35 Năm Quốc Hận: Tâm Tình Tháng Tư Đen - Phạm thanh Phương
Ba Mươi Tháng Tư, một ngày tang chung của dân tộc Việt, mặc dù thời gian đã trôi qua 35 năm tưởng chừng như một giấc mộng và sẽ phải mờ nhạt để chôn vùi theo thời gian. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực trạng của đất nước, tất cả những tang thương đó lại trở về một cách đậm nét hơn, trộn lẫn với thực tại, để lòng người nơi viễn xứ thêm trăn trở, ưu tư và càng thấm thía hơn với cuộc đời lữ thứ. Chính vì thế, tưởng niệm ngày 30-4 không hẳn chỉ đơn thuần là một cái tang chung trong quá khứ, mà còn là một sự nhắc nhở nỗi uất ức, hờn căm của hiện tại, để làm hành trang đi tìm một con đường rửa hờn cho dân tộc và rửa nhục non sông.
Trong những ngày cuối tháng tư, bầu trời dường như u ám hẳn ra như một niềm giao cảm của trời đất để chứng tỏ "Cảnh cũng biết chiều lòng người", những tấm lòng còn nặng tình với quê hương, dân tộc... Cũng vào trong những ngày cuối tháng Tư, ký ức đã trỗi dậy để những hình ảnh xưa cũ lại hiện về một cáct tất rõ rệt như một cuốn phim tài liệu với những tang thương, mất mát của một khúc quanh đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Những tiếng đạn pháo kích 122 ly, 130 ly tràn ngập thành phố, hoà lẫn với tiếng nghẹn ngào gọi nhau trong máu lửa... Máu, lửa, đạn, mìn lan tràn trên khắp nẻo quê hương, không gian như ngừng thở, những giọi nước mắt nghẹn ngào tiễn đưa một chế độ tự do, dân chủ trong giờ phút cuối cùng. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác, ưu tư, sợ sệt, bên cạnh những nụ cười nham nhở của bầy dã thú đang say xưa trên những đống thịt vụn còn vương đọng máu tươi của dân lành vô tội...
Tất cả đã đến một cách quá bất ngờ, ngỡ ngàng tưởng chừng như là một huyền thoại, người người băn khoăn nhìn nhau tự hỏi, chúng ta bị mất thật rồi sao" Không thể nào! Không thể nào! Nhưng cuối cùng sự thật vẫn là sự thật. Một sự thật phũ phàng mà tất cả đều phải chấp nhận từ giã những gì thân thương nhất của đời người với những chữ tự do, dân chủ và tình yêu nhân bản, để lầm lũi dắt díu nhau đi vào ngưỡng cửa địa ngục trần gian mà CSVN đang mở rộng... Cũng ngay trong lúc ấy, những phét lác lừa bịp, dồn dập phơi bày một cách trơ trẽn, rõ rệt trên những khuôn mặt lạnh lùng sắt máu. Cuộc sống ấm no của người dân miền Nam đã thực sự được thay thế bằng những đói rách lọc lừa bên củ khoai, củ sắn... Khốn khổ, sợ sệt, thanh trừng, cướp bóc, trả thù, đã đưa người dân miền Nam đi từ hốt hoảng, sợ hãi đến kinh tởm... Lúc này tất cả mọi người đều biết rằng, chẳng còn con đường nào tốt hơn là tìm cách ra đi. Từ đó, phong trào vượt biên bắt đầu khởi sự và tự điển thế giới đã vinh dự thêm được hai chữ "Thuyền nhân", hai chữ thân thương được kết tinh bằng sự chia ly mang đầy máu và nước mắt của cuộc đời.
Người ta thường nói "Cây có cội, nước có nguồn", thực sự không ai muốn rời bỏ quê hương mình, nơi đã chứa dựng biết bao nhiêu dấu ấn của tình tự quê hương, nơi đã chứa đựng biết bao nhiêu xương máu của dân tộc với dòng lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước. Không ai muốn bỏ lại gia đình, bạn bè, làng xóm, mồ mả tổ tiên và tất cả những gì thân thương nhất trong cuộc đời. Khi bước chân ra đi, tất cả đều hiểu chắc chắn sẽ phải đối diện với bao nhiêu nghịch cảnh, nghiệt ngã tang thương như đói khát, cướp bóc, hãm hiếp và kể cả lưỡi hái của tử thần đang sẵn sàng chờ đón. Tuy vậy, vì không có gì qúy hơn hai chữ "tự do", nên đành phải chấp nhận "Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu". Cũng trong thời ấy, một câu nói được truyền tụng trong dân gian như một câu kinh nhật tụng hay một lời tâm niệm "Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá"... Đúng vậy, cả ba trường hợp trên đều được ứng nghiệm, có những người bị bắt tập trung trong hững trại tù với mỹ danh "cải tạo", có những con thuyền đã vĩnh viễn đi sâu vào lòng đại dương và cũng có những con thuyền lang thang mấy tháng trời trên biển cả, đói khát quằn quại và cuối cùng cũng may mắn cập bến tự do... Bao nhiêu tang thương chồng chất, con mất cha, vợ mất chồng, anh em mất nhau ,v,v.