Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Hoa Kỳ Hóa Dại

24/05/200800:00:00(Xem: 11245)

Mùa bầu cử là khi dịch bệnh tung hoành...

Hai năm một lần, Hoa Kỳ có bầu cử gọi là "giữa nhiệm kỳ" (bốn năm của một tổng thống), để cử tri bầu lại một số chức vụ dân cử. Ở cấp liên bang là toàn bộ Hạ viện với 435 Dân biểu có nhiệm kỳ là hai năm, khoảng một phần ba Thượng viện với các Nghị sĩ có nhiệm kỳ là sáu năm, và một số Thống đốc có nhiệm kỳ là bốn năm (là trường hợp phổ biến nhất, Thống đốc Vermont và New Hamphsire chỉ có nhiệm kỳ hai năm).

Bốn năm một lần, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử để bầu lại các chức vụ dân cử nói trên và hai người sẽ lãnh đạo Hành pháp, là Tổng thống và Phó tổng thống. Đó là hoàn cảnh năm nay, 2008.

Nhưng khác hẳn các cuộc tổng tuyển cử gần đây, năm nay là năm mà chiến trường rộng mở, oanh kích tự do, vì các ứng viên Tổng thống đều là những người mới, không thuộc Hành pháp cũ nay ra tái tranh cử. Lần trước mà có trường hợp đó là năm 1952. Và khác với các chức vụ dân cử liên bang được cử tri trực tiếp bầu lên, Tổng thống Hoa Kỳ được bầu theo thể thức gián tiếp: cử tri bầu ra cử tri đoàn và cử tri đoàn ấy mới bầu ra tổng thống.

Năm nay lại còn khác những năm trước vì Hoa Kỳ đang có chiến tranh.

Đây là cuộc chiến chính thức, hợp hiến và thực tế do Quốc hội cho phép. Đã thế, dầu thô, lương thực hay thương phẩm tăng giá ngùn ngụt, kinh tế Mỹ bị nguy sơ suy trầm, và uy tín hay thế giá của nước Mỹ sa sút vì chiến cuộc tại Iraq và vì sự thách đố của các cường quốc khác, đương khi nước Mỹ mắc bận. Đấy là chưa nói tới nạn khủng bố trên thế giới, gần là việc quân khủng bố lại âm mưu đánh bom tại Exeter của Anh vào ngày 21, xa là mạng lưới khủng bố xưng danh Thánh chiến Jihad vẫn mộ đặc công tại Maroc đưa qua huấn luyện bên xứ Algérie của Bắc Phi để sẽ xâm nhập vào Iraq...

 Khi tình hình nhiễu nhương như vậy mà Hoa Kỳ có tổng tuyển cử, thì đấy là lúc dịch bệnh hoành hành trên chính trường, và phơi bày ra những chuyện bi hài có màu sắc siêu hiện thực. Siêu hiện thực vì vượt lên thực tế và ra khỏi trí tưởng tượng bình thường của con người.

Sau đây là vài thành tích chói sáng từ mấy ngày qua - vài thôi, vì trang báo này có hạn!

Chuyện áo cơm và Farm Bill 2007

Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua - rồi thông lại - đạo luật Canh nông với đa số áp đảo nên sẽ vượt được quyền phủ quyết của Tổng thống. Một sự bi hài đáng xấu hổ cho nền dân chủ Mỹ, trong bối cảnh khủng hoảng về nông phẩm và lương thực của thế giới.

Hoa Kỳ có đạo luật Canh nông gọi là Farm Bill, lần cuối được biểu quyết năm 2002, và có giá trị trong năm năm nên đã mãn hạn từ tháng Bảy năm ngoái. Có nội dung nâng đỡ nông gia Mỹ, đạo luật 2007 này dù sao còn bị chi phối bởi những cam kết về ngoại thương với các nước khác mà vẫn đủ gây mâu thuẫn rất mạnh giữa Hoa Kỳ và Âu châu và giữa Hoa Kỳ với các nước đang phát triển, đứng đầu là Ấn Độ và Brazil. Nó là một lý do chính khiến vòng  đàm phán về tự do mậu dịch Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO bị bế tắc từ khi phát động là đầu tháng 11 năm 2001, ngay sau vụ khủng bố 9-11.

Sự bế tắc ấy làm tê liệt những cam kết hay quy định của tổ chức WTO và dẫn tới một hậu quả ngược: Từ khi mãn hạn năm ngoái, đạo luật Canh nông hết bị chi phối bởi các cam kết ngoại thương của Mỹ. Nghĩa là những tính toán kinh tế về canh nông hay chính trị về giới nông gia nay được giải phóng, hết bị ràng buộc. Và là cơ hội mà các chính khách không thể bỏ qua trong một năm tranh cử.

Việc thảo luận để soạn thảo một đạo luật mới đã bị đình hoãn nhiều lần từ năm ngoái và trở thành đề tài nóng vào mấy tuần qua. Thượng viện rồi Hạ viện thông qua từng dự luật của mình rồi kết hợp làm một và chuyển văn kiện qua Hành pháp. Đó là đạo luật Farm Bill 2007, ra đời vào giữa năm tranh cử 2008! Tỷ lệ ủng hộ dự luật này có tính chất áp đảo và thừa sức hóa giải quyền phủ quyết mà Hành pháp đã nêu ra từ trước. Trên đại thể là như vậy.

Vào chi tiết mới là trò khôi hài.

Trước hết, khi thống nhất văn kiện của cả hai viện trên dưới, các nhà làm luật đã... gửi lầm bản văn qua Phủ Tổng thống! Văn kiện chính thức được chuyển qua Hành pháp thiếu mất ba chục trang và không là dự luật đã được lưỡng viện thông qua, cho nên Thượng viện phải... thông lại vào ngày Thứ Năm 22 vừa rồi. Thí sinh cấp Trung học mà có nộp nhầm bài thi thì chẳng đáng cười, trong Quốc hội Mỹ, đấy là chuyện đáng khóc!'

Nhưng, khi xét vào nội dung, vấn đề không chỉ đáng khóc mà đáng chửi! Việt Nam có chữ rất nặng cho hiện tượng đó khi nói về những kẻ có chức có quyền mà bất xứng, là "ăn hại đái nát".

Ai đó, hình như là Napoléon, có nói rằng luật lệ cũng như nồi mì spaghetti trộn với thịt bầm trong sốt cà chua: việc xào nấu là trò đáng tởm mà mình không nên ngó. Đó là trường hợp của đạo luật Canh nông 2007, trị giá 307 tỷ Mỹ kim trong thời hạn năm năm.

Nó là sự xào nấu tinh vi của các nhóm quyền lợi và các chính khách để nhân danh nhiều ý tưởng cao đẹp dùng tiền thuế của dân lấy phiếu trong một năm tranh cử.

Nông gia Mỹ đang có lời lớn, tăng hơn 50%, nhờ giá lương tăng vọt khiến lợi tức của họ tăng gấp rưỡi. Vậy mà đạo luật Canh nông 2007 vẫn trợ cấp thêm cho họ. Nông gia ở đây không là tiểu điền chủ hay nông dân quê mùa dốt nát mà là một số rất nhỏ những người kinh doanh về nông nghiệp. Và càng giàu thì càng được trợ cấp nhiều. Bộ Canh nông Hoa Kỳ tính ra là thành phần được trợ cấp nhiều nhất là các hộ kinh doanh canh nông có lợi tức trung bình là hơn 229 ngàn Mỹ kim vào năm 2008 này. Dù có nằm mơ, đa số độc giả trung lưu của cột báo này cũng không kiếm ra 229.920 đồng một năm để hy vọng được lãnh trợ cấp! Đó là một sự bất công hiển nhiên trong xã hội Mỹ vì nhiều cơ sở tiểu doanh của Hoa Kỳ - kể cả hàng quán của chúng ta - cũng bị hại lây.

Việc nâng mức trợ cấp canh nông trong một năm lương thực lên giá đã phỉ nhổ quy tắc tự do mậu dịch mà Hoa Kỳ đề cao trên thế giới và sẽ gây bất mãn cho các nước thiếu ăn. Nhiều nước nghèo đói trên thế giới càng thù ghét nước Mỹ mà dân Mỹ chẳng hiểu tại sao. Nhưng, đạo luật vẫn được thông qua ngon lành vì các dân biểu nghị sĩ đã lồng vào trong đó nhiều quy định về trợ cấp lương thực cho người nghèo (food stamps) nên những ai muốn chống thì bị các nhóm vận động đả kích là không thương dân nghèo!

Mà chẳng mấy ai muốn chống trong một năm tranh cử, nhất là các dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà sẽ phải tái tranh cử vào tháng 11 này. Họ đi ngược nguyên tắc tự do mậu dịch và kỷ luật ngân sách mà đảng thường đề cao để xếp hàng cùng đảng Dân Chủ. Nhờ vậy, đạo luật mới có đa số áp đảo. Lãnh đạo thiểu số Cộng Hoà là Nghị sĩ Mitch McConnell còn nêu gương xấu là ủng hộ đạo luật sau khi gài vào đó điều khoản miễn thuế cho việc nuôi ngựa... đua, một nghề riêng tại tiểu bang Kentucky của ông ta!

Nói lại cho rõ, khi cần mị dân trong một năm tranh cử nhiều phần là gay go, đảng Cộng Hoà không chịu kém một đảng vô địch là Dân Chủ! Dân Mỹ thường gọi các khoản trợ cấp phi lý này là "pork", thịt heo, và nhiều tờ báo đã nói tới bầy heo Dân Chủ và Cộng Hoà cùng vục đầu vào máng cám là tiền thuế của dân. Nhà bình luận Robert Novak thuộc khuynh hướng bảo thủ - tức là thân Cộng Hoà - thì đả kích giới dân cử Cộng Hoà là "uống nước tắm của mình!"

Tờ The Economist của Anh có lời phán dữ dội nhất: "một mùa gặt nhục nhã!"

Rốt cuộc, các công ty vận động cho doanh gia canh nông thắng lớn và Quốc hội Mỹ đại bại!

Ứng cử viên tổng thống duy nhất đã can đảm đánh ngược sóng là Thượng Nghị sĩ John McCain, ông bỏ phiếu chống. Một vài nhà bình luận phê phán: chỉ nội việc đó, McCain cũng đáng là người lãnh đạo. Hãy chờ xem!

Đó là chuyện cơm gạo, sang chuyện củi lửa là dầu hoả và năng lượng, tình hình còn bi đát hơn.

Chuyện củi lửa: Đổ dầu vào lửa

Dầu thô đã mấp mé 135 đồng một thùng và có thể lên tới 150. Tại Mỹ, giá xăng trung bình đã  mấp mé bốn đồng một ga lông gần bốn lít. Trong một năm tranh cử, mối lo và nỗi bực của dân Mỹ về chuyện củi lửa tất nhiên được các chính khách chiếu cố.

Hạ viện Mỹ đã cấm cười mà biểu quyết với đa số 3/4 (tỷ lệ 324-84 phiếu) việc truy tố... Hiệp hội các Quốc gia Xuất cảng Dầu thô OPEC. Tội danh là cấu kết với nhau để giới hạn xuất càng nhằm nâng giá dầu trên thế giới. Thật ra, viện dưới của Mỹ còn dưới cơ Nghị sĩ Hillary Clinton.

Ngày năm tháng Năm, khi tranh cử tại Indiana, Hillary đả kích và đòi phá vỡ OPEC. Bà còn nêu thêm tòng phạm là các tổ hợp dầu khí của Mỹ là làm giàu bất chánh. Tuần qua, trong hai ngày liền Quốc hội Mỹ liền gọi các Chủ tịch hay Tổng giám đốc của năm đại gia về dầu khí tại Mỹ ra điều trần.

Đây là khả năng siêu thực cao độ của chính trường Hoa Kỳ.

Mối quan tâm của các chính khách về chuyện năng lượng hay củi lửa của dân chúng chỉ thua sự thiếu hiểu biết - hoặc tệ hơn nữa, sự ngoa ngụy của họ - về nguyên nhân và hậu quả của nạn xăng dầu lên giá. Định nghĩa căn bản của mọi biện pháp mị dân đều là khinh dân, vì coi dân như con trẻ dễ bị lường gạt.

Mà dễ thật!

Xăng dầu lên giá vì nhiều lý do: cung cầu căng thẳng vì số cầu quá lớn của các nền kinh tế đang phát triển và số cung có giới hạn lại gặp nhiều bất trắc về an ninh. Một lý do khác là Mỹ kim tuột giá mà thiên hạ lại chủ yếu thanh toán tiền dầu bằng đồng đô la. Mỹ kim mất giá chừng nào thì dầu tăng giá chừng đó. Khi thấy dầu thô lên giá liên tục, các nhà đầu tư trên thế giới liền tồn trữ tài sản dưới dạng dầu thô trên thị trường thương phẩm: họ mua dầu để đầu cơ hầu tài sản khỏi mất giá. Mà càng nhiều người mua thì giá càng tăng. Các đại gia về dầu khí chẳng thể làm gì để chống lại trào lưu đó của thị trường, các quốc gia trên thế giới cũng vậy.

Nhưng ngần ấy lý do rắc rối sở dĩ tung hoành mạnh cũng vì vấn đề chính là  cung cầu.

Nói về cung cầu, cử tri Mỹ ít được giải thích rằng với sản lượng là hơn năm triệu thùng một ngày, Hoa Kỳ là nước sản xuất dầu thô thứ ba trên thế giới, chỉ thua Liên bang Nga và Saudi Arabia là hai nước dẫn đầu. Nhật lượng một ngày của Mỹ cao bằng kết số (cộng chung) của cả Iran và Venezuela, chỉ thua 9,2 triệu thùng của Nga và 9,1 triệu thùng của xứ Saudi.

Gần nửa thế kỷ trước, sản lượng dầu của Mỹ bằng một phần ba sản lượng thế giới, nay chỉ bằng 7%, vì Mỹ bơm ít dầu hơn, các nước khác bơm nhiều hơn. Mười lăm năm trước, Mỹ bơm dầu nhiều hơn số nhập cảng cho nhu cầu, ngay nay, phải nhập cảng một lượng dầu bằng hai phần ba sản lượng - và theo thứ tự từ nhiều đến ít - nhập cảng từ Canada, Mexico, Saudi Arabia và Venezuela. Khoảng 40% lượng dầu thô nhập cảng hàng năm của Mỹ đến từ các quốc gia của lục địa Mỹ châu, nằm ngoài vùng hoả tuyến Trung Đông và các quốc vương Á Rập trong OPEC.

Đấy là những sự kiện thực tế của thị trường.

Nhưng, vì sao Mỹ lại sản xuất ít hơn và góp phần không nhỏ cho tinh trạng cung cầu bấp bênh ngày nay" Vì sức cạnh tranh của OPEC" Vì các thế lực tài phiệt dầu hỏa Mỹ" Không, trăm lần không! Câu trả lời là vì thế lực của tổ chức kềm giá mạnh nhất thế giới là... Quốc hội Mỹ!
Đạo luật Canh nông Farm Bill chỉ là chuyện nhỏ nhít.

Từ 28 năm nay, Quốc hội Hoa Kỳ không cho phép đào dầu tại một vùng đất không người là miền cực Bắc Alaska (gọi tắt là ANWR), để bảo vệ môi sinh và loài gấu Bắc cực. Có một lần việc đào dầu nơi này được thông qua thì bị Tổng thống Bill Clinton chặn đứng với lá phiếu phủ quyết! Từ hơn 30 chục năm nay Quốc hội liên tiếp làm luật ngăn cản việc thiết lập thêm nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ. Ở ngoài khơi, Hoa Kỳ có đầy dầu khiến cả Liên bang Nga lẫn Saudi Arabia thèm thuồng, nhưng bị Quốc hội cấm đào, vì lý do bảo vệ môi sinh hoặc sợ mất khách du lịch.

Từ gần ba chục năm nay, Quốc hội Mỹ cũng hạn chế việc thiết lập thêm lò nguyên tử và Mỹ thua kém nhiều nước Âu châu lẫn cả Nhật Bản - quốc gia duy nhất đã lãnh bom nguyên tử - trong việc sử dụng một nguồn năng lượng điền thế được coi là sạch. Thay vào đó, Quốc hội Mỹ ra luật đòi hỏi phải cất chế ngô bắp thành cồn chạy xe hơi, một việc vừa gây ô nhiễn môi sinh vừa làm lương thực lên giá trong một năm khan hiếm....

Sở dĩ bầy cử tri bị coi như con nít vì hành xử như con trẻ.

Một đặc tính tâm lý của người thiếu trưởng thành là ham muốn nhiều điều mâu thuẫn, cái gì cũng đòi mà không chịu trả giá, ruốt cuộc thì dễ bị kẻ gian dẫn dụ.

Dân Mỹ muốn đi xe có phân khối cao, muốn hít thở không khí trong lành, muốn ôm cây, nựng chim và bảo vệ thú hiếm. Chính đáng lắm, nhưng phải trả giá. Dân Mỹ sợ chết vì lò nguyên tử rò rỉ, muốn có xăng rẻ và nước sạch miễn là việc chế biến đó phải được ai đó thực hiện ở nơi khác, không ở trong địa phương của mình. Đó là tánh ấu trĩ nhuốm mùi ích kỷ.

Khi khờ khạo và chết nhát như vậy, bầy con nít ngây thơ này tất nhiên là nạn nhân của các phù thủy trong Quốc hội. Và cùng đổ tội cho thị trường, cho bọn buôn dầu (các đại gia dầu hỏa mà họ gọi là Big Oils), cho Chính quyền Bush, vốn mang tiếng là gần gũi với kỹ nghệ dầu hoả, và cho các Quốc vương Á Rập trong tổ chức OPEC.

Muốn đánh gục thế lực OPEC thì chỉ cần cho đào dầu tại Mỹ. Quốc hội không dám làm điều ấy mà chỉ lòng vòng đập bụi cỏ ở bên ngoài và mặc nhiên đổ thêm dầu vào đám cháy củi lửa. Nào là tăng thuế doanh nghiệp dầu hỏa, nào là kiểm soát giá dầu - như người Hà Nội - hoặc hạ thuế xăng dầu trong mùa di chuyển sắp tới của dân chúng, đề nghị dớ dẩn của McCain và Hillary!

Trong năm năm qua, năm đại gia dầu khí của Mỹ có lời được gần 700 tỷ thì đã đầu tư gần 800 tỷ vào việc khai thác dầu và bị đóng thuế tàn mạt, chẳng thua một loại doanh nghiệp nào khác, nhưng vẫn cứ là thủ phạm dễ đánh nhất.

Cử tri Hoa Kỳ khỏi cần biết chuyện đó.

Nên càng không biết rằng các tổ hợp dầu khí tư nhân trên thế giới chỉ kiểm soát được 6% trữ lượng dầu hỏa. Các giếng dầu khác đều thuộc diện quản lý của chính quyền hoặc công ty quốc doanh. Trong 15 doanh nghiệp dầu khí lớn nhất thế giới, có 11 doanh nghiệp là do nhà nước ở các xứ khác chi phối. Muốn phá vỡ sự cấu kết xấu xa ấy thì cứ... dụng binh đi! Hình như gia đình Bush đã bị kết tội như vậy.

Tạm tổng kết thì một nền dân chủ chỉ có giá trị bằng trình độ dân trí và sự hiểu biết tối thiểu về quy luật chi phối phần lớn những sinh hoạt của mình, là thị trường. Trong một năm tranh cử ồn ào như hiện nay tại Mỹ, nếu có đặt câu hỏi về dân trí của Mỹ, hoặc bảo rằng Hoa Kỳ hoá dại thì nhiều độc giả tất ngạc nhiên hay phật ý! Vì vậy mới phải có vài thí dụ kể trên.

Mới là một vài thôi mà đã hơn ba ngàn chữ rồi. Đành hẹn kỳ sau!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhưng 64 năm sau (1960-2024), đảng đã thoái hóa, biến chất. Đảng viên thì tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống tự diễn biến và tự chuyển hóa, bài bác Chủ nghĩa Mác-Lênin và cả “tư tưởng Hồ Chí Minh” nữa...
Một tuần sau, sau khi dư luận nổi sóng về phát biểu của thiếu niên Chu Ngọc Quang Vinh (“tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”) tạm lắng – hôm 7 tháng 9 vừa qua – nhà văn Phạm Đình Trọng kết luận: “Sự việc cho thấy người dân, nhất là thế hệ trẻ đã có nhận thức sâu sắc về pháp luật, có ý thức về sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội”.
Nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 27/08/2024 về đường lối khóa đảng XIV cho thấy ông không dám đi ra khỏi quỹ đạo một người Cộng sản bảo thủ để được tồn tại...
Kamala nhắc lại Donald Trump đã cảm ơn Tổng Thống Tập Cận Bình về những gì ông ta đã làm trong thời gian đại dịch COVID. Bà nhớ cả nội dung Trump đã viết trên Twitter: “Thank you, President Xi” và đọc lại cho chục triệu người dân Mỹ đang xem màn hình. “Khi chúng ta biết rằng Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm vì không cung cấp và cung cấp không đầy đủ cho chúng ta sự minh bạch về nguồn gốc của COVID.” Kamala nhắc lại cả việc Donald Trump đã mời Taliban đến David Camp, “là một nơi có ý nghĩa lịch sử đối với chúng ta, với tư cách là những người Mỹ, một nơi mà chúng ta tôn vinh tầm quan trọng của ngoại giao Hoa Kỳ, nơi chúng ta mời và tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới được kính trọng. Và cựu tổng thống này với tư cách là tổng thống đã mời họ đến David Camp vì ông ta, một lần nữa, không biết tầm quan trọng và trách nhiệm của tổng thống Hoa Kỳ. Và điều này quay trở lại vấn đề ông ta đã liên tục hạ thấp và coi thường các quân nhân của chúng ta, những người lính đã hy sinh...
Từ ngày nước Mỹ lập quốc, chưa bao giờ nụ cười của một ứng cử viên tổng thống lại bị đối thủ mang ra mổ xẻ, tấn công với những lời lẽ không phù hợp với tư cách một người tranh cử vị trí lãnh đạo quốc gia. Nhưng ngược lại, cũng chưa bao giờ nụ cười của một ứng cử viên tổng thống lại trở thành niềm hy vọng cho một đất nước đang đối đầu với mối nguy hiểm “duy nhất suốt 248 năm” (theo lời cựu Phó Tổng Thống Dick Chenny.) Đó là nụ cười của Kamala Harris – Một nụ cười đang ngày càng thay hình đổi dạng cuộc tranh cử tổng thống kinh điển của nước Mỹ.
Cựu Tổng Thống Donald Trump đã trình bầy kế hoạch kinh tế của ông tại Economic Club of New York trước đám đông các kinh tế gia, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà báo vào 5-9-2024 vừa qua. Buổi nói chuyện này nằm trong chiến dịch tranh cử. Kế hoạch kinh tế trong nhiệm kỳ 2 nếu ông thắng cử bao gồm nhiều chính sách mà ông đã thi hành trong bốn năm đầu cầm quyền. Ông tuyên bố sẽ loại bỏ nhiều chương trình của chính quyền Biden. Ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa quảng cáo chương trình của ông với thuế nội địa thấp, thuế nhập cảng cao chưa từng thấy, giảm bớt luật lệ, và kinh tế phát triển mạnh. Nhưng nhiều chuyên viên đã nghi ngờ giá trị của chương trình kinh tế này. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích đề xuất kinh tế của Trump như chúng ta sẽ thấy trong những phần dưới đây của bài báo này.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới không chỉ định hình tương lai chính trị của quốc gia trong vài năm tới mà còn đặt ra những câu hỏi căn bản về bản sắc và tương lai của chính nước Mỹ. Trong khi kết quả bầu cử sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, những xung đột sâu sắc về bản chất của nước Mỹ đã được phản ảnh rõ nét qua đường lối, chính sách nêu ra tại hai đại hội Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vừa qua.
Tôi đã xem qua cả trăm bài viết với với nội dung và ngôn từ (“đầu đường xó chợ”) tương tự nhưng chưa bao giờ bận tâm hay phiền hà gì sất. Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, các bạn DLV đều không quen cầm bút nên viết lách hơi bị khó khăn, và vô cùng khó đọc. Họ hoàn toàn không có khái niệm chi về câu cú và văn phạm cả nên hành văn lủng củng, vụng về, dài dòng, lan man trích dẫn đủ thứ nghị quyết (vớ vẩn) để chứng minh là đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước luôn luôn đúng đắn. Họ cũng sẵn sàng thóa mạ bất cứ ai không “nhận thức được sự đúng đắn” này, chứ không thể lập luận hay phản bác bất cứ một cáo buộc nào ráo trọi.
Ngày 20/7/1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đi vào lịch sử như là hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng thế nhưng sự kiện này bị một số nhà “lý thuyết âm mưu” lên tiếng phủ nhận. Căn cứ vào những điểm “khả nghi” trong tấm hình chụp Armstrong đứng cạnh lá cờ cắm trên Mặt Trăng, họ quả quyết rằng tất cả chỉ là chuyện dàn dựng và bức hình này chỉ được chụp tại một sa mạc ở Nevada. Nhưng bằng chứng của vụ đổ bộ ấy đâu chỉ duy nhất một tấm hình? Tàu Appollo 11 phóng từ mũi Kennedy trước con mắt hàng chục ngàn người và hàng trăm triệu người qua ống kính truyền hình. Hàng trăm ngàn thước phim quay được và chụp được khi tàu Appollo vờn trên quỹ đạo quanh mặt trăng, cảnh tàu con rời tàu mẹ để đổ bộ, cảnh các phi hành gia đi bộ và cả những túi đất đá mang về từ Mặt Trăng v.v. Chúng ta thấy gì ở đây? Những bằng chứng xác thực thì nặng như núi nhưng, khi đã cố tình không tin, đã cố vạch ra những âm mưu thì chỉ cần mấy điểm khả nghi nhẹ tựa lông hồng.
Một bài bình luận của báo Chính phủ CSVN hôm 2/9/2024 viết: “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…” Những lời tự khoe nhân dịp kỷ niệm 79 năm (1945-2024) được gọi là “Tuyên ngôn độc lập” của ông Hồ Chí Minh chỉ nói được một phần sự thật, đó là Việt Nam đã có độc lập. Nhưng “tự do” và “ấm no hạnh phúc” vẫn còn xa vời. Bằng chứng là mọi thứ ở Việt Nam đều do đảng kiểm soát và chỉ đạo nên chính sách “xin cho” là nhất quán trong mọi lĩnh vực...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.