Hôm nay,  

Chiều Thơ Nhạc 'Nụ Cười Trăm Năm' Với Khánh Ly, Trần Dạ Từ

16/03/201100:00:00(Xem: 5571)

Chiều Thơ Nhạc 'Nụ Cười Trăm Năm' Với Khánh Ly, Trần Dạ Từ

chieu_tho_nhac__nu_cuoi_tram_nam_-large-contentChụp hình lưu niệm trong chiều thơ nhạc "Nụ Cười Trăm Năm," tại nhà hàng The Turnip Rose, Costa Mesa, California. (Photo by Viet/Huy/Hai)

COSTA MESA (VB) - Tại Nhà hàng The Turnip Rose, Thành Phố Costa Mese, California, vào chiều Chủ Nhật, ngày 13 tháng 3 năm 2011, một buổi sinh hoạt thơ nhạc phong phú chủ đề “Nụ Cười Trăm Năm” với ca sĩ Khánh Ly và nhà thơ Trần Dạ Từ, qua những lời phát biểu chân tình của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ, 88 tuổi đến từ Texas; nữ tài tử Kiều Chinh chống gậy lên sân khấu; nhà thơ Đỗ Quý Toàn; nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa; nhạc sĩ Đăng Khánh đến từ Texas; nhà thơ Du Tử Lê; ông Lê Văn, nguyên chủ biên đài VOA; v.v... để lại trong tâm tư người tham dự nhiều ấn tượng sâu sắc khó quên.

"Nụ Cười Trăm Năm" là tên của một CD nhạc gồm 12 ca khúc được Nhà Thơ Trần Dạ Từ sáng tác và phổ nhạc từ chính thơ của ông cũng như của một vài nhà thơ khác qua tiếng hát của Ca Sĩ Khánh Ly.

Giữa hoàng hôn nơi thành phố yên bình Costa Mesa, nhà hàng The Turnip Rose nhìn từ bên ngoài trông như một tòa lâu đài cổ kính ở một lãnh địa nào đó của Châu Âu xa xưa, nhưng vào bên trong thì thật là sang trọng như một trung tâm văn học nghệ thuật thời hiện đại. Dưới ánh đèn mờ ảo, những cây nến trên từng chiếc bàn tròn trở nên lung linh và đẹp lạ thường làm tăng thêm không khí trầm lắng và huyền diệu của đêm nhạc đặc biệt lần đầu tiên giới thiệu dòng nhạc của Thi Sĩ Trần Dạ Từ và cũng là lần đầu tiên Ca Sĩ Khánh Ly ra mắt CD nhạc trong cuộc đời ca hát 50 năm của người ca sĩ tài danh này.

Trên 350 bè bạn, thân quyến và văn thi nhạc hữu đến từ khắp nơi đã có dịp chia xẻ và thưởng thức một đêm sinh hoạt âm nhạc lý thú với âm thanh và giai điệu, với tình thân và cả những món ăn đầy hương vị.

Với giọng nói thanh tao và lịch lãm pha một chút dí dỏm tự nhiên, người ái nữ của Cố Nhà Báo Lê Đình Điểu là cô Lê Đình Y Sa đã điều hợp chương trình một cách mạch lạc và sống động.

Nữ tài tử Kiều Chinh chống gậy bước lên sân khấu, cùng với Chủ Biên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) Lê Văn, phát biểu mở đầu cho chiều thơ nhạc "Nụ Cười Trăm Năm" bằng câu chuyện cách đây 20 năm trong lần gặp gỡ với nhà truyền thông Lê Văn, ông từng nói rằng sau này cho dù có chống gậy cũng cùng nhau đứng trên sân khấu. Và hôm nay, quả thật sự việc đó đang diễn ra. Nữ tài tử Kiều Chinh nói rằng sau cơn mưa và giông bão của mùa đông là mùa xuân đang bắt đầu bước tới. Bà nói rằng hôm nay là ngày vui của gia đình Từ-Nhã, có các con của Từ-Nhã đến từ Thụy Điển, Houston, có ông anh lớn Doãn Quốc Sỹ, có Lê Văn, Đăng Khánh, Du Tử Lê, Đỗ Quý Toàn, Phan Huy Đạt và nhiều nhiều bằng hữu khác… Nhìn Y Sa, nữ tài tử Kiều Chinh cho biết bà nhớ tới Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến… vô cùng. Bà cho biết hôm nay cũng là đêm kỷ niệm 50 giọng hát của Khánh Ly và cám ơn tiếng hát Khánh Ly. Bà nói dù ca hát 50 năm, nhưng Khánh Ly chưa bao giờ ra mắt CD nào trừ CD "Nụ Cười Trăm Năm" này.

Nhìn bìa sach tuyển tập ca khúc "Nụ Cười Trăm Năm" của Trần Dạ Từ, nhìn hình bìa, được layout bởi Chấn Lê - con trai của nhà thơ Trần Dạ Từ, nữ tài tử Kiều Chinh lấy làm thích thú về chân dung của tác giả bị che khuất một nửa bằng màu đen thật đậm. Bà giải thích có lẽ đó là khoảng đen biểu tượng cho tháng tư đen, cho bao nhiêu mất mát trong những cuộc di tản, lưu vong, và xa cách…

Nguyên Chủ biên Đài tiếng nói Hoa Kỳ Lê Văn, trong lời phát biểu, nói rằng ông rất vui khi có mặt ở đây để nói về nhạc của người bạn quen thân mấy chục năm. Ông nói rằng nhạc của Trần Dạ Từ, trong "Nụ Cười Trăm Năm," diễn tả cảm nghĩ suốt thời gian bị lưu đày trong các trại tù cộng sản như Hàm Tân, Gia Trung, v.v… Ông nhấn mạnh rằng Trần Dạ Từ làm nhạc trong tù mà không thù hận, chỉ nói lên tình người, tình bạn bè, tình quê hương đất nước. Theo ông đó là niềm tự hào và tự tin của một con người bất khuất, đó là tiếng nói của người Việt Quốc Gia mà không một chế độ nào có thể dập tắt được. Ông cho biết trong tuyển tập "Nụ Cười Trăm Năm," ông chọn bài "Trăng Ban Chiều," bởi vì nó ẩn hiện bóng hình một người vợ đảm đang, tận tụy bao nhiêu năm đi thăm chồng trong các nhà tù, nó nói lên mối tình sắt son với chồng, nó trong sáng như mặt trăng.

Nhạc sĩ Đăng Khánh mở đầu phần phát biểu bằng câu hỏi rằng tại sao lại cười" Và rồi ông giải thích rằng cười để khỏi khóc cho quê hương đất nước một thời, nếu không cười không khóc được thì ca. Ông cho rằng dòng nhạc của Trần Dạ Từ là dòng nhạc đặc biệt không giống với bất cứ dòng nhạc nào trước đây, đó là dòng nhạc mà ông gọi là "dòng nhạc chí tình." Kết thúc lời phát biểu Nhạc sĩ Đăng Khánh đọc mấy câu thơ trong ca khúc "Trời Đất Biết Ta" của CD "Nụ Cười Trăm Năm,":

"Em hỏi trời, em hỏi đất

Trời đất sẽ nói cho em nghe

Anh yêu em, anh yêu em dường nào."

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, trong lời phát biểu, đã cảm khái đọc lời của ca khúc "Sinh Nhật Ca":

"Cám ơn em đã tới trong mơ

Mang theo vầng trăng đầy một thuở

Cám ơn em đã nhắc dùm ta

Điều không ai còn nhớ:

Đêm nay sinh nhật ta

Ôi chính đêm này ta có em

Dòng sông thơ dại có trăng rằm

Em áo vàng và em tóc ngắn

Ta đầy nhau và sông đầy trăng…"

Nhà thơ họ Đỗ nói ngay rằng đây là những câu thơ. Ông nhấn mạnh "Trần Dạ Từ lúc nào cũng là thi sĩ." Rồi ông không quên hài hước, nhưng các sĩ khác thì không khờ dại gì mà khai báo thật thà như thế, bởi vì nếu không phải là Nhã Ca mà một người khác thì sẽ tra vấn ông Từ rằng ai là "Em áo vàng và em tóc ngắn." Nhà thơ Đỗ Quý Toàn cho biết ông quen Trần Dạ Từ từ năm 1956, lúc ở ngôi nhà của Nguyễn Thụy Long trong xóm Cầu Kho, với những người bạn khác. Ông kể rằng lần đầu tiên tại hải ngoại ông nghe lại nhạc Trần Dạ Từ là vào năm 1988 ở Thụy Điển, lúc các bằng hữu đón mừng Trần Dạ Từ và Nhã Ca sang định cư. Ông nói rằng lần đó mọi người đều rơi nước mắt khi nghe bài thơ "Ném Con Cho Giông Tố" của Trần Dạ Từ, làm tại trại tù Gia Trung năm 1979. Rồi nhà thơ họ Đỗ đọc lại nguyên văn bài thơ trong xúc cảm:

"Em có lũ con thơ

Bị quê hương ruồng bỏ

Từ bóng tối hận thù

Em nghiến răng

Ném con cho giông tố

Giông tố ngoài khơi xa

Ta gửi người con ta

Xương thịt ta

Tâm hồn ta

Hy vọng ta

Giông tố,

Giông tố ngoài khơi xa

Ta gửi người con ta

Như niềm tin tự do

Từ quê hương mịt mù…"

Bắt đầu phần văn nghệ thân hữu, Y Sa đã giới thiệu ban nhạc The Unison Band với Vũ Quang Trung (Keyboard), Nguyễn Nam (Bass), Lê Từ Phong (Guitar), Vũ Anh Tuấn (Saxophone), và Huy MC (Drums), và mời cử tọa thưởng thức bản nhạc đầu tiên trong chiều thơ nhạc "Nụ Cười Trăm Năm," với ca khúc "Người Đi Qua Đời Tôi," thơ của Trần Dạ Từ, Hoài Bắc Phạm Đình Chương phổ nhạc, qua giọng ca Anh Dũng. Tiếp tục phần văn nghệ thân hữu là các ca sĩ Phạm Đăng Khoa với ca khúc "Thuở Làm Thơ Yêu Em," nhạc của Cung Tiến, thơ Trần Dạ Từ; ca sĩ Trần Đại Phước với ca khúc "Trăng Ban Chiều," nhạc và lời của Trần Dạ Từ; ca sĩ Quỳnh Giao với 2 ca khúc "Nụ Hôn Đầu," thơ Trần Dạ Từ, nhạc Phạm Duy; và "Khi Buổi Chiều Rụng Xuống," thơ Trần Dạ Từ, nhạc của Lại Quốc Hùng. Cuối cùng trong phần văn nghệ thân hữu là ca khúc "Người Ở Với Người," nhạc và lời của Trần Dạ Từ, qua 2 tiếng hát Quỳnh Giao và Trần Đại Phước.

Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa mở đầu phần văn nghệ chủ đề "Nụ Cười Trăm Năm," nói rằng để giới thiệu người bạn lớn của ông, công muốn lưu ý "các chế độ độc tài nên cẩn thận khi bỏ tù các nhà thơ, vì nhà tù có thể biến họ thành... nhạc sĩ." Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa giới thiệu ca sĩ Khánh Ly, người mà ông gọi là tiếng hát huyền thọai đối với giới sinh viên du học tại Paris những năm trước 1975.

Hội trường tắt tất cả đèn điện, chỉ còn những ngọn nến leo lét, huyền ảo, tiếng kèn Saxophone trổi lên du dương, trầm bổng, và êm dịu, tiếng bước chân của người nữ ca sĩ lên sân khấu nhịp đều trong tiếng vỗ tay và reo hò của mọi người. Khi ánh đèn điện sáng lên, Khánh Ly cất tiếng hát:

"Gió lạnh thổi về nỗi nhớ 

Và thổi về một con chim nhỏ

Bên dòng sông đôi cánh vỗ bồi hồi

Mùa Xuân…"

Trong ca khúc "Mùa Xuân," một trong những ca khúc của CD "Nụ Cười Trăm Năm." Khánh Ly tiếp tục trình bày thêm 2 ca khúc khác "Sài Gòn Blues," và "Chết Oan." Rồi Khánh Ly và Quang Tuấn với ca khúc "Anh Yêu Em Vậy Thôi." Sau đó Quang Tuấn đơn ca 2 ca khúc "Như Bóng Quê Xa," và "Sinh Nhật Ca."

Đến đây, nhà thơ Du Tử Lê được mời lên để phát biểu về nhạc của Trần Dạ Từ. Nhà thơ Du Tử Lê nói rằng nhạc của Trần Dạ Từ ngoài tính nhân bản, còn mang tính dí dỏm, thông minh, người thưởng thức có cảm nhận giống như dư vị của tách trà mà lá trà được tuyển chọn kỹ lưỡng. Nhà thơ Du Tử Lê cũng nhấn mạnh rằng chế độ công an, chấp pháp, quản giáo, ăng ten trong các nhà tù của CS cũng không thể giam, theo dõi, báo cáo phần nhân bản trong con người của Trần Dạ Từ. Ông nói thêm rằng, qua dòng nhạc Trần Dạ Từ, nữ ca sĩ Khánh Ly có chân dung và nhan sắc mới, sau 35 năm ở hải ngoại.

Khánh Ly trở lại cống hiến cho người nghe với các ca khúc "Chuông và Mưa," "Vầng Trăng Xưa." Rồi Quang Tuấn và Khánh Ly với ca khúc chủ đề "Nụ Cười Trăm Năm". Khánh Ly cũng đã ca thêm bản "Trời Đất Biết Ta," mà trước đó đã lướt qua.

Đến đây thì nhà thơ Trần Dạ Từ xuất hiện. Mở đầu phần phát biểu, Trần Dạ Từ nói rằng khi sinh ra, bắt đầu học nói thì ông đã cà lăm. Nhưng 14 năm trong tù đã hết, vậy mà hôm nay ông như đã cà lăm trở lại. Nhà thơ Trần Dạ Từ mời người bạn đời Nhã Ca, mà ông gọi là "vầng trăng của tôi," lên sân khấu với ông. Ông bày tỏ lòng cám ơn đến quý anh chị, họ hàng thân tộc, bằng hữu ở xa, ở gần, những người không có mặt hôm nay, những người vì niềm tin mà có mặt hôm nay. Và ông cũng không quên trịnh trọng mời một người bạn tù, mà ông gọi là nhà văn cổ tích, nhà giáo của nhiều thế hệ, cũng là nhạc sĩ, đó là nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ, năm nay đã 88 tuổi, lên sân khấu. Nhân đó nhà thơ Trần Dạ Từ cũng đã kể lại chuyện bạn tù với Doãn Quốc Sỹ, và nhắc đến những người bạn tù khác như Nguyễn Mạnh Côn, Đằng Giao, v.v…

Nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ, trong lời phát biểu, đã nhắc đến nhiều kỷ niệm riêng tư với Trần Dạ Từ lúc còn trong trại tù Gia Trung ở Pleiku. Ông kể rằng trong lúc cùng lao động khổ sai trong đội làm gạch, Trần Dạ Từ thường hát cho nghe những bài nhạc vừa sáng tác. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cũng đã cám ơn các bằng hữu đến để ôn lại chuyện xưa và nghe nhạc Trần Dạ Từ.

Phần hai của chiều thơ nhạc "Nụ Cười Trăm Năm" khép lại lúc 9 giờ tối. Mọi người bắt đầu lấy thức ăn để ăn và cùng nhau hàn huyên tâm sự.

Đến 10 giờ tối, chương trình được tiếp tục với phần cuối. Cử tọa được nghe thêm mấy ca khúc "Đôi Mắt Người Sơn Tây," với tiếng hát của Anh Dũng; "Em Đi Với Con Thơ," với tiếng hát của Trần Đại Phước; "Bay và Rơi," với tiếng hát của Phạm Đăng Khoa; và "Đêm Xuân," với tiếng hát của ái nữ nhà văn Doãn Quốc Sỹ là Doãn Hương.

Chương trình chiều thơ nhạc "Nụ Cười Trăm Năm" kết thúc với phần chụp hình lưu niệm.

Cô Minh Châu đến từ New York nói rằng cô hiếm khi được tham dự một buổi sinh hoạt âm nhạc nào trong cộng đồng người Việt hải ngoại mang nhiều dấu ấn đặc sắc và thú vị như lần này. Cô cho biết qua lời giới thiệu của bạn, cô đã mua vé về đây dù chưa bao giờ biết mặt nhà thơ Trần Dạ Từ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hội Nhiếp Ảnh PSCVN ở Nam Cali, Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi trưng bày cả trăm bức ảnh của hơn 60 hội viên và bạn hữu. Dưới sự hỗ trợ và góp sức của rất nhiều người, thêm sự bảo trợ của Dân Biểu Tạ Trí buổi khai mạc đã diễn ra rất long trọng và đông đảo quan khách tham dự. Người Việt ở khắp nơi đã đến tham dự và xem triển lãm trong vòng hai ngày 26 và 27 tháng Tư, năm 2025 tại phòng khánh tiết của Khu Bolsa Row, trung tâm của thủ đô người Việt tị nạn "Little Saigon". Buổi triển lãm còn có thêm sự góp mặt của Hội Hoa Lan của Ông Hà Bùi với những giò Lan đủ màu được sắp xếp hài hoà trong một khung cảnh lịch sự, ấm cúng và trang nhã. Ngoài ra, Tối Thứ Bảy ngày 26 còn có một buổi văn nghệ giúp vui của Ban Nhạc "No Name Band" do Trần Tùng điều khiển với sự góp mặt của ca sĩ Trọng Nghĩa trong chủ đề Romanza Night.
Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta. Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do. Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.
Diasporic Vietnamese Artists Network – DVAN và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (Vietnamese American Arts & Letters Association - VAALA) hân hạnh giới thiệu chương trình đặc biệt mang chủ đề “Five Decades in Diaspora: A conversation with Viet Thanh Nguyen & An-My Le” (Năm Thập Niên Hải Ngoại: Mạn đàm cùng Việt Thanh Nguyễn và An-Mỹ Lê), nhằm đánh dấu cột mốc lịch sử: 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Chương trình sẽ diễn ra vào Chủ Nhật, ngày 4 tháng 5, năm 2025, từ 1:30 đến 3:30 chiều, tại Delhi Center ở Santa Ana, California.
Thành phố Garden Grove sẽ có buổi lễ tuyên dương những sinh viên đại học sống tại Garden Grove cho thành tích học tập của họ. Các sinh viên undergraduate, post-graduate, hoặc sắp ra trường mùa học 2025 đồng thời là cư dân Garden Grove có thể liên lạc với Thành phố để tham gia chương trình ‘Garden Grove College Graduates' Reception’ được tổ chức vào Thứ Ba, 10 tháng Sáu, 2025. Hạn chót để ghi danh là Thứ Ba, 27 tháng Năm, 2025 trên website ggcity.org/grads.
Năm nào 30 tháng 4 cũng là ngày quan trọng đối với mọi người Việt. Người gọi đó là ngày “thống nhất đất nước”, người thì coi là ngày “quốc hận”. Năm nay là năm thứ 50, dù đứng ở phía nào, chính kiến nào, ngày này lại càng có ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt bởi con số “50” tròn trịa; đặc biệt vì dù được xem là ngày đất nước thống nhất, lòng người vẫn chia xa; đặc biệt cũng là bởi vết thương không lành, còn đầy tủi hờn chưa vơi của nửa còn lại – quốc hận.
Cuộc vui nào rồi cũng tan, buổi sum họp nào rồi cũng phải chia lìa, cho dù cuộc vui, cuộc họp mặt ấy hoan hỷ, thanh tịnh và tràn đầy ý nghĩa. Lễ Phật đản chung ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã khép lại, quý thầy đã quay về bổn tự, quý đồng hương Phật tử về lại nhà và tiếp tục công việc mưu sinh. Đất trời Hoa Thịnh Đốn vẫn trong xanh và cao rộng như tư thuở tạo thiên lập địa. Ấy vậy mà dường như có điều chi khác lạ? Phải chăng là đồng vọng âm thanh và hình ảnh của những ngày lễ Phật đản sinh?
Khi có hỏa hoạn, Bạn phải gọi Sở Cứu Hỏa. Khi Bạn đang ở trong tâm trạng khủng hoảng về tinh thần thì Bạn cần phải làm gì? Hãy liên hệ với OC Links để được tư vấn.
Ngày 4/1/2025, trong phòng House Press Gallery của Capitol Hill, giữa hàng trăm dân biểu chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức, có một người đàn ông gốc Việt, nắm chặt tay cậu con trai nhỏ của ông, đứng trò chuyện với các dân biểu, thượng nghị sĩ khác. Vài tiếng sau đó, cùng với các dân biểu đắc cử trên khắp tiểu bang nước Mỹ, ông đưa tay tuyên thệ, chính thức trở thành dân biểu liên bang gốc Việt đầu tiên đại diện cho Little Saigon trong 50 năm qua.
Trong chuyên mục này, chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức về bệnh loãng xương, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm và chẩn đoán kịp thời, đặc biệt tập trung vào phụ nữ lớn tuổi trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người dân đảo Thái Bình Dương.
Mời tham dự buổi thuyết trình Tư Tưởng Tích Cực Trong Bài Học Tứ Thánh Đế do gia đình Thiền Thực Nghiệm tổ chức vào ngày 4 tháng 5 năm 2025

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.