Lòng Sân Hận
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma Chuyển ngữ: HT. Thích Trí Chơn (Trích từ cuốn sách: “Worlds In Harmony”)
Sân hận thường khi là sự khổ phát sinh do thiếu lòng từ bi. Nếu ai đó quấy rầy hay khiến bạn nổi cơn giận dữ, quý vị có thể dùng nó như cơ hội để chống lại tánh sân hận nơi mình bằng cách tu tập lòng từ bi. Nếu sự phiền nhiễu quá nặng nề và nếu bạn nhận thấy kẻ đó có nhiều xấu xa mà quý vị không thể chịu đựng trước sự hiện diện của họ - cách hay nhất là nên tìm một lối thoát.
Đây là lời khuyên: Nếu sự tức giận của bạn không mạnh mẽ lắm, tốt nhất là quý vị nên chấp nhận sự quấy rầy ấy. Nếu không thể đối đầu thì tự mình nên kiềm chế.
Thời xưa, khi xảy ra chiến tranh, hậu quả tai hại của nó rất giới hạn. Ngày nay, do sự tiến bộ vật chất và khoa học kỹ thuật, sức mạnh tàn phá của nó thực khủng khiếp, không thể tưởng tượng nỗi. Khi viếng thăm thành phố Hiroshima (Nhật Bản) mặc dù đã nghe biết qua về vụ nổ bom nguyên tử tại đó, tôi cảm thấy rất khó khăn để nhìn cảnh tượng ấy bằng chính con mắt của mình cũng như gặp các nạn nhân khổ đau ngay trong giờ phút bom nổ, hiện đang còn sống.
Tôi vô cùng xúc động. Một vũ khí tàn ác khủng khiếp đã được dùng. Mặc dù chúng ta có thể xem một số người như kẻ thù, nhưng bằng cái nhìn sâu sắc, họ cũng là con người, cũng mong có hạnh phúc và có quyền được hưởng hạnh phúc đó. Nhìn cảnh tượng Hiroshima và suy nghĩ về hậu quả tàn khốc của nó, vào lúc ấy, khiến tôi tin chắc rằng sự tức giận và hận thù không bao giờ giải quyết được vấn đề gì cả.
Hận thù không thể chấm dứt bằng thù hận. Nếu một người nổi giận với bạn, và bạn đáp trả lại họ bằng sự giận dữ, kết quả sẽ là một thảm họa. Trái lại, nếu bạn kiềm chế được sự tức giận, bày tỏ thái độ thân thiện với lòng từ bi, tánh bao dung và nhẫn nhục, không những chính bạn cảm thấy an lạc, mà lòng sân hận nơi kẻ khác cũng sẽ từ từ giảm bớt.
Các cuộc khủng hoảng trên thế giới cũng không thể giải quyết bằng sự tức giận hay hận thù. Chúng chỉ có thể hóa giải và chấm dứt bằng tình thương và lòng từ bi. Ngay cả với các vũ khí khủng khiếp mà chúng ta có, tự chúng không thể gây ra chiến tranh. Chính do tư tưởng điều khiển tay con người bóp cò súng, chứ không phải ở khả năng của vũ khí. Trách nhiệm thuộc về ý tưởng của quý vị.
Nếu quan sát sâu xa hơn, nguồn gốc của chiến tranh nằm ở tâm con người. Cho nên, trước tiên cần kiểm soát tâm ý là rất quan trọng. Tôi không nói kiềm chế tâm trong cái nghĩa thiền định mà đúng hơn là tu tập làm giảm bớt hận thù, tăng trưởng sự kính trọng quyền lợi và quan tâm đến kẻ khác cùng nhận thức rõ hơn về sự giống nhau của mọi người.
Hãy xét đến quan điểm của Tây Phương đối với Trung Đông. Nên xem dân chúng Iraq là anh chị em giống như chúng ta. Thái độ này không thể giải quyết vấn đề ngay tức thì, nhưng quý vị phải cố gắng. Các bạn nên bắt đầu phổ biến sự hiểu biết này qua báo chí và truyền hình, không nhằm mục đích quảng cáo để thu tiền cho chúng ta.
Quý vị cần sử dụng báo chí cho việc làm ý nghĩa hơn, hướng đến hạnh phúc của nhân loại. Không phải chỉ kiếm tiền. Tiền là cần thiết, nhưng mục đích có tiền là để giúp đỡ cho con người. Đôi lúc chúng ta quên con người mà chỉ nghĩ đến tiền không mà thôi. Đây là điều thiếu đạo đức.
Với tình thương và lòng từ bi, chúng ta có thể có được tâm an lạc. Không ai muốn tâm mình bất an, nhưng vì do vô minh và lòng tham nên bạn mới gặp những phiền não. Vì lòng sân hận, chúng ta đánh mất một trong các đức tính tốt nhất của con người là khả năng phán đoán. Chúng ta có một bộ óc tốt, giúp bạn nhận biết được việc gì đúng và điều gì sai, không những chỉ liên quan đến các sự việc hôm nay mà cả đến mười, hai mươi hay một trăm năm sau trong tương lai.
Không có bất kỳ một sự biết trước nào, các bạn có thể dùng giác quan thông thường của mình để xác định rõ một việc làm đúng hay sai. Chúng ta cũng có thể biết nếu hành động như vậy sẽ dẫn đến kết quả ra sao. Nhưng khi tâm các bạn bị khống chế bởi lòng sân hận, chúng ta sẽ mất hết khả năng phán xét này. Một khi đã mất, thực là điều rất buồn - về thân thể, quý vị là con người, nhưng tinh thần thì chưa hoàn toàn.