Kiềng Ba Chân
Những hình ảnh trong sinh hoạt Hướng Đạo.
Phạm Phú Bình
Hội Phụ Huynh HĐVN – San Jose.
(Bài viết dành cho các phụ huynh của các em Hướng Đạo Sinh HĐVN)
“Dù ai nói ngả nói nghiêng,
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.”
***
Chắc hẳn trong chúng ta không ai mà không biết cái kiềng ba chân, đây là một dụng cụ nấu nướng ngày xưa. Cái kiềng ba chân rất đơn giản mộc mạc, nhưng rắn chắc vô cùng bởi vì ba chân nó trụ lại không thể nào nghiêng ngả được. Nhưng nếu một trong ba chân bị sụm hay yếu đi thì hậu quả thật khó lường.
Sở dĩ tôi phải nói dài dòng một chút để chúng ta hình dung được cái thế đứng của cái kiềng ba chân, cái thế đứng này nó giống như trong bất cứ Liên Đoàn Hướng Đạo Việt Nam nào ở Hải ngoại.
Đó là :
PHỤ HUYNH – TRƯỞNG – ĐOÀN SINH
“Gặp nhau đây rồi chia tay…”
Phụ Huynh, Trưởng và Đoàn sinh trong một Liên Đoàn là ba trụ cột trong một cái kiềng ba chân.
Hãy làm một lý luận đơn giản:
- Nếu không có phụ huynh (điều này không thể xảy ra) thì tất nhiên không có đoàn sinh, thì Trưởng không biết làm Trưởng với ai.
- Nếu không có Trưởng, thì phụ huynh và đoàn sinh cũng không làm được việc gì trong Liên Đoàn.
- Nếu không có đoàn sinh, thì phụ huynh và Trưởng chắc là nhìn nhau cười.
Bởi vậy 3 nhóm này đều rất quan trọng ngang hàng với nhau, một trong ba nhóm này yếu đi thì Liên Đoàn khó mà đứng vững, nếu có đứng được thì đó chỉ là một sự gượng gạo nhất thời.
Tôi không đi sâu vào nhóm Trưởng và đoàn sinh vì đó là ngoài chủ đề, bài viết này tôi chỉ muốn chú trọng đến các phụ huynh chúng ta.
Sức mạnh của phụ huynh
Tôi còn nhớ lúc tôi còn là một Hướng Đạo Sinh ở quê nhà, mỗi buổi sáng Chủ Nhật, ba tôi thường chở tôi đến một ngôi trường tiểu học, thả tôi ở đấy sinh hoạt cùng với Đoàn, buổi chiều lại đón tôi về, lớn một chút thì tôi tự đi sinh hoạt bằng xe đạp. Hồi đó ba má tôi chỉ biết Hướng Đạo là một phong trào tốt và có giáo dục, cho nên cho con cái gia nhập, hơn nữa tất cả các anh tôi đều là HĐS, cho nên tôi nối gót theo là chuyện thường tình, chứ ba má tôi cũng không biết Trưởng là gì và ai là người điều hành, lắm lúc khi đi trại thì cha mẹ mới phải ký váo giấy cho phép con đi trại, hồi đó phụ huynh và Trưởng ít khi biết nhau, chứ không như Hướng Đạo ở Hoa Kỳ bây giờ, phụ huynh là một phần tử của phong trào, vì hầu hết các em Hướng Đạo ở dưới tuổi vị thành niên, cho nên cha mẹ lúc nào cũng gắng bó với phong trào, với Liên Đoàn, đó là chưa nói đến luật lệ của Mỹ, vì ở Mỹ, trẻ em được bảo vệ chặt chẽ bởi pháp luật.
Đã là phụ huynh thì lúc nào cũng muốn con em mình nên người hữu dụng, cho nên ngoài việc giáo dục học đường, chúng ta cho các con em mình gia nhập phong trào Hướng Đạo, bởi vì chúng ta biết Hướng Đạo là một tổ chức giáo dục, được điều hành bởi các Trưởng chuyên nghiệp và có trình độ chuyên môn. Khi đưa các con em chúng ta vào Hướng Đạo, chắc hẳn các phụ huynh cũng có một ít khái niệm về phong trào Hướng Đạo, các phụ huynh lâu năm thì hiểu Hướng Đạo nhiều hơn, còn một số phụ huynh trẻ sống nhiều năm trong nước sau năm 1975 thì ít có cơ hội biết về Hướng Đạo, nhưng từ khi định cư ở nước ngoài thì qua bạn bè, sách báo, internet thì bây giờ sẽ hiểu nhiều về phong trào Hướng Đạo. Hiện nay với phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta dễ dàng tìm hiểu bất cứ việc gì, chỉ cần vào Google hay Yahoo, đánh chữ Hướng Đạo Việt Nam thì chúng ta sẽ đọc được rất nhiều bài vở về Hướng Đạo Việt Nam trên khắp năm châu.
“Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”, chúng ta hiện nay đang định cư tại Hoa Kỳ, cho nên khi HĐVN thành hình ở hải ngoại thì HĐVN cũng phải hòa nhập vào Hướng Đạo Hoa Kỳ, chúng ta cũng phải tuân thủ những nguyên tắc về luật chơi của Hướng Đạo Hoa Kỳ, tuy nhiên chúng ta vẫn luôn giữ truyền thống căn bản của người Việt Nam.
Phụ huynh chúng ta biết về các luật lệ và quy định Hướng Đạo ở Hoa Kỳ, cha mẹ phải là sợi dây nối liền giữa Đoàn và các em, vì hầu hết các em vào Hướng Đạo đều ở lứa tuổi vị thành niên, cho nên bất cứ việc gì, các em đều phải hỏi qua ý kiến của cha mẹ, cho nên cha mẹ là những người giúp sức và ủng hộ các em rất nhiều, nếu như cha mẹ không quan tâm thì các em cũng sẽ “xìu” theo, cụ thể là nếu các phụ huynh không chở các em đến chỗ sinh hoạt thì làm sao các em tiếp tục sinh hoạt được.
Vào những ngày cuối tuần, chúng ta thường đưa con em đến sinh hoạt, rồi chúng ta gặp gỡ những phụ huynh khác, từ những lời thăm hỏi xã giao ban đầu, rồi dần dần thân nhau tự lúc nào, rồi cũng từ đó mà hội phụ huynh chúng ta được hình thành, chúng ta được quen biết rất nhiều bằng hữu anh em với nhau, những lần đi trại là tay bắt mặt mừng, thức với nhau thâu đêm suốt sáng để mà kể cho nhau nghe những câu chuyện mà chưa bao giờ bộc lộ cùng ai, hay là cùng nhau hát cho nhau nghe bên những ánh lửa bập bùng của lửa trại. Các con cái chúng ta được kết bạn với nhau, thân nhau hơn vì chúng biết tất cả các bậc cha mẹ đều có cùng chung một chí hướng.
Tôi còn nhớ mỗi lần con tôi xin phép đi chơi với bạn, tôi hỏi lại là con đi chơi với bạn nào, khi con tôi trả lời là đi chơi với bạn Hướng Đạo, là tôi cảm thấy an tâm và ok liền mà không cần suy nghĩ gì nhiều, nhưng nếu nó nói con đi chơi với bạn học hay bạn nào khác thì vô số câu hỏi tiếp theo sau đó là "bạn con tên gì, ở đâu, ghi cho ba số phone, địa chỉ, ..." và khả năng cho phép sẽ giảm đi nhiều. Như vậy chúng ta thấy rằng giữa phụ huynh có sự tin tưởng lẫn nhau và biết nhau nhiều khi con em chúng ta chơi chung với nhau. Cho nên phụ huynh chúng ta đến với nhau tất cả cũng chỉ vì các con em chúng ta, chơi với nhau trong tình thân hữu, tôn trọng lẫn nhau, và trên “tinh thần Hướng Đạo”.
Tinh thần Hướng Đạo có thể được gói gém trong 3 lời hứa và 10 điều luật của Hướng Đạo, chúng ta là phụ khuynh, không phải là Hướng Đạo Sinh, cho nên không nhất thiết phải tuân thủ tất cả, chỉ cần biết vài điều là chúng ta có thể “chơi” với nhau rồi.
Xin ghi lại 3 lời hứa và 10 điều luật để các phụ huynh có thể hình dung được:
Lời hứa
Tôi lấy danh dự hứa cố gắng hết sức:
1. Làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, Tổ Quốc và quốc gia tôi
2. Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào.
3. Tuân theo luật Hướng Đạo.
Luật Hướng Đạo Việt Nam trước 1975:
1. HĐS trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của HĐS
2. HĐS trung thành với Tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự
3. HĐS giúp ích mọi người bất cứ lúc nào
4. HĐS là bạn của mọi người và coi Hướng Đạo Sinh khác như anh em ruột thịt
5. HĐS lễ độ và liêm khiết
6. HĐS yêu thương các sinh vật
7. HĐS vâng lời cha mẹ, huynh trưởng mà không biện bác
8. HĐS gặp khó khăn vẫn vui tươi
9. HĐS cần kiệm của mình và của người
10. HĐS trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.
Xin cảm ơn các anh chị đã đọc bài viết này .
Phạm Phú Bình -- Hội Phụ Huynh HĐVN – San Jose, những ngày cuối năm 2011.