Hôm nay,  

Câu Chuyện Giòng Chính

10/11/200800:00:00(Xem: 148754)

Câu Chuyện Giòng Chính

Tác giả: Trần Đỗ Cung
Bài số 2452-16208529-vb8091108

Tác giả từng là Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Tế của VNCH thời nội các chiến tranh giữa thập niên 60’. Di tản sang Mỹ năm 1975, ông cũng là người Việt đầu tiên tham dự hệ thống cửa tiệm “7-Eleven” và nhiều năm kinh nghiệm làm ăn trong giòng chính của nước Mỹ. Sau đây là bài viết đặc biệt ông dành cho Viết Về Nước Mỹ. Mong ông sẽ tiếp tục viết thêm.


Trong một buổi họp tại trại Fort Chaffee tôi đã nghe thuyết trình viên nói một cách say sưa về cố gắng bơi vào giòng chính Mỹ Quốc. Nghe hay thật nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tứ cố vô thân, đồng tiền không dính túi ngoại trừ 200 Mỹ Kim nhận được từ Somphot Piaoui và tám lượng vàng y mà thân mẫu đã đưa cho để tìm cách ra khỏi xứ. Ông này thuộc gia đình tỷ phú chủ nhân The Dusit Thani Hotel ở Bangkok mà tôi đã quen biết sau khi về hưu và làm môi giới xây khách sạn có sòng bạc quốc tế tại Sài Gòn trên thượng từng có sàn trực thăng đưa đón khách. Ông Somphot có nhã ý gửi cho món quà khiêm tốn với lời chúc sẽ thành công trong môi trường tư bản thích hợp.
 Tuy nhiên đó là một đề tài suy nghĩ nhiều đêm. Tôi nhớ đến bài học của Rockefeller bắt đầu đi nhặt đinh thùng tại bến tầu New York rồi cần cù làm nghề bán sắt vụn để trở thành tỷ phú, xây cất the Rockefeller Center ở New York. Lại nhớ đến trường hợp Conrad Hilton với 50 Mỹ Kim trong túi đã dựng cả một cơ đồ khách sạn Hilton khắp nơi trên thế giới. Cũng như trường hợp Sochiro Honda là cha đẻ của Honda Motors đã sửa xe đạp bên lề đường trong một túp lều làm bằng thùng cạc-tông khi Thế Chiến II kết thúc. Rồi miên man nghĩ đến các chú khách buôn bán lạc xoong, các chú chệt đi mua tóc-rối-đổi-kẹo ở Sài Gòn, như trường hợp tỷ phú Hùi Buôn Hỏa hoặc Trần Thành với nhà máy Vimitex, Vinatefinco. Dùng kiến thức sẵn có vào một môi trường kinh tài thuận lợi tại sao ta không có thể bắt đầu khiêm tốn lội trong cống rãnh để hy vọng có ngày rò rỉ ra sông lớn được"
Một hôm do một tình cờ, một đại điền chủ nuôi bò sữa ở Fort Smith vào Fort Chaffee đưa đề nghị ký hợp đồng làm quản lý trại bò sữa của ông ta với thù lao tiên khởi 800 mỹ kim. Thật là một dịp may trời cho vì thật ra ông ta dò la biết tôi đã tốt nghiệp khóa học Dairy Husbandry của Lương Nông Quốc Tế tại UP Los Banõs mà giám học là kỹ sư Stobberup của Hòa Lan. Cùng một ngày tôi được trại thông báo là nhà thờ Saint Timothy Lutheran Church ở Monterey sẵn sàng bào trợ cho gia đình về Monterey định cư với con trai lớn Tuấn Anh đang học tại Monterey Peninsula College. Mục đích đầu tiên là gia đình xum họp đầy đủ trên đất mới nên tôi đã tạm hoãn đề nghị chăn bò hấp dẫn này cho đến khi định cư xong.
 Nói đến sự bảo trợ của nhà thờ thì như tôi hiểu khi có một sắc dân nào được chính phủ Mỹ đề nghị cho tỵ nạn thì Quốc Hội chấp thuận chuẩn chi một món tiền phí tổn tương ứng. Nhiều cơ quan thiện nguyện nhẩy vào đảm nhận công việc nhân đạo này tùy theo khả năng và quá trình. Bởi vậy dọc theo đường phố chính Fort Chaffee đã mọc ra các văn phòng của Công Giáo USCC, Tin Lành Lutheran, Do Thái Giáo v.v. là những cơ quan từng lo việc này từ khi lập quốc. Hình như họ được cấp một ngân khoản chi phí điều hành tính theo mỗi đầu người họ bảo trợ.
Theo tin đồn thì USCC sẽ cho mỗi gia đình họ bảo trơ $300 mỗi đầu người. Như vậy đi với USCC thì gia đình tôi cũng sẽ được một món tiền quá thơm $1,500. Tuy nhiên Lutheran không làm như vậy vì họ đề nghị với Bộ Ngoại Giao bỏ số tiền thặng dư vào quỹ Refugees Enrichment Fund cho đối tượng vay không lãi rồi trả góp tùy khả năng qua nhà thờ bảo trợ,
Đến Monterey là một địa phương thanh lịch hiền hòa khí hậu tốt nên tôi quyết tâm ở lại. Ngay hôm sau Mục Sư Lineberger đưa ý kiến là không nên xin oeo-phe rồi hướng dẫn tôi viết đơn xin việc nhiều nơi kê khai quá trình kinh nghiệm tùy nơi xin việc. Nào là La Canãda Country Club ở Carmel Valley với kinh nghiệm quản lý câu lạc bộ không quân Huỳnh-Hữu-Bạc, nào là cửa hàng quần áo thời trang Ladies and Gents Wear trong trung tâm sang trọng Carmel-by-the-Sea đưa ra kinh nghiệm tổ chức trình diễn thời trang với La Maison Rouge ở Sài Gòn. Thấp nhất là phục dịch trong tiệm McDonald đứng nướng lật hăm-bớc-gơ bên bờ hồ El Estéro. Tuy nhiên mất công ăn nói nhưng chẳng có nơi nào nhận mình, chỗ nào cũng lịch sự cám ơn bảo rằng khi nào cần sẽ liên lạc tiếp xúc.
 Cuối cùng là cửa hàng mãi hóa to lớn JCPenney of Monterey mà quản đốc là người gốc Đan Mạch Kirk Hiassen. Ông mục sư đưa tôi vào giới thiệu rồi lui ra ngoài để cho tôi tự mình biện bạch. Sau ngót nửa giờ vấn đáp ông chủ có vẻ xiêu lòng và nói hiện tại đang thiếu một chân bán giầy nhưng điều chính là phải tỏ ra quan hệ tốt đẹp với khách hàng và học hỏi các kỹ thuật về giầy dép. Ông ta cho tôi thử mỗi ngày 5 giờ dưới sự điều khiển của ông quản đốc ban giầy dép Gail Cantrell, một người rất khó tính với 25 năm trong nghề. Tôi cám ơn ông chủ và thêm rằng xin đừng trả lương cho đến khi tôi chứng tỏ đủ khả năng thì được ông ta mỉm cười nói, theo luật đã làm thì phải thù lao và lương giờ đầu tiên của tôi là $2.65.
Chưa có thể nói là tôi đang mon men đi vào giòng chính nhưng được lọt vào thị trường lao động ở lúc khó khăn thời bấy giờ quả thật là một cơ may hiếm có. Sáng sớm đi làm tại Alvaredo Street bằng xe chở khách công cộng tôi cũng khoác chiếc áo vét-tông ngoài rộng thùng thình lấy được tại đống quần áo cũ ở nhà thờ Saint Angela, cổ thắt cà- vạt trông bề thế như hồi xưa quyền cao chức trọng ở Sài Gòn khiến bà xã có vẻ yên tâm. Đến sở làm trước khi cửa hàng mở cửa đón khách vào thì thấy một cảnh tượng lạ lùng. Đó là từ chóp bu xuống, từ ông Kirk Hiassen đến bốn quản đốc khu vục là Gail Cantrell, Jimmy Ford, bà Mary phụ trách khu trang phục và bà Elfride Morgan khu mỹ phẩm, đều trút bỏ áo vét, sắn tay sơ mi lên, cầm chổi chà, khăn lau, phất trần, đẩy xô nước dọn dẹp quét tước hút bụi cho mọi vật láng bóng trước khi mở toang cửa chính đón khách vào mua sắm. Lạ lùng thật là vì chính mắt nhìn thấy cái cảnh bình đẳng không quan liêu chức tước như ở xã hội phong kiến bên nhà.
 Sau hai tuần tập sự, nhớ hết danh số và mẫu mã cùng tên gọi và cấu tạo các kiểu giầy dép, tôi được cắt làm việc toàn thời gian nghĩa là mỗi ngày tám tiếng ngoại trừ giờ phụ trội được trả gấp rưỡi theo thông lệ. Rồi Gail Cantrell thả tôi một mình phụ trách toàn ban giầy, lo sắp đặt trưng bầy chiêu hàng và tiếp đãi khách mua hàng. Được khách chiếu cố, bán được nhiều món hàng mỗi lần (multiple sale) nên tôi được thưởng một bộ quần áo lựa chọn lấy trong số hàng sẵn có trưng bầy trong tiệm. Có một khách vào gặp ông chủ chính đề nghị cho Kantrell nghỉ để tôi thay thế. Do đó tôi được huấn luyện lên chức quản đốc khu vực với lương tuần $275.00 và có bàn giấy với điện thoại riêng. Nghe thì có vẻ xuông xẻ dễ dàng nhưng thật ra đòi hỏi cả một cố gắng phi thường, cắn răng chịu đựng, giải trừ mặc cảm, xóa bỏ hẳn cái ta cũ không còn thích hợp nữa. Ai đời một quan chức bề thế ở Sài Gòn lại phải quỳ một gối xuống sàn nâng niu mấy cái bàn chân nặng mùi đo đạc để "ca bài con cá" mua kiểu này kiểu nọ.
Có thu nhập khả quan tôi nhận trả tiền thuê nhà mà từ đầu vẫn do nhà thờ Luthéran lo liệu. Mỗi đầu tháng tôi đưa tiền mặt đến văn phòng Shankle Realty trả tiền. Một lần tôi gặp Greg Shankle và ông ta mời tôi vào văn phòng nói chuyện. Ông này trông đặc biệt giống Tổng Thống Jerry Ford. Sau khi chuyện trò ông ta thấy trình độ hiểu biết của tôi và nói, với khả năng anh nên đi vào thương trường thì hơn vì đồng tiền của JC Penney chỉ là pennys thôi. Tôi nói là hiện tôi không có tiền thì ông bảo ở xứ này nhiều khi không cần tiền mà chỉ cân ý chí và hiểu biết. Rồi ông chỉ qua bên kia đường đang xây một 7-Eleven với bảng "cần franchisee". Ông cắt nghĩa cho tôi về hệ thống bán lẻ này và franchise là như thế nào. Rồi ông đề nghị liên lạc hộ tôi nếu muốn.
  Mấy tuần sau tôi được cô Kathy Letterman của 7-Eleven liên lạc qua điện thoại. Kathy đến gặp tôi tại tư gia 37 Ralston Drive, trình bầy về 7-Eleven và cắt nghĩa sự hợp tác cần thiết lao-tư-lưỡng-lợi như thế nào. Tôi ký giấy xin tham gia nhưng khi Kathy nói là có cả thẩy mười bốn người cùng đứng tên xin thì tôi không thấy mảy may hy vọng. Tôi vẫn tiếp tục mỗi ngày đến cửa hàng làm việc, luân phiên qua tất cả các khu vực. Có ngày tôi được cắt phụ trách kiểm kê toàn bộ. Công việc làm suốt đêm cho xong vì cửa hàng vẫn phải lo phục dịch khách hằng ngày. Tôi họp toàn thể nhân viên từ trên xuống đến cai kho và các nhân viên lau dọn janitors, phân chia phần vụ theo sơ đồ cửa hàng rộng lớn, đánh số khu vực và cách thức kiểm kê chính xác. Từ chủ chính xuống đến lao công đều răm rắp nghe lệnh tôi. Công việc bắt đầu lúc chin giờ tối khi đóng cửa thì đã được hoàn tất đúng bốn giờ sáng hôm sau. Tôi thấy hãnh diện qua sự thử thách này và suy tưởng lại kinh nghiệm Siêu Thị Nguyễn Du khi xưa mà rùng mình với cái thơ lại quan liêu trong hành chánh xứ ta và thiếu hiều biết của chính mình..
Suốt mấy tháng trời làm việc trôi chảy rồi được lên lương và được ông chủ Kirk Hiassen nói là khả năng làm việc của tôi sẽ đưa tôi lên làm quản đốc cả một đại thương xá như ông ta. Nhưng rồi tôi được The Southland Corporation thông báo là chấp thuận cho tôi làm chủ cửa hàng 7-Eleven ở Seaside thì tôi xin thôi việc. Ông Hiassen tỏ ra tiếc và nói đó là con đường nhiều kỳ vọng cho tôi tuy nhiên nếu không thành công thì JC Penney sẵn sàng giang rộng vòng tay đón trở lại. Thả mồi bắt bóng chăng" Hay là cứ thử một keo vì thời gian còn nhiều cho một gia đình còn chân ướt chân ráo trong môi trường mới của xứ này"
 Hai vợ chồng chúng tôi đến văn phòng địa phương district 2233 của hãng ở Aptos gần Santa Cruz thì gặp cả một bộ tham mưu năm người đón tiếp. Đứng đầu là Bill Ososki giới thiệu chúng tôi cho phụ tá Pete Lawson, bà trưởng ban tài chính, bà văn phòng trưởng và cô Kathy Letterman đã quen biết. Chúng tôi đã mất nhiều thì giờ tìm đường đến địa điểm nằm trên xa-lộ-Một quanh co ven sườn núi. Họ đưa chúng tôi qua phòng họp. Sau các câu hỏi và trả lời thì đến vấn đề tiền mà tôi đã cho cô Kathy biết trong những lần tiếp xúc. Cần phải chung đậu $10,000. trong số có $7,000 do con gái Bích Thủy du học bên Pháp đang chuyển ngân qua. Phần còn lại đã được quỹ Refugees Enrichment Fund của hội Lutheran Services ở New York hứa cho vay trả góp không lãi qua Saint Timothy Lutheran Church.
Sau khi ký khế ước chúng tôi nhận vé máy bay đi thụ huấn tại San Diego kèm với phòng khách sạn đã dành sẵn. Thời gian học tập là ba tuần và mọi sự xếp đặt ngăn nắp giống như hồi xưa tôi đi thụ huấn Tham Mưu Trung Cấp Không Quân Mỹ tại Maxwell Field Alabama.
Bước đầu vào giòng chính có vẻ hết sức hoàn mỹ trơn tru. Chúng tôi thống 7-Eleven. Không phải vì vốn liếng ít ỏi bỏ ra mà vì đã chứng tỏ khả năng hội nhập môi trường thương mại với JC Penney. Các giáo sư trẻ và đầy đủ khả năng luân phiên huấn luyện, kỹ thuật mãi hóa, trưng bầy, chiêu mại, chiêu khách, tính giá bán lẻ, lời xổi và lời ròng và nhất là việc kiểm hàng bằng phương pháp kiểm kê định kỳ và kế toán. Cũng phải kể đến những biện pháp an ninh cần thiết, đề phòng trôm cắp và nhất là các vụ cướp có vũ khí. Đề tài này rất hệ trọng do giáo sư Thompson là một tướng cướp đã qua mười lăm năm San Quentin vì các vụ cướp bạo hành. Ông này có cặp mắt sắc, khi lễ phép hôn tay nhà tôi đã để ý thấy ngay chiếc nhẫn hột xoàn to đẹp và nói ngay lời khen ngợi. Nhưng nay đã hoàn lương và được hãng mướn làm cố vấn an toàn, ăn mặc lịch sự chải chuốt như một doanh gia thứ thiệt.
Sau ba tuần thụ huấn chúng tôi phải qua trắc nghiệm trước khi được giao cửa hàng mới tinh làm chủ và làm lễ khai trương rầm rộ có sự tiếp tay của toàn thể nhân viên district, với quảng cáo hót-đốc 5 xu, cà-phê miễn phí và bong bóng ngũ sắc thả bay ngợp trời. Báo địa phương The Monterey Herald chạy tít chào mừng nồng nhiệt.
Thế là gặp may mà ngoi vào giòng chính một cách không ngờ. Nhưng suốt trong hai mươi năm làm chủ đã trải qua những khó khăn nhiều khi đe dọa an ninh bản thân phải có những sự che chở nhiệm mầu thần quyền, sự áp dụng các điều học hỏi và lòng quyết tâm bền chí vượt qua các trở ngại. Có những ngày làm việc không ngừng nghỉ 24 trên 24 vì nhân viên làm đêm không đến. Về nhà luôn lo âu, tối lên giường ngủ khi nào cũng như túc trực hành quân hồi xưa trong quân ngũ. Nếu khi xưa với bộ tờ-rây-y, mũ sắt và khẩu súng lục kè kè thì bây giờ mặc sẵn bộ Jean, đôi giầy để cạnh giường với một hộp đồ nghề đầy đủ cưa đục búa kìm. Và ngay đầu giường phải có cái điện thoại reo lúc nào không biết trong đêm căng thẳng.
Mọi người trong gia đình đều bắt tay vào việc, các con thì vừa đi học vừa đi làm. Tôi phải gánh vác hết trách nhiệm trong khi bà vợ còn bỡ ngỡ và sợ sệt cả Mỹ đen lẫn trắng. Nào là tuyển và huấn luyện nhân viên nhất là nhân viên phụ trách ca đêm. Nào là tiếp cận với người giao hàng, kiểm soát kỹ lưỡng hàng vào trước khi cho họ xếp lên kệ theo đúng sơ đồ. Lại còn phải lo kết toán mỗi ngày rồi đem số thu bỏ vào chương mục ở Bank of America kế cận. Tôi còn nhớ những ngày đầu xách bị tiền qua ngân hàng vừa đi vừa tủm tỉm, đâu có ngờ mà lại ngoi vào giòng chính một cách nhanh chóng như vậy.
Đêm bán hàng Giáng Sinh đầu tiên năm 1977, vì hồi ấy chỉ có 7-Eleven là luôn luôn mở cửa, nên khách vào lũ lượt, cái gì cũng mua, két bán hàng tự động reo không ngừng nghỉ. Phải đến gần mười hai giờ khuya chúng tôi mới ra khỏi tiệm để ghé đến nhà hàng ăn Dennys gọi đĩa cơm gà tây với khoai tán tiêu biểu ngồi ăn rề-vây-ông một cách ngon lành. Trong nhà hàng Dennys trưng bầy cây Noel xanh tươi trước lò sưởi ấm áp. Bỗng nhiên đến nửa đêm nổi lên điệu Giáng Sinh Tuyết Trắng do Bing Crosby hát làm tôi bồi hồi liên tưởng đến bài nhạc này ở Sài Gòn là ám hiệu sự di tản của Mỹ đánh dấu tình hình bi thảm cùng cực cho dân tộc Việt.


Con đường vào giòng chính mở rộng như xa lộ thênh thang một chiều tuy phải luôn luôn cảnh giác theo đúng luật xa lộ để khỏi bị CHP chớp đèn hú còi đậu lại. Có một vài khó khăn vặt vãnh như nhân viên nghỉ bất tường. Hay một đêm đang ngủ say sưa thì điện thoại reo vang và nhân viên báo là có ai cán bể ống nước trên vườn hoa khiến cho nước phun lên như vòi rồng. Khuya không thể gọi thợ sửa cấp kỳ mà như vậy thì trong tiệm sẽ không đủ áp xuất nước và cà phê sẽ không có cho khách lũ lượt tự 5 giờ sáng với ly cà phê và đô-nớt hay xăng-đuýt khi đi làm. Ngoài tỷ lệ lời cao của cà phê lên đến 75% ra, phải nói là cà phê đưa đến good will cao (hay tạm dịch là tín nhiệm, hảo ý) hết sức quan trọng. Tôi vội vã xỏ giầy và xách thùng đồ nghề ra cửa hàng. Suy nghĩ chỉ thấy tốt nhất là cưa cụt ống dẫn nước tưới vườn, rồi tìm cách nút lại để nước chẩy vào tiệm. Loay hoay hì hục mãi tôi đã làm xong và dùng một khúc cán chổi mắm môi mắm lợi đóng bịt kín đầu ống. Quần áo và đầu tóc ướt sũng trong khi trời đêm Monterey lạnh ngắt và sương mù dầy đặc. Không thấy lạnh chỉ cảm thấy bừng bừng, tôi vào tiệm rót một cốc sô-cô-la nóng trước khi về nhà ngủ nốt đêm để trước 7 giờ sáng lại phải có mặt đổi phiên.
Vào giòng chính là phải theo đúng luật lệ. Thuế má phải đúng kỳ và chi li không sai sót. Nào là thuế lương bổng nhân viên, thuế mãi dịch, thuế bù-trừ-lao-động, thuế lợi tức cá nhân, mỗi thứ đều có thời kỳ phải trả. Thương vụ tăng tiến đều đặn từ con số không khởi thủy đã vượt quá một triệu hết năm với mức lời ròng 12%. Thuế lợi tức cao chóng mặt và ngày 15 tháng Tư viết chi phiếu trả cho sở thuế thấy đau lòng và quá tiếc. Khi phàn nàn với ông bạn Greg Shankle thì được câu trả lời sắc cạnh, "hệ thống tư bản mà, san sẻ công bằng! Phải tiêu đi không có họ lấy hết"! Tiêu cái gì đây cho hợp lệ" Vợ chồng tôi bèn đi dự các cuộc họp, hội chợ và hội thảo thương mại. Nay Las Vegas Réno, mai Washington DC, rồi London, Hongkong, Bangkok, cruise ships, chi tiêu hợp pháp cũng được sướng vào thân. Nhưng kết quả là thương vụ cũng tăng tiến không ngờ để lại phải chi-ra-không-thì-mất. Thật là một cái vòng luẩn quẩn của luật thuế tư bản mà những người viết nó ra thật là số một, đã tiên liệu đủ trường hợp.
 Tôi cũng phải nói thêm về công việc từ thiện. Ở xã hội này làm từ thiện không phải là hoàn toàn vô vụ lợi như quan niệm của ta! Từ thiện sẽ đem lại tín nhiệm (good will) nghĩa là sẽ làm tăng tiến thương vụ và lời lãi. Câu đầu tiên được nhắc nhở trong thời kỳ huấn luyện là không có cái gì trên cõi đời này cho không cả (nothing is free in this life). Người ta cho mình một cái gì thì người ta trông đợi mình sẽ trả lại tương xứng. Thì cũng như trong xã hội ta từ ngàn xưa đã áp dụng câu "tiền trao cháo múc" hay "ăn miếng trả miếng" hoặc "bánh ú đi bánh giầy lại". Tuy vậy ta không bao giờ thực hiện một cách máy móc vì còn phải kể cái sĩ diện to tướng của mình. Theo lời cố vấn của hãng, chúng tôi đã chọn hai hội có uy tín nhất để giúp đỡ hằng năm. Đó là MDA (Muscular Distrophy Association) tức hội trừ bệnh teo cơ bắp của Jerry Lewis và hội MOD (March of Dimes) quyên tiền cho bệnh tê liệt trẻ em bắt đầu từ thời Tổng Thống Roosevelt. MDA thì phát động mỗi năm vào đầu tháng Chín và MOD thì vào đầu tháng Tư.
Trước tháng 9 tôi đã để hộp quyên tiền cho MDA trên quầy tính tiền để mời khách bỏ tiền lẻ vào. Nhưng phải luôn có lời nhắc khách vì "không-nhắc-thì-ai-biết-mà-cho". Nhận thấy rõ ràng là cánh lao động thợ thuyền tay cáu đen dầu mỡ khi nào cũng sẵn sàng rộng lòng hào hiệp hơn là các vị ăn mặc sang trọng. Có lần tôi cắm lều trên nóc tiệm và sống trên ấy suốt một tuần lễ, ròng thùng-xô xuống kêu ông-đi-qua-bà-đi-lại bỏ tiền vào. Kết quả trong một tuần tôi đã thu được $8,000 cho MDA. Một lần khác tôi chơi trò "dunk tank" nghĩa là bồn nước ngập đầu. Một bồn đầy nước đặt dưới chiếc ghế treo lơ lửng bên trên. Tôi leo lên ghế và được kéo lên. Ai muốn chơi thì mua vé $5.00 lấy một trái banh nhắm đúng dây treo mà ném. Ném đúng thì chiếc giây sút ra và tôi rơi tõm xuống bồn nước lạnh ngắt. Suốt ngày cũng thu được vài trăm bạc đưa đến những trận cười khoái trá của các nhà hảo tâm. Năm nào chúng tôi cũng lấy chức quán quân quyên tiền và cũng được giải thưởng đi du hí miễn phí một tuần lễ Hawaii, Québec City hay Norwegian Cruise trên bãi bể Caribbean.
Cho MOD cũng vậy, tôi hăng hái đi bộ 20 dặm mỗi đầu Xuân thu tiền của những khách hàng ký hứa cho bao nhiêu tiền mỗi dặm đi được. Cuộc đi đầu tiên là ở San Francisco qua nhiều cảnh đẹp và khi về đến sân vận động tỉnh thì đã co sẵn một chiếc bánh khổng lồ to bằng chiếc chiếu được cắt ra cho mọi người thưởng thức. Một lần khác đi dọc bờ bể Santa Cruz, khi đi thì gió xuôi mà lúc trở về lại bị gió ngược. Trước khi bắt đầu có sẵn cà phê nóng và đô-nớt cho mọi tham dự viên tỉnh ngủ. Trong ba năm tham dự Walk-America tôi đã đưa về cho MOD hơn $30,000. Phần thưởng đặc biệt nhất là đã được ở một tuần tại khách sạn sang trọng nổi tiếng El Conorado trên bờ bể San Diégo đã từng đón tiếp Quận Tước Windsor và bà Lady Simpson. Chúng tôi cũng vinh dự được ngồi ăn cùng bàn sát cánh Bác Sỹ Jonathan Salk, cha đẻ thuốc Salk chủng ngừa tê liệt trẻ em mà hồi nào bao nhiêu gia đình Sài Gòn đã sốt vó lo lắng.
Ngoài những công việc buôn bán lặt vặt kèm theo các thú vui đặc biệt hưởng qua những kẽ hở của luật thuế ra, có nên kể những rủi ro nghề nghiệp khi vào giòng chính chăng" Một sáng Thứ Bẩy tuyệt đẹp trời xanh thẳm, ánh nắng chan hòa, sau khi đã kết toán xong số thu ngày qua, tôi lái xe đem túi tiền đến lỗ bỏ tiền của Wells Fargo Bank. Đậu xe xéo vào lề, nhìn ngang nhìn dọc thấy mọi sự bình thường, tôi liền bước xuống xe mở lỗ bỏ bị tiền thì bỗng nghe tiếng chân chạy xầm xập với câu hô to, "This is a hold-up". Quay lại thì thấy một khẩu súng đen ngòm với một bàn tay dật phắt túi tiền chạy đi ngay. Tôi chỉ kịp nhận diện qua loa tên cướp da đen, đeo kính mát, đội mũ lưỡi trai, chạy về phía sau trên đôi giầy vải trắng và mặc chiếc quần bò phai mầu. Theo xe cảnh sát về đồn tôi ngồi xem bao nhiêu là an-bom ảnh các du thủ du thực hơn một giờ nhưng không nhận mặt được ai cả.
  Vài tuần sau người ta tóm được tên cướp, thu lại túi tiền đã rạch và bên trong chỉ còn các chi phiếu và tem thực phẩm. Tôi phải ra hầu tòa trực diện với luật sư của gia đình tên tội đồ là một công tử con nhà gia thế nhưng mắc vào ma túy. Sau hơn nửa giờ đối chất căng thẳng quan Tòa liền hỏi tôi có nhận diện hung thủ ngồi trước mặt không thì tôi chỉ tay vào y mặc bộ đồ tù và hai chân bị xích rồi nói đúng hắn. Nhà tôi quá sợ nói tại sao anh lại điểm mặt hắn để hắn trả thù thì sao" Trong một xã hội tự do với luật pháp nghiêm minh thái độ của tôi chính đáng. Từ đó về sau trong suốt mấy tuần lễ ngày nào tôi đem tiền đi ngân hàng đều có xe cảnh sát đến hộ tống.
Tôi phải kể một chuyện hy hữu đã xẩy ra cho chúng tôi. Hôm ấy, vào khoảng 9 giờ sáng khi đám khách cà phê sáng đã vãn và tôi đang lúi húi xếp sữa lên kệ trong phòng lạnh thì bỗng nhiên nghe tiếng rầm và rung chuyển như thể có động đất mạnh. Tôi hốt hoảng chạy ra thì thấy cảnh tượng đổ vỡ, bà xã mặt tái xanh tái xám và anh chàng giao hàng Place & Gera mặt cũng không còn giọt máu. Kệ ngoài cùng bị xô vào trong, kệ chiêu mãi Pepsi 2-lít nằm lăn dưới sàn và các chai lăn long lóc bật nút xịt chạy như các rốc-kết. Ngay giữa cửa hàng lại nằm chềnh ềnh một chiếc Cadillac xanh đậm như trong phòng trưng bầy bán xe hơi vậy. Cảnh sát đến ngay chăng băng cô lập trước cửa hàng mà tất cả kính mặt tiền đều vỡ toang trống hốc trống hoác. Người lái xe là một cụ lớn tuổi đã luống cuống thế nào mà nhận bàn ga chớ không phải bàn thắng. Xe cứu thương đã kéo cụ ra không xây xát và đưa cụ đi bệnh viện.
 Đại diện hãng cũng đến cấp kỳ, thuê người dọn dẹp, sắp đặt lại kệ hàng và cửa hàng lại mở cho khách vào như trước. Rất may là không có ai bị thương khi chiếc xe phóng qua bậc thềm. Khách hiếu kỳ đổ vào đông hơn bình thường. Có bà đến đem khay đố ăn cho nhà tôi, bà khác lại đem hoa đến tặng, mắt ngấn lệ ôm chầm lấy bà chủ và nói "Xin đừng bỏ chúng tôi"! Thật là khác hẳn bên nhà mà tiêu chuẩn là tụi buôn bán thuộc hạng cùng đinh trong xã hội "sỹ-nông-công-thương". Nghĩa là nếu trường hợp như vậy xẩy ra thì đừng hòng có hoa của hàng xóm mà chỉ có trong đầu, cho mày chết, đồ móc túi. Kết cục thương vụ trong ngày gấp đôi bình thường và đó cũng là bài học vào giòng chính.
 Tôi đã là nạn nhân của mấy vụ cướp có khí giới. Vụ đầu tiên xẩy ra khi tôi bị gọi ra lúc ba giờ sáng thay cho một bà làm đêm bị cảm. Sau khi kiểm két chuyển qua, tôi bỏ số tiền quá nhiều vào bao số 30 và ném xuống két an toàn. Vừa xong thì chuông cửa reo báo có khách vào. Như thường lệ tôi nói lời chào ngắn gọn để nhìn thấy một anh Tầu cao lớn bước vào, đi vòng qua các của phòng lạnh rồi đến phía máy cà phê. Tôi chưa kịp phản ứng thì, nhanh như cắt hắn đã phóng vào sau lưng tôi, mồm nói giọng Mễ "đưa hết đi" mà tay thì ấn một vật nhọn ngay giữa sống lưng tôi. Tôi bình tĩnh bấm nút mở két cho hắn vơ, đầu óc tỉnh táo nhớ câu học nằm lòng "an toàn bản thân là ưu tiên số một; thất thoát đã có bảo hiểm lo"! Chuông cửa reo báo hiệu có khách nữa vào và tên cướp vội tẩu thoát. Cảnh sát đến lập biên bản và nói bên Mễ nhiều dân gốc Tầu lắm, tên này chắc ghé qua kiếm chác ít tiền trước khi trở về bển.
Tôi nhớ rõ đêm 31 tháng Chạp năm 1992 trời mưa nặng hạt. Tôi thao thức không ngủ được và khoảng 4 giờ sáng lái xe ra cửa hàng Salinas. Đây là cửa hàng thứ hai mà tôi được hãng cho mua dùng vốn của cửa hàng đầu tiên và không phải bỏ tiền nhà ra. Tôi đậu xe bên hông tiệm ngồi nghe âm nhạc vô tuyến trong khi tiếng mưa lách cách rơi. Bỗng tôi nhìn thấy bên kia đường một người cao lớn băng qua và nghĩ bụng lại một anh chàng thèm cốc cà phê sáng sớm nên đụt mưa qua 7-11. Lúc anh da đen này bước lên thềm trước tiệm thì dừng lại rũ nước và dơ tay phủi đầu. Tôi xuống xe bước lên lề và nói câu chào ngắn gọn của Mỹ "hi"! Nhưng hắn phóng lên như một cầu thủ bóng bầu dục, ôm ngang lưng nhấc bổng tôi lên và đè tôi xuống đất. Tôi dẫy rụa thì hắn lật tôi sấp mặt xuống và móc lấy cái bóp trong túi sau rồi chạy mất dạng. Quần áo ướt sũng một chiếc giầy bị đứt quai, tôi vào tiệm gọi cảnh sát thì nhân viên ca đêm không hề hay biết gì hết. Sau khi cảnh sát làm tờ trình xong tôi vào văn phòng dùng điện thoại trong gần một giờ đồng hồ cho các hãng thẻ tín dụng thông báo để họ bỏ thẻ cũ đi thay thế thẻ mới. Cũng may là tôi đã nghe lời khuyên in tất cả thẻ tín dụng và bằng lái xe cất trong ngăn kéo của mình nên công việc đã trôi chảy nhanh chóng. Và tôi đã bỏ hết các thẻ Diners Club, Carte Blanche, Master Card, Discover, để chỉ còn giữ có Visa và American Express mà thôi. Sáng sớm phải đến DMV sắp hàng xin lại giấy tạm.
Có loại hàng như bia rượu thuốc lá phải bán theo luật lệ quy định tuổi tác và giờ giấc. Thỉnh thoảng cơ quan kiểm soát ABC lại thuê người chưa đến tuổi đi mua bia rồi về phúc trình cho họ. Một hôm nhân viên ca chiều đã bán một lon Budweiser cho một thanh niên râu xồm xoàm nhưng thật ra còn thiếu vài tháng quy định. Tên này là con mồi do ABC thuê làm bẫy. Sáng hôm sau tôi bị gọi trình diện bà giám đốc ABC (Alcoholic Beverages and Cigarettes). Bà ta lạnh lùng đưa ra phúc trình của con mồi ghi rõ trường hợp sai phạm và ngày giờ với tên nhân viên bán. Không có gì nói được tôi chỉ lặng thinh nghe bà ta phán, "một lần nữa là mất môn bài rượu, lần này cho chọn một trong hai quyết định, phạt $200 hay cấm bán rượu trong một tuần lễ". Tôi đồng ý nộp phạt ngay vì bỏ một tuần lễ bán bia hại cho thương vụ nhiều lắm. Trở về cửa hàng phải họp nhân viên cấp kỳ cho họ biết rõ ràng sự việc và trách nhiệm.
Tôi phải ra hầu tòa một lần nữa. Tôi bị một khách hàng kiện vì sàn có nước trơn làm cho anh ta bị té ngay trước quầy tính tiền và bây giờ phải dùng nạng. Hắn đòi bồi thường $20,000. Ra tòa có luật sư đem trình băng thu hình cho thấy đương sự đi vào tiệm với hai cái nạng dưới nách và giả vờ trượt lúc trả tiền. Mất thì giờ, mất tiền luật sư và khi đi ra khỏi phòng xử lại còn bị hắn nghênh mặt trợn mắt chửi thề khiếm nhã.
 Có một câu chuyện buồn cười xẩy ra mà nay tôi mới kể lại. Từ khi mở cửa hàng lúc nào sáng sớm cũng có vài học sinh nam nữ vào mua các thứ lặt vặt. Có một cô bé độ mười tuổi luôn nhí nhảnh mua thỏi kẹo hay chai nước. Vài năm sau cô bé nẩy nở thành một thiếu nữ mười bốn mười lăm phốp pháp. Hôm ấy cô bé không đi học và vào tiệm lúc chin giờ sáng đứng trước quầy chuyện trò với tôi một cách hồn nhiên bả lả. Bỗng nhiên cô ta vén áo lên để lộ hẳn cặp nhũ hoa bắt mắt trắng hồng. Tôi nói ngay coi chừng con mắt ca-mê-ra nhìn thấy hết và cô bé vội thả vạt áo xuống. Lẽ cố nhiên tôi cũng nóng mắt lắm nhưng e sợ phạm tội xúi dục tình dục vị thành niên có khi mất nghiệp và thân bại danh liệt chắc chắn!
Qua loa kể lại một vài kinh nghiệm cá nhân trong suốt thời gian làm chủ nhân ông. Kể ra thì cũng học hỏi được nhiều cái hay và có dịp chung đụng với mọi khía cạnh của xã hội tư bản. Nhờ thế mà tôi thấy rằng tư bản không có nghĩa là bóc lột mà trái lại phải nói là sòng phẳng và thật thà. Bởi vậy Mỹ Quốc mới tiến bộ để trở thành đệ nhất cường quốc.
 Xã hội ta đã bị ràng buộc từ bao nhiêu đời bởi những đạo đức du nhập Khổng Mạnh bất di bất dịch thì nay lại rơi vào quốc nạn cộng sản vô luân. Khi các anh Việt Cộng gần sập tiệm nên phải mở cửa cho tư bản vào. Song chúng tập tành theo kinh tế thị trường với cái đuôi vô duyên "theo đường hướng xã hội chủ nghĩa". Có nghĩa là tư bản đỏ tham lam ăn cướp trắng trợn và nhũng lạm từ chóp bu xuống đến anh cảnh sát phi trường. Lại cướp dật thẳng thừng nhà cửa đất đai ruộng vườn của dân theo tiêu chuẩn khốn nạn "tài sản là của toàn dân, nhà nước quản lý". Bởi vậy mới sinh ra các vụ dân oan khiếu kiện và gần đây vụ tòa Khâm Sứ phố Nhà Chung và vụ Thái Hà. Các anh tư-bản-đỏ rồi sẽ giẫy chết, đem tiền kiếm vô tội vạ qua Mỹ đầu tư vào nhà cửa và chứng khoán ngon ơ thì giờ đây với sự suy thoái kinh tài chắc đang dở khóc dở mếu.

TRẦN ĐỖ CUNG

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.