Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Trên đường trở lại Bản Thi, tôi thấy người Hoa vẫn lũ lượt đổ về Đồng Đăng. Thì ra, hay tin Trung Cộng đóng cửa biên giới, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tạm ngưng hoặc cho giảm số lượng các chuyến xe lửa từ Hà Nội đi Đồng Đăng. Nhìn cảnh các gia đình người Hoa buồn bã, khóc lóc, bồng bế, dắt díu nhau đi, trong đó có cả những cụ già lưng còng phải chống gậy, những người bệnh phải nằm võng, những em bé phải ngồi trong thúng để cha mẹ gánh, hoặc được cha mẹ địu sau lưng,... tôi mới thấy thấm thía thân phận muôn đời khốn khổ của người dân trong xã hội cộng sản. Và tôi cũng hiểu, những thân phận bất hạnh mà tôi gặp trên đường Hà Nội đi Lạng Sơn còn là những người may mắn so với hàng vạn người Hoa khác phải chết tức tưởi trong các trại cải tạo, các vùng kinh tế mới, cũng như trên đường vượt biển vượt biên. Ngoài ra cũng còn có những người Hoa ở khắp mọi miền của đất nước đã phải tự tử vì bị cộng sản o ép, cướp bóc của cải, tiền bạc...
Trong chuyến đi tàu chợ từ Hà Nội đến Đồng Đăng, tôi đã đóng giả người Hoa. Vì tàu chợ quá đông người Hoa, nên việc trà trộn của tôi không bị ai phát hiện. Nay một thân một mình trở lại Hà Nội, tôi bắt buộc phải thay đổi cách ăn mặc sao cho thích hợp. Sau khi ghé vô một quán nước bên đường, kín đáo quan sát người qua lại và lắng nghe mấy người khách trong quán trò chuyện, tôi thấy cách tốt nhất là đóng giả "thanh niên xung phong". Khác với các đơn vị bộ đội thường kiểm soát chặt chẽ quân số, các đơn vị thanh niên xung phong bao giờ cũng lỏng lẻo hơn, khó kiểm soát hơn. Hơn nữa, với tôi lúc đó, đóng giả một thanh niên xung phong cũng dễ dàng hơn.
Để đóng giả thanh niên xung phong, đầu tiên tôi chỉ vô sạp bán quần áo cũ, mua một bộ đồ bộ đội cũ, một chiếc nón cối và một đôi dép râu. Tất cả những thứ này là đồ dùng hàng ngày của thanh niên xung phong, nhưng cũng được bầy bán nhan nhản ở Miền Bắc và bất cứ ai cũng có thể mua mặc. Thay bộ đồ thanh niên xung phong xong, tôi tìm đến một tiệm sách mua một tấm hình Hồ Chí Minh, cuộn tròn lại, và một cuốn sách "Ngục Trung Nhật Ký" của Hồ Chí Minh. Hai vật này tuy chẳng phải là hành trang cần thiết cho người đi đường bình thường, nhưng tôi biết, với tôi lúc đó, nếu biết khai thác đúng lúc, đúng đối tượng, để tạo nên cái vẻ thật "tình cờ", nhiều khi nó còn có giá trị hơn cả giấy thông hành. Quả nhiên, nhờ nó, tôi đã thoát chết ngay tối hôm đó...
Mặc bộ đồ thanh niên xung phong, tay cầm cuốn sách NTNK và bức hình HCM, tôi hỏi đường đến bưu điện địa phương để điều nghiên tình hình. Tới bưu điện, tôi đứng ở bên này đường, giả vờ chăm chú coi sách, nhưng thật sự là kín đáo quan sát người ra vô bưu điện. Quả nhiên, chờ không lâu, tôi thấy có một toán thanh niên xung phong ồn ào bước vô bưu điện. Tôi vội băng qua đường, bước vô theo họ.
Giống như hầu hết những bưu điện ở Miền Bắc, bưu điện ở đây cũng rất sơ sài và nghèo nàn. Một chiếc quầy bằng gỗ chạy dài suốt chiều ngang, phân chia giữa người bán và người mua. Ở góc phòng là một chiếc bàn gỗ ọp ẹp, cao ngang ngực, trên để một chén keo dùng để dán tem, nhưng keo khô cứng, ruồi bâu đầy. Chung quanh tường, ngoài mấy tầm hình lãnh tụ cộng sản Việt Nam như thường thấy ở bất cứ công sở, cửa tiệm quốc doanh nào trên Miền Bắc, còn có những khẩu hiệu chống đối Trung cộng và kêu gọi mọi người không ngừng nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền đánh phá của "bá quyền Trung cộng".
Bước tới quầy, sát cạnh mấy người thanh niên xung phong, tôi hỏi mua mấy chục con tem, phong bì, trong khi nhanh chóng và kín đáo quan sát mấy phong thư của mấy người thanh niên xung phong để trên quầy. Trên mỗi phong thư bao giờ cũng có hai phần, người gửi và người nhận. Tôi chỉ quan tâm phần người gửi, nên cố gắng nhớ thật nhanh, tên họ người gửi, đơn vị, địa chỉ. Sau đó, giả vờ viết phong bì, tôi ghi vội những chi tiết mình vừa thu thập. Cứ như vậy, trong thời gian ngắn ngủi khoảng 5 phút đồng hồ, tôi đã biết được ba đơn vị thanh niên xung phong khác nhau quanh huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Sau khi bỏ thư xong, tôi bước ra ngoài bưu điện, đứng hút thuốc chờ đợi. Khoảng mười phút sau, một toán thanh niên xung phong khác đi tới. Cầm cuốn NTNK cố ý để cho bìa sách quay ra phía ngoài, tôi bước tới đon đả mời thuốc và chào hỏi người thanh niên đi cuối cùng:
- Chào anh. Anh cho tôi hỏi chút được không"
Người thanh niên đứng lại, nhìn tôi ánh mắt có vẻ dò xét, nhưng tay vẫn nhậm lẹ rút điếu thuốc tôi mời. Tôi niềm nở bật quẹt. Anh châm lửa, kéo một hơi thuốc thật dài, rồi ém khói. Nhìn những ngón tay ám khói thuốc vàng khè và điệu bộ hút thuốc của anh, tôi biết anh là dân nghiện thuốc thứ thiệt. Tôi rút thêm một điếu thuốc, thản nhiên cài lên vành tai anh, rồi thân mật vỗ vai anh:
- Tôi có thằng em đi thanh niên xung phong, đóng ở quận Cao Lộc, mà sao tôi tìm hoài không ra nó...
Anh chàng rít thêm một hơi thuốc thật sâu, ánh mắt lờ đờ, vẻ dò xét đã biến mất sau khói thuốc:
- Thằng em anh ở đơn vị nào"
Tôi nhắc tên một đơn vị mà tôi vừa coi lén được trong bưu điện. Người thanh niên cười hềnh hệch, đưa tay cho tôi bắt, và nói:
- Vậy là thằng em anh ở cùng tiểu đoàn với tôi, nhưng khác đại đội. Tôi tên Q. Còn anh tên gì"
- Tôi tên Lương. Tôi nhận được thư thằng em, nên vội lên thăm. Nó cho biết đơn vị của nó ở quận Cao Lộc, nhưng không nói rõ làng xã, nên tìm khó quá.
Sau đó, tôi niềm nở mời anh Q vô trong quán nước bên kia đường vừa hút thuốc, uống nước, vừa trò chuyện. Trong thời gian trò chuyện khoảng mười phút đồng hồ, hút hết ba điếu thuốc, ăn hết mấy viên kẹo vừng, anh vui vẻ cho tôi biết khá tường tận về đơn vị thanh niên xung phong của anh. Từ tên tuổi tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng, trung đội trưởng, đến cả chủ tịch xã, bí thư xã uỷ, bạn bè của anh... anh đều nhất nhất cho tôi biết. Anh cũng cẩn thận chỉ cho tôi biết đường đi đến đại đội thanh niên xung phong có "thằng em" của tôi. Tôi cố gắng nhớ hết tất cả những chi tiết anh nói để trong những ngày tới, trên chặng đường từ đây về đến Hà Nội, tôi sẽ sử dụng tất cả những chi tiết đó để đóng vai một thanh niên xung phong đóng tại quận Cao Lộc, Lạng Sơn, nay được đi phép về thăm nhà.
Chiều hôm đó, trong vai một thanh niên xung phong đi công tác, tôi đi bộ từ Đồng Đăng theo quốc lộ 4A tới thị xã Lạng Sơn. Trước đây, qua điều nghiên trên bản đồ, tôi biết từ thị xã Lạng Sơn, nếu tôi tiếp tục đi bộ theo quốc lộ 4B, tôi sẽ tới được Tiên Yên, Hải Ninh, Móng Cái, để rồi tại Móng Cái, tôi có thể bơi qua sông Ka Long, vượt biên sang bên Đông Hưng của Trung Cộng. Nhưng tuyến đường 4B không có xe lửa, còn nếu đi bộ thì tôi sẽ không đủ sức, vả lại tôi cũng không biết đường xá ra sao. Vì vậy, thay vì rẽ trái theo quốc lộ 4B, tôi quyết định rẽ phải, theo quốc lộ 1A để đi về Bắc Giang. Một khi đến được Bắc Giang, tôi hy vọng sẽ có xe lửa về Hà Nội. Bằng không, tôi sẽ cố gắng đi bộ tiếp về Bắc Ninh, nơi này chắc chắn sẽ có xe lửa, hoặc xe đò về Hà Nội thường xuyên mỗi ngày. Tôi tính toán thì như vậy, nhưng thực tế có những chuyện bất ngờ xảy ra làm đảo lộn tất cả mọi chuyện... Đầu đuôi câu chuyện bất ngờ đó như sau.
Sau khi rời khỏi thị xã Lạng Sơn được hơn chục cây số, thấy thỉnh thoảng có xe dân sự cũng như quân sự chạy cùng chiều, mà lần nào vẫy xe xin quá giang cũng không được, nên tôi tìm đến một khúc đường cua, khuân vài hòn đá lớn vứt ra đường. Sau đó, tôi ẩn trong bìa rừng chờ đợi. Khoảng nửa tiếng sau, hai chiếc xe chạy tới. Trời lúc đó mới chập choạng tối, nên tôi vẫn nhìn rõ từ xa, cả hai không phải là xe nhà binh, mà là loại xe tải, phía sau không có mui, trống trơn. Yên tâm, tôi chờ đợi sẵn sàng. Quả nhiên, khi chạy đến khúc quanh, lại gặp mấy tảng đá nằm ngổn ngang giữa đường, hai chiếc xe đều bấm còi ầm ĩ, rồi chạy chậm hẳn lại, đủ cho tôi bám vô chiếc xe sau, nhảy lên xe an toàn.
Ngồi trên xe, tôi thở một hơi dài khoan khoái. Từ phía sau, tôi ghé mắt nhìn quá ô kiếng nhỏ của buồng lái, thấy chỉ có một người tài xế, mặc chiếc áo cộc tay. Tôi yên tâm phỏng đoán, xe này sẽ chạy theo quốc lộ 1A tới Bắc Giang, hoặc ít nhất cũng phải tới Kép là khu vực công nghiệp lớn trong vùng. Từ Kép, tôi sẽ đi bộ tiếp tới Bắc Giang không bao xa. Như vậy nếu mọi chuyện tốt đẹp, chỉ nội tối mai, tôi sẽ có mặt tại Hà Nội. Chỉ có điều khi xe chạy tôi phải luôn luôn chú ý theo dõi đường xá, để bất cứ lúc nào, nếu xe quẹo vô rừng bất tử, tôi phải biết ngay để tìm cách nhảy khỏi xe. Tuy trong bụng nghĩ vậy, nhưng vì quá mệt mỏi, trời lại tối, nên ngồi trong xe được một lúc, chẳng may tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay....
Đang ngủ mê man trên sàn xe, bỗng nhiên tôi giật mình vì những tiếng đập rầm rầm ngay sát bên tai. Vừa mới kịp mở mắt, tôi đã thấy mấy ánh đèn bấm loang loáng chiếu thẳng vào mặt. Hoảng hốt, tôi vội dơ tay che mặt thì một bàn tay cứng, nháp, rất khỏe và thô bạo chộp lấy bàn tay tôi, rồi kéo mạnh, khiến cả người tôi không tự chủ, bỗng đứng bật dậy, hai chân tôi loạng choạng, trong khi cả người tôi chúi về phía trước. Sức kéo của người đàn ông rất mạnh, nên cả bả vai lẫn khuỷu tay của tôi bỗng đau buốt rồi tê đi. Giữa lúc tôi còn đang lao đao, đứng chưa vững, thì bàn tay của người kia khẽ xoay nửa vòng, khiến cánh tay tôi bị vặn trái như vỏ đỗ, và cả thân thể tôi cũng bị vặn theo. Tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng đau đớn, thì đã thấy cả hai cánh tay của mình bị bẻ quẹo ra sau lưng, và bị khoá chặt trong hai bàn tay cứng như thép nguội. Dưới sức ghì của gã đàn ông, người tôi gập lại vì đau đớn... Trong ánh đèn bấm, tôi loáng thoáng thấy có mấy người đứng trên sàn xe. Có tiếng quát lơ lớ giọng Nghệ An:
- Mày là ai"
Tiếng quát chưa dứt, tôi đã quặn người vì một quả đấm móc xoáy ngay vô bụng.
Tiếng quá thứ hai:
- Ai cho mày lên xe"
Tiếng quát chưa dứt, lại một quá đấm xoáy thứ hai. Tôi đau nghẹn cả họng. Một luồng hơi lạnh buốt xông lên tận óc. Tôi đã từng bị đòn thù nhiều lần, nhưng quả thật chưa bao giờ tôi bị người khác đấm vào bụng mà lại đau khủng khiếp đến như vậy...
Tiếng một người khác, có vẻ người Hải Phòng, làu nhàu:
- Hỏi "thằng chệt" chó chết này làm quái gì. Cứ đập chết mẹ nó đi, rồi vứt xác xuống hồ...
Tiếp theo y giáng vào mặt tôi hai cái tát nảy lửa... Mắt tôi hoa lên, miệng mặn mặn. Giọng Hải Phòng lại làu nhàu chửi:
- Đ.M. mày! Mày vứt đá chặn đường ông để đi xe không vé, phải không"!
Câu nói chưa dứt, y đã đấm vào bụng, vào ngực tôi bốn năm quả. Những trái đấm của y tuy không đau đớn và hiểm độc bằng quả đấm xoáy đầu tiên, nhưng cũng làm cho tôi nghẹn thở.
Từ phía dưới xe, một người khác hét lên, giọng có vẻ chỉ huy:
- Tụi bây đưa nó xuống đây!
Nghe lệnh, tên có bàn tay thép liền kéo mạnh hai cánh tay, khiến cả người tôi rướn cong trong đau đớn. Cùng lúc, y co giò đạp mạnh vào lưng tôi, và buông hai bàn tay. Cả người tôi như chiếc diều đứt dây, bay khỏi xe, rớt xuống cỏ, lộn đi hai vòng... Tất cả mọi chuyện, từ khi tôi bị gọi dậy, cho đến khi bị đá té lộn trên sân cỏ, nói thì lâu, nhưng xảy ra trong chớp nhoáng. Thấy thái độ hung hăng, liều mạng, coi mạng người như ngoé của đám tài xế công nhân xe tải, tôi hoảng hốt nghĩ, chắc phen này tôi sẽ bị họ đánh chết. Nghĩ vậy, nên tôi cố gượng đứng dậy, tính chạy trốn, nhưng cả sống lưng nhức buốt, và cặp giò thì tê cứng... nên tôi lại té rụi xuống mặt đất.
Ngay lúc đó, tôi nghe tiếng người nhảy huỳnh huỵnh từ trên xe xuống đất, kèm theo tiếng la hét, reo hò đòi đánh tôi chết. Tôi vội lật ngửa người, nhìn lại, thì thấy trong ánh đèn bấm loang loáng, ba bốn bóng người lố nhố lao tới, trong đó có cả người cầm gậy... Tôi nhắm mắt tuyệt vọng, vội vàng dùng hai tay ôm kín lấy đầu, chờ trận đòn khủng khiếp giáng xuống người... (Còn tiếp...)