Tác giả SaPy Nguyễn Văn Hưởng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. |
Sau đây là bút ký của ông về biến cố 30-4-1975 tại doanh trại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin thuộc sư đoàn 21 Bộ Binh VNCH, ngoại ô Bạc Liêu. Ông Hưởng hiện là cư dân San Diego và vị cựu Thiếu tá Lương Duy Thanh, Tiểu Đoàn Trưởng trong hồi ký của ông hiện là cư dân Los Angeles.
Đoạn Ba
Danh Dự - Trách Nhiệm
(tiếp theo)
Đại úy Chinh nói năng nhỏ nhẹ, miệng luôn tươi cười như một thư sinh yêu đời. Sáng nay nét vui tươi bình thường trên gương mặt ông biến mất hẳn. Tôi hỏi thăm ông:
- Đêm qua Đại úy ngủ được không"
Ông lắc đầu chán nản nói như lời trần tình:
- Ông thấy không, từ lúc mất Ban Mê Thuột đến giờ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như bị trói tay, có được đánh đấm gì đâu, chỉ toàn di tản, bỏ dân, bỏ đất cho Cộng Sản. Cho đến giờ phút này, từ Sàigòn xuống đến tận Cà Mau, lực lượng mình vẫn còn nguyên vẹn, nhưng bị buộc phải buông súng, tôi thấy đau lòng quá.
Tôi buồn bã tiếp lời:
- Tôi nghĩ, mất Miền Nam là bởi sự phản bội của đồng minh, bởi thiếu cấp lãnh đạo có khả năng, chớ không phải vì người lính Miền Nam yếu hèn hơn người lính phương Bắc. Tướng Dương Văn Minh là Tổng Tư Lệnh Tối Cao đã ra lệnh buông súng. Chúng ta, những người lính được huấn luyện chỉ biết làm người thi hành mệnh lệnh thượng cấp, thì còn làm được gì để xoay ngược tình thế" Đại úy thấy không, mọi lời bàn tán, mọi điều suy tư trong lúc này đều lâm vào bế tắc. Vì chúng ta không được quyền chiến đấu, thì đương nhiên không thể bảo rằng Quân Lực này chiến bại được.
Mọi lời nói, mọi lối nghĩ suy chỉ để thoát bớt niềm đau đớn cho chính mình và cho đồng đội, chớ ai cũng đều biết: thể chế và quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị cáo chung.
Sáng hôm nay Câu lạc bộ có gì đãi nấy, chẳng còn bán buôn gì trong giờ phút này nữa. Trung sĩ I Mạch Văn Hồng người trực tiếp trông nom câu lạc bộ, chỉ muốn chu toàn nhiệm vụ đến giờ phút cuối cùng, cho nên vẫn mở cửa như thường lệ đãi đằng anh em. Mang ly cà phê nóng đến cho tôi, Hồng bảo:
- Hôm nay còn cái gì tôi đem ra mời anh em. Ăn uống không hết, tôi đổ bỏ, chỉ để lại cho bọn quỷ đỏ cái nhà Câu lạc bộ trống không này thôi.
Lúc tôi rời Câu lạc bộ, Hạ sĩ Vinh bước vào. Vinh giơ tay chào tôi. Nhìn lên, thấy đầu Vinh không còn một sợi tóc, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao em cạo đầu vậy Vinh"
Vinh bùi ngùi:
- Em cạo đầu để tang cho Tổ Quốc!
Vinh là một quân nhân ngang bướng nhất trong đơn vị. Chỉ mỗi mái tóc thôi, tôi phải phạt lên phạt xuống, bắt cắt đi cắt lại ba bốn lần, nhưng tóc anh vẫn dài. Vậy mà hôm nay Vinh lại tự tay cạo đi mái tóc. Nhìn cái đầu trọc với gương mặt buồn xo, tôi thấy thương Vinh vô hạn.
Lời nói cùng việc làm của Hồng và Vinh biểu tỏ cho tôi thấy đôi chút tâm tình của người lính Miền Nam trước lúc chịu bức tử. Một vài hành động, một vài cử chỉ tuy rất nhỏ nhặt đơn sơ nhưng giúp họ toát bớt được một phần nào nỗi ấm ức chất chứa trong lòng.
*
Đúng vào giờ thứ 32 ngày 30-4-1975, tức 8 giờ sáng 1-5 nếu tính theo giờ đồng hồ, kẻng tập họp trỗi lên như thường lệ. Mọi người tiến nhanh ra sân cờ. Trong mắt tôi hàng quân hôm nay đông đủ hơn, kỷ luật hơn mọi ngày. Thượng sĩ Thường Vụ điểm danh xong, báo cáo quân số lên Đại Đội Trưởng Chỉ Huy Công Vụ. Đại úy Chinh rời hàng quân bước vào văn phòng trình diện Tiểu Đoàn Trưởng. Khi Thiếu tá Thanh và Đại úy Chinh tiến ra sân cờ, Thiếu úy Minh sĩ quan Trực dõng dạc hô lớn:
- Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng đến. Nghiêm! Chào tay! Chào!
Bàn tay mọi người đồng loạt giơ lên đặt ngang vành nón sắt. Thiếu tá Thanh dừng bước, ông đứng trong tư thế nghiêm chào hàng quân. Minh dõng dạc tiếp tục điều khiển buổi lễ:
- Phất! Thao diễn nghỉ!
Thủ tục chào kính xong. Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng đưa mắt nhìn khắp hàng quân, ông hít một hơi thật mạnh, với giọng đầy xúc động, ông chậm rãi nói như mở lòng mình ra cùng thuộc cấp:
- Thưa tất cả anh em. Cho đến giờ phút này chúng ta vẫn còn là người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta vẫn có thể hiên ngang kéo lá Quốc Kỳ lên. Nhưng người Cộng Sản đã vào đến thành phố, những người thân yêu của chúng ta và toàn dân Miền Nam đã lọt vào tay họ. Trước lúc bước ra đây, tôi tự hỏi lòng: có nên kéo lá cờ lên cho ngạo nghễ tung bay thêm vài giờ, rồi để người Cộng Sản lôi nó xuống chà đạp sau khi họ vào tiếp thu đơn vị không" Hay mỗi người chúng ta tự cất giữ, bảo vệ lá Quốc Kỳ trong lòng mình" Nghĩ vậy nên tôi quyết định, buổi chào cờ hôm nay không có lá Quốc Kỳ. Chúng ta hãy xem lá Quốc Kỳ thân yêu mà chúng ta và biết bao người đổ máu bảo vệ nó, đã được kéo xuống từ lúc vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao, Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Nhưng tôi tin, lá Quốc Kỳ sẽ tồn tại mãi trong lòng tôi, trong lòng các anh em và trong lòng người dân Miền Nam chiến đấu cho lý tưởng Tự Do.
Thiếu tá Thanh ngừng lại giây lát, thêm một lần nữa ông đưa mắt nhìn khắp hàng quân. Mọi người đều đứng im cúi mặt lắng nghe. Ông nói tiếp:
- Tất cả chúng ta hãy đồng một lòng ngước mắt nhìn lên cột cờ, tưởng như lá cờ vàng ba sọc đỏ đang tung bay phất phới. Chúng ta vẫn có thể đồng hát bản Quốc Ca, nhưng lời ca tiếng hát giờ đây có còn gây hưng phấn cho dân chúng như mọi ngày không" Hay nó đem lại cho họ sự lo sợ" Vì vậy, chúng ta sẽ hát Quốc Ca thật lớn, nhưng...hát ở trong lòng.
Lại thêm một lần nữa Thiếu Tá Thanh ngừng nói, như để từng lời ông tâm tình, ngấm sâu vào lòng mỗi người lính. Ông lại đảo mắt nhìn khắp hàng quân rồi ban lệnh:
- Bây giờ anh em chuẩn bị làm lễ chào Quốc Kỳ.
Theo như thường lệ, sĩ quan Trực là người điều khiển buổi lễ chào cờ. Nhưng hôm nay, Thiếu tá Thanh trực tiếp làm mọi chuyện. Ông hô to:
- Nghiêm!
Hàng quân đồng loạt làm theo lệnh ông.
- Lễ chào Quốc Kỳ bắt đầu! Chào tay! Chào! Thượng kỳ! Quốc Ca!
Mọi người đứng im phăng phắc, mắt ngước nhìn lên cột cờ. Tôi như thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ đang từ từ kéo lên. Tôi trút bỏ hết những ưu tư trong người, để lòng mình hòa vào từng câu hát. Lời ca không được phát ra bên ngoài nên tôi nuốt trọn nó vào lòng. Nhìn sang hàng quân đối diện, môi ai cũng đang mấp máy. Tôi quay về thực tại khi tiếng hô dõng dạc của ông Tiểu Đoàn Trưởng vang lên:
- Phất! Thao diễn nghỉ! Một phút mặc niệm các chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc! Nghiêm! Chào tay! Chào!
Bầu không khí linh thiêng bao phủ khắp sân cờ. Tôi như thấy hồn thiêng sông núi đang lẩn khuất đâu đây. Tôi cúi đầu nhận tội với tiền nhân vì không làm tròn trách nhiệm với quê hương đất nước. Tâm tư tôi thoáng hiện hình ảnh bạn bè, đồng đội và những người đã hy sinh trong cuộc chiến, nghĩ đến nỗi đau khổ của Quân Dân Miền Nam...Trong người tôi không còn chỗ chứa những niềm đau, những nỗi uất hận. Tôi nghe tiếng nấc nghẹn đâu đó trong hàng quân, tiếng khóc cứ lan dần, lan dần...đến lúc này thì tôi không còn kềm hãm nổi mình nữa, để mặc nước mắt tuôn trào. Hầu như mọi người đều khóc. Phút mặc niệm qua đi, Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng đứng nghiêm chào đoàn quân rồi nói trong nghẹn ngào:
- Thôi các anh em tan hàng.
Thiếu tá Thanh cúi mặt bước vội vào văn phòng, mọi người cũng lặng lẽ rời sân cờ.
*
Trong đơn vị tôi ngoài anh em cơ hữu ra còn có hơn ba mươi khóa sinh do các đơn vị thuộc Vùng IV Chiến Thuật gởi đến thụ huấn chuyên môn về Truyền Tin. Tuy là lính mới, nhưng tất cả đều tuân hành kỷ luật hết sức nghiêm minh. Lúc tôi đang thơ thẩn đếm bước đi không định hướng. Anh trưởng lớp đến chào tôi rồi lên tiếng hỏi:
- Thưa Trung úy, hôm nay tụi em có phải vào lớp học không"
Tôi lắc đầu bảo:
- Không có học hành gì nữa cả, anh cho anh em về phòng sửa soạn đồ đạc, sẵn sàng rời đơn vị sau khi bàn giao cho Việt Cộng.
Người khóa sinh đi rồi, tôi lê bước trở về ban mình. Trên chiếc bàn làm việc thường ngày, chỉ còn hai cái điện thoại đen nằm trơ trọi. Căn phòng hôm nay như hoang phế, chẳng còn gì ngoài vài bộ bàn ghế và mấy cái tủ hồ sơ trống không. Ngay như cái bảng nhỏ: “Trung Uý Nguyễn Văn Hưởng
Sĩ Quan An Ninh - Chiến Tranh Chính Trị”
mới đặt làm mấy tháng trước, tôi cũng cho quăng luôn vào lửa đốt tối hôm qua.
Thượng sĩ Thanh, với hơn 20 năm quân ngũ, từng là cựu tù binh Cộng Sản, đang ngồi cúi mặt, chống tay lên cằm. Còn Thượng sĩ Mẫn, chẳng biết làm gì, lại lôi mấy bộ quần áo sơ vin ra xếp đi xếp lại. Phần tôi, ngồi một chỗ không yên, bước ra đứng giữa khung cửa, đưa mắt nhìn vài ba anh em binh sĩ ngồi bệt giữa sân cờ trò chuyện.