Bà Michele Weiner Davis, chuyên gia xã hội dưỡng đường (clinical social worker) là người đã từng soạn thảo nhiều quyển cẩm nang bán rất chạy và thường xuyên xuất hiện trên chương trình truyền hình Oprah. Trong suốt 20 năm làm việc bà giúp đỡ cho hằng hà sa số các cặp vợ chồng mà hôn nhân đang gặp khủng hoảng hoặc đang đứng trước ngưỡng cửa ly dị được hàn gắn, hạnh phúc. Một trong những cuốn cẩm nang gần đây nhất của bà là cuốn “The Sex-Starved Wives: What To Do When He Lost Desire"” (Vợ Khát Khao Ái Ân: Phải Làm Gì Khi Chồng Hết Thèm Muốn"). Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bài phỏng vấn bà Weiner Davis (WD) của nữ ký giả Andrea Sachs (AS), thuộc tạp chí Time.
*
Weiner Davis: Cách đây vài năm, tôi có viết một quyển sách tựa đề Cuộc Hôn Nhân Thiếu Tình Dục, trong đó tôi miêu tả những chuyện xảy ra trong các cuộc hôn nhân mà một người phối ngẫu vẫn khao khát, thèm muốn được ân ái, được mơn trớn nhiều hơn người kia. Trong quyển sách tôi chỉ dành riêng 7 trang để nói về những thử thách đối với các phụ nữ có nhu cầu tình dục cao hơn người bạn tình của họ. Sau đó tôi nhận được vô số thư từ, điện thư và điện thoại từ các chị em phụ nữ cảm tạ tôi và, hầu hết đều nói “Cảm ơn bà đã viết về những điều này, bởi vì cho đến khi đọc được sách thì tôi cứ ngỡ rằng mình là người đàn bà duy nhất trên thế giới này không được chồng mình rượt chạy vòng vòng trong nhà đề đòi làm chuyện ấy”. Khoảng cách giữa sự ham muốn của song phương là một vấn đề rất thông thường mà các nhà trị liệu tình dục (sex therapist) thường xuyên phải giải quyết. Người ta ước lượng rằng cứ ba cặp tình nhân hoặc vợ chồng thì có một cặp phải đối đầu với khó khăn này. Chưa kể đến những vấn đề khó khăn khác mà các cặp vợ chồng vốn có một cuộc sống tình dục rất mặn mà, đầy đủ phải đối phó. Và nó trở thành vấn đề chính chủ yếu trog mối quan hệ vợ chồng của họ.
AS: Vậy thì những cuộc hôn nhân như thế có thường xuyên dẫn đến đổ vỡ, ly dị hay không"
WD: Vâng, chuyện đó thường xuyên và rất có thể xảy ra, trừ phi họ tìm cố vấn giúp đỡ. Thêm một chuyện nữa là người phối ngẫu có nhu cầu, hoặc ham muốn nhiều hơn thường sẽ phải sống trong cô đơn bất hạnh. Quý ông thường than phiền về chuyện không được thỏa mãn trong vấn đề chăn gối nhiều hơn phụ nữ, thế nhưng, sự khác biệt giữa hai phái không lớn như người ta tưởng. Tôi có hợp tác với tạp chí Redbook để làm một cuộc thăm dò với phụ nữ về những chuyện xảy ra trong phòng the. Hơn 1,000 người tham dự cuộc thăm dò này và 60% trong số họ cho biết họ thèm muốn ái ân ít nhất là bằng, nếu không nói là nhiều hơn, chồng họ. Chuyện thật thú vị, nhưng không ngạc nhiên gì lắm, là việc đại đa số các ông có nhu cầu tình dục ít, không có nhiều đòi hỏi về chuyện ân ái, lại hoàn toàn không chịu bàn thảo về việc này với vợ họ, hoặc tìm đến bác sĩ hay một nhà tâm lý trị liệu nào cả. Trong một nền văn hóa mà nam tính được xem là đồng nghĩa với sự sung sức dục tình thì chẳng có gì là ngạc nhiên khi mấy ông này ngậm câm như hến cả! Vì vậy, các bà, các cô bị kẹt trong những cuộc hôn nhân như thế sẽ cảm thấy hết sức bực bội, khó chịu bởi vì họ bị cô đơn không mức nào tả xiết được. Họ cảm thây mình bị cô lập hoàn toàn. Khi có người có nhu cầu sinh lý cao thì người có ít thèm muốn hơn thực sự nghĩ rằng đối tượng chỉ thực sự muốn đạt khoái cảm tuyệt đối (orgasm) mà thôi. Thế nhưng, đối với người phối ngẫu có nhu cầu sinh lý cao thì họ thực sự cần cảm thấy mình được yêu, được mong muốn và được có những sự cảm thông, được gắn bó bằng tâm hồn và trái tim.
AS: Bà chia các cặp vợ chồng thành những người phối ngẫu có nhu cầu tình dục cao và những người có nhu cầu sinh lý thấp. Chuyện này có phải lúc nào cũng đúng trong mọi cuộc hôn nhan hay không"
WD: Có đôi lúc thì hai người phối ngẫu ngang ngửa với nhau, và tình dục không phải là một vấn đề bởi vì đấy là một phần tốt trong cuộc hôn nhân của họ. Nhưng việc mà hai vợ chồng không có nhu cầu và thèm muốn ngang nhau là chuyện rất thường xảy ra. Chuyện này tự nó không phải là chuyện khiến người ta phải xa nhau, và cũng không nhất thiết phải là một vấn đề khó khăn. Vấn đề ở chỗ những cặp vợ chồng này đối phó với chuyện ấy như thế nào. Qua cuộc thăm dò, chúng tôi khám phá được rằng chính người có nhu cầu sinh lý thấp mới là người giữ quyền điều khiển trong quan hệ tình dục giữa hai vợ chồng, không phải vì họ có nhu cầu phải điều khiển, nhưng vì họ là người không muốn nên họ có quyền phủ quyết tối hậu. Chuyện này cũng được chứng minh qua các trường hợp mà tôi đã gặp trong việc làm của tôi. Nếu họ không cảm thấy hứng thú thì chuyện ái ân sẽ không xảy ra. Gần như đó là một thứ hợp đồng bất thành văn và không cần phải nói ra: người ít ham muốn tình dục muốn người phối ngẫu của ông ta (hoặc bà ta) phải chấp nhận chuyện này, không được than phiền và phải tuyệt đối trung thành một vợ một chồng, không nem chả léng phéng gì cả. Trong những năm tháng mà tôi làm việc giúp đỡ các cặp vợ chồng thì đấy quả thật là một sự dàn xếp thật bất công và khó được thi hành đúng đắn.
AS: Thế thì đâu là những lý do chính gây nên những khó khăn như vậy"
WD: Những vụ này đều nằm gọn trong ba trường hợp: sinh lý, tâm lý, hoặc thiên về quan hệ. Trước nhất, xin nói về những lý do sinh lý, thể lực. Có rất nhiều chứng bệnh (physical conditions), cũng như nhiều loại thuốc trị bệnh, vốn làm giảm thiểu sự thèm khát của người ta. Thí dụ dễ dàng nhất, một sự thật mà ai cũng biết, là đại đa số các loại thuốc an thần (antidepressants) sẽ làm giảm nhu cầu sinh lý cũng như khả năng bị kích thích của con người. Bất kỳ một chứng bệnh nào trong hệ thống tuần hoàn cùng những thứ thuốc trị liệu nó cũng sẽ dẫn đến khó khăn trong chuyện chăn gối. Sự gia giảm trồi sụt của kích thích tố, chẳng hạn như kích thích tố nam (testosterone) cũng ảnh hưởng đến sự thèm muốn tình dục. Vì thế, bất kỳ một người đàn ông nào cảm thấy sự ham muốn của mình bị sụt giảm, thì việc làm hợp lý nhất mà ông ta có thể làm là tìm đến bác sĩ gia đình, nhờ khám sức khỏe tổng quát thật kỹ lưỡng. Đấy là bước đầu tiên.
Thông thường thì sự khó khăn bắt nguồn từ tâm lý. Thí dụ điển hình là sự trầm thống ngày càng gia tăng. Với tình hình kinh tế hiện nay, rất nhiều công ty bắt đầu cắt giảm chi tiêu, sa thải nhân viên và các ông bị mất việc. Phụ nữ không hiểu được rõ rệt về sự trầm trọng cũng như tầm ảnh hưởng đối với sự tự tin của quý ông khi họ bị cho nghỉ việc. Dĩ nhiên là những lúc ấy thì họ không còn đầu óc nào nghĩ đến chuyện ái ân chăn gối cả.
Những vấn đề cá nhân khác cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm muốn của quý ông, chẳng hạn như nếu anh ta đã từng bị tấn công tình dục thuở ấu thơ, bị là nạn nhân ấu dâm, hoặc nếu anh lớn lên trong một gia đình không hoàn hảo và anh thiếu sự tự tin, hoặc tự trọng. Có thể anh ta không có kiến thức cần thiết để trở thành một người bạn tình tốt. Không một ai trong chúng ta được sanh ra với những kiến thức này. Vì thế, sự giáo dục, huấn luyện, trị liệu, đàm thoại và giải quyết những khó khăn để anh ta có thể tự cảm thấy tốt hơn về chính bản thân, là những bước đi mà anh phải đi theo để có được cảm giác rằng anh có thể mang một cái gì đó đến với mối quan hệ vợ chồng.
AS: Thế còn những vấn đề liên quan đến mối quan hệ thì sao"
WD: Một huyền thoại mà tôi muốn đập vỡ tan là huyền thoại rằng nếu người đàn ông không ham muốn làm tình thì có nghĩa rằng ông ta có sự trục trặc yếu đuối về đường sinh dục. Trong khi sự yếu đuối đường sinh dục (sexual dysfunction) chắc chắn góp phần làm giảm thiểu sự ham muốn, thế nhưng, qua kinh nghiệm làm việc với các cặp vợ chồng, tôi khám phá rằng những lý do khiến quý ông không muốn ái ân cũng rất tương tự như những lý do của các bà các cô. Có thể trong mối quan hệ có những khó khăn tàng ẩn thật sâu và chưa được giải quyết rốt ráo. Hoặc một trong những than phiền mà tôi được nghe thường xuyên nhất từ nam giới là việc vợ họ luôn luôn chỉ trích càm ràm. Tin tôi đi, cằn nhằn lải nhải không phải là thuốc kích thích tình dục đâu. Vì thế, có rất nhiều ông tự rút sâu vào trong hang cùng ngõ hẻm của tâm hồn để lẩn trốn, né tránh. Chúng ta không bao giờ ngạc nhiên khi nghe các bà nói “nếu tôi không cảm thấy gần gụi với chồng tôi về mặt tình cảm tâm hồn thì tôi không muốn làm tình chút nào cả”. Thế nhưng, chúng ta lúc nào cũng cho rằng đàn ông luôn muốn làm tình, bất kể hoàn cảnh nào, ngay cả khi trời sập cũng vậy. Không phải vậy đâu. Một vài ông có thể như thế, nhưng đa số các ông thật sự cần phải cảm thấy gần gũi với vợ họ bằng cả tâm hồn thì họ mới cảm thấy ham muốn được.
AS: Trong quyển sách bà cũng có nhắc đến sự lẫn lộn về xu hướng tình dục (sexual confusion)"
WD: Đúng vậy. Có rất nhiều ông lấy vợ, sanh con rồi sau đó, vào một thời điểm nào đó, như miêu tả trong phim Brokeback Mountain, họ khám phá được rằng họ là người đồng tính luyến ái, hoặc lưỡng tính luyến ái (bisexual - vừa đồng tính vừa dị tính). Và dĩ nhiên là có thời điểm mà họ không muốn ăn nằm với vợ họ. Thế nhưng, việc giảm thiểu sự ham muốn của người đàn ông hoàn toàn không dính dang gì đến người vợ, người đàn bà cả. Tôi muốn nhấn mạnh đến điểm này, bởi vì một trong những chuyện rất phổ thông với những người vợ thèm khát tình dục là khi chồng của họ không còn hứng thú với chuyện làm tình thì họ lập tức cho rằng đấy là lỗi cuả họ. Họ nghĩ rằng họ phải có chuyện gì đó không ổn, rằng họ không còn sức quyến rũ nữa, không còn hấp dẫn nữa, không còn đáng yêu nữa. Họ cảm thấy mình xấu xa. Và quá nhiều lần chuyện này hoàn toàn không dính dáng gì đến họ mà hoàn toàn từ chính những ông chồng.
AS: Thế nhưng rất nhiều phụ nữ đổ thừa cho vóc dáng hình hài của họ. Theo bà, eo co của người vợ có ảnh hưởng gì không"
WD: Có và không. Như tôi đã nói hồi nãy, đôi khi quý ông bị choáng ngộp, hoặc mệt mỏi, hay vừa uống rượu bia vốn làm giảm sự ham muốn cũng như ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của họ. Vì thế, phần “không” có nghiã là nó có thể hoàn toàn không dính dáng gì đến vợ họ cả. Thế nhưng còn phần “có” nữa, mà tôi không muốn bỏ quên. Tôi nhận được cả tấn điện thư và nghe vô số lần từ những người đàn ông tìm đến văn phòng của tôi. Họ đều nói rằng “Tôi yêu vợ tôi. Tôi vẫn muốn sống trong cuộc hôn nhân này. Thế nhưng, tôi phải cho bà biết, vợ tôi đã hoàn toàn thả lỏng, buông lơi. Bả không ăn uống đàng hoàng. Bả không chịu tập thể dục. Suốt ngày bả chỉ mặc quần thun thùng thình xuề xòa. Chuyện này khiến tôi có cảm tưởng rằng bả nghĩ rằng mối quan hệ vợ chồng không quan trọng nữa. Tôi không thấy bả còn sức thu hút đối với tôi nữa”. Nếu những người vợ này suy nghĩ rằng vóc dáng bề ngoài của họ có thể đã góp phần tạo vấn đề khó khăn thay vì than phiền rằng chồng họ quá sức hời hợt thì họ cung nên hiểu ằng sự thu hút quyến rũ là một việc rất cơ bản, đầy bản năng thiên nhiên (animalistic), đặc biệt là đối với nam giới. Đàn ông thường dễ bị kích thích qua thị giác. Vì thế, cho dù qúy bà có thảo luận, bàn cãi gì đi nữa thì sự thật vẫn là việc họ cần phải chú ý nhiều hơn trong việc chăm sóc bản thân, chăm sóc ngoại hình nếu họ muốn chồng họ để ý đến họ nhiều hơn.