LM. JOSEPH NGUYỄN THANH SƠN, DCCT
Chào mừng Xuân Mới của Dân Tộc chúng ta! Thế là người ta tống con rồng, nghinh con rắn, theo chu kỳ 12 con giáp: Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi. Tỵ, tức con rắn, đứng hàng thứ sáu, và năm nay là năm con rắn mới.
Năm vừa qua, con rồng đã phun quá nhiều nước, khiến Đất Nước chúng ta bị lũ lụt nặng nề, nhiều đồng bào đã bị tử nạn cũng như mất nhà, ruộng đồng, vườn tược, hoa mầu. Cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho các nạn nhân trong Năm Mới này. Chúng ta ở nơi đất khách quê người tha hương sẽ tiếp tục mở rộng tấm lòng và bàn tay để chia sẻ tinh thần cũng như vật chất cho đồng bào thân yêu. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng."
ĂN RẮN, BẮT RẮN, NUÔI RẮN
Có rất nhiều loại rắn, nhưng người ta đặc biệt ghi nhận rắn cạp nong, cạp nia, và hổ mang. Rắn cạp nong cỡ lớn, có khoang đen xen kẽ khoang vàng, sống lưng cao. Rắn cạp nia nhỏ hơn, có khoang đen xen kẽ khoang trắng, sống lưng tròn.
Cạp nong lười cử động hơn cạp nia. Cả hai đều có nọc độc, nhưng cạp nia độc hơn.
Hổ mang chuyên ăn rắn, chim và thú nhỏ. Do cặp mắt có cấu tạo đặc biệt, hai mí mắt trong suốt dính với nhau, và khi hổ mang cất cao cổ nhằm mồi, con mồi bị tê liệt, mất hẳn phản xạ chạy trốn.
Người ta có thể ăn thịt rắn. Nọc rắn chữa nhiều bệnh. Nấu cao, ngâm rượu bổ. Chữa bệnh đau nhức xương. Rượu rắn thường ngâm một bộ 3 con: cạp nong, cạp nia, hổ mang, hoặc 5 con: cạp nong, cạp nia, hổ mang, rắn ráo, rắn lục.
Cách thức bắt rắn: Làm động hang cho rắn bò ra, chộp đuôi quật mạnh, rắn nằm đờ ra, tiếp đó túm lấy cổ, khóa miệng lại, cho vào giỏ. Với rắn độc dùng kìm bẻ hai răng tiết chất độc. Muốn lấy nọc, chọc cho rắn tiết chất độc ra rồi thả vào chỗ cũ.
Làng rắn Lệ Mật, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng về nghề nuôi, bắt rắn. Dân đi khắp các cánh đồng, lên miền núi tìm các hang rắn bắt từng rọ lớn mang về nuôi bán. (Từ điển Văn hóa Cổ truyền VN)
RẮN TRONG TỤC NGỮ
Kho tàng tục ngữ đã để lại một số thành ngữ về rắn:
"Rắn lột da, người lột xác", có nghĩa, đã là người, ai cũng sẽ chết.
"Rắn đến nhà không đánh thành quen": Lời khuyên đừng nuôi dưỡng kẻ xấu.
"Len lét như rắn mồng năm", ám chỉ kẻ sợ hãi sau khi làm điều lầm lỗi. Vào Tết Đoan Ngọ, ngày 5/5 Âm lịch, có lệ giết sâu bọ, bắt rắn làm thuốc, khiến rắn khiếp sợ.
"Rắn trong lỗ bò ra", ý muốn nói người biết ăn nói khéo léo.
"Rắn mai tại lỗ, rắn hổ về nhà", nghĩa là rắn mai rất độc, ai bị nó cắn sẽ chết ngay tại chỗ, còn rắn hổ mang, ai bị nó cắn về đến nhà mới chết.
"Rắn đổ nọc cho lươn", tức đổ lỗi, gán ghép trách nhiệm cho người khác. Mình làm sai thì nhận, chớ nên theo kiểu rắn đổ nọc cho lươn, như những kẻ vô lương tâm, lọc lừa.
"Cõng rắn cắn gà nhà": Hành động phản bội Tổ quốc, phản bội dân tình, hèn hạ đưa rước bọn giặc về giết hại đồng bào, đồng loại. Nhà cách mạng Phan Bội Châu nói: "Gia dĩ, trong nước lắm tuồng chó lợn, khéo thay cõng rắn cắn gà nhà, lạ chi đời lắm thứ mọt sâu xui giục rước voi giày mả tổ." (Tuồng Trưng Nữ Vương)
"Cõng rắn về nhà": Tú Mỡ ta thán: "Ký hiệp ước với lang-sa, ngờ đâu cõng rắn về nhà than ôi!" (Nụ Cười Kháng Chiến)
"Như rắn mất đầu": Rối loạn, hoang mang, bị mất phương hướng vì không còn người cầm đầu, chỉ huy.
RẮN TRONG THÁNH KINH
Sách Khởi Nguyên viết: "Thiên Chúa đã làm ra mãnh thú theo loại, và súc vật theo loại, và mọi thứ côn trùng trên đất cát theo loại. Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành." (1:25)
"Mọi thứ côn trùng", nếu dịch sát tiếng Hi-pri (Do thái), là "những gì bò sát" như rắn, thằn lằn, sâu bọ cùng những con vật nhỏ. Vậy, rắn đã được chính Đấng Tạo Hóa dựng nên, và cũng như mọi vật, mọi loài khác, nó "tốt lành"! Chẳng có gì Người làm ra mà lại không "tốt lành". "Nhân chi sơ tính bản thiện" là thế.
Sau khi lấy bùn đất dựng nên Ađam (tiếng Hi-pri có nghĩa là "người đàn ông đầu tiên"), Thiên Chúa đặt chàng vào vườn Eden, với lời phán truyền: "Mọi cây trong vườn, ngươi đều được ăn. Nhưng cây 'sự biết tốt xấu' ngươi không được ăn, vì chưng ngày nào ngươi ăn nó, tất ngươi sẽ chết."
Thiên Chúa cho rằng "nam nhân này không tốt, nếu nó ở một mình", nên Người đã rút lấy một xương sườn của Ađam mà "xây thành" Evà, tức người đàn bà đầu tiên. Thiên Chúa dẫn Evà đến với Ađam, nói cách khác, Người đã kết hôn họ. Họ là cặp vợ chồng đầu tiên của loài người. Đôi lứa hạnh phúc sống trong vườn thượng uyển, với hoa thơm, cỏ lạ, chim hót, suối reo, và "cả hai đều trần truồng, người nam và vợ nó, mà chúng không hổ ngươi."
Nhưng rồi, "con rắn là vật tinh ranh hơn mọi dã thú mà Yavê đã làm ra" đột ngột xuất hiện. Nó liền cám dỗ Evà ăn trái cây ở giữa vườn, và nàng "đã hái lấy quả mà ăn." Evà "cũng đã trao trái cây cho chồng ở bên mình." Nghe lời vợ, Ađam đã ăn trái cây ấy. Vừa ăn xong, "mắt cả hai đứa đã mở ra, và chúng biết là chúng trần truồng. Chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình."
Thiên Chúa tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm... Người nói với Evà: "Tại sao ngươi làm thế"" Evà thưa: "Rắn đã phỉnh tôi nên tôi đã ăn." Thiên Chúa liền phán với con rắn: "Bởi ngươi đã làm thế, thì ngươi hãy là đồ chúc dữ, giữa mọi thú vật, cùng dã thú hết thảy! Ngươi hãy lê bụng và ăn đất bụi mọi ngày đời ngươi! Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân." (Kn 3:14-15)