Các tập đoàn đầu tư Hoa Kỳ sụp đổ hành loạt có đẩy kinh tế Mỹ vào khủng hoảng hay không" Sau những chấn động tài chính liên tục xảy ra tại Hoa Kỳ, thế giới sẽ còn bị những gì nữa" - Một cuộc tổng khủng hoảng như thời 1929" Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu vấn đề qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Xin kính chào ông Nghĩa. Việc ngân hàng đầu tư Lehman Brothers khai báo phá sản và ngân hàng đầu tư Merrill Lynch được bán rẻ cho ngân hàng thương mại Bank of America đã gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới. Sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Bear Sterns vào tháng Ba và việc Chính quyền Hoa Kỳ phải giám hộ hai công ty tài chính bán công Fannie Mae và Freddie Mac vào tuần trước, thì vụ khủng hoảng của hai tổ hợp đầu tư thuộc loại lớn nhất và lâu đời nhất của Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng Chín vừa qua đã khiến thế giới e ngại.
Trong chương trình kỳ này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về hậu quả của những chấn động liên tục đó đối với kinh tế Hoa Kỳ, một đầu máy của kinh tế thế giới. Nhận xét sơ khởi của ông về toàn bộ vấn đề này là như thế nào"
- Trước hết, tôi xin đề nghị là chúng ta cùng đặt vấn đề vào đúng bối cảnh và kích thước của nó, từ đó mình mới có thể lượng định về hậu quả của cơn chấn động. Sở dĩ như vậy vì việc tập đoàn Lehman Brothers, một tổ hợp đầu tư tài chính ra đời từ thời Tự Đức của nước ta và trải qua bốn cơn chấn động lớn là Nội chiến Hoa Kỳ, hai trận Thế chiến và vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 mà lại sụp đổ vào tuần qua rất dễ gây ấn tượng kinh hoàng hơn thực tế. Và việc ba trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ lại tiêu vong trong có sáu tháng là chuyện không thể coi nhẹ. Tuy nhiên, chúng ta cần vén tấm màn tài chính ở trên để nhìn vào nền kinh tế thực tế ở dưới thì mới thấy hết kích thước của vấn đề.
Hỏi: Xin hỏi ngay ông một câu là dường như ông có phân biệt hai lãnh vực là phần sản xuất của kinh tế thực tế bên dưới và bức màn tài chính của các ngân hàng hay công ty đầu tư tài chính ở bên trên. Điều ấy có đúng không" Nếu như vậy, việc khủng hoảng tài chính làm các thị trường chứng khoán đều tuột giá có là hiệu ứng của lãnh vực tài chính xuống lãnh vực sản xuất không"
- Đó là câu hỏi mà các kinh tế gia thực ra chưa có giải đáp đích xác. Nôm na là chưa ai biết được hậu quả sẽ còn kéo dài bao lâu của cơn chấn động tài chính này. Nhưng cũng vì vậy mà mình cần nhìn lại toàn bộ vấn đề. Tôi xin lấy một thí dụ mà nhiều người còn có thể đã quên rồi.
- Tháng Chín năm 2001, Hoa Kỳ bị một vụ khủng bố kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử. Tai hoạ xảy ra khi kinh tế Mỹ lại đang bị hiệu ứng bể bóng đầu tư trong khu vực công nghệ tin học sau năm năm liên tục tăng giá cổ phiếu. Đến cuối năm 2001 thì bùng nổ hàng loạt khủng hoảng về kế toán và quản trị khiến nhiều tập đoàn kinh doanh lớn của Mỹ bị phá sản, đó là vụ Enron, Worldcom hay Arthur Andersen, xảy ra khi Hoa Kỳ đã lâm chiến tại Afghanistan. Chúng ta nhớ rằng lúc ấy, các thị trường chứng khoán thế giới đều bị rúng động và ai ai cũng chờ đợi là kinh tế Hoa Kỳ bị khủng hoảng, suy thoái, chí ít thì cũng bị suy trầm, tức là sản lượng sút giảm liên tục trong nhiều quý. Vậy mà thực tế lại khác. Hoa Kỳ có bị suy trầm nhẹ trong một giai đoạn ngắn và đã phục hồi từ đó, đến độ ngày nay mình còn phải nhắc lại thì thiên hạ mới nhớ đến những chấn động vào mùa Thu năm 2001.
Hỏi: Chúng tôi hiểu cách ông đặt vấn đề vào một khung cảnh rộng lớn hơn. Nhưng, cơn chấn động năm 2001 hay những khủng hoảng tài chính liên tục từ tháng Tám năm ngoái cũng gây ra nhiều thiệt hại cho dân Mỹ chứ"
- Tất nhiên là như vậy thưa ông. Năm xưa, nhiều nhà triệu phú trong vùng thung lũng điện tử tại miền Bắc California đã bỗng chốc trắng tay và đi kiếm việc làm như mọi kỹ sư bình thường. Nhiều tỷ phú đầu tư cũng thấy cổ phiếu của mình biến thành giấy lộn, và nhiều cơ sở bị phá sản. Nhưng, trên sự hoang tàn ấy lại xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới và cơ hội đầu tư khác khiến kinh tế Mỹ lại phục hồi sau khi thị trường chứng khoán đã mất mấy trăm tỷ tiền lời trên giấy.
- Cũng cần nói thêm cho rõ là do sự phục hồi và hồ hởi ấy mà thị trường gia cư đã tăng giá mạnh và thổi lên một trái bóng đầu tư khác cho tới khi bóng bể nên gây ra khủng hoảng tín dụng thứ cấp và một chuỗi biến động tín dụng và tài chính như ta đã thấy từ năm ngoái. Trong khi ấy, và ngược với dự báo của đa số, kinh tế Mỹ có bị đình trệ nhưng chưa suy trầm như theo định nghĩa thông thường, và phải nói là vụ sụt giá chứng khoán hôm Thứ Hai 15 vừa qua vẫn còn thấp hơn trận sụt giá ngay sau vụ khủng bố 9-11 vào ngày 11 tháng Chín năm 2001.
Hỏi: Nếu hiểu không lầm chuỗi lý luận của ông thì sinh hoạt kinh tế có lúc thăng lúc trầm và một cơn khủng hoảng có thể đào thải các cơ sở kinh doanh bế bối hoặc bất lực nhưng lại nhường chỗ cho doanh nghiệp khác xuất hiện với nhiều cơ hội làm ăn mới" Phải chăng đó là khái niệm "sáng tạo sau hủy hoại" mà giới kinh tế thường nói tới"
- Tôi nghĩ như vậy và cũng coi đó là một quy luật của sự tiến hoá, với hai điều kiện căn bản. Thứ nhất, phải có tự do sinh hoạt trong kinh tế để cơ sở kinh doanh năng động hơn có quyền xuất hiện, gia nhập thị trường, và thay thế các cơ sở bị đào thải. Nếu e sợ sự đào thải của các cơ sở kinh doanh bê bối mà tìm cách bênh vực hay trợ giúp, Chính quyền đã không tôn trọng tự do của thị trường và còn khuyến khích tinh thần ỷ thế làm liều, mà lại khuyến khích bằng công sản, tài sản của quốc gia, cụ thể là tiền thuế của dân. Chính là tinh thần này mới khiến bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định là không cứu vãn ngân hàng Lehman Brothers nữa.
Hỏi: Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này nếu có thời giờ. Còn điều kiện thứ hai mà ông vừa nói đó, để quy luật đào thải và tái tạo này có thể vận hành thì người ta cần những gì"
- Tôi thiển nghĩ rằng điều kiện thứ hai đó là thông tin thị trường. Một trong các nguyên do gây ra khủng hoảng tài chính tại Mỹ và lan rộng qua xứ khác là thị trường không thể biết đích xác về tình hình lời lỗ hay trị giá tài sản đầu tư của các doanh nghiệp này, thậm chí, các doanh nghiệp này cũng chẳng biết luôn. Trong không khí hốt hoảng của thị trường thì càng ít thông tin người ta càng dễ hốt hoảng và sự hốt hoảng mới gây ra khủng hoảng. Muốn có thông tin rõ ràng, tôi cho rằng Hoa Kỳ phải cải tổ luật lệ và chế độ giám sát để doanh nghiệp, giới đầu tư và thường dân được biết rõ tình hình thực tế mà cân nhắc rủi ro.
- Nếu có được hai điều kiện ấy, tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ sở khác xuất hiện để trám vào khoảng trống do Lehman Brothers để lại sau 158 năm hoạt động. Chúng ta cũng không nên quên rằng Merrill Lynch được thành lập từ năm 1914 và lớn mạnh nhờ đưa cổ phiếu đến tay các nhà đầu tư cò con, nghĩa là đại chúng hoá hệ thống tư bản. Chức năng đó vẫn còn và sẽ do cơ sở khác đảm nhiệm, miễn là Chính quyền phải cải sửa lại luật lệ hay luật chơi kinh doanh để sự ung thối khó xảy ra như đã từng xảy ra vào lúc thịnh đạt. Sau những ồn ào trách móc trong đà tranh cử hiện nay tại Mỹ, Chính quyền và Quốc hội mới của Hoa Kỳ sẽ phải thực tế giải quyết việc cải tổ này. Kết quả có khi là sự thành hình của nhiều cơ sở mới, ở các tiểu bang khác, chứ hết tập trung vào khu vực Wall Street của New York và đây là một hệ quả tích cực nhất của vụ khủng hoảng!
Hỏi: Chúng ta hãy bước qua phần thứ hai, là nhìn vào hệ thống sản xuất kinh tế ở bên dưới, liệu kinh tế Hoa Kỳ có đủ vững để vượt qua những sóng gió trên hệ thống tài chính hay không"
- Nếu có thể trình bày một hình ảnh tổng hợp thì tôi xin nói như thế này. Lãnh vực tài chính của Mỹ có nhiều nhược điểm nguy ngập, nhưng hệ thống tài chính và ngân hàng của Hoa Kỳ thật ra vẫn còn vững, chứng cớ là ngân hàng JP Morgan đã lập tức mua lại Bear Sterns và ngân hàng Bank of America lập tức mua lại Merrill Lynch sau khi đã mua công ty CountryWide.
- Tất nhiên là trong mấy tuần trước mắt, sự hốt hoảng của thị trường và những tranh luận hay cáo buộc của chính trường trong mùa bầu cử có thể còn tạo thêm khó khăn cho hệ thống tài chính ngân hàng nhưng vẫn không thể gây ra khủng hoảng kinh tế. Lý do là ở bên dưới, tình hình thật ra không đến nỗi tệ như vậy. Mà càng không tệ nếu mình so sánh với tình hình kinh tế của hai đầu máy kia là Nhật Bản và Âu Châu.
Hỏi: Trên diễn đàn này, ông thường hay cảnh báo khủng hoảng vậy mà lại có vẻ lạc quan về nền kinh tế Hoa Kỳ trong khi dư luận cứ nghe nói tới viễn ảnh đen tối tương tự như trận Tổng khủng hoảng năm 1929-1933. Ông có thể giải thích vì sao hay không"
- Trong mọi mùa bầu cử tại Mỹ, nếu có nghe nói đến tổng khủng hoảng, sụp đổ, hay suy thoái, suy trầm thì mình đừng ngạc nhiên! Nhưng, cũng vì yêu cầu thông tin trung thực mà chúng ta đang theo đuổi, mình nên nhìn sự việc một cách lạnh lùng và khách quan hơn. Đà tăng trưởng thực tế của kinh tế Hoa Kỳ trong quý hai vừa qua vẫn là 3,3% sau khi giảm trừ ảnh hưởng của lạm phát. Và xuất khẩu tại Mỹ cũng đã tăng vọt. Dù sản xuất có thể bị đình trệ hơn mấy năm trước, nạn suy trầm mà nhiều người báo động thật ra chưa xảy ra. Nạn thất nghiệp có tăng nhẹ, lên tới 6,1%, nhưng vẫn không vượt qua mức bình quân của 10 năm về trước và còn rất thấp so với tỷ lệ thất nghiệp của Âu châu. Bội chi ngân sách cũng vậy, cứ được thông báo là lên tới số kỷ lục. Nhưng với đà tăng trưởng kinh tế hàng năm thì năm nào ta cũng có kỷ lục tuyệt đối, chứ nếu so với Tổng sản lượng GDP thì vẫn ở mức độ có thể khắc phục được, và còn thấp hơn bình quân của Âu Châu.
Hỏi: Nhưng còn sự sa sút của thị trường gia cư và nạn nhà cửa bị tịch biên vì dân chúng không có tiền trả nợ, những vấn đề ấy không ảnh hưởng tới nền tảng kinh tế hay sao"
- Tất nhiên là có và sự sợ hãi về những tai họa ấy do truyền thông loan tải hàng ngày càng gây ra tác dụng cộng hưởng, là gây ra hốt hoảng. Nhưng, theo Hiệp hội Ngân hàng Địa ốc MBA thì tỷ lệ thiếu nợ chỉ là 6,4% tổng số dư nợ tín dụng gia cư và số nhà bị kéo vì thiếu nợ chỉ lên tới 2,75%. Xét vào chi tiết thì loại nợ thứ cấp có nhiều rủi ro nhất chỉ chiếm 12% tổng số tín dụng gia cư và phân nửa số nhà bị tịch biên là thuộc loại nợ này. Nhìn trên một viễn ảnh dài thì từ vụ Tổng khủng hoảng 70 năm về trước, bình quân hàng năm có 94 ngân hàng Mỹ bị phá sản. Số ngân hàng bị phá sản khiến cơ quan bảo đảm ký thác FDIC phải đứng ra trả nợ đậy cho trương chủ chỉ có 11 cái trong năm 2008 mà ta gọi là khủng hoảng. Năm 2007 có ba cái và không ngân hàng nào phá sản trong suốt hai năm 2005 và 2006.
- Để kết luận, tôi trộm nghĩ rằng dân Mỹ có đặc tính tâm lý là lạc quan thái quá vì tin rằng Hoa Kỳ có định mệnh riêng, cái gì cũng làm được. Nhưng sau đó, cũng họ lại bi quan thái quá và dễ hốt hoảng khi thấy tin xấu dồn dập và chính sự hốt hoảng ấy mới gây ra tai họa cho kinh tế.