Công An Dí Roi Điện Đánh Dân, Lấy Đất; Yên Sơn, Hà Nội: Công An Đánh Nhiều Cụ Xỉu
“Đụng độ giữa dân chúng và công an ở Yên Sơn, nhiều người bị đánh ngất xỉu” là nhan đề một bản tin của phóng viên đài RFA Hà Giang, gửi về loan trên đaì này hôm 27-12-2008.
Bản tin thực hiện do thông tín viên Hà Giang của Ban Việt Ngữ RFA phỏng vấn nhiều người dân ở xã Yên Sơn, vùng ngoại ô Hà Nội, nơi vừa xảy ra vụ công an đưa xe ủi đất tới để cưỡng chiếm đất.
Bản tin mở đầu rằng, “Thêm một vụ xô xát giữa dân chúng và công an khi đúng vào ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/08, chính quyền đã huy động công an bộ đội, đưa xe ủi đất vào thôn xã Yên Sơn, để giải quyết tranh chấp đất đai.” Bản tin RFA viết thêm như sau.
Trong lúc việc tranh chấp đất tại Kiên Giang cách đây một tuần khiến một số người dân bị công an bắn trọng thương vẫn còn đang trong tình trạng căng thẳng, chưa giải quyết được, thì sáng ngày 25/12/08, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, dư luận lại thêm một lần xôn xao vì vừa có thêm một vụ cưỡng chiếm đất nữa xẩy ra tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Theo lời ông Nguyễn Anh Kim, một trong những người dân xã Yên Sơn, thì vào lúc 9h30 sáng ngày 25/12/08, một lực lượng gồm khoảng 100 công an và bộ đội, do thượng tá công an Hà Đình Khởi, và huyện đội trưởng Nguyễn Thái Ngọc chỉ huy, đã đưa xe ủi đất vào thôn Sơn Trung – xã Yên Sơn - huyện Quốc Oai – thành phố Hà Nội để cưỡng chiếm, và ủi đi đất canh tác của người dân ở đây.
Ông Kim cho biết, vùng đất hiện đang bị tranh chấp gọi là đất 5% đã được giao cho dân ở đây canh tác gần 50 năm nay, để họ có phương tiện tự túc lương thực:
“Đất họ giao cho mình từ năm 1960, tức là ngày xưa tất cả ruộng đất trâu bò đều đưa vào hợp tác xã nông nghiệp. Sau khi vào hợp tác xã thì cái số đất 5% gia đình ngay cạnh nhà thì để, còn thì ruộng nương thì ở thật xa, nhà nước dành ra 5% để chia cho dân, mỗi một khẩu là khoảng 2 thước để tự túc lương thực, hoa mầu”.
Theo đúng luật thì trước khi muốn thu hồi đất, chính quyền địa phương phải nhận được lệnh thu hồi từ tỉnh hay huyện ban xuống, phải có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng đất biết lý do thu hồi và dự kiến về mức bồi thường v.v…, vì thế khi lực lượng cưỡng chế này bất ngờ xuất hiện, người dân ở đây đã dàn hàng để ngăn cản đoàn người đến lấy đất của họ.
Ông Nguyễn Anh Kim giải thích:
“Đúng ra thì phải có quy hoạch ở cấp tỉnh hay huyện cơ, xã làm thì không đúng luật của nhà nước thì chúng tôi không đồng ý, chưa có lệnh của nhà nước thì ở địa phương là không có quyền lấy (đất) ra, và khi lấy (đất) ra thì phải được thông báo trước và phải bồi thường tài sản của dân, mà họ dùng biện pháp cưỡng chế, họ dùng cả bộ đội công an bắt ép dân phải trả đất.”
Xô xát, đánh đập
Khi đội ngũ cưỡng chế đất gặp sự phản kháng của người dân thì họ đã cầu cứu và được yểm trợ bằng một lực lượng công an và bộ đội hùng hậu, bà Nguyễn Thị Mùi, một nông dân cũng bị mất đất ở thôn Sơn Trung tường thuật: