Những trò phi lý dưới chế độ VC - Hữu Nguyên
Dưới chế độ VC, luôn luôn có những bi kịch và những chuyện phi lý. Trong suốt thời gian VC cai trị, hơn nửa thế kỷ tại Miền Bắc, và 34 năm tại Miền Nam, những bi kịch và những chuyện phi lý đã diễn ra từng ngày, từng giờ, khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, dưới muôn vạn mái nhà, trong mỗi cuộc đời, mỗi thân phận....
Bằng chứng mới nhất, trong thời gian hơn 10 ngày qua, tại Việt Nam đã xảy ra 2 chuyện phi lý, chứng tỏ "đỉnh cao trí tuệ" của VC càng ngày càng thêm ngu xuẩn. Chuyện phi lý thứ nhất là tại Hà Nội, có ông tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ, con trai của nhà thơ Huy Cận, nộp đơn kiện thủ tướng VC Nguyễn Tấn Dũng. Mới thoạt nghe, một số người ngây thơ đã vội reo lên, ca ngợi, chế độ VC hôm nay cũng có tự do dân chủ, khiến một người bình thường, cũng có thể thưa kiện được đương kim thủ tướng VC. Sự thực, trong các xã hội tự do, dân chủ Tây Phương, việc người dân thưa kiện các vị chức sắc cao cấp, thậm chí ngay cả thưa vị nguyên thủ quốc gia, cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên, những vụ thưa kiện đó đều theo luật hộ, nhằm giải quyết những tranh tụng giữa cá nhân với cá nhân, cho dù cá nhân đó có là tổng thống, thủ tướng.
Điều trái khoáy trong chế độ VC là ông Hà Vũ đã kiện thủ tướng VC Nguyễn Tấn Dũng "với lý do đã ban hành quyết định cho phép khai thác mỏ bauxite trái pháp luật", trong khi trên thực tế, Nguyễn Tấn Dũng đã hành xử quyền hạn của người đứng đầu hành pháp VC khi ban hành quyết định khai thác mỏ bauxite, và quyền hạn đó đã được hiến pháp VC quy định và quốc hội VC chấp thuận. Đồng ý, hiến pháp của VC là độc tài, quốc hội VC là bù nhìn, nhưng hiến pháp độc tài và quốc hội bù nhìn đó đã đặt nền tảng pháp lý cho thủ tướng VC đi đến những quyết định phản dân, hại nước. Vì vậy, muốn chống lại quyết định của thủ tướng VC, người dân VC phải chống lại cả quốc hội bù nhìn lẫn cả hiến pháp độc tài đó. Bằng không, thì chỉ biết ngọn mà không biết gốc. Hậu quả, như mọi người đã thấy, toà án VC Hà Nội đã bác đơn kiện thủ tướng VC của ông Hà Vũ với lý do là "đơn kiện không có căn cứ pháp lý". Như vậy, chẳng lẽ ông Hà Vũ, một tiến sĩ luật sư lại có thể dở như vậy sao"
Nhưng bên cạnh việc ông Hà Vũ kiện vô lý, mọi người còn ngạc nhiên khi thấy tòa án VC Hà Nội đã vô lý khi vội vã xét xử vụ kiện vô lý của ông, trong khi hàng trăm vụ kiện hợp lý khác bị tồn đọng, và thời gian chờ đợi trung bình của một vụ kiện trong hệ thống tư pháp VC, cũng từ vài tháng cho đến vài năm.
Dĩ nhiên, đằng sau những sự vô lý vừa nêu phải có nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, VC đã có ý định bắt giữ luật sư Lê Công Định tại Sàigòn từ lâu; và VC biết rõ, một khi bắt giữ ông, dư luận trong và ngoài nước sẽ phản đối; VC sẽ lộ nguyên hình là chế độ độc tài phi dân chủ. Để có thể hóa giải phần nào sự phản đối đó, VC đã giật dây cho ông Hà Vũ thưa kiện thủ tướng VC, trong khi VC bắt giữ LS Lê Công Định. Nguyên nhân thứ hai, qua việc giật dây cho Hà Vũ kiện Nguyễn Tấn Dũng, VC sẽ tạo nên một bộ mặt dân chủ giả hiệu, đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin tại VN cũng như hải ngoại.
Có điều VC định là một chuyện, còn thành hay không lại tuỳ thuộc vào trình độ dân trí. Kết quả, như chúng ta đã thấy, chuyện Hà Vũ kiện thủ tướng VC, mới nghe tưởng tiến sĩ luật mà dốt luật, nhưng khi hiểu ra thì quả thật là trò hề. Trò hề đối với tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ; và cũng là trò hề đối với cả chế độ VC; vì cả hai đã tung hứng một cách ngu dốt và ấu trĩ, nên cả hai cùng bị thiêu đốt thành tro bụi. Thiệt xót xa cho Huy Cận, một nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến, vì dại dột và ảo tưởng chạy theo VC để đến nỗi thân bại danh liệt. Nay có được đứa con tiến sĩ luật sư, cũng vì dại dột và ảo tưởng, trở nên thân bại danh liệt khi cam phận làm con tốt thí cho VC.
Chuyện phi lý thứ hai là chuyện VC bắt giữ "khẩn cấp" luật sư Lê Công Định. Chung quanh chuyện phi lý này VC đã mắc phải cả trăm điều phi lý, được các tác giả phân tích rải rác trong số báo này, trang 20, 21 và 56. Ngoài ra cũng còn cả chục điều phi lý khác cần được mổ xẻ và phanh phui theo thời gian. Tuy nhiên, trong phạm vi trang báo này, chỉ xin đề cập đến một điều phi lý, chứng tỏ sự ngu dốt hết thuốc chữa của VC.
Như chúng ta đã biết, sau khi bắt "khẩn cấp" luật sư Lê Công Định, VC đã bắt anh phải đọc một bản "thú tội", trong đó có đoạn nguyên văn như sau: "Tôi đã tham gia khóa huấn luyện "đấu tranh bất bạo động" do tổ chức Việt Tân tổ chức, tôi thống nhất thành lập một blog mang tên "Đảng Lao Động Việt Nam" do tôi phụ trách, và blog kia mang tên "Đảng Xã Hội Việt Nam" do anh Thức phụ trách. Và chúng tôi đã bàn về việc viết chung một cuốn sách mang tên là "con đường Việt Nam" để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội, kinh tế và pháp luật cho VN. Tôi cũng đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong, cho bản điều lệ của đảng Dân Chủ Việt Nam. Tôi thấy rằng những việc làm trên của tôi vi phạm pháp luật VN, tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình, và tôi mong được nhà nước xem xét khoan hồng."
Đọc đoạn văn trên, người đọc nhận ra ngay điểm cực kỳ phi lý. Nếu quả thật luật sư Lê Công Định có ý định thành lập đảng chính trị để đấu tranh bất bạo động với VC, chắc chắn ông chỉ thành lập một chính đảng là đủ. Không bao giờ ông đã được đảng Việt Tân huấn luyện, lại còn thành lập Đảng Lao Động Việt Nam, Đảng Xã Hội Việt Nam, rồi còn đi góp ý chỉnh sửa bản điều lệ của đảng Dân Chủ Việt Nam. Làm như vậy có khác chi ông là một lá bài của VC, lo thành lập một loạt đảng cuội đảng ma, để tạo nên những đảng đối lập bù nhìn, cho VC thao túng, và đánh lừa dư luận quốc tế"
Ông Lê Công Định là một luật sư tài ba vào hạng nhất tại VN. Ông lại có điều kiện xuất ngoại, giao thiệp với nhiều vị thức giả tại ngoại quốc, nhiều tư tưởng tự do dân chủ của Tây Phương. Vì vậy, chắc chắn ông không bao giờ dại dột lập hàng loạt chính đảng để đấu tranh với VC. Và chắc chắn, ông cũng đủ thông minh để không mắc lừa VC, tiếp tay cho VC bằng cách thành lập những đảng hữu danh vô thực, để đánh lừa những người yêu nước chống cộng, và tạo cơ hội cho VC đàn áp, bắt bớ, thủ tiêu những người yêu nước chống cộng.
Vì vậy, đoạn văn trên rõ ràng do VC nguỵ tạo, và qua sự nguỵ tạo đó, chúng ta đã nhìn rõ chân tướng cùng âm mưu của VC đối với các phong trào đấu tranh dân chủ trong hiện tại cũng như trong tương lai.