Từ ngữ "siêu cường" đã rút khỏi ngữ vựng quốc tế. Việc này bắt đầu từ đầu Thế kỷ 21, nhưng nó ra đi âm thầm nên không được các nhà quan sát quốc tế chú ý nhiều để coi như một dấu mốc. Có lẽ cũng vì lý do ngôn ngữ. Dưới trời Âu-Mỹ cái gì quan trọng hàng đầu đều được gọi là siêu (super), chẳng hạn chữ siêu-sao (super -star) trong Thiên văn học đã lan qua giới điện ảnh từ lâu và nay đã bị lạm dụng hơi nhiều để trở thành vô số từ ngữ mới, kể cả những từ rất quái đản. Các ông nhà báo Mỹ vốn giỏi về nghề "đúc ra chữ" như ta đúc tiền cắc. Mới đây đã thấy có chữ mới "super-porn", tạm dịch là "siêu...dâm". Ở đây chữ "siêu" mất hẳn ý nghĩa trang trọng của nó trong ngôn ngữ Việt Nam chúng ta thường thấy như siêu phàm, siêu quần, siêu đẳng...
Vậy từ ngữ "siêu cường" nguyên thủy như thế nào" Chữ này ra đời sau Thế chiến II trong Thế kỷ 20. Nhưng sau khi quân Đồng minh do Mỹ lãnh đạo diệt tan được Trục Đức Ý Nhật vẫn chưa có chữ siêu cường. Từ ngữ này chỉ bắt đầu xuất hiện trong thời chiến lạnh. Liên Sô bành trướng thế lực ra Đông Âu và bắt đầu chế tạo được bom nguyên tử, nên tự coi là ngang hàng với nước mạnh nhất thế giới lúc đó là Mỹ và công khai kình địch với Mỹ trong mưu toan nhuộm đỏ cả thế giới. Trong cuộc chiến lạnh, thế giới có ba khối: thế giới tự do có Mỹ lãnh đạo, thế giới cộng sản dưới quyền chủ huy của Liên Sô và Moscow được coi là thành trì của Vô sản quốc tế, thế giới thứ ba đứng trung lập ở giữa, được gọi là khối không liên kết. Như vậy hiển nhiên chữ "siêu cường" chỉ có nghĩa là sức mạnh quân sự và sức mạnh này cũng ám chỉ một thứ vũ khí siêu đẳng là bom nguyên tử.
Thành ra khi một nước mạnh nhất về quân sự, từ ngữ "siêu cường" chưa xuất hiện. Siêu cường chỉ xuất hiện khi có hai nước mạnh nhất có sức mạnh quân sự ngang ngửa và đối nghịch với nhau. Vì thế siêu cường duy nhất độc bá quần hùng trong thiên hạ là một ảo tưởng chỉ có trong các tiểu thuyết hư cấu, chớ không thể có trong thực tế chính trị của sự phát triển tư duy nhân loại vào đầu Thế kỷ 21. Trong cuộc chiến tranh lạnh cuối thế kỷ trước, Liên Sô sụp đổ không phải vì bị đánh hay bị hăm dọa bằng bom nguyên tử của Mỹ, mà vì một sự nội nổ của chế độ Cộng sản đưa đến sự tan vỡ của cả khối vô sản quốc tế. Nguyên nhân của sự nội nổ là kinh tế chớ không phải quân sự, và nạn khủng hoảng kinh tế là hệ lụy của chủ trương dồn hầu hết của cải tài chính trong nước vào việc chế tạo vũ khí hiện đại để có sức mạnh quân sự vô địch. Bài học này vào đầu thế kỷ 21 đã quá rõ cho nhiều nước lớn trên thế giới.
Chiến tranh lạnh kéo dài đến gần nửa thế kỷ, vậy tại sao vẫn không có chiến tranh nóng đánh bom nguyên tử" Sự thật rất đơn giản: chiến tranh nguyên tử là chiến tranh tự sát, hai bên dùng bom nguyên tử đánh lẫn nhau, sẽ không có kẻ thắng mà chỉ có hai kẻ thua kéo theo một sự tàn phá khủng khiếp cho cả loài người. Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Nga đã trải qua những vụ kình nhau rất gay cấn, khiến thế giới hồi hộp tưởng như bom nguyên tử sắp nổ. Thí dụ như vụ khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962. Lúc đó Mỹ vẫn mạnh hơn Nga về thứ vũ khí tận diệt này, Mỹ có thể "tiên hạ thủ vi cường" để diệt trừ hậu họa. Thế nhưng vị Tổng Thống Mỹ lúc đó có một tinh thần trách nhiệm rất cao. Thay vì nhấn vào nút bắn phi đạn nguyên tử để tấn công Nga, ông đã khựng lại để vận dụng mọi phương pháp buộc Liên Sô phải lùi bước. Đây là một bài học rất quý giá mà tiếc thay vào đầu thế kỷ này, người ta đã không học được.
Bom nguyên tử là "chứng minh thư" của siêu cường chăng" Trong thời chiến tranh lạnh, ngoài Mỹ và Liên Sô, hai nước Anh và Pháp đã có bom nguyên tử. Trung Quốc cũng có "bom" sau khi được Mỹ ủng hộ cho vào LHQ ngồi ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, thay thế chính quyền Quốc dân đảng tị nạn Đài Loan. Kế đó Ấn Độ và Pakistan đều có bom, chưa kể Israel mặc dù không chính thức nhìn nhận là có "bom". Nếu bom nguyên tử là nhãn hiệu của anh hùng thiên hạ, làm sao trên võ đài quốc tế lắm cao thủ như vậy" Hiển nhiên ngày nay có "bom" cũng chỉ là một cấp thường thường bậc trung. Các nước lớn đã có nhiều "bom" ra lệnh cấm không cho "bom" lan tràn để bảo vệ hòa bình thế giới, nhưng thật ra cũng để bảo tồn tư thế của mấy ông ăn trên ngồi trốc ở LHQ.
Riêng nước Mỹ vẫn có nhiều "bom" nhất, nhưng lại ghét "bom" vô cùng, nên gọi nó là "vũ khí giết người hàng loạt". Vì nghi ngờ Saddam Hussein có loại "bom" quỷ này nên Tổng Thống Bush đã ra tay "tiên hạ thủ vi cường" bất chấp cả LHQ, sau xét ra không phải thì việc đã rồi. Hai nước khác trong danh sách "ác như quỷ" là Bắc Hàn và Iran may mắn thoát nạn sau khi Mỹ mắc kẹt ở Iraq, nhưng khi thấy Mỹ bị ám ảnh về "bom" quỷ, hai nước này lại giở trò quỷ bắt chẹt Mỹ để kiếm lời về kinh tế. Tóm lại bom nguyên tử đã hết linh, bởi vì thực tế đã cho thấy bom nguyên tử không thể nào đánh bại được "bom người", tức bom tự sát của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Bom nguyên tử không làm nên siêu cường quân sự, nhưng ngày nay một loại siêu cường mới đã bắt đầu xuất hiện. Đó là siêu cường kinh tế. Một điều khá lạ lùng, hai nước cộng sản lớn nhất đã từng bị ngắc ngoải vì kinh tế xuống dốc, nay đang tiến mau tiến mạnh trên con đường tư bản chủ nghĩa. Trong khi Mỹ bị khủng hoảng vì nạn xăng nhớt lên giá, Nga lại trở thành một nước xuất cảng dầu thô vào hàng đầu với tổng số trị giá 60 tỷ đô-la Mỹ. Gần 1/3 các nước Liên Âu nhập cảng dầu của Nga. Những mỏ dầu mới tìm thấy ở miền Tây Siberia nay đã phát triển đến mức tối đa, khiến cả một miền rừng rú hoang vu rộng lớn của Nga đã có những thành phố hiện đại. Nước cộng sản thứ hai là Trung Quốc còn nguy hiểm hơn vì đang lăm le nhẩy hẳn lên hàng siêu cường kinh tế đối đầu với Mỹ. Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã vọt lên, giao thương quốc tế nở rộ.
Đây là những thách thức nghiêm trọng nhất cho Mỹ trong những năm sắp tới. Không phải thách thức bằng bom mà thách thức bằng tiền. Cử tri Mỹ năm nay bầu cho ai" "Là kinh tế đó, người ơi!"