Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu Chuyển Sang Giai Đoạn 3
Ts. Nguyễn Đình Thắng tiếp xúc với nạn nhân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan. (ảnh BPSOS)
Khởi xướng vào cuối tháng 7 vừa qua, chiến dịch Cứu Cồn Dầu đang chuyển sang giai đoạn 3: chủ động đòi công lý.
Chiến dịch này có 3 mục đích: (1) bảo vệ an toàn cho những người dân Cồn Dầu đang lánh nạn, (2) bảo vệ quyền và lợi ích của người dân đang sống ở Xứ Đạo Cồn Dầu, (3) bảo vệ sự vẹn toàn của Xứ Đạo Cồn Dầu về lâu về dài.
Chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” được thực hiện lớp lang qua từng giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, chiến dịch tập trung vào việc thông tin và tạo ý thức trong tập thể người Việt ở hải ngoại và đối với quốc tế về chính sách đàn áp của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào Xứ Đạo Cồn Dầu. Điều này được thực hiện qua các buổi điều trần ngày 18 tháng 8 trước Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos, các buổi tíếp xúc với giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế… và qua các buổi cầu nguyện hiệp thông và gây quỹ đang diễn ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Đến nay cuộc đàn áp đẫm máu ở Cồn Dầu đã trở thành vấn đề nóng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đối với chính quyền Hoa Kỳ và một số quốc gia tự do, và đối với nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.
Trong giai đoạn hai, chiến dịch vận động sự can thiệp trực tiếp của các chính quyền. Điển hình, Dân Biểu Christopher Smith đã đưa vào Hạ Viện Nghị Quyết H Res 1572 để lên án cuộc đàn áp, DB Smith cùng DB Cao Quan Ánh nhiều lần họp với giới chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao để yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Toà Đại Sứ Hoa Kỷ ở Việt Nam lên tiếng, và Uỷ Hội Hoa Kỳ Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cử người đến Thái Lan để phỏng vấn các người dân Cồn Dầu lánh nạn tại đây. Sau một thời gian dài im tiếng hay chống chế, mới đây Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội cũng đã chính thức chỉ trích những bất cập về pháp chế trong việc xử án 6 giáo dân Cồn Dầu. Đặc biệt, Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch trực thuộc phủ Tổng Thống Hoa Kỳ đang điều tra về tình trạng chính quyền Đà Nẵng tịch thu tài sản của công dân Hoa Kỳ, một vi phạm căn bản đối với điều kiện để được hưởng đặc quyền Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát (Generalized System of Preferences, hay GSP).
Riêng BPSOS cũng đã vận động Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan và ở Hoa Thịnh Đốn cũng như Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan can thiệp và bảo vệ cho những người Cồn Dầu đang lánh nạn khi chính quyền Đà Nẵng cử người sang Thái Lan để theo dõi và truy bức họ.