Đuốc Thế Vận Bắc Kinh đã chạy đến Saigon ngày 29-4. Ở đây nó đã chạy có cờ, nhưng không phải cờ ta mà là cờ Tầu. Trong khi đó những người mặc áo sơ-mi cụt tay có cờ đỏ sao vàng của Cộng sản Việt Nam và bản đồ Việt Nam in trước ngực đều bị Công an nhà nước dẹp không chút nương tay, chỉ vì sau lưng áo có in thêm mấy chữ lớn bằng tiếng Anh: "Trung Quốc phải ngưng xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam". Đồng thời lá cờ cũng đỏ mầu máu có 5 ngôi sao vàng với dã tâm bành trướng của Cộng sản Tầu do đám thanh niên Trung Quốc có lẫn nhân viên mật vụ Bắc Kinh trà trộn trương lên lại được tự do chạy nhông nhông ngoài đường với tiếng hoan hô vang dậy. Hình ảnh thật ngậm ngùi, vì ngày một ngày để nhớ đã đến. Đúng 33 năm trước, ngày 30-4-75, Cộng sản Việt Nam chiếm Saigon dưới chiêu bài "độc lập tự do hạnh phúc".
Nhưng hãy nhìn lại bước đường chạy đầy rắc rối của đuốc Olympic trong mấy ngày vừa qua. Thứ bẩy tuần trước 26-4, đuốc chạy ở Nagano, Nhật Bản. Ở đây đã xẩy ra mấy vụ đụng độ giữa những người ủng hộ Thế vận Bắc Kinh và những người phản đối Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng. Nhật đã huy động một lực lượng Cảnh sát khổng lồ để bảo toàn an ninh cho ngọn đuốc. Bản tin Thông tấn Kyodo viết đám Cảnh sát dày đặc đó đã làm tan biến bầu không khí hội hè mà người ta mong đợi ở thành phố Nhật Bản này. Qua ngày Chủ nhật 27-4, đuốc chạy ở Hán Thành thủ đô Nam Hàn, sự đụng độ giữa hai phe ủng hộ và phản dối đã có vẻ công khai rõ rệt hơn. Vụ Tây Tạng không phải là nguyên nhân duy nhất, vì còn có vấn đề Bắc Kinh đối xử với những người Bắc Hàn vượt biên qua Trung Quốc tị nạn. Khi những nhóm người lẻ tẻ trương biểu ngữ đòi Trung Quốc phải ngưng trục xuất người vượt biên về Bắc Hàn, một đám thanh niên Tầu la ó, xỉ vả. Vào giai đoạn chót của cuộc rước đuốc dài 5 tiếng đồng hồ, các nhân chứng cho biết dân Tầu Cộng sản bao vây và đấm đá những người Tây Tạng và người Nam Hàn ủng hộ trương cờ Tây Tạng.
Cũng tuần trước ngày Thứ năm 24-4, đuốc Olympic chạỵ đến Canberra, Úc, tương đối êm thấm. Nhưng tờ Daily Telegraph Úc đã thuật lại một chi tiết nhỏ đủ cho thấy âm mưu của bọn Công an Tầu thâm độc như thế nào khi cần bảo vệ ngọn đuốc thể diện của Bắc Kinh. Một thanh niên 26 tuổi gốc Nepal, nước ở Bắc Ấn Độ sát Tây Tạng, anh Karuna Bajracharya, hiện cư ngụ ở South Coast, cho biết anh mang biểu ngữ và cờ Tây Tạng tiến đến gần tòa nhà Quốc hội ở Canberra, nơi đây đã có cả 10,000 dân Tầu mang cờ Trung Cộng đứng đầy lề đường đón đuốc. Anh cho biết khi thấy anh, đám đông xúm lại la hét giận dữ. Anh nói: "Bọn người cầm cờ Tầu đánh tôi. Nhất là có một người đàn ông Tầu dắt theo một đứa con trai còn nhỏ chỉ độ 5 hay 6 tuổi, hắn xúi đứa bé dùng tay đánh tôi. Rồi hắn hét lên với tôi: Mày không thích hả" Mày cứ đánh vào đầu thằng bé đi. Rõ rệt hắn muốn tôi đánh thằng bé để có cớ gây ra chuyện lớn, tình thế sẽ hỗn loạn, dẹp tan mọi sự chống đối". Anh kết luận với nhà báo: "Đem đứa con nít ra làm mồi, còn gì để nói nữa không"".
Chuyện ở Úc khiến các Cảnh sát ở các nơi kế tiếp như Nhật Bản và Nam Hàn bắt buộc phải đề phòng kỹ hơn nữa. Tuần này, trước khi đến Việt Nam, đuốc Olympic đã chạy ở Bình Nhưỡng thủ đô Bắc Hàn, coi như đã về đến nhà rồi, vì sự tiếp đón của mấy anh Cộng Sản đàn em ngay sát bên hông Trung Quốc rất vĩ đại, chẳng có ai chống đối. Việt Nam cũng mang cái họa "cây nhà lá vuờn" nhưng ở đây Bắc Kinh lại gặp tình thế khác hẳn. Theo tin báo chí quốc tế khi đuốc đến Saigon, tại thủ đô Hà Nội một nhóm thanh niên trương biểu ngữ phản đối Trung Quốc và tẩy chay Thế vận Bắc Kinh trước chợ Đồng Xuân đã bị Công an ta đàn áp, bắt đi 7 người ngay từ đầu vì sợ chống đối lan rộng ở Bắc Việt.
Tại Saigon thành phố lớn nhất của Việt Nam, đuốc Thế vận đã gặp điềm gở ngay lúc khởi đầu ở nhà Hát Tây. Đuốc vừa nhóm lên chỉ được mấy phút bỗng nhiên nó tắt ngúm, không biết tại sao. Người ta phải mồi lửa lại cho nó cháy. Dù vậy nó cũng được đám đông dân gốc Tầu chính cống của Hoa lục hiện có mặt để làm việc hay học hành, phất cờ đỏ hoan hô nhiệt liệt, miệng hô lớn từng chập bằng tiếng Tầu "Bắc Kinh Bắc Kinh, Trung Quốc Trung Quốc" y hệt đám khán giả mộ điệu hoan hô khi xem một trận đấu bóng tròn. Bản tin quốc tế của Thông tấn AP nhận xét đuốc Thế Vận Bắc Kinh bắt đầu chạy trên các lục địa từ tháng trước đã gặp nhiều vụ biểu tình chống đối chính sách Trung Quốc đàn áp tàn nhẫn dân chúng Tây Tạng, ngoài ra sự phản đối quốc tế nói chung đặt nặng nhiều nhất vào thủ đoạn đàn áp nhân quyền của Bắc Kinh.
Riêng ở Việt Nam, sự phản đối đuốc Thế vận Bắc Kinh có một mục tiêu rõ rệt hơn: đó là tố cáo Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa và Hoàng sa. Những bản tin tiếng Việt qua các weblog đã truyền khắp thế giới từ lúc 15 giờ chiều 29-4 cho biết một bọn khoảng từ 150 đến 200 thanh niên và trung niên Trung Quốc đã bay đến Saigon từ đầu tuần trú ngụ tại Khách sạn Rex, chúng mặc đồng phục Olympic mầu trắng chữ in đỏ, trước lúc đuốc sắp chạy qua chúng đã chiếm cả một bãi rộng trước khách sạn, trương cờ Trung Quốc, hát hò múa nhảy, cản đường dân chúng qua lại. Đó là Mật vụ và lính Trung Cộng trá hình. Nhiều người dân tức giận gọi dây nói đến Công an, cáo giác sự xâm chiếm nơi công cộng của bọn Tầu từ bên ngoài đến. Công an bắt buộc phải hành động, nhưng chỉ xua đuổi chúng, dồn chúng đi nơi khác. Bọn chúng kéo nhau ra khu chợ Bến Thành, vừa đi vừa hò hét, nhẩy múa loạn cào cào. Công an đi sau dồn ép chúng đi nhưng cũng để ngầm bảo vệ chúng trước sự phẫn nộ của dân Saigon. Bọn chúng tiếp tục diễn hành xuống đường Trần Hưng Đạo. Những hình ảnh nói trên và cả các đoạn video sống động rõ nét, đã được truyền qua Youtube ngay tức khắc để cộng đồng người Việt trên khắp thế giới xem.
Các bản tin quốc tế ghi nhận đuốc Thế vận chạy ở Saigon là chặng chót trên con đường quốc tế chông gai, vì ngày 30-4 nó đã về đến Hong Kong an lành. Để tống tiễn nó ra khỏi Việt Nam chúng tôi muốn nhắc đến một biểu ngữ viết bằng tiếng Anh của những người tuổi trẻ ở Saigon phản đối Thế vận Bắc Kinh trong dịp này. Đó là mấy chữ "Hegemony jeopardizes Asia" (chủ nghĩa bá quyền là mối họa cho Á châu). Tôi vẫn thích dịch chữ hegemony là "bá quyền", vì bá quyền là bá vương, là thể chế vua ở giữa cai trị các chư hầu ở xung quanh như lịch sử Trung Quốc đã cho thấy. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay biết sử dụng chữ này với hàm ý thật sâu sắc, chứng tỏ kiến thức của họ không phải nhỏ.