Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Qua kiếng chiếu hậu của chiếc xe đò, tôi thấy người tài xế thỉnh thoảng nhìn về phía chúng tôi, ánh mắt đầy vẻ xa lạ, né tránh. Cậu lơ xe thì vừa nhìn ra đường, vừa hát nghêu ngao bài "Trường sơn đông, Trường sơn tây". Trong xe, bầu không khí thiệt nặng nề. Cả ba chúng tôi đều im lặng vì không biết nói với ai và nói gì. Khi thấy một vài nóc nhà hiện lên dọc đường, báo hiệu gần tới thị trấn Đông Hà, người tài xế quay lại gọi cậu lơ xe tới gần rồi nói nhỏ với cậu điều gì đó. Cậu lơ xe gật gật đầu, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm chúng tôi. Tuy không biết người tài xế nói gì với cậu lơ xe, nhưng xem thái độ của hai người, tôi biết điềm này lành ít dữ nhiều. Biết vậy, nhưng tôi đâu biết làm gì, đành thúc thủ chờ đợi.
Xe chạy vô bến Đông Hà lúc trời vừa chập choạng tối. Xe chưa kịp dừng bánh hẳn, đã thấy cậu lơ xe nhảy khỏi xe, chạy vội vã về phía căn nhà nhỏ nằm cuối bến xe. Khi xe dừng bánh, chúng tôi lần lượt đứng dậy, đi về phía trước xe để xuống. BH, T và tôi đều cất tiếng chào người tài xế, nhưng ông chỉ gật đầu không đáp. Khi chào ông, tôi nhìn thẳng vô mặt ông, như muốn ngấm ngầm trao gửi cho ông một câu hỏi, một lời trách móc, nhưng ông né tránh.
Vừa bước xuống xe, một cơn cuồng phong cuốn theo không biết bao nhiêu cát bụi thổi thốc vào mặt. Chúng tôi phải quay người, nép vào thành xe chống đỡ. Vậy mà mặt mũi miệng, vẫn thấy đầy cát. Đưa mắt quan sát chung quanh, dù lúc đó trời đã chập choạng tối, nhưng tôi vẫn thấy cả bến xe chỉ có hai chiếc xe đò, kể cả chiếc xe vừa chở chúng tôi tới. Phía bên trái của bến xe có vài chiếc quán siêu vẹo, tất cả đều đóng cửa. Nằm về phía bên phải của bến xe có một căn nhà bằng gạch, cửa tuy đóng, nhưng qua cửa sổ, tôi thấy có ánh đèn. Tôi đoán, đó vừa là trạm kiểm soát, vừa là trạm bán vé, và cậu lơ xe nghe lời tài xế đã chạy vô trong đó báo cáo về "3 người khách khả nghi chúng tôi" trên xe. Như vậy, tôi đoán, không sớm thì muộn, công an bộ đội sẽ xuất hiện kiểm tra giấy tờ và bắt giữ tụi tôi.
Lòng đầy lo ngại, tôi nói nhỏ với BH và T, "Chúng mình phải đi lẹ lẹ lên. Tụi nó sắp đến tóm cổ mình rồi đó!" Nghe vậy BH vội run lên, hai tay níu chặt tay Tuấn, thảng thốt hỏi tôi:
- Vậy mình phải làm sao bây giờ cậu"
T cũng hoảng hốt không kém. Đưa mắt nhìn chung quanh, T bồn chồn:
- Bây giờ đi đâu đây cậu"
Nhìn thấy BH lúng túng với chiếc ba lô cồng kềnh, tôi giằng lấy đeo lên vai, rồi vừa rảo bước vừa nói:
- Đi theo tôi ra khỏi bến xe này đã rồi tính...
BH ríu ríu đi theo tôi. T đi sau cùng. Không ngoái đầu lại, tôi nói:
- Cứ lặng lẽ đi theo tôi. Đừng nhìn ngang nhìn ngửa gì cả. Cũng đừng nói chuyện gì hết. Tụi nó trong căn nhà kia đang theo dõi mình đấy...
Nói xong, tôi nghĩ những lời mình nói có thể làm cho BH và T hoảng hốt. Mà sự hoảng hốt trong lúc này thiệt vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, tôi vội trấn an bằng một câu đầy mâu thuẫn với câu trước:
- Cứ yên tâm từ từ đi. Cố đi một đoạn ngắn trên đường lộ, rồi mình chuồn vào rừng. Trời tối thế này, chúng sẽ không kiếm ra mình đâu.
Đường xuyên biên giới từ Đông Hà sang Lào tuy là quốc lộ nhưng nhỏ, dốc, băng qua nhiều đồi, núi và dòng suối. Ngay khi ra khỏi bến xe, đi được một đoạn đường vài trăm thước, chúng tôi đã phải đổ dốc. Xuống đến chân dốc gặp một đoạn suối chảy băng ngang. Tuy nước suối chỉ xâm xấp ngập mặt đường khoảng một gang tay, nhưng vì mặt đường làm bằng những tảng đá lởm chởm, ngay cả xe hơi đi qua cũng phải nghiêng ngửa, nên chúng tôi bước đi rất khó khăn. Nhất là BH, một cô gái sinh ra và lớn lên ở Sàigòn, học trường đầm, chưa bao giờ gặp hoàn cảnh này, nên rất lúng túng và sợ hãi. Dù không phải mang ba lô trên vai, lại được T. đi bên cạnh giúp đỡ, BH vẫn vừa đi nghiêng ngửa, té lên tế xuống, vừa kêu lên những tiếng thảng thốt... Phải mất gần 10 phút đồng hồ, chúng tôi mới vượt được dòng suối cạn khoảng hai chục thước, sang được đến bên kia bờ an toàn. Đến đây, chúng tôi lại phải gặp khó khăn thứ hai là leo dốc. Dốc không dựng đứng, nhưng xiên xiên cả một chiều dài gần 300 thước, khiến chúng tôi muốn ngộp thở. Lúc đó trời đã tối hẳn, nhưng nhìn ra hai bên đường, tôi thấy không có chỗ nào thuận tiện để có thể chui vô ẩn nấp. Tôi tính thầm trong bụng, chờ lên đến đỉnh dốc, có được tầm quan sát chung quanh, định được phương hướng rõ ràng, lúc đó chúng tôi sẽ phải tạt vô rừng càng sớm càng tốt. Chứ ba người cứ đi dọc theo đường lộ này, không sớm thì muộn sẽ bị tụi bộ đội công an biên phòng bắt giữ.
Tôi không ngờ khi leo dốc, BH và T lại gặp nhiều khó khăn. Vì đi bộ không quen, lại phải leo dốc, trời lại tối, nên đoạn dốc chỉ khoảng 300 mét, nhưng phải mất gần 20 phút đồng hồ, chúng tôi mới leo được tới đỉnh dốc. Để BH và T ngồi nghỉ mệt, tôi âm thầm quan sát chung quanh. Trước mắt tôi, con đường dốc hiện ra mờ mờ, báo hiệu chặng đường sắp tới sẽ càng ngày càng dốc, càng nguy hiểm. Đi ngoài đường quốc lộ, gặp dốc còn khó khăn vất vả như vậy, đi trong rừng gặp dốc chắc chắn sẽ còn khó khăn vất vả gấp bội. Dọc theo hai bên đường, tôi thấy thấp thoáng những ánh đèn leo lét, nằm rải rác. Đó có thể là nhà dân, nhưng cũng có thể là nhà của công an, bộ đội đóng tại Đông Hà. Nghĩ đến những người dân đi trên xe đò lúc trước, tôi thầm nhủ, ngay cả biết chắc một trong những ngôi nhà ven đường là nhà dân đi nữa, chúng tôi cũng không dám chui vô gõ cửa xin tá túc. Tình thế này, chúng tôi phải đi bộ ít nhất một, hai cây số dọc theo đường quốc lộ, rồi mới nghĩ đến chuyện tạt vô rừng ẩn nấp.
Quay sang BH và T, tôi hỏi nhỏ:
- Sao đã đỡ mệt chưa"
BH chán nản, năn nỉ:
- Mệt quá cậu ơi. Cho tụi cháu nghỉ chút nữa đi.
T lồm cồm đứng dậy, hỏi tôi:
- Sao mình không tạt vô rừng nghỉ ngơi một vài giờ rồi hãy đi, cậu"
Tôi trả lời, giọng khuyến khích:
- T. nói đúng lắm. Chúng mình chịu khó đi bộ khoảng nửa cây số nữa rồi tạt vô rừng nghỉ ngơi. Chỗ này toàn nhà ở hai bên đường, không biết là nhà dân hay nhà công an bộ đội, nếu mình tạt vô họ sẽ nghi ngờ, báo động tùm lum nguy hiểm lắm. Thôi BH chịu khó đứng dậy, đi cố một đoạn nữa đi...
BH uể oải đứng dậy. Nhìn BH tôi xót xa. Trong bóng tối, dưới ánh sao, tôi thấy cặp mắt của BH long lanh. Tôi đoán, cháu đã khóc. Khóc vì mệt nhọc lo sợ, vì tủi thân, vì không biết số phận của mình sẽ đi về đâu, giữa quang cảnh âm u của núi rừng. Tôi muốn nói vài lời an ủi, động viên BH, nhưng sợ BH thêm xúc động, đau lòng, nên tôi quay mặt, cố nén tiếng thở dài, rồi mệt nhọc cất bước...
Đi được khoảng hai trăm thước, trong lòng tôi đã khấp khởi mừng thầm, vì cho đến giờ, tôi vẫn không thấy dấu hiệu gì nguy hiểm như tôi thoạt lo ngại khi xuống xe. Cứ theo lẽ thường, sau khi được cậu lơ xe thông báo, công an bộ đội VC phải ra tay bắt giữ chúng tôi từ lâu mới phải, vì chúng tôi ba người, đều không có một tấc sắt trong tay. Giữa lúc tôi đang hy vọng một cách mong manh như vậy, bỗng nhiên từ phía trước, ở hai bên đường, một loạt hàng chục ánh đèn bấm loang loáng rọi thẳng về phía chúng tôi. Một tiếng hét thiệt lớn, lơ lớ giọng người thiểu số, vang lên trong đêm tối:
- Đứng "nại"!
Kèm theo tiếng hô là tiếng lên đạn lách cách. Tôi giật mình, điếng người. Thoáng nhìn, tôi biết ngay tình thế này không tài nào tẩu thoát. Khoảng hơn chục chiếc đèn bấm chiếu thẳng vào mặt chúng tôi. Như vậy, phải có ít nhất hơn chục tên công an, bộ đội với đầy đủ súng ống đang chặn đường chúng tôi. Sợ BH hay T vì hoảng hốt lúng túng, dễ có hành động liều mạng, hoặc có cử chỉ làm cho mấy tên công an hiểu lầm, gây nguy hiểm đến tính mạng, nên tôi vội nói nhỏ, "Mình đứng lại đi, đừng sợ!"
Tiếng hét thứ hai lại vang lên, cũng lơ lớ giọng người thiểu số:
- Giơ tay "nên"!
Chúng tôi vội vã giơ tay. Những ánh đèn bấm lúc này vẫn loang loáng chiếu rọi lung tung. Chiếc thì chiếu vào mặt chúng tôi, chiếc thì chiếu lên người, chiếc thì chiếu sang chung quanh, quét ngang quét dọc.
Người "thiểu số" lại hét lên:
- Tất cả đứng im. Cấm nhúc nhích. Đồng chí X và đồng chí Y (tôi không nhớ tên nên tạm gọi như vậy) vô giải giới và tịch thu tang vật.
Nghe y hô vậy, tôi đang hoảng hốt lo sợ mà cũng phải bật cười. Sự thực, ai cũng nhìn thấy rõ chúng tôi đâu có mang theo vũ khí gì đâu mà sao y lại hô đòi đòi giải giới chúng tôi"
Hai tên X và Y bước lại. Cả hai đều không có súng. Khi đến cách tôi khoảng ba thước, tên X ra lệnh cho tôi bước về phía tay phải năm bước. Thì ra chúng rất khôn ngoan, trước hết, chúng không mang theo súng khi lại gần là để tránh tình trạng chúng tôi có thể liều mạng cướp súng. Sau đó, chúng bắt tôi đứng cách xa BH và T để khi "giải giới" tôi, BH và T không thể lợi dụng để có những phản ứng bất lợi. Về sau này, tôi mới được anh em trong trại tù Đông Hà cho biết, lực lượng canh phòng suốt từ Đông Hà về đến biên giới là lực lượng hỗn hợp thuộc bộ đội quốc phòng và công an biên phòng. Vì vậy, lực lượng này đều có kinh nghiệm trong việc đối phó và bắt giữ những người chống đối, cũng như người vượt biên.
Sau khi gỡ chiếc ba lô ra khỏi vai của tôi, tên X và Y trói tôi giật cánh khuỷu bằng sợi dây dù. Không đầy 5 phút sau, T cũng bị trói tương tự. Riêng BH có lẽ vì là con gái, nét mặt rất ngây thơ, nên không bị trói. Như vậy là một lần nữa, tôi lại bước vào vòng tù tội.
Cho đến lúc đó, tất cả những tên bộ đội công an không hề hỏi giấy tờ của chúng tôi và cũng không hỏi chúng tôi đi đâu, làm gì, tại sao lại đến đây, vân vân. Ngược lại, chúng tôi cũng lẳng lặng để cho chúng trói, tịch thu đồ đạc mà không hề hỏi ngược lại chúng, tại sao lại bắt trói, tịch thu đồ đạc của chúng tôi.
Hành động ngang ngược của tụi công an, bộ đội; và thái độ im lặng chấp nhận của chúng tôi là điều dễ hiểu. Công an bộ đội VC đã biết rõ chúng tôi đang trên đường vượt biên, và chúng tôi cũng biết rõ điều đó. Vậy thì cãi lộn với chúng chẳng thể xoay chuyển được tình thế, mà còn tạo nguy hiểm cho chính mình. Tốt nhất là im lặng như đã bàn bạc với nhau.
Đúng ra, trước khi lên đường vượt biên, tôi đã bàn rất kỹ với BH và T về những kế hoạch đối phó khác nhau nếu chẳng may bị bắt ở những nơi khác nhau. Chúng tôi đã đồng ý, nếu như bị VC hạch hỏi giấy tờ hay bị bắt ở bến xe, trạm kiểm soát dọc đường, chúng tôi còn có thể dùng giấy tờ giả cộng với những lời khai khôn khéo để qua mặt. Còn từ Đông Hà trở đi, mọi giấy tờ giả đều vô hiệu, nên chúng tôi đồng ý huỷ hết giấy tờ giả, và chấp nhận, nếu bị bắt, chúng tôi sẽ tỏ ra ngây thơ và "thành khẩn nhận tội vượt biên" ngay từ đầu. "Ngây thơ và thành khẩn nhận tội" như vậy, chúng tôi có được mấy điều lợi. Một, chúng tôi sẽ tạo cho công an bộ đội VC chủ quan, coi thường. Như vậy, khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ trốn trại. Hai, chúng tôi sẽ không phải gặp khó khăn khi bị VC thẩm vấn điều tra. Như vậy, chúng sẽ khó lòng phát hiện ra lý lịch và tội trốn trại của tôi, ít nhất là trong thời gian đầu giam giữ tôi.
Sau khi trói tôi và T, tụi VC hơn chục đứa gồm cả người kinh lẫn người thiểu số, xúm xít giải chúng tôi về đồn công an biên phòng, cách đó khoảng một cây số. Trên đường đi, chúng đều cười nói hô hố, trong khi chúng tôi thì rầu rĩ vô cùng. Tôi tuy lo ngại cho cái quá khứ trốn trại của mình, không sớm thì muộn sẽ bị tụi VC phanh phui, nhưng vẫn còn cố giữ được vẻ điềm tĩnh. Riêng BH thì khóc xụt xịt, khiến tôi đau đớn, thương cho cháu vô cùng, nhưng không biết làm thế nào...
Đồn công an biên phòng Đông Hà là một dẫy nhà tranh chạy dài, được ngăn ra làm nhiều phòng, trông rất sơ sài, tiêu điều. Chúng tôi bị giải vô một căn phòng, trong chỉ có chiếc bàn bằng cây, ghế cũng bằng cây chậy dài, được đóng dính liền với bàn. Trên trần chỉ có một ngọn đèn khoảng 50w toả ra thứ ánh sáng vàng vọt yếu ớt.
Một tên bộ đội đeo lon đại uý, chỉ tay vào góc phòng, ra lệnh cho chúng tôi ngồi xuống đất. Hai tên bộ đội khác, mang 2 chiếc ba lô và chiếc túi xách của tôi để trên bàn. Kế đó, chúng lần lượt mở tung tất cả ba lô và túi xách, lấy ra tất cả mọi vật dụng để lên trên bàn. Một tên khác lấy giấy bút, rồi một tên nhặt từng món đồ, đọc to cho tên kia ghi xuống giấy. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, ghi chép xong, chúng lại bỏ tất cả mọi thứ trở lại ba lô và túi xách.
Ngồi trong góc phòng, chúng tôi bị muỗi đốt khắp cả người, nhất là mặt và hai bàn tay bị trói. BH không bị trói còn đỡ, còn tôi và T thì thật kinh hoàng, cả người luôn vặn vẹo, đầu xoay lắc liên tục, nhưng vẫn không thoát được cuộc tấn công dữ dội của cả đàn muỗi...
Sau khi bỏ hết đồ đạc vô trong ba lô, tên đại uý phẩy tay ra hiệu cho mấy tên bộ đội ra ngoài. Trong phòng chỉ còn lại có 3 tên. Tên đại uý chỉ tay vô băng ghế phía bên kia, rồi hướng về phía chúng tôi nói chỏng:
- Lại ngồi xuống đó.
Chúng tôi lần lượt đứng dậy bước về phía chiếc ghế rồi ngồi xuống. Tôi ngồi đầu bàn, kế đó là T, sau cùng là BH. Phía bên kia, tên đại uý đứng một chân còn một chân y đặt lên ghế. Hai tên bộ đội khác không đeo quân hàm đứng hai bên. Tên đại uý hỏi:
- Các anh vượt biên"
Chúng tôi im lặng.
Tên đại uý nhếch mép, đưa tay chỉ vô đống ba lô và túi xách của chúng tôi rồi cười khẩy:
- Tất cả những thứ này là bằng chứng đủ để buộc các anh tội vượt biên. Các anh vô phương chối cãi. Vì vậy, tốt nhất là các anh nên thành khẩn nhận tội để được đảng và nhà nước khoan hồng.
Chỉ vào mặt tôi, tên đại uý gằn giọng:
- Sao, anh có nhận tội vượt biên hay không"
Tôi thản nhiên gật đầu:
- Tôi nhận.
Tên đại uý mỉm cười đắc chí. Chỉ tay sang T., tên đại uý hỏi:
- Còn anh, có nhận tội không"
T gật đầu:
- Tôi nhận.
Quét ánh mắt cú vọ sang BH, tên đại uý hỏi:
- Còn chị thì sao"
BH xụt xịt gật đầu, không nói.
Tên đại uý gật gù đắc ý:
- Tốt, như vậy là các anh, chị đã tỏ ra thành khẩn nhận lỗi. Nhưng đó chỉ là bước đầu. Bây giờ tôi muốn các anh chị, mỗi người vô một phòng riêng để cung khai tất cả sự thật về chuyến vượt biên này. Các anh chị phải ghi rõ, họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha, tên mẹ, địa chỉ của mình, những gì các anh chị đã chuẩn bị cho chuyến vượt biên và vượt biên như thế nào, từ khi ra đi ở đâu, ngày giờ nào, cho đến khi các anh chị bị chúng tôi bắt. Nếu các anh chị khai đúng sự thực, ba người khai đều giống nhau, thì sẽ sớm được đảng và nhà nước khoan hồng, cho về với gia đình. Trái lại, nếu ngoan cố, các anh chị sẽ bị tù rục xương.
Nói đến đó, tên đại uý đập tay xuống bàn đánh rầm, làm cho chúng tôi giật nảy mình. Tôi không biết BH và T có giật mình thiệt hay không, riêng tôi, tôi giả vờ giật mình, với vẻ mặt sợ sệt. Đây là vai kịch tôi đã chọn và đóng trọn vẹn vai trò ngây thơ sợ hãi của mình trong suốt những ngày tháng bị giam tại Đông Hà, cũng như trên đường chúng tôi bị giải giao về Lao Thừa Phủ ở Huế. Nhờ vậy, sau này hai tên công an giải giao chúng tôi về Huế đã chủ quan, coi thường, tạo cho tôi có cơ hội chạy thoát ngay giữa thành phố Huế, khi chúng tôi cách Lao Thừa Phủ chỉ có không đầy 100 thước. (Còn tiếp...)