Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

19/04/200900:00:00(Xem: 3233)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tôi đã biết tỏng anh chàng Gôm này. Thấy gái như người khát nước thấy quả mơ, nhưng bác Tiến ngồi bên cạnh đã ngạc nhiên, quay lại hỏi Gôm:
- Mình không thích người ta thì thôi, chứ việc gì mà phải chạy"
Như giũ sạch cái buồn vừa đi kỷ luật về, Gôm đã đon đả:
- Cháu chạy ra xa lấy chớn, để lao vào cho mạnh hơn bác ạ!
Đúng là cái nết, cho kỷ luật chết cũng không chừa.
Chương 48: Ai Cho Shihanouk Ăn... Cứt Gà Sáp"
Hôm nay, toán 2 đi lao động ở lán mộc thủ công về, vừa vào đến cổng trại đã nghe thấy tiếng loa oang oang, làm cho mặt ai cũng tươi tỉnh hẳn lên. Nhìn thái độ phấn chấn của mọi người, vừa đi về buồng tôi vừa suy nghĩ. Tâm lý con người thật cũng kỳ lạ! Trước đây, tiếng loa cứ nheo nhéo suốt ngày đêm, thì ai cũng đau đầu, nhức óc, chửi nó là “con mẹ chửi thuê đầu đường, xó chợ.” Vậy mà bẵng đi không có nó, lại thắc mắc, lại mong. Lòng con người thật cũng khó mà chiều!
Từ mấy ngày trước, có mấy người thợ điện của trại vào mắc hệ thống dây và loa cho các buồng. Nhớ đến Phan Thanh Vân, tôi hỏi thăm mấy anh thợ điện. Khi nghe tôi hỏi, mặt anh nào cũng ngơ ngác, rồi như chợt nhớ ra, một anh đã trả lời lấp lửng: “Hình như Phan Thanh Vân đã được chuyển về Hà Nội gần một năm nay rồi, chúng tôi là những người mới, nên không biết rõ.” Thấy họ không biết gì hơn, tôi không hỏi nữa. Lòng tôi cũng thấy vui vui vì đường đi của Vân càng ngày, càng mở rộng mở.
Thảo nào mà chúng mắc đài, mắc dây rối rít cả lên. Dù chúng tôi chẳng còn lạ quái gì nữa, vậy mà vẫn phải nói. Hể khi nào chúng bắt tù nghe đài, đọc báo là tình hình có lợi cho chúng. Còn khi nào đài bị hư, báo bị nghẽn đường v.v… là phải hiểu, chúng đang bị khốn đốn, tình hình đang bất lợi cho chúng. Đài cứ ra rả sáng, trưa, chiều, tối, chúng chửi bới Nixon là con diều hâu. Về hội nghị Paris, chúng chửi Nixon và Thiệu ngu xuẩn và ngoan cố. Chúng sẽ tăng cường sức mạnh để đè bẹp sự ngoan cố, thực dân của Mỹ v.v… Nhân dân thế giới đang sôi nổi ủng hộ chúng. Nhân dân Mỹ phản chiến chống chính phủ Mỹ. Đặc biệt nhất, chúng làm rùm beng nhất là một chiến dịch to lớn quy mô chào mừng hội nghị nhân dân Đông Dương 3 nước Việt, Miên, Lào.
Anh chàng Shihanouk đã bạc đầu ra rồi, mà vẫn hí hửng nhai cứt gà sáp của Cộng Sản. Tôi vẫn hiểu rằng, trước đây, bây giờ và sau này còn nhiều người to đầu, tài ba nửa mà vẫn nhai cứt gà sáp của Cộng Sản huống gì Shihanouk. Cái điều đáng nói là người nào tỉnh sớm và người nào tỉnh muộn mà thôi. Nhưng hầu hết, hoặc đại đa số, khi còn khẩu súng trong tay, khi còn nhiều của cải, sức mạnh đầy đủ, khi còn phây phây, nhởn nhơ ở một nước tự do thì không bao giờ tỉnh. Lúc đó ai cũng nhìn thấy Cộng Sản là một người đạo mạo, hiền từ, yêu chuộng hòa bình trên hết, chỉ chiến đấu cho công bằng và tình người. Chỉ khi nào, ai đó không còn những cái ưu thế ở trên, bấy giờ mới nhìn thấy bộ mặt thực của Cộng Sản là một con quỷ có ngà. Bạn còn vũ khí trong tay, bạn có thể bắn chết nó thì hãy tin chắc chắn không bao giờ Cộng Sản làm mất lòng bạn, chúng sẽ tìm mọi cách ve vãn, nào là hòa bình, tình người, hữu nghị, làm sao cho bạn lỏng tay súng, thậm chí cất súng, bẻ súng đi. Lúc đó, bạn sẽ bắt đầu hiểu Cộng Sản, mà mỗi khi hiểu thì thường thường đã muộn.
Sáng hôm nay, nhìn tấm ảnh to tướng ngay ở trang nhất tờ báo Nhân Dân, thấy Shihanouk và vợ (bà hoàng Monic) mặt hớn hở, tươi như hoa, đứng bên cạnh Tôn Đức Thắng và Phạm Văn Đồng. Tôi cầm tờ báo trầm ngâm, nhìn tấm hình, dòng tư tưởng của tôi cứ trào lên vơi đầy. Tôi đặt giả thuyết: Những người này, đang hớn hở, ca tụng nhau đây. Nhưng nếu Shihanouk và Monic được toàn quyền quyết định số phận của Tôn và Đồng, tôi tin chắc rằng họ chỉ muốn Thắng và Đồng là bạn, sống thân thiện hòa bình. Ngược lại, nếu Thắng và Đồng được toàn quyền quyết định số phận của vợ chồng ông hoàng Shihanouk, chắc chắn, đôi vợ chồng này phải đi cải tạo, mỗi người mỗi nơi. Vì mục tiêu của Cộng Sản là tiêu điệt các tư tưởng, mọi quan điểm không là Cộng Sản (phi vô sản) nhất là tư tưởng phong kiến, muốn cưỡi cổ nhiều người của mấy ông hoàng bà chúa này.
Khác nhau một trời, một vực như vậy đấy! Shihanouk có hiểu như thế không" Khi Cộng Sản cần ai thì chúng nâng người đó lên tận mây xanh. Shihanouk đến Hà Nội, chúng đón rước như một ông thánh. Chúng trải nhung dọc đường phố trước chủ tịch phủ để Shihanouk đi. Đài, loa ngày đêm ra rả ca bài hát “Nhân Dân Đông Dương” mà chúng bốc thơm rằng đây là nhạc và lời của thái tử Shihanouk, chúng dịch sang Việt ngữ. Cả nước, ngoài xã hội cũng như trong tù, mọi người phải tập hát thuộc như bài ca “giải phóng miền Nam.”
Mỗi toán đi lao động, đều cử một người biết nhạc ở lại trại, để cán bộ văn nghệ trại phổ biết và tập cho hát ở hội trường. Tối về anh đó lại dậy cho toàn thể toán của mình.
Chuyện hát xướng ở trong tù của Cộng Sản là thường xuyên. Đây là nỗi ấm ức, khổ tâm của nhiều người. Ai cũng thấy, chúng nó đang bắt mình, giam mình ở trong tù, chúng coi mình là kẻ tử thù đối kháng, mà chúng vẫn tuyên bố công khai là phải tiêu diệt. Vậy mà hàng ngày phải ngồi ca vang những bài hát ca tụng đảng và bác, mạt sát, chửi bới chính ngay mình. Nếu ai chỉ cần có ý thức một chút thôi, cũng thấy ngượng mồm. Chính vì cái oái ăm, ngược xuôi trong lòng như thế, nên nhiều người mỗi khi phải hát tập thể, ngồi cứ cúi gằm mặt xuống, không chịu hát. Nhưng rồi đâu có yên được. Tên cán bộ phụ trách đứng nhìn, quan sát từng người và bị chỉ đích danh như: Lê Liễu, Quốc Anh, bác Tiến đã bị chúng nạt nộ, hạch hỏi, quy cho là còn tư tưởng phản kháng ở trong máu, trong xương. Cho nên bất kỳ ai, dù không hát cũng phải há mồm, nhóp nhép như mọi người mới yên.
Nhưng phải thừa nhận, cái phương pháp bắt người ta hát mãi một bài. Trên loa, trên đài, mọi người chung quanh đều hát, cứ nghe đi nghe lại cái bản hát đó, lời ca, ý nhạc, nó ngấm, nó luồn, nó lách vào trong lòng mình lúc nào không hay.
Tôi phản ứng từ ý thức, dứt khoát không bao giờ chịu hát hay học những bài ca chó chết đó, nếu chúng nó không bắt tôi phải đứng hát một mình hay hai người. Mà lại chả bao giờ có cái cảnh 1 hay 2 người hát, vì tôi có phải làm văn nghệ đâu, cho nên, hầu như rất ít khi tôi hát những bài ca đó thành lời. Thế mà, sau này tôi thuộc đến gần chục bài hát của Cộng Sản. Để đến nỗi, ở một lúc nào đó, mỗi khi thấy lòng diệu vợi, bâng khuâng, miệng bộc phát lên mấy lời ca ông ổng. Thì lại là lời ca, tiếng nhạc của Cộng Sản. Đã rất nhiều lần, khi óc tôi đang nghĩ một chuyện khác của cuộc đời, tự nhiên tôi hứng tình, hát vang một lời ca trong một bản nhạc nào đó; dần dần hát đến chỗ “diệt đế quốc Mỹ, diệt lũ tay sai bán nước”, hoặc lại “Hồ Chí Minh muôn năm” thì óc tôi chợt mới tỉnh, tôi vội bẻ quẹo sang một điệu nhạc, lời ca của miền Nam thân yêu. Tôi vẫn bị vấp như vậy nhiều lần. Thế mới kinh khủng chứ!
Ngay như bài ca “Nhân Dân Đông Dương.” Sau đến hơn 20 năm mà tôi vẫn có thể nhớ ra được một đoạn: “Ta hát bài ca, đi lên chúng ta bên nhau Việt, Lào, Khme anh em. Cùng chung dòng sông… Mêkông đắp xây mối tình… kết đoàn chống kẻ thù chung. Hôm nay đánh Mỹ… sát vai cùng nhau đấu tranh… Ta nguyền đồng tâm gìn giữ núi sông… Chung xây hòa bình… giữ gìn đất nước chúng ta… Sáng tươi dưới trời tự do…"
Nó dễ thuộc, dễ nhớ và mãi không quên, như bài “Giải Phóng Miền Nam” của chúng vậy. Bài “giải phóng” này do Huỳnh Minh Siêng, mà Siêng lại là Lưu Hữu Phước, tác giả bài “Tiếng Gọi Sinh Viên”, sau được đổi thành bài Quốc Ca kính yêu của chúng ta. Bởi vậy, tôi tin rằng: bài “Nhân Dân Đông Dương” là của Lưu Hữu Phước rồi Cộng Sản gán cho Shihanouk, vừa để đề cao bốc thơm, lấy lòng y, lại vừa có ý nghĩa chính trị nữa.


Đã lâu lắm, từ ngày chuyển ra trại này, do những kéo lôi của nhiều khía cạnh trong cuộc sống tù, tôi chưa hề nghỉ một ngày bệnh nào. Vả lại hôm qua, nhờ ông Tụ, tôi đã mượn được cuốn “Tư Bản Luận” của Marx cho nên sáng nay tôi quyết định xin nghỉ ốm một ngày để đọc cho đã.
Vấn đề nghỉ ốm trong toán cũng thật là tế nhị. Do cái tỷ lệ 2 phần trăm quái ác, chẳng biết có từ bao giờ, vì thế toán nào, hàng ngày cũng chỉ được nghỉ từ 1 đến 2 người là cùng. Bởi vậy phải biết nhìn nhau mà xin nghỉ ốm. Trừ những người bị ốm nặng đặc biệt không kể, hoặc những tai nạn đột xuất. Cho nên, cứ trung bình một tháng rưỡi nghỉ một lần là biết điều. Anh nghỉ rồi còn cho người khác nghỉ nữa chứ! Anh nghỉ hôm nay rồi, mai lại xin nghỉ nữa thì ngay y tá trại cũng không cho anh nghỉ rồi, huống chi còn ở toán nữa. Anh muốn nghỉ bệnh, ngay lúc kẻng báo thức 5 giờ, phải đến chỗ toán trưởng báo cáo, xin ghi tên vào sổ khám bệnh. Người xin ghi tên thường phải báo cáo to để cả buồng cùng nghe; để người khác định nghỉ thì tự thôi để ngày khác.
Sau đó, người xin nghỉ nhờ người khác đặt rổ hay bát lấy bữa sáng dùm rồi cầm cuốn sổ, có toán trưởng đã ghi tên mình, chờ cán bộ vào điểm xong, hộc tốc chạy xuống phòng y tá ở dưới khu nhà bếp để đặt lấy chỗ, đợi cho tới khi y tá gọi tên toán mình vào khám bịnh. Nếu như vì lý do nào đấy y tế không cho nghỉ thì vội vàng về mà ăn sáng, còn xếp hàng theo toán đi lao động.
Cuộc đời mà, bất cứ ở đâu cũng vậy. Nguyên tắc là như thế, nhưng nó vẫn có luật trừ. Chẳng bao giờ có sự công bằng theo đúng nghĩa cả. Vẫn có cái cảnh người thì ăn không hết, người lần không ra. Khi tôi cầm cuốn sổ chạy xuống tới phòng y tế, thì đã có hàng 30 – 40 người ở mảnh sân con xếp hàng, đang chờ sát cạnh phòng y tế. Hình sự lẫn chính trị, kẻ đứng người ngồi; người khoác chăn, người quấn áo. Sau khi tôi đặt sổ xong, cũng ra tìm một chỗ ngồi chờ. Tôi đang lơ đãng đưa mắt nhìn những hàng cây trên chỏm đồi phía bên kia vẫn còn rúc đầu vào đám sương sớm thì tiếng quát tháo trong phòng y tế làm tôi tiến lại nhìn vào. Không ngờ, y tá lại vẫn chính là tên Thái từ trong trại E. Một bác già, hình như ở toán 6 bên khu chính trị đang nhăn nhó, nằn nì với y xin cho nghỉ vì bác bị đi ỉa chảy suốt đêm qua. Tiếng Thái đanh đanh:
- Tôi nói, không được là không được. Đây chỉ là xáo trộn của bộ tiêu hóa, về uống ít nước đi là khỏi!
Bác già cuốn sổ đi ra, mặt nhăn như bị. Lại một cậu hình sự chừng 21 – 22 tuổi, hai chân lều khều như chân con hạc, khoác chiếc chăn rách, cứ van xin y cho nghỉ, vì cậu ta bị sốt cả đêm qua. Tiếng Thái gắt gỏng:
- Cặp nhiệt không lên, về đi làm!
Đến lượt toán 2, tôi tiến vào. Thái, ngửng lên thấy tôi, đã vồn vã thăm hỏi. Khi biết tôi không có bịnh gì, mà chỉ mệt, muốn xin nghỉ một ngày. Y đon đả bắt tay, bảo tôi về nhà nghỉ đi. Khi tôi ra tới cửa buồng, y còn ghé tai nói nhỏ:
- Nếu mai anh còn mệt, muốn nghỉ nữa thì cứ ghi tên vào sổ bệnh, mà không cần phải xuống nữa.
Tôi cảm ơn và chào y ra về. Dòng liên tưởng của tôi cứ cuộn vào trong óc, hẳn rằng Thái chưa quên được trận tôi đánh tên Tân trật tự ở trại E và thái độ của Hoàng Thanh đối xử với tôi. Một tiếng thở dài mà tôi cố nén lại cứ rỉ dần ra. Đời là thế! Người ta làm cách mạng, người ta đi chiến đấu để đòi hỏi sự công bằng cho xã hội. Nhưng người ta lại không làm cách mạng, không chiến đấu với sự bất công ngay trong lòng của chính mỗi người. Bởi vậy, sự bất công trong xã hội loài người cứ còn tồn tại mãi mãi; mặc dù rồi đây còn nhiều thế hệ khác sẽ vẫn còn chiến đấu với sự bất công của con người.

Chương Bốn Mươi Chín: Vinh Danh Người Nhái

Khi các toán đã đi lao động rồi, trại vắng teo, mỗi buồng chỉ còn lèo khèo mấy người mệt, bịnh. Tôi ngồi đọc sách một lúc, mỏi cả mắt. Đang định ra sân làm vài động tác thể dục cho đỡ mỏi người thì mắt tôi chợt nhìn xuống sàn dưới, phía đối diện, thấy một anh ngồi thụt mãi vào trong góc sàn. Anh ngồi xổm, quấn chặt cái chăn chỉ thò ra đầu và 2 con mắt. Mắt anh cũng đang ngước nhìn tôi đăm đăm, ánh lên niềm vui chào đón; trong khi tôi cũng tươi nét mặt nhìn, để đáp lại nhã ý của anh, lòng tôi vẫn bàng bạc, ngạc nhiên: Anh là một trong bốn Người Nhái mới đến trại, anh cũng ở toán 2. Sáng nay, rõ ràng không thấy anh xuống y tế khám bịnh mà" Tuy trong lòng tôi hơi băn khoăn, nhưng chưa tiện hỏi. Tôi trèo xuống, ghé sang chỗ anh đon đả:
- Có biết hút thuốc lào không"
Anh mở chăn, xoay hẳn người ra niềm nở:
- Có, hút kỹ ấy chứ!
Nhìn 2 cái đầu gối của anh ngồi, cao gần chấm tai anh. Anh mặc mỗi chiếc quần đùi, do quần dài cũ của trại xé ra, nên gấu quần lờm xờm, lua tua. Thảo nào, anh phải quấn chăn. Ngay từ những phút ban đầu, chả hiểu sao tôi cảm thấy rất mến anh, và hình như anh cũng dành cho tôi lòng thiện cảm đặc biệt. Nghe giọng nói của anh hơi một chút cợn, để rồi khi biết tên anh là Lầu Chí Chăn, người Nùng. Tôi lại hân hoan ca tụng giọng nói tiếng Kinh quá sõi của anh. Còn một điều nữa, anh có một người mẹ già, hiện đang sống ở vùng cây Da Sà, Chợ Lớn. Người mẹ đó vẫn ngày đêm mỏi mòn ngóng chờ người con trai đã đi phương trời nào mất tăm, cũng tương tự giống tình cảnh mẹ của tôi.
Sau vài câu thăm hỏi, tôi đã hiểu, hai ngày trước anh bị đi kiết ra máu. Đêm qua mới cầm, vì vậy y tá cho anh nghỉ thêm ngày hôm nay. Rất lạ lùng là chỉ hơn một giờ sau, chúng tôi đã thân nhau ngay. Cả ngày hôm ấy, tôi đã chả đọc được tí sách nào. Tôi trèo xuống sàn dưới, hai anh em nằm đắp chăn chung, trao hỏi chuyện cuộc đời. Từ vài câu han hỏi lúc Chăn bị bắt, câu chuyện cứ gợi dần trí tò mò của tôi. Cuối cùng, không dằn được lòng, tôi đã đề nghị Chăn hãy tường thuật lại từ lúc bắt đầu vào ngành Biệt Hải cho tới khi bị bắt. Do lòng thiện cảm đã có sẵn với tôi, phần khác, có lẽ cũng muốn cởi mở một mảnh đời cho một người đang háo hức, chăm chú lắng nghe, vì vậy sơ lược, Chăn đã kể lại đời Chăn như sau:
Là một người dân tộc thiểu số nhưng cũng là người Việt, tuy gia đình anh vẫn dùng tiếng Quảng Đông là chính, quan điểm của Chăn: đây là cũng là quê hương Tổ Quốc của Chăn. Chính vì thế, khi có một chút trí khôn, hiểu biết, anh đã xin vào một trường Kinh để học chữ quốc ngữ. Cũng do học ở trường Việt nên Chăn quen biết rất nhiều bạn bè người Kinh.
Ngay từ lúc còn 9 – 10 tuổi, (từ đây là lời tâm sự của Chăn) tôi có một ông chú họ trên vùng Blao. Mỗi lần, ông chú xuống Chợ Lớn để thăm bố mẹ tôi, thường dẫn tôi đi chơi. Ông rất thương tôi và tôi cũng yêu kính ông như cha.
Khoảng năm 1959, vào một ngày Chủ Nhật, đột nhiên có người con trai của ông chú từ Blao xuống báo cho biết một tin rụng rời: Bố đã bị Cộng Sản đem ra phía sau nhà chặt đầu đêm hôm qua. Từ lòng mến thương người chú, một ý niệm đã hằn sâu vào bộ óc ngây thơ của tôi. Tại sao Cộng Sản dã man, tàn ác thế" Dù con mơ hồ chưa rõ ràng, nhưng tôi đã thấy Cộng Sản là kẻ phi nghĩa. Nếu tôi luyện được những bí kíp như những cao thủ trong truyện chưởng, tôi sẽ đi tiêu diệt Cộng Sản.
Sau này, càng ngày càng lớn lên, tôi nhìn thấy chung quanh, có nhiều bạn bè người Kinh cũng như người Nùng xin gia nhập quân đội để đi đánh Cộng Sản; lòng tôi càng háo lức thăm hỏi đó đây. Cuối năm 1963, lúc này tôi đã 21 tuổi. Do cơ thể cường tráng, cao lớn, lại rất thích bơi lội nên tôi đã nhờ một người Kinh, giới thiệu để tôi xin gia nhập lực lượng Người Nhái. Do sự nỗ lực, quyết tâm của tôi, tôi vẫn kiên trì làm nhiều thủ tục theo yêu cầu, nhất là khâu khám sức khỏe. Kết quả, đầu tháng 2 năm 1964, tôi được tuyển chọn đưa ra Đà Nẵng để dự lớp huấn luyện.
Huấn luyện gồm nhiều môn, nhưng chủ yếu là tình báo và phá hoại. Theo lịch trình thời gian sẽ học tập, huấn luyện trong vòng 8 tháng. Sau đó sẽ được huấn luyện bổ túc theo yêu cầu của mỗi chuyến công tác khác nhau. Trong thời gian huấn luyện được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn I. Gồm 6 tuần lễ, chuyên về thể dục, thể thao để thử nghiệm thể lực và sức chịu đựng dẻo dai của mỗi khóa sinh trong môi trường ở rừng núi cũng như ở biển cả. Trong 6 tuần này, có một tuần lễ cuối cùng, được gọi là “tuần lễ địa ngục.” Phải nói rằng gần như 24/24 thời gian của một ngày không được ngủ, nghỉ ngơi.
Huấn luyện viên được chia làm 3 tốp, thay phiên nhau để quần thảo khóa sinh. Họ cũng được chia thành 3 ca, mỗi ca 8 giờ. Không kể ngày hay đêm, bắt khóa sinh phải liên tục chạy, nhẩy, tập tành tối đa. Trong tuần lễ địa ngục này, có rất nhiều khóa sinh bị loại. Nếu khóa sinh nào vượt qua được tuần lễ gắt gao này thì được coi như tạm đủ tiêu chuẩn để tiếp tục theo học giai đoạn II. Tuy vậy, vẫn còn một trường hợp nữa, khóa sinh cũng sẽ bị loại. Nghĩa là, khóa sinh nào đã vượt qua tuần lễ địa ngục, đều phải được thử đeo bình dưỡng khí với một độ áp suất và thời gian nhất định. Nhiều người bị đau màng nhĩ nên cũng bị loại luôn.
Giai đoạn II. Gồm tình báo và phá hoại. Huấn luyện viên lẫn lộn Việt và Mỹ. Trong mỗi tuần lễ, dành 2 buổi cho huấn luyện viên Việt Nam, chuyên về tình báo. Tìm hiểu về sự tổ chức của xã hội Cộng Sản miền Bắc Việt Nam, từ nông thôn cho tới thành thị. Nhất là về mạng lưới tổ chức, bố phòng của bọn công an biên phòng dọc theo bờ biển Bắc Việt. Học cách khai thác tin tức từ một người dân thường cho đến một cán bộ nồng cốt của Cộng Sản.
Phần huấn luyện viên Mỹ chuyên về kỹ thuật phá hoại, bắt cóc và cấp cứu từ trong lòng đất địch. Mở đầu huấn luyện, học sử dụng từ súng cá nhân cho đến súng lớn 106mm, mìn và các loại chất nổ. Học cách tự chế biến các kiểu mìn bằng chất nổ theo ý muốn, để phá hoại các mục tiêu ở đất liền cũng như nằm sâu dưới nước. Huấn luyện phương pháp đột nhập, bắt cóc bộ đội, cán bộ hay tự cấp cứu ngay trong đất của kẻ thù. Học sử dụng và bảo trì một số dụng cụ máy móc để phục vụ công tác.
Giai đoạn III. Ôn tập lại toàn bộ những điều đã được học từ đầu. Phối hợp, thực tập với bên lực lượng của bạn là Hải Tốc Đĩnh (P.T.F.) là một loại chiến hạm nhỏ chạy với tốc độ khá cao. Giai đoạn này, loại PTF thường xuyên công tác ở hải phận Bắc Việt. Thực tập mang bình dưỡng khí nhảy dù xuống biển theo tọa độ, để lặn tới mục tiêu…
Nói về thời gian và những chi tiết của từng chuyến công tác thì tôi không thể nhớ hết được. Nhưng chắc chắn là không dưới 20 chuyến. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.