HOA VIỆT CHIẾN TRANH, 30 NĂM CHƯA DỨT
Việt Nam thành mồi ngon cho bá quyền Bắc Kinh vì lãnh đạo hèn, chứ không vì người dân cúi đầu chịu thua. Hình trên: Tù binh Trung Quốc bị dân quân Bắc Việt bắt trong trận chiến Hoa Việt tháng Hai 1979.
Cách đây đúng ba chục năm, ngày 17 tháng Hai, 1979, Trung Quốc bất thần tung ra hai trăm ngàn quân tràn qua biên giới tấn công các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai của Việt Nam. Nói "bất thần" thì cũng không đúng. Trước đó, ngày 15 tháng Hai, Bắc Kinh tuyên bố ý định và đã tập trung sáu trăm ngàn quân tại vùng biên giới Hoa-Việt. Hôm 15 đó là ngày mãn hạn Thỏa ước Hợp tác và Hữu nghị Trung Quốc đã ký kết với Liên bang Xô viết, nghĩa là kể từ ngày đó, Bắc Kinh "có quyền" tấn công một chư hầu của Liên Xô.
Việc tập trung một quân số rất đông như vậy, với sự yểm trợ của đại pháo và 400 chiến xa loại 59 của các Quân khu Côn Minh, Thành Đô, Vũ Hán và Quảng Châu đã không vượt khỏi con mắt của hệ thống vệ tinh thám báo Hoa Kỳ. Khi được Hoa Kỳ trình bày hình ảnh rỏ ràng, Đặng Tiểu Bình - lúc đó đang thăm viếng nước Mỹ - đã minh nhiên xác nhận: "để cho Việt Nam một bài học".
Bài học ấy lại khiến Bắc Kinh rát tay vì bị tổn thất rất nặng trong một tháng giao tranh - từ 17 tháng Giêng đến 16 tháng Ba. Nhưng cũng là cơ hội cho Đặng Tiểu Bình thuyết phục các tướng lãnh Trung Quốc yểm trợ công cuộc cải cách của ông, hầu tạo thêm phương tiện hiện đại hoá quân đội. Ba mươi năm sau, nghĩa là ngày nay, Trung Quốc đã khác....
Mười năm sau cuộc chiến Hoa-Việt, Hà Nội xoay chiều và trở lại thần phục Bắc Kinh. Sau đấy là nhượng đất cầu hòa,với các cuộc thương thuyết từ 1999 về ranh giới lãnh thổ và lãnh hải, để lãnh đạo của đảng tìm ra chỗ tựa. Là chuyện ngày nay....
Báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Sửu 2009 đã dành một phần đặc biệt nhìn lại “30 Năm Chiến Tranh Hoa Việt”. Sau đây là bài viết của Thành Chung, trích từ báo xuân.
*(
Mọi người đều lầm lẫn khi sớm kỷ niệm 30 năm cải cách kinh tế của Trung Quốc vào năm 2008.
Người ta nhắc đến Hội nghị kỳ ba của Ban chấp hành Trung ương thuộc khoá 11 của Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, được triệu tập vào tháng 12 năm 1978, với khẩu hiệu "Tứ hiện đại hóa" của Đặng Tiểu Bình. Thật ra, tại hội nghị đó, họ Đặng chưa củng cố được quyền lực vả vẫn phải thỏa hiệp với Hoa Quốc Phong và chưa đẩy Hồ Diệu Bang cùng Triệu Tử Dương lên nắm lấy guồng máy đảng và nhà nước.
Sau này, vào năm 1980, Đặng Tiểu mới triệt hạ được phái "Phàm là" của Chủ tịch Hoa Quốc Phong và đưa tay chân vào tiến hành việc cải cách.
Biến cố thực sự dẫn tới kỷ nguyên đổi mới ấy là chiến tranh Hoa Việt, khai diễn ngày 17 tháng Hai năm 1979, đúng ba chục năm về trước.
Sở dĩ như vậy vì ba chục năm sau khi nắm được chính quyền trên toàn cõi Hoa lục, Trung Quốc mới ý thức được sự tụt hậu của mình về quân sự trong trận chiến với một chư hầu là Việt Nam Cộng Sản. Chính là ý thức tụt hậu ấy mới khiến Đặng Tiểu Bình thuyết phục được thành phần thủ cựu nhất, là quân đội, phải tiến hành cải cách.
Vì vậy, "bài học cho Việt Nam" - tên của cuộc chiến Hoa-Việt năm 1979 - lại là bài học cho lãnh đạo Bắc Kinh.
Bi thảm thay, lãnh đạo mê cuồng và đớn hèn tại Hà Nội lại say đòn với chiến thắng 1975 nên không rút tỉa được gì từ bài học 1979. Kể từ đấy cứ thua dần thua dần trong trận chiến ba chục năm với Trung Quốc - cho đến ngày nay.
Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng ôn lại bài học đó....
Năm 1972, khi tiếp xúc với Hoa Kỳ lần đầu, Trung Quốc đang ở giữa một cuộc chiến tranh cân não với Liên bang Xô viết sau khi đôi bên đã trực tiếp xung đột từ năm 1960.
Vấn đề không hẳn là chủ trương "xét lại" và "sống chung hoà bình" của Nikita Krushchev sau Đại hội XX của đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng Hai năm 1956. Đấu tranh ý thức hệ chỉ là bề mặt - và sớm thành vô nghĩa khi Krushchev cho quân đàn áp cuộc khởi nghĩa Hung Gia Lợi năm đó và khi Leonid Brezhnev tấn công Tiệp Khắc để "Bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa" năm 1968.
Vấn đề là mâu thuẫn quyền lợi giữa hai cường quốc trên đại lục địa Âu Á, một chuyện ngàn đời.
Vì mâu thuẫn ấy, Bắc Kinh sẵn sàng liên kết với Hoa Kỳ. Đó là động lực của Tuyên ngôn Thượng Hải giữa Richard Nixon và Chu Ân Lai năm 1972. Đôi bên ngã giá với nhau, trong cuộc mặc cả, có vấn đề Chiến tranh Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ rút để dân Việt Nam giải quyết lấy mâu thuẫn nội bộ mà không đảo lộn tương quan lực lượng trong khu vực.
Đấy là lúc Hà Nội phát huy sáng kiến bậy.
Thừa thắng xông lên, Hà Nội tưởng mình thắng Mỹ thật bèn nuốt chửng luôn miền Nam, giải tán Mặt trận Giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước! Khôn quá hoá dại! Hà Nội còn tiến xa hơn, tin là mình đã lên hàng cường quốc có thể đứng trên hào quang thắng Mỹ mà hoà giải hai nước đàn anh là Liên Xô và Trung Quốc.
Lê Duẩn đã tuyên bố như vậy từ 1977, và Lê Đức Thọ còn quyết liệt say đòn hơn mà mơ tưởng sự hình thành của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Hà Nội: đã kiểm soát Lào rồi còn tấn công lực lượng Khờ me Đỏ do Bắc Kinh đỡ đầu tại Kampuchia (tên xứ Cao Mên vào thời đó).
Ở giữa ngần ấy biểu hiện cuồng si là quyết định tấn công Hoa kiều tại Việt Nam, là gia nhập Tổ chức COMECON của Liên Xô và Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị với Mạc Tư Khoa, năm 1978. Kể từ đó, lần đầu tiên trong lịch sử đế quốc Nga, từ căn cứ Cam Ranh, hải đội Nga đã có mặt trên vùng biển nóng của Thái bình dương. Cất cánh từ Đà Nẵng, oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 của Không quân Liên Xô đã có thể uy hiếp đảo Guam hay các tỉnh miền Bắc Úc Đại Lợi.
Huống hồ các tỉnh miền Nam của Hoa lục!
Với Bắc Kinh, thái độ ấy của Hà Nội không chỉ là vô ơn hay phản bội mà là đe dọa an ninh tp63 quốc. Không muốn bị Liên Xô bao vây ở hai ngả Bắc Nam, Bắc Kinh cần đánh bung mắt xích của Mạc Tư Khoa ở nơi yếu nhất và gần Trung Quốc nhất, là Việt Nam. Nguyên nhân của trận chiến Hoa-Việt năm 1979 nằm ở đấy, ngay sau khi Hà Nội đưa quân vào Kampuchia lật đổ chế độ Khờ me Đỏ, mùng bảy tháng Giêng năm 1979.
Mục tiêu của Bắc Kinh không chỉ để cho Hà Nội một bài học. Mục tiêu là để biến Việt Nam thành một chư hầu cố hữu, một nước phụ dung. Khỏi cần chế độ trực trị mà vẫn thi hành chánh sách có lợi cho Trung Quốc.
Vì vậy, trong khi Đặng Tiểu Bình củng cố lại thế lực nội bộ, khôi phục vị trí cho các lãnh tụ bị hạ bệ trong cuộc Đại văn cách (Bành Đức Hoài, v.v...), xoá bỏ tàn dư Mao Trạch Đông và "tứ nhân bang" trong lãnh đạo đảng, ông cho phép Hồng quân chuẩn bị tấn công Việt Nam.
Bắc Kinh không che giấu kế hoạch và trong chuyến Mỹ du gặp Jimmy Carter vào cuối tháng Giêng, ông xác nhận như vậy khi được hỏi thẳng về việc vì sao lại tập trung quân số quá đông tại biên giới Hoa-Việt. Và Hoa Kỳ không can ngăn, dù là dưới sự lãnh đạo của Carter ưa cười toe.
Năm đó, cần nhắc lại, Hoa Kỳ vừa đoạn giao với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), đuổi Đài Bắc ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lấy ghế cho Bắc Kinh, và chính thức bang giao với Trung Quốc từ một tháng Giêng 1979. Bốn tuần sau, Đặng Tiểu Bình là lãnh tụ đầu tiên của Hoa lục viếng thăm Hoa Kỳ....
Đấy lại là lúc Hà Nội chơi dại, xua quân qua chiếm đóng Kampuchia và gây thêm kiệt quệ cho kinh tế quốc dân: việc chiếm đóng này khiến kinh tế Việt Nam bị hao hụt mỗi năm chừng 5% tổng sản lượng GDP, khi sản lượng không tăng mà giảm vì kế hoạch "cải tạo kinh tế"!
*
Trong lịch sử Việt Nam, lần cuối mà Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam là vào thời Mãn Thanh, với quân số khoảng 290 ngàn người.
Lần này, Trung Quốc dồn tại biên giới 600 ngàn quân của các Quân khu Thành Đô, Vũ Hán, Côn Minh và Quảng Châu để mở hai chiến tuyến do hai bộ chỉ huy điều động 20 vạn quân vượt biên giới. Đó là bộ Chỉ huy Quảng Tây tại miền Đông và bộ chỉ huy Vân Nam tại miền Tây.
Chiến cuộc bùng nổ dữ dội tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Kay và Lạng Sơn, nơi tập trung nhiều đơn vị sơn cước sống trà trộn trong các khu vực sinh hoạt của dân thiểu số. Mà dân thiều số của các sắc tộc sơn cước này đã sống lâu đời trong "tình nghĩa Hoa-Việt". Bên này, bên kia đều là anh em xã hội chủ nghĩa, đều là đồng tộc người Mèo, người Tầy, người Nùng, nhiều nhất là dân Mèo (họ tự xưng là Hmong, chữ "Mèo" của ta có khi mang ý nghĩa miệt thị).
Trong một tháng giao tranh, đôi bên đều bị tổn thất nặng mà không dám khai thật.
Theo các nguồn tin Tây phương thì Trung Quốc mất sáu vạn quân, trong đó có 26 ngàn tử nạn, gần phân nửa số tổn thất của lính Mỹ trong 10 năm chiến tranh tại Việt Nam. Phía Việt Nam mất ba vạn quân nội trong một tuần đầu và người ta nói đến 10 vạn thường dân bị chết. Đa số thường dân đây là dân thiểu số.
Thiệt hại vật chất thì không thể kể xiết.
Trung Quốc đánh theo lối thanh dã tiêu thổ cho bõ ghét, nên nhổ cả chân cầu, phá từng cái chén, đập từng hòn gạch, bẻ từng chiếc đũa trong nhà. Việt Nam thì lỡ đưa các trung tâm kỹ nghệ nặng lên "mạn ngược" gần với biên giới Trung Quốc để tránh bị Mỹ oanh tạc trong thời chiến tranh xâm lược miền Nam, nên coi như đưa mỡ vào miệng mèo mà không dám hé răng.
Ngày 17 tháng Hai 1979, quân Trung Quốc thổi tù và rồi đánh trống vượt sông Kỳ Cùng, ngày 16 tháng Ba thì rút về sau một sư ê chề lớn. Chính là tổn thất bất ngờ ấy đã giúp Đặng Tiểu Bình huy động được hậu thuẫn của Trung ương Quân ủy hội để đẩy mạnh việc cải cách. Không có cải cách kinh tế thì không thể hiện đại hoá quân đội được.
Vì vậy, thời điểm cải cách của Đặng Tiểu Bình phải coi như bắt đầu từ bài học ở Việt Nam.
Lãnh tụ này đã từng thất bại nhiều lần trong đời, ba lần bị đuổi xuống chuồng bò vì tội hữu khuynh, xét lại, nên biết lấy trớn từ đó mà tiến lên. Ngay cả khi bị khủng hoảng sau vụ tàn sát Thiên an môn 1989, 10 năm sau khi đổi mới, ông vẫn biết tiến thoái từng bước để tiếp tục "xây dựng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa", theo thuật trong bá ngoài vương của Hán tộc. Ông kết hợp chủ nghĩa tư bản nhà nước với khẩu hiệu hoà hoãn bên ngoài mà quyết liệt bên trong.
Kết cuộc thì ba mươi năm sau, Trung Quốc trở thành đại cường kinh tế, và miệng người sang có gang có thép, trở thành một cường quốc có ảnh hưởng trên trường quốc tế, hơn hẳn thời Mao. Bắc Kinh có phương tiện xây dựng kỹ nghệ không gian, hàng hải, và nhất là quân sự, trong đó có hải quân. Lần đầu tiên trong lịch sử xứ này mà một Đô đốc (Lưu Hoa Thanh) đã chỉ huy quân đội là dưới thời Đặng Tiểu Bình. Ngày nay, Trung Quốc chế tạo thêm tiềm thủy đĩnh và tiến tới việc chế tạo hàng không mẫu hạn để trở thành đại cường hải dương.
Nơi xuất hiện hải đội ấy không là eo biển Đối Mã hay eo biển Đài Loan tại phía Bắc mà là Hải Nam, ở biển xanh họ gọi là Trung Nam Hải.
Là Đông hải của Việt Nam.
Là nơi mà Trung Quốc đã thử nghiệm gân cốt Hà Nội trong các cuộc chiến năm 1984, rồi 1988, rồi hàng loạt những vụ đụng độ đầy khiêu khích ở ngoài khơi trong các năm 1992, thậm chí 1999, 2001, 2003, 2005...
Theo đúng thuật bá vương cổ điển của văn hoá Trung Hoa, Bắc Kinh tiếp tục xây dựng vùng trái độn ở các khu vực phiên trấn phía Tây, phía Bắc, trong khi lùa đàn con trẻ ở cõi Ba Đình Hà Nội vào thế chư hầu tại phía Nam. Nhìn lại địa dư và lịch sử Trung Quốc, nơi duy nhất mà các đấng con trời có thể đưa quân tấn công không phải là Mãn Châu, Ngoại Mông, Tân Cương hay Hy Mã Lạp Sơn qua ngả Tây Tạng. Nơi duy nhất là Bắc Việt!
Nay cũng là nơi mềm nhất của phép "mềm nắn rắn buông"!
Mềm vì lãnh đạo hèn, chứ không vì người dân muốn cúi đầu chịu thua.
Xưa nay, trong lịch sử giao tranh giữa hai nước, Lạng Sơn vẫn là mồ chôn giặc, Chi Lăng là nơi quân ta chém tướng. Và sau mỗi đợt xâm lăng thì các tỉnh Bắc phương không còn nghe tiếng gà gáy vì địch quân bị ta rượt theo đánh cho tan tác trên mấy trăm cấy số ở bên kia biên giới. Trong trận chiến 1979 thì khác. Khi Trung Quốc bị tổn thất nặng và ra lệnh rút quân thì Hà Nội vội ra lệnh đình chiến tại chỗ. Nhờ vậy mà "Giải phóng quân" của Trung Quốc dù ở thế rút chạy, vẫn chiếm được nhiều khu vực, kể cả Nam Quan, Bản Giốc.
Trong một đợt giao tranh về sau, Trung đoàn 982 của Sư đoàn 313 đã hy sinh mấy ngàn binh sĩ để chiếm lại đỉnh 1509 (núi Đất) thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh của tỉnh Hà Giang. Ngay sau đó, lãnh đạo Hà Nội đã ra lệnh rút, để nhường lại cho giặc!
Chỗ mềm nhất của Việt Nam chính là cái đầu và bao hy sinh xương máu của dân và quân đều bị chính lãnh đạo phản bội.
Sau khi bị xuất huyết nội tại Cambốt trong 10 năm chiếm đóng, từ năm 1989 Hà Nội bắt đầu cải thiện bang giao với Bắc Kinh, nhưng trong thế yếu. Và ngày càng yếu nếu so sánh với Bắc Kinh vì đàn anh Liên Xô đã phá sản, bức tường Bá Linh đã sụp đổ - hai chục năm rồi đấy! - rồi khối Xô Viết tan thành mảnh vụn.
Để tồn tại, đảng Cộng sản Việt Nam bèn học theo truyền thống Bắc thuộc cũ, là làm gì thì cũng nghe ngóng và hỏi han Bắc Kinh. Rồi từng bước nhượng dần những biểu tượng của danh dự tổ quốc, từ mục Nam Quan tới thác Bản Giốc hay bãi Tục Lãm. Họ sẵn sàng hy sinh danh dự, nhưng quyền lợi ngàn đời của quốc gia, là các quần đảo Hoàng Sa rồi Trường Sa và luồng vận chuyển tự do qua eo biển Malacca của Đông Nam Á, họ cũng hy sinh luôn!
*
Trong vụ Trung Quốc tấn công các tỉnh miền Bắc vào năm 1979, bộ Chính trị đã lật đật trốn vào Đà Nẵng để trú ẩn và còn huy động dân chúng miền Nam vét bùn xây đài phỏng thủ ở các tỉnh trong Nam. Bây giờ, khi dân chúng biểu tình chống lại sự xâm lược của Bá quyền Trung Quốc thì Bắc Kinh chưa nhúc nhích đã thấy Hà Nội ra tay trấn áp.
Sau khi trốn vào Đà Nẵng, lần này lãnh đạo Hà Nội lại tấn công thẳng vào Đà Nẵng với việc "đình chỉ hoạt động" của Nhà Xuất Bản Đà Nẵng vì một cuốn truyện viết về cuộc chiến Hoa-Việt vào năm 1979!
Ngẫu nhiên sao, Đà Nẵng cũng là nơi đã quyết định tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân dân sau khi Hà Nội đã ra lệnh hủy bỏ chuyện bầu cử địa phương như vậy!.... Nơi xuất huyết nội của Hà Nội, e chừng là Đà Nẵng. Người dân ở đây có ý thức rất cao về sự an toàn của tổ quốc và lãnh thổ...
Kết cuộc, ba chục năm sau, chúng ta đang thấy gì"
Dân muốn đánh mà đảng và nhà nước muốn hàng. Thành thử, cuộc chiến ba mươi năm chưa kết thúc và Hà Nội cứ lui dần, chuyển bại thành liệt. Muốn bảo vệ Tổ quốc, người Việt Nam phải trước hết chấm dứt sự cai trị của bọn bán đứng Tổ quốc.
Nhắc lại chuyện ba mươi năm trước vì vậy không thừa. Trong Nam ngoài Bắc, trong nước và hải ngoại, nơi nào cũng có người chưa quên được chuyện đó, dù là trong một ngày Xuân, một dịp Tết.
*
Mời bạn đọc thêm truyện “Chù Mìn Phủ và Tôi” trích từ sách “Rồng Đá” của Vũ Ngọc Tiến khởi đăng trong trang tiểu thuyết Việt Báo. Chính vì truyện này, sách bị tịch thu, nhà xuất bản bị đóng cửa.
THÀNH CHUNG