ khám vết thương, hắn ta trở lại tìm gặp từng người đang bị cùm (đó là biện pháp kỷ luật dành cho những tù nhân “ngoan cố”) để hỏi thêm chi tiết, với nét mặt không dấu được nỗi căm thù, hắn lớn tiếng hỏi Trung:

- Anh nghĩ sao mà làm vậy hả anh Trung?

Trung phủ nhận: “Tôi đâu có dính líu tới vụ đó, cán bộ!”

Tên VC Lẫn thét to: “Giờ nầy mà anh còn ngoan cố hả anh Trung?”

Trung điềm nhiên trả lời: “Không đâu cán bộ, tôi không biết gì về chuyện đó hết.”

Lẫn hậm hực hỏi tiếp: “Anh có biết tội anh như thế nào không? Làm tay sai cho Mỹ Ngụy, anh biết chưa? Án 20 năm của anh còn đó anh vẫn chưa sợ à?”

Trung cắn răng, máu anh như bùng sôi vì những lời đe dọa hách dịch của tên Lẫn, anh chồm dậy như muốn tung một cú đá thật mạnh vào mặt tên VC nầy. Nhưng than ôi! Còn đâu nữa, hai cổ chân nhỏ bé của anh không còn di chuyển được vì một gông cùm nghiệt ngã. Uất hận, tức giận nhấc đầu lên, Trung gằn một tiếng:

- Chớ còn ông làm tay sai cho ai? Khẩu AK do ai chế tạo? Ông đã dùng súng AK do Nga Sô viện trợ bắn vào ai? Vào Mỹ hay là vào người Việt Nam?

Lẫn hậm hực, gằn từng tiếng một:

- Được! Anh còn ngoan cố lắm. Rồi hắn ta bước ra khỏi phòng.

Tên VC bước ra khỏi phòng, trả lại không khí yên tỉnh về với Trung. Nhớ lại câu nói vừa rồi của của tên Lẫn: “Làm tay sai cho Mỹ Ngụy,… Án 20 năm của anh còn đó anh vẫn chưa sợ à?” Trung thở dài, duỗi lưng nằm xuống, khẽ nhắm mắt lại. Bây giờ Trung mới nghĩ rằng anh bị bắt ngay khi thảm kịch trốn trại xảy ra chẳng qua vì Tùng, Đức, Dũng và anh đều nằm trong Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc.

Sau vài ngày cô lập để điều tra, Trung và An được đưa vào xà lim biệt giam để chờ ngày ra tòa; còn Tâm (bị cùm nằm kế tôi) được trả về với lao động bình thường - có lẽ VC đã dựng thêm một cây ăng-ten mới để dùng trong kỹ thuật khổ nhục kế hầu rà thêm manh mối.

Máy đèn hoạt động suốt đêm hôm đó. Bộ đội công an võ trang VC tràn ngập sân trại, và chúng tôi phải tham dự đêm thuyết trình. Theo chỉ thị của bọn giám thị chỉ huy trại, mỗi tù nhân đều phải phát biểu ý kiến về thảm kịch trốn trại, mỗi đội phải lập một bản kiến nghị và mọi người ký tên vào để kết án những người vi phạm - dù sống hay chết.

Sáng hôm sau toàn trại được gọi tập họp tham gia cuộc mít-tinh để lên án những tên “ngoan cố chống lại cách mạng, chống lại nhân dân.” Hơn một ngàn chữ ký đã bị bắt buộc ký vào trừ một số người đang bị cùm trong xà lim.

Đúng ra, từ ngày thảm kịch xảy ra cho đến nay hơn một năm, vụ án mới được đem ra xét xử. Trở lại phiên tòa, sau khi tên giám sát viên đọc xong biên bản điều tra vụ án, tên chánh án VC tiếp tục:


- Vì đây là một phiên tòa đặc biệt, không có luật sư biện hộ nên anh Trung được quyền tự biên hộ lấy và anh chỉ được nói khi nào tòa cho phép. Anh có gì nói không anh Trung?

- Thưa tòa, không! Trung đáp lại.

Tên chánh án nói tiếp:

- Anh có nhận thấy rằng biên bản mà giám sát viên vừa đọc là đúng không anh Trung?

Trung thản nhiên nói:

- Tôi không có nhúng tay vào vụ giựt súng đó ...

Tên chánh án cắt ngang lời nói của Trung:

- Anh đừng chối, anh lợi dụng những tên kia đã chết nên bây giờ anh muốn nói gì thì nói phải không!

Trung vẫn nhẹ nhàng đáp:

- Thưa tòa, không. Tôi không có dính líu tới vụ đó.

Tên chánh án tiếp lời Trung:

- Anh còn nhớ những gì anh đã khai với cán bộ chấp pháp (cán bộ thẩm vấn) ngày hôm đó không anh Trung?

- Thưa tòa, nhớ!

Rồi hắn ta cất giọng ra lệnh:

-Anh nói xem!

Trung trả lời rất gọn:

- Khi nghe súng nổ, phản ứng tự nhiên là tôi tìm chỗ núp, tôi không biết gì hết.

Tên chánh án tay phải nâng cặp mắt kiếng của hắn lên, chồm nhẹ về phía trước, hậm hực nói:

- Hừ! Anh lại nói đến phản ứng tự nhiên mà anh chạy à? Hắn ngừng một chút rồi quả quyết đưa Trung vào việc đã rồi:

- Thôi! Anh đừng nói nữa, tòa biết hết rồi, anh nghe rõ chưa anh Trung?

Nghe đến đây tôi thương xót cho Trung nhiều, tôi biết anh không liên quan gì đến vụ giựt súng, nhưng chẳng qua vì đã mang bản án 20 năm trong vụ tham gia hoạt động của Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc sau ngày 30-4-1975 nên bọn CSVN luôn tìm cách tiêu diệt những mầm mống như Trung từ lâu, và đây là một cơ hội tốt để lấy cớ trừ khử anh Trung. Tên chánh án vụt chuyển sang An, hắn hỏi như ra lệnh:

- Anh Trung vừa nói như vậy có đúng không anh An?

An như một cái máy, nhanh nhẹn đáp:

- Dạ thưa tòa, hoàn toàn không đúng.

- Anh trình bày vụ việc đi.

Chúng tôi đã có thể đoán trước những gì An sắp nói. An chỉ là một học sinh trung học đệ nhị cấp, rải truyền đơn chống cộng sản rồi bị bắt, chưa hề có bản án nào.Anh còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm về cộng sản.Sau nhiều ngày bị tra tấn và nhốt trong xà lim biệt giam, anh không còn giữ được ý chí và nghị lực, lại còn được cộng sản chiêu hàng bằng những đòn phép “mẹ ru con ngủ” khiến anh đã trở thành miếng mồi ngon cho cộng sản sử dụng. An cất tiếng vu cáo:

- Thưa tòa, lúc Tùng và Đức (Nguyễn) cùng nhau giựt súng, anh Trung và tôi chạy lại định tiếp tay nhưng việc không thành. Trung bỏ chạy và bị bắt lại. Những gì anh Trung vừa khai với quý tòa hoàn toàn không đúng.

Tên chánh án ra lệnh cho An về chỗ ngồi, đoạn tiếp tục:

- Anh Trung! Anh còn nhớ những gì anh đã bôi nhọ cách mạng không? Anh đã sỉ nhục cán bộ quản giáo (cán bộ phụ trách về “giáo dục”) của anh là dùng súng AK do Liên Sô chi viện bắn vào anh em của anh, có đúng vậy không anh Trung?

Trung chưa kịp trả lời, tên chánh án quay nhìn Lẫn nói tiếp:

- Có đúng vậy không đồng chí Lẫn?

- Thưa tòa! Đúng. Lẫn vừa ngồi tại chỗ, vừa trả lời. Tên chánh án nói tiếp:

- Mời đồng chí Lẫn ra trước tòa trình bày vụ việc vừa qua.

Lẫn tiếp tục trình bày y như những gì tên giám sát viên vừa đọc. Rồi hắn ta kết luận:

- Bây giờ, mặc dù vết thương đã lành nhưng lúc trở trời thì tôi thấy hơi khó chịu.

Ngồi xếp bằng dưới hội trường, chăm chú theo dõi cuộc xử án từ đầu đến giờ, tôi mường tượng đây như là một màn bi kịch mà nạn nhân là Trung và những người lính VNCH chúng tôi, chớ không phải là một phiên tòa. Ngày xảy ra vụ xử án, tôi tin chắc có rất nhiều người thấy và hiểu rõ sự vụ, nhưng không một ai dám ra làm nhân chứng, ngoại trừ ba tên Đức, Bửu và Lập. Cả ba lần lượt được mời ra trước tòa.

Sau một thời gian được “nhà nước khoan hồng,” họ lần lượt ra đứng trước chiếc mi-cro và thẳng lời tố cáo, buộc tội Trung chính là người chủ mưu vụ cướp súng đó.

Tên chánh án quay sang xin đề nghị của giám sát viên. Sau một lúc lâu đọc về các điều luật - những điều tôi nghe không quen tai - trong hiến pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà nay gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tên giám sát viên kết thúc với lời đề nghị bản án:

- Thứ nhất, xét thấy tên Nguyễn Minh Trung là một Thiếu Úy Ngụy, làm tay sai cho đế quốc Mỹ, làm công cụ cho bè lũ bán nước của tên Nguyễn Văn Thiệu, mang trọng tội với Nhân Dân, với Đảng và Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Xét thấy tên Nguyễn Minh Trung có một tiền án 20 năm về tội chống phá cách mạng, nay lại còn chủ mưu trong vụ cướp súng, mưu toan giết cán bộ là người đại diện cho nhân dân, cho luật pháp nhà nước.

Xét thấy tên Nguyễn Minh Trung còn ngoan cố không thể cải tạo được nữa nên Giám Sát đề nghị bản án từ chung thân khổ sai đến tử hình.

- Thứ hai là Hồ Ngọc An, biết ăn năn hối cải, còn trẻ tuổi, để cho anh còn nhiều thời giờ cải tạo để thành nhân dân tốt của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Giám Sát đề nghị bản án từ 12 năm đến 15 năm cải tạo.

Tên chánh án tiếp lời sau khi cám ơn giám sát viên:

- Các anh Trung và An có nói lời nói cuối cùng gì trước khi tòa nghị án không?

Trung đứng lên điềm nhiên đáp:

-Thưa tòa có!

Tên chánh án lên giọng, chồm tới phía trước, ra lệnh:

- Anh nói xem!

Trung vẫn điềm nhiên đáp:

- Thưa tòa, tôi không phải là người tổ chức và dính líu tới vụ nầy.

Hắn ta kéo chiếc mi-cro kề hơi gần sát miệng, một âm thanh hơi chát vì thiếu tiếng trầm:

- Anh không phải là người tổ chức nhưng anh có một tiền án 20 năm. Anh rõ chưa anh Trung.

Trung không nói, chua xót gật đầu buông xuôi; chắc anh không còn nghe thấy những gì chung quanh nữa. Mộng ước phá tan gông cùm cộng sản, diệt lũ bạo tàn để dành lại tự do cho quê hương Việt Nam đành dừng lại nơi đây. Anh còn quá trẻ, ý chí phấn đấu và nguồn yêu nước đang còn rào rạt dâng cao giờ đây đành phải sụp đổ nơi anh.

Hơn năm phút sau, bức màn đỏ được từ từ kéo ra, tên chánh án trịnh trọng bắt đầu:

- Thứ nhất: xét thấy tên Nguyễn Minh Trung, một Thiếu Úy Ngụy, có một tiền án 20 năm về tội chống phá lại cách mạng, nay lại còn cầm đầu một tổ chức cướp súng cán bộ là người đại diện cho nhà nước và nhân dân.

Xét thấy tên Nguyễn Minh Trung vẫn con ngoan cố, không còn cải tạo được nữa. Tòa tuyên án Nguyễn Minh Trung : tử hình.

- Thứ hai: xét thấy anh Hồ Ngọc An còn trẻ tuổi, biết ăn năn hối cải, còn đủ thời giờ cải tạo được để trở thành nhân dân tốt.Tòa tuyên án Hồ Ngọc An: 12 năm cải tạo.

Riêng Nguyễn Minh Trung được quyền chống án lên Chủ Tịch Nhà Nước trong thời gian là ba ngày, sau đó bản án sẽ được thi hành.

Nhìn Trung, tên chánh án tiếp lời với một cử chỉ làm như nhân đạo để cố che lấp sự bạo tàn của hắn:

- Anh có nhắn gì lại với vợ con anh không, anh Trung?

Trung không muốn trả lời nữa, anh đáp gọn: “Không!”

Tên bộ đội công an VC đến sau lưng còng tay Trung lại.Tôi thấy nét mặt anh vẫn điềm tỉnh nhưng có lẽ thâm tâm đang nghĩ đến gia đình một lần cuối, đến vợ con mà đã từ lâu anh không được gặp mặt.Anh Trung đang nghĩ gì? Tôi tin chắc rằng anh chỉ buồn vì mình chưa làm được gì cho quê hương, cho quốc gia Việt Nam đang sống oằn oại trong tăm tối.

Trung bước chậm ra cửa hội trường, không quên đứng nhìn lại lần cuối những người bạn cũ của mình như muốn nhắn lại với chúng tôi, đêm tuy dài nhưng ngày mai trời phải sáng.

Tên công an VC thúc báng súng AK sau lưng, Trung nhẹ bước đi dưới mũi súng quân thù.Một hàng rào công an VC với những khẩu AK trong tư thế chiến đấu, bao vòng quanh chiếc xe Van bít bùng, đang đợi.

Ba người sĩ quan VNCH được VC ban bổng lộc nghĩ gì?Họ đã ngủ gục trong những giây phút tuyên thệ linh thiêng tại buổi lễ mãn khóa của các quân trường đào tạo; và họ tỉnh giấc lại trong những căn lều lý tưởng tự xây, trên một cánh đồng cỏ tranh xanh bát ngát, ven cạnh rừng, nơi chúng tôi thường lui tới đốn củi.Họ là ai?

Gia đình quân đội VNCH không may có những đứa con hoang đàng bất hiếu, nhưng bù lại cũng đã đào tạo được hàng ngàn người con hiền ngoan hiếu thảo, một lòng một dạ trung thành với quốc gia Việt Nam.

Anh Trung, mọi người mến anh vì bản tính hiền hòa vui vẻ nhưng tôi còn thấy nơi anh một sự khiêm nhường bất khuất.Dù cuộc chiến đã tàn, nhưng xin anh một lần cho tôi được làm nhân chứng để viết thêm tên anh vào trang sử sách, những người lính anh hùng của QLVNCH: …,Thiếu Úy Nguyễn Minh Trung.

Ngày tháng trôi qua …, ký ức vẫn không phai tàn.

Thiếu Tá Đặng Hữu Thân, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân QLVNCH, người anh tôi mến phục. Được quen biết anh trong căn nhà kỷ luật. Cặp mắt và giọng nói đã cho tôi biết anh không phải là một cấp chỉ huy tầm thường. Anh bị VC kết án tử hình vì đã cầm đầu một tổ chức chống lại CSVN sau khi QLVNCH bị bỏ rơi. Anh thường bị nhốt trong phòng biệt giam và đưa qua lại căn nhà kỷ luật tùy theo sức khỏe. Thường thì VC nhốt những người “ngoan cố” trong phòng biệt giam, chỉ vừa một người nằm, khi nào họ thấy muốn cho trở lại nhà kỷ luật thì họ cho. Nhà kỷ luật tương đối “thoải mái” hơn, vì còn đi đứng, qua lại được dễ dàng.

Anh cho chúng tôi biết, có bốn Cha Tuyên Úy Công Giáo và quản nhiệm các giáo phận đang nằm bên cạnh. Các vị linh mục luôn bị cô lập nơi các phòng biệt giam theo chỉ thị của “Đảng,” trong khi các Thầy Tuyên Úy Phật Giáo thì được “ưu đãi hơn” trong các căn nhà khác, nhưng tôi biết có vài Thầy vẫn ở chung trong nhà kỹ luật. “VC ghét Cha hơn ghét Thầy” chỉ là một đòn sơ đẳng trong kỹ thuật ly gián mà chúng áp dụng để chia rẽ tôn giáo. Ma quỷ lúc nào cũng sợ các Đấng Thánh.

Sự liên lạc qua lại giữa các tù nhân thường rất khó khăn, nhất là nhà kỷ luật và những căn phòng biệt giam. Tất cả đều phải qua sự kiểm soát của cán bộ VC hoặc các anh tù “cải tạo tốt” được chọn làm trật tự. Sống trong cảnh tù đày, dưới cặp mắt “quản giáo” của VC, đôi lúc suy nghĩ và hành động của mình phải trở nên linh động hơn - tùy theo hoàn cảnh mà ứng biến.

Một nơi mà bọn cán bộ VC và các anh trật tự ít dám lui tới trừ khi cần kíp lắm, đó là nhà cầu được xây gần những xà lim biệt giam. Đây là một sự cố ý để tăng thêm hình phạt cho các người “ngoan cố.” Mỗi ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối, các tù nhân nằm phòng biệt giam được ra làm vệ sinh cá nhân và vận động chân tay cho thoải mái, cũng như được lãnh khẩu phần ăn tiêu chuẩn dưới sự “quản lý” của các anh trật tự.

“Đau bụng quá!” Vừa nói với anh trật tự, tôi vừa phóng nhanh lên cầu khi thấy anh Thân đang lên một cầu kế cận; vội quăng lẹ cho anh vài miếng thuốc rê và ít miếng giấy quấn, rồi ngồi xuống cầu bên cạnh như đang làm một việc khẩn cấp của cá nhân.Tim tôi đang tăng nhịp đập bỗng dưng dịu lại một cách bình thường dưới ánh mắt và một nụ cười tràn đầy yêu thương, trìu mến: một Cha Tuyên Úy đang đứng đợi để lên cầu. Vừa làm xong một việc tự nguyện, tưởng chừng như một mình tôi biết.

Thuốc hút luôn là kẻ thù của sức khỏe nhưng nó cũng là người bạn tri âm của những tâm hồn cô đơn trống vắng như anh Thân. Tôi không dám so sánh hai mươi tám ngày mà tôi đã trải qua với những gì anh Thân đang gánh chịu. Nhắc đến đây tôi cảm thấy bùi ngùi.

Buổi sáng, trong khí trời lành lạnh của núi rừng, những hạt sương mù rơi lất phất, vài đám mây đen đang là đà bay càng làm tăng thêm cái vẻ thê lương ảm đạm của cảnh vật chung quanh. Tôi còn nhớ rõ tiếng anh: “Tụi VC nó sắp bắn anh!”

Anh Thân! Em biết Anh đã làm những gì mà tất cả mọi người cần phải làm cho quốc gia Việt Nam trong lúc lâm nguy và Anh đã làm tròn trách nhiệm của người thuyền trưởng trong một chuyến hải hành trên con tàu định mệnh. Thêm một ngôi sao sáng của QLVNCH vừa phụt tắt: Hải Quân Thiếu Tá Đặng Hữu Thân.

----------

Trung Tá Đào (?) Xuân Bé, sĩ quan Tiếp Vận Vùng 2 Chiến Thuật. Cái tên và dáng dấp của anh đã kết hợp với nhau khi vừa mới sinh để mang một trọng trách mà các cấp chỉ huy khác không mang nổi. Anh vào phòng biệt giam vì đã khai sự thực.

“Nếu anh chịu khai thực tôi sẽ cho anh trở về ở nhà kỷ luật,” đó là câu nói mà tên cán bộ “quản giáo” VC Lẫn thường nói với anh. Mỉa mai thay, anh chấp nhận ở lại phòng biệt giam vì đã khai sự thực với tên Lẫn:

- Mấy ông bảo tôi khai sự thật thì tôi đã khai hết sự thật trong tờ tự khai rồi, không còn gì để khai nữa.

Tờ tự khai của anh: “… Mỹ Rút, Việt Nam Cộng Hòa Bị Bỏ Rơi.”

----------

Trung Tá Bùi Quốc Trụ, y sĩ trưởng Sư Đoàn 2 Không Quân QLVNCH, một vị lương y như từ mẫu. Anh đã tận dụng mọi phương pháp y khoa để cứu chữa cho các bạn tù trong phạm vi quyền hạn của anh. Anh nhìn bệnh nhân đang hấp hối với lương tâm của một người bác sĩ, biết việc gì cần phải làm, nhưng bao giờ cũng phải chờ quyết định của “bác sĩ cơ quan,” một bác sĩ “thật giỏi, tốt nghiệp chỉ sau hai năm học tại Liên Sô - sau khi được học xong lớp 10 tại Hà Nội.” Lương tâm và khả năng chuyên nghiệp của anh Trụ vẫn chưa được “cải tạo và lãnh đạo bởi Đảng CSVN.”

----------

Anh Thiếu Úy VC, gốc người Thượng, mà tôi không tiện nói tên ra, một thời gian làm “quản giáo” cho đội. Ngoài tiếng Việt, anh còn nói và viết rành tiếng Pháp vì cha mẹ của anh đã làm quản lý một đồn điền cà-phê cho người Pháp ở Ban Mê Thuột. Anh thường lén dẫn anh em chúng tôi ra chợ làng Thạch Thành mua thịt, cá và rau tươi để “cải thiện” thêm đời sống. Anh là một cán bộ “quản giáo” mà anh em chúng tôi thích nhất trong các buổi học tập về chính trị với những lời anh thường kết luận: “Thôi! Các anh nghỉ sớm để mai còn phải đi lao động nữa!” Phải đi lao động nữa! Anh hiểu rất rành tiếng Việt.

Chủ thuyết cộng sản Mác-Lê mà Hồ Chí Minh đi học lóm của Nga Tàu chỉ dùng để giết chết thân xác, nhưng không tận diệt được lý trí và lương tâm con người.

----------

Nhớ lại lần cuối tôi bị kêu lên hỏi cung (thẩm vấn), tên Thượng Tá chính trị viên VC, Dư Bính, giọng nói người tỉnh Phú Yên, hỏi:

- Anh làm gì cho Mỹ Ngụy?

- Tôi làm lính.

- Lính mà làm cái gì?

- Làm những gì cấp chỉ huy của tôi ra lệnh.

- Cấp chỉ huy của anh có bị bắt ở đây không?

- Tôi không thấy.

Trong căn phòng chỉ có tôi và hắn, bỗng nghe một âm thanh chát chúa vang lên:

- Nói láo! Rồi hắn ném một tập hồ sơ rất dầy lên bàn trước mặt tôi và ra lệnh:

-Mầy đọc tội của mầy đi!

Tập hồ sơ quá dầy, tôi không biết phải đọc chỗ nào. Bỗng thấy bàn tay của hắn bỏ ra khỏi báng súng K54, chụp lấy tập hồ sơ, lật ra phần mà hắn muốn tôi đọc:

- Đây nầy! Đọc tội trạng và án lệnh của mầy thôi!

Tôi dán mắt vào chỗ hắn chỉ, hai hàng chữ viết bằng tay:

Tội trạng: “Quân đội Ngụy - Làm gián điệp cho Mỹ”

Án lệnh: “Tập trung cải tạo”

“Tập trung cải tạo,” một bản án có ý nghĩa rất mơ hồ đối với mọi người, nhưng đầy ý nghĩa đối với bọn CSVN: “Giết, nếu bọn chúng muốn; Tha, nếu cải tạo tốt.” Đang nhìn những hàng chữ “tội” của mình, bỗng nghe tiếng hắn hỏi:

- Có đúng vậy không?

- Không đúng! Vừa lắc đầu, tôi vừa trả lời một cách bình thường. Một tiếng quát to hơn khi nảy, âm thanh vang cả bốn góc phòng:

- Nói láo! Rồi hắn ra lệnh hai tên bộ đội công an võ trang dẫn tôi trở lại nhà giam.

…Một hôm, tình cờ tôi gặp lại một người bạn cùng cảnh ngộ đang đứng xếp hàng chờ lãnh thực phẩm trong trại chuyển tiếp tại Kuala Lumpur, Mã Lai, để làm thủ tục đi định cư. Tôi được biết thêm, bản án “tập trung cải tạo” của tôi đã được tòa án nhân dân tỉnh Phú Khánh “nâng cấp” lên “tử hình nếu bắt lại được” và án lệnh đã được đọc lên cho khoảng gần hai ngàn trại viên nghe trong hội trường - nơi bọn chúng dùng để xử án. (Cuối năm 1978, khoảng hơn 800 lính thuộc Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù và các đơn vị khác của QLVNCH bị bỏ rơi tại chiến trường Khánh Dương được chuyển về giam tại đó.)

Ngước mặt nhìn lên, một bầu trời trong xanh thẳm, không một áng mây. Các sinh hoạt chung quanh dường như đang ngưng động, không khí im lặng phút chốc quay trở về căn phòng biệt giam… Sao không còn ngửi thấy mùi xú uế nữa? Tôi biết! Tôi đang khóc! Ơn Trên đã che chở tôi dưới mũi súng quân thù.

Chiều chiều ra đứng bờ ao,
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều.

Hai câu ca dao tôi nhớ từ thuở còn mặc quần đùi cắp sách đến trường. Hơn 30 năm sống trên đất Mỹ, chưa một lần trở về Việt Nam, quê hương mến yêu chỉ còn trong ký ức; vì tôi nghĩ rằng một bước chân vui chơi trên quê hương Việt Nam trong lúc dân tộc chúng ta đang đau khổ dưới gông cùm nghiệt ngã của cộng sản thì chẳng khác gì chính mình sẽ tự dẫm bước lên vong linh các anh hùng dân tộc đã vị quốc vong thân, và cũng chẳng khác gì chính mình tự rút súng bắn vào chân mình (you shoot yourself in the foot). Sống trong cộng đồng người Việt hải ngoại một thời gian lâu - qua phim ảnh, sách báo, những nơi tụ tập đông người hoặc ở các buổi tiệc tùng họp mặt - tôi được biết nhiều hơn nữa về người lính. Lần đầu tôi viết, viết những gì tôi biết thêm về - Người Lính Việt Nam Cộng Hòa Sau Khi Chiến Trường Im Tiếng Súng.

Lê Văn Kim
Viết cho ngày tang thương của đất nước Việt Nam 30 tháng 4, 1975.

Ý kiến bạn đọc
05/05/201202:51:08
Khách
"Hơn 30 năm sống trên đất Mỹ, chưa một lần trở về Việt Nam, quê hương mến yêu chỉ còn trong ký ức; vì tôi nghĩ rằng một bước chân vui chơi trên quê hương Việt Nam trong lúc dân tộc chúng ta đang đau khổ dưới gông cùm nghiệt ngã của cộng sản thì chẳng khác gì chính mình sẽ tự dẫm bước lên vong linh các anh hùng dân tộc đã vị quốc vong thân"- Trích từ bài chủ.
Hoàn toàn đồng ý với người viết.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.