*
(Tiếp theo...)
Thành phố Hồng Kông hiện ra ngày càng lớn và rõ, với tất cả vẻ sầm uất nhộn nhịp, khiến tất cả mọi người trên thuyền đều háo hức, nôn nao, xôn xao ầm ĩ, không bút nào tả xiết. Chúng tôi vui mừng và ngạc nhiên khi thấy tàu bè ra vô hải cảng Hồng Kông liên tục. Trên bầu trời thì phi cơ đủ loại của các hãng hàng không cất cánh và hạ cánh liên tục.
Khi chúng tôi thấy xe cộ chạy qua lại như mắc cửi trên đường phố Hồng Kông thì cũng là lúc thuyền của chúng tôi được hướng dẫn chạy vô một khu có đông đúc thuyền bè đủ loại của người tỵ nạn Việt Nam. Tôi ước lượng ở đó phải có khoảng 200 tới 300 chiếc thuyền. Xa xa trên mặt biển, về phía bên tay phải là một chiếc tàu sắt khổng lồ nằm nghiêng hẳn về một bên. Sau này tôi mới biết đó là tàu Thiên Vận (Skyluck), chuyên chở mấy ngàn người Việt tỵ nạn. Khi tàu cập bến Hồng Kông vào đầu tháng 2 năm 1979 thì bị từ chối, nên những người trên tàu đã đục tàu cho nước vô. Kết quả, chính quyền Hồng Kông bắt buộc phải để cho mọi người lên bờ, và cứu xét tư cách tỵ nạn. Nghe đâu tầu này đã rời Việt Nam vào ngày 24 tháng 1 năm 1979, trên đường đi tàu đã chuyển vàng sang tàu United Faith ngoài hải phận quốc tế trước khi nhập cảng Hồng Kông. Ngoài tàu Thiên Vận, chúng tôi còn thấy nhiều tàu sắt khác chở người tỵ nạn cũng nằm lác đác trên mặt biển, hoặc trên bãi cát. Riêng một chiếc tàu sắt loại trung bình thì vẫn buông neo ở biển, trên thuyền vẫn có đông đảo khoảng vài trăm người Việt. Phần đông những người này trông có vẻ trí thức, ăn mặc sang trọng, sống cách biệt với những người tỵ nạn ra đi từ các làng chài lưới ở Miền Bắc. Sau này tôi mới biết đó là chiếc tàu sắt chở người vượt biên đi từ Hà Nội, Hải Phòng.
Sau khi thuyền của chúng tôi thả neo xong, một chiếc ca nô chở một toán khoảng 10 cảnh sát Hồng Kông sắc phục chỉnh tề, súng ống gọn gàng, lên thuyền chúng tôi khám xét. Nhìn cảnh sát Hồng Kông chúng tôi phải công nhận họ ăn mặc rất đẹp, làm việc rất chuyên cần, cẩn thận và lịch sự nhưng rất kiên quyết. Sau một hồi lục lọi, kiểm tra tỷ mỉ, cuối cùng, cảnh sát Hồng Kông chỉ thu được có vài con dao nhỏ mũi nhọn, một chiếc giáo bằng tre đầu vót nhọn, và gần chục quả đấm sắt. Những quả đấm sắt này là loại vũ khí tự vệ được thanh niên Miền Bắc, nhất là ở Hải Phòng, Hà Nội hay sử dụng.
Khám xét xong, toán cảnh sát Hồng Kông yêu cầu thuyền chúng tôi cử ra ba người lên trên bờ làm việc. Lập tức ông Đường chủ thuyền cùng với anh Thu, người biết tiếng Anh, Pháp, có trình độ nhất trên thuyền, và anh Thịnh, một người rất tháo vát và biết chút ít tiếng Anh, đi theo toán cảnh sát xuống ca nô.
Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, ba người trở lại thuyền, và một cuộc họp quy tụ tất cả mọi người trên thuyền được tổ chức để nghe anh Thu trình bầy bằng tiếng Việt và ông Đường dịch lại bằng tiếng Hoa. Mọi người ai cũng hí hửng và nôn nóng chờ đợi...
Mở đầu, anh Thu nói:
- Thưa quý ông bà, anh chị em. Ba anh em chúng tôi đại diện mọi người trên thuyền lên gặp chính quyền Hồng Kông thì họ cho biết, giống như tất cả những thuyền chở người tỵ nạn Việt Nam nhập cảnh Hồng Kông, thuyền của chúng ta cũng bị họ coi là nhập cảnh trái phép. Vì vậy, chúng ta có thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ Hồng Kông, nếu chúng ta không được Liên Hiệp Quốc công nhận tư cách tỵ nạn...
Nghe đến đó, mọi người xôn xao hò hét, bàn tán. Không ai nghe ai cả. Mấy lần anh Thu dơ tay cho mọi người im lặng nhưng không được. Thấy vậy, anh Thịnh nhảy lên chiếc thùng gỗ nhỏ, vỗ tay thiệt lớn, rồi quát lên bằng tiếng Hoa, mọi người mới im lặng dần.
Chờ thật yên lặng, anh Thu nói tiếp:
- Tôi yêu cầu mọi người trật tự lắng nghe tôi nói xong. Sau đó ai có ý kiến gì thì dơ tay...
Một hai người dơ tay muốn nói, anh Thu xua tay:
- Chờ tôi nói xong đã, quý vị hãy dơ tay. Như tôi đã nói, Liên Hiệp Quốc sẽ cứu xét tư cách tỵ nạn của chúng ta. Nếu được, chúng ta sẽ được lên bờ vô trại tỵ nạn ở, chờ các quốc gia khác phỏng vấn rồi đón nhận. Còn những ai không được Liên Hiệp Quốc công nhận là người tỵ nạn thì họ phải bị tống vô trại giam chờ trục xuất. Tuy nhiên, xin mọi người đừng lo, vì đó chỉ là thủ tục hành chánh... Cho đến nay, hầu hết những ai đi tỵ nạn bằng thuyền khi cập bến Hồng Kông đều được Liên Hiệp Quốc công nhận ngay tư cách tỵ nạn.
Mọi người ồ lên vỗ tay hoan hô rầm trời. Tiếng la ó, hò hét ầm ĩ... Chờ một lúc lâu, mọi người yên lặng trở lại, anh Thu mới nói về những đòi hỏi của chính quyền Hồng Kông và Liên Hiệp Quốc về trật tự, an ninh, kỷ luật.... Sau đó, anh cho biết, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là kê khai họ tên, ngày tháng năm sanh, nơi sinh, quê quán, họ tên thân nhân và địa chỉ của thân nhân hiện đang ở ngoại quốc, cùng lý do vượt biên tỵ nạn... Chúng tôi cũng phải bầu ra một nhóm "hỏa thực" chuyên lo đi lấy cơm nước, thực phẩm (đường, sữa, mì gói, cá hộp...) và hoa quả của nhà thầu rồi đem về thuyền chia đều cho mọi người.
Ngay trưa hôm đó, chúng tôi được ăn bữa cơm đầu tiên do "đầu bếp Hồng Kông" nấu. Cơm trắng, ăn thoải mái. Thức ăn thì ba món đàng hoàng, toàn với thịt gà. Món mặn là thịt gà kho, rồi giá xào với lòng gà, và canh bí nấu với xương gà. Ăn xong có tráng miệng bằng trái cây, nho cam táo. Đang sống thiếu thốn ở Việt Nam và Trung Quốc, nay được ăn như vậy, chúng tôi đều vui mừng nghĩ mình thật là đế vương. Lúc đó, chúng tôi đâu có ngờ, trong suốt thời gian sau đó, chúng tôi cứ phải ăn hoài ba món đó. Chúng tôi ăn nhiều đến độ phát khiếp mỗi khi ngửi thấy mùi thịt gà là rùng mình, nghẹn họng, nuốt cái gì cũng không vô. Nhiều người phải xin muối để ăn với cơm chứ ăn thịt gà thì nuốt cơm không vô. Lý do khiến chúng tôi phải ăn thịt gà, nhất là lòng gà, vì những thứ này là đồ phế thải không phải trả tiền, nhà thầu lấy từ các xưởng làm thịt gà khổng lồ trên đất Hồng Kông.
Chiều hôm đó, ăn cơm xong, chúng tôi ghi tên tuổi của mình trên những tờ giấy đã in sẵn, kẻ thành từng cột. Như tôi đã kể cùng các bạn, trong thời gian vượt ngục và vượt biên, tôi phải dùng nhiều giấy tờ giả với tên giả khác nhau. Khi sang đến Trung Quốc, một nước theo chế độ cộng sản, cộng với những lo ngại có gián điệp của cộng sản Việt Nam trà trộn, nên tôi đã chọn tên Phạm Thái Lai. Nay được đặt chân lên Hồng Kông, tôi thấy cần phải khai tên thật của mình, vì mấy lẽ. Lẽ đầu tiên là ở Hồng Kông, vùng đất của tự do, tôi không còn lo sợ như ở Trung Quốc. Điều thứ hai là một khi khai tên thật, hồ sơ bảo lãnh của tôi cùng giấy tờ căn cước trước 1975 ở Miền Nam cũng như Miền Bắc sẽ hoàn toàn ăn khớp. Thêm vào đó, tôi nghĩ, đây là cơ hội cuối cùng cho tôi được lấy lại tên thật một cách dễ dàng, thoải mái. Tương lai, sau khi đến được quốc gia đệ tam, nếu tôi muốn lấy lại tên thật sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Nhưng tôi không ngờ, việc tôi khai tên thật lại tạo khó khăn cho tôi ngay giờ phút đầu tiên ở Hồng Kông.
Khi tôi bước đến cạnh chiếc bàn nhỏ nơi anh Thu đang ghi chép tên của mọi người để khai tên Nguyễn Hữu Chí, mọi người đều ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi, nhất là ông Đường, anh Thu và anh Thịnh. Anh Thu đang ghi tên, vội bỏ kính xuống nhìn tôi, hỏi giọng ngạc nhiên:
- Cậu tên là Phạm Thái Lai sao bây giờ khai Nguyễn Hữu Chí"
Tôi bình tĩnh phân bua ngắn gọn:
- Em tên thật là Nguyễn Hữu Chí. Đi vượt biên dùng giấy tờ giả nên phải ghi tên giả là Phạm Thái Lai.
Anh Thu lắc đầu:
- Sao suốt thời gian gặp tôi ở Trung Cộng, cậu không nói" Bộ cậu không tin tụi tôi sao"
Tôi chậm rãi nói:
- Không phải em không tin các anh. Nhưng ở đó em đâu có tin Trung Cộng. Hơn nữa, khi đó người Việt đầy rẫy, lỡ có tụi gián điệp Việt cộng trà trộn thì sao.
- Cậu nói vậy thì tôi tin. Nhưng cậu từ Trung Quốc đi với tên Phạm Thái Lai, bây giờ lại khai là Nguyễn Hữu Chí thì đâu có được. - Quay qua ông Đường, anh Thu hỏi - Tôi nói vậy có phải không ông chủ thuyền"
Ông Đường không nhìn tôi, nhưng gật đầu:
- Dạ bác Miền Nam nói như vậy rất đúng...
Anh Thịnh cũng ngọt ngào đỡ lời:
- A Lồi nên ghi tên Phạm Thái Lai đi cho xuôi chèo mát mái cho cả thuyền. Khai tên khác là cả thuyền bị lôi thôi. Lỡ ra là họ trục xuất tất cả về Việt Nam thì khổ...
Tôi cương quyết nói:
- Tôi thì tôi nghĩ khi mình rời khỏi Trung Quốc, chẳng có một giấy tờ nào ghi tên tôi là Phạm Thái Lai. Trong người tôi bây giờ cũng chẳng có giấy tờ gì chứng tỏ tôi là Phạm Thái Lai. Như vậy bây giờ tôi muốn khai tên gì chả được...
Ông Đường lắc đầu:
- Nỉ nói vậy là không đúng đâu lớ. Tuy mình không có giấy tờ gì nhưng trong thuyền này ai cũng biết nỉ là Phạm Thái Lai. Bây giờ nỉ khai là Nguyễn Hữu Chí, lỡ có người trong thuyền họ méc với chính quyền thì có phải rắc rối cho nỉ không nào.
Thấy mọi người đều phản đối như vậy, tôi càng cương quyết hơn:
- Tên thật của tôi là Nguyễn Hữu Chí. Tôi dùng tên giả để vượt biên. Bây giờ tôi muốn khai lại tên thật, tại sao quý vị lại phản đối" Tôi khai tên gì, tôi sẽ chịu trách nhiệm với tên đó. Ai không đồng ý với tôi, cứ việc báo cho chính quyền họ biết.
Anh Thu nhẹ nhàng:
- Vẫn biết là cậu khai tên gì thì cậu phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu cậu không cân nhắc kỹ lưỡng, việc cậu làm sẽ ảnh hưởng đến cả thuyền.
Anh Thịnh cũng nói thêm vô:
- Thôi thì bây giờ a Lồi cứ khai tên Phạm Thái Lai đi, để cả thuyền được chấp nhận tư cách tỵ nạn đã. Sau đó, a Lồi muốn khai lại tên cũng đâu có khó.
Tôi lắc đầu:
- Tôi không thể nào khai tên giả được. Tên giả chỉ dùng trong chế độ cộng sản. Còn ở đây, tự do dân chủ, tại sao tôi phải tiếp tục dùng tên giả. Vả lại, quý vị đã nghe anh Thu nói rồi đó, ngay dưới bản kê khai tên tuổi này cũng đã ghi rõ dòng chữ Hoa, Anh, là ai man khai sẽ bị tước bỏ tư cách tỵ nạn. Như vậy tại sao quý vị lại cứ buộc tôi phải khai gian là thế nào.
Ông Đường và anh Thu nhìn nhau hỏi ý. Cuối cùng anh Thu đeo kính nói, giọng lạnh lùng:
- Rồi, nếu cậu đã muốn vậy thì tôi ghi xuống đây là Nguyễn Hữu Chí...
Tôi nói gọn:
- Cảm ơn anh.
Ông Đường xen vô:
- Nếu a Lồi đã nhất quyết như vậy thì bác Miền Nam cứ ghi tên gì mà anh ấy muốn. Nhưng chúng tôi bắt buộc phải có bổn phận trình với nhà chức trách đầu đuôi nội vụ.
Tôi suy nghĩ một thoáng rồi nói:
- Tôi không phản đối điều đó. Ông cứ việc báo cáo, làm tròn bổn phận của ông, rồi tôi sẽ lên gặp họ trình bầy đầu đuôi. Tôi có đủ bằng chứng và giấy tờ để chứng minh với họ tên thật của tôi.
Anh Thịnh ngạc nhiên:
- Giấy tờ của anh đâu"
- Giấy tờ của tôi hiện ở Úc. Tôi đã gửi cho thân nhân của tôi từ khi tôi còn ở Việt Nam, trước khi tôi vượt biên...
Ngay chiều hôm đó, phái đoàn đại diện thuyền chúng tôi gồm anh Thu, ông Đường và anh Thịnh lại lên bờ nộp danh sách các thuyền nhân. Tôi đoán là phái đoàn ba vị đã báo cáo tình trạng tên thật tên giả của tôi. Quả nhiên, khoảng hai tiếng đồng hồ sau, một chiếc ca nô ghé thuyền tôi và tôi được lệnh theo họ lên bờ. Tới bờ, một người cảnh sát sắc phục nói tiếng Việt rất sõi, dắt tôi vô một căn phòng trong dẫy nhà tiền chế chạy dài. Trong phòng chỉ có hai người. Một ông người Hồng Kông mặc đồ cảnh sát, tướng tá bệ vệ, tuổi ngoài 50, ngồi sau chiếc bàn rộng bằng gỗ đen như mun. Đằng sau là hình Nữ Hoàng phóng to, choán cả bức tường. Ngồi bên tay phải của ông là một phụ nữ xinh đẹp, gương mặt tươi sáng, phúc hậu, tuổi khoảng trên dưới 25, mặc y phục người Hoa, nói tiếng Việt rất sõi làm thông ngôn.
Người đàn ông lịch sự mời tôi ngồi, rồi mời tôi uống nước. Sau đó, người phụ nữ lên tiếng, giọng Miền Nam ngọt ngào, lịch sự:
- Trước hết tôi xin giới thiệu với anh Chí, đây là Trần tiên sinh, trưởng phòng giám cảnh, đặc trách việc kiểm soát các thuyền nhân khi nhập cảnh Hồng Kông. Còn tôi tên là Hoa, đảm trách việc thông ngôn ở đây. Hôm nay Trần tiên sinh mời anh lên đây để được nghe anh giải thích lý do vì sao anh lại đổi tên từ Phạm Thái Lai thành Nguyễn Hữu Chí.
Chỉ tay vào chiếc máy ghi âm, cô Hoa tiếp lời:
- Để bảo đảm những lời giải thích của anh và việc dịch thuật của tôi được chính xác, chúng tôi phải ghi âm toàn bộ buổi nói chuyện hôm nay.
Một cách ngắn gọn, tôi trình bầy tên thật của tôi là gì, vì sao tôi mang tên Phạm Thái Lai, và những nguyên nhân nào khiến tôi quyết định lấy tên thật trở lại. Trong khi tôi nói, cô Hoa vừa ghi âm, vừa ghi chép. Sau khi tôi giải thích xong, cô quay sang phía Trần tiên sinh, rồi vừa nhìn vào trang giấy, vừa nói lại bằng tiếng Hoa. Trần tiên sinh nghe xong, liền nói lại bằng tiếng Hoa khoảng 5 phút đồng hồ. Cô Hoa cặm cụi ghi chép, xong quay sang hỏi tôi:
- Tên Nguyễn Hữu Chí là tên cha mẹ anh đặt từ khi nào"
Tôi đáp:
- Từ khi mới đẻ. Đó cũng là tên trong giấy khai sanh của tôi.
Cô Hoa hỏi tiếp:
- Anh có giấy khai sanh đó không"
Tôi gật đầu:
- Giấy khai sanh thì tôi không có. Nhưng tôi có bản tuyên thệ xin giấy thế vì khai sanh và giấy thế vì khai sanh do phường Phú Nhuận, tỉnh Gia Định cấp vào năm 1972. Giấy đó hiện không có ở đây, nhưng tôi có thể yêu cầu người nhà gửi tới đây trong vòng hai tuần lễ.
Câu chuyện đến đây trở nên phức tạp, và tôi phải dài dòng kể lại lý do vì sao tôi phải làm giấy tuyên thệ để xin giấy thế vì khai sanh ở trong Nam thay vì ở ngoài Bắc. Rồi tôi phải giải thích tôi mang tên Phạm Thái Lai từ khi nào. Ngoài tên Phạm Thái Lai, tôi còn dùng những tên giả nào khác. Thân nhân của tôi ở ngoại quốc là những ai, ở đâu, làm gì, họ có biết tên thật của tôi hay không...
(Còn tiếp...)