(Trích bài diễn từ Ra mắt sách tại San Jose)
Tôi chọn nơi Thư viện Dr. Martin Luther King,Jr để tổ chức Ra mắt sách tại San Jose vì vị Mục sự khả kính này là người tranh đấu cho quyền công dân của người da đen ở Mỹ. Ngày sinh nhật của ông nay trở thành ngày lễ chính thức, ngang hàng với sinh nhật của TT Washington và TT Lincoln. Tôi đã từng nhắc đến bài diễn văn "Tôi có một ước mơ" của ông, có một câu nói làm tôi xúc động nhất và ghi khắc trong lòng, như sau: "Trong quá trình tranh đấu để tìm chỗ đứng thích đáng cho chúng ta, chúng ta không thể phạm vào những hành động sai lầm. Chúng ta không thể tìm sự thỏa mãn khát vọng của chúng ta về tự do bằng cách uống cho đã khát từ một cái ly đắng cay và hận thù. Chúng ta phải đưa cuộc tranh đấu của chúng ta mãi mãi lên một cấp cao hơn nữa về phẩm cách và kỷ luật".
Bây giờ tôi xin nói về cuốn sánh đem trình diện với quý vị. Tôi chọn một số bài đã viết về mùa Xuân để in thành tuyển tập này. Tôi chọn mùa Xuân vì ngày đầu năm theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam chúng ta là một ngày vui với niềm tin năm mới sẽ tốt lành hơn năm cũ. Đối với hầu hết các dân tộc khác dù niên lịch có khác, ngày đầu năm vẫn là ngày của hân hoan và hy vọng. Tựa đề cuốn sách "Những Mùa Xuân Trở Lại" nằm trong ý niệm đó. Mùa Xuân bắt buộc phải trở lại theo chu kỳ một năm của thời gian. Mùa Xuân sẽ trở lại không phải cho riêng một cá nhân nào mà cho toàn thể nhân loại sống trên Trái Đất. Và những mùa Xuân đó tiếp tục đem đến niềm vui, hy vọng và tin tưởng cho con người trong những năm tới. Trước những tai ương khủng khiếp thế giới đang trải qua như ngày nay, tại sao tôi có thể nhìn về tương lai một cách lạc quan như vậy"
Những bài về mùa Xuân tôi viết trong mấy năm qua đã trình bày những suy tư về quá khứ xa hơn nữa trong lịch sử của loài nguời, sống giữa bối cảnh của thiên nhiên cũng như bối cảnh của xã hội của con người. Sự phát triển của con người về cả hai mặt trí tuệ và lương tri là những kinh nghiệm quý giá nhất để con người vượt qua mọi thử thách và tồn tại đến ngày nay. Cái quá khứ mãnh liệt của sự sống đó là kim chỉ nam để chúng ta có thể nhìn về hướng đi của con người gần như xác định chớ không đến nỗi sai lạc lắm trên quãng đường tương lai xa xôi mờ mịt và đầy rẫy chông gai. Vậy con người có đặc điểm gì mà giỏi như thế"
Mấy ngày trước đây có một người nói cuốn sách có tựa đề "Những Mùa Xuân Trở Lại" đã rút gọn một loạt những đề tài rất bao quát như khoa học, văn hóa, xã hội và tôn giáo để nói về con người và thân phận con người trong một cuốn sách 250 trang, vậy chủ đề của cuốn sách là gì có thể tóm gọn được không" Câu hỏi làm tôi trầm ngâm vài giây rồi trả lời: "Có chủ đề, và chỉ có một chữ thôi". Chữ gì vậy" Đó là chữ "tình". Tình con người với con người thật bao quát gồm đủ mọi loại như tình thương yêu đồng loại, thương yêu trong gia đình, thương yêu trong các cộng đồng nhỏ như thôn xóm, tình yêu nước v.v.. Tình yêu trai gái được nhắc đến nhiều hơn hết trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong những áng thi văn từ cổ chí kim, vì nó làm ấm lòng người nhưng cũng có khi chữ "yêu" gây nhiều oan trái khiến con người phải rơi lệ. Con người là cái gì mà có những tình cảm phức tạp như vậy" Muốn trả lời câu hỏi này, cần phải hỏi thêm: Chúng ta từ đâu đến và tại sao có chúng ta ở chốn này" Lời giải đáp thật không dễ dàng vì phải dựa trên hai lãnh vực khoa học và tôn giáo xưa nay vẫn kình chống lẫn nhau.
Khoa học với "thuyết tiến hóa" cho biết sự sống bắt đầu nẩy nở với các sinh vật rất nhỏ, để rồi từ đó tiến hóa dần dần và trở thành những loài sinh vật khác nhau, trong đó có loài người là điểm cao nhất. Thiên chúa giáo là đạo giáo có nhiều tín đồ nhất trên thế giới. Thiên chúa giáo rao giảng đức tin là con người do Đức Chúa duy nhất và cao cả nhất ở trên Trời dùng phép hóa ra cũng như đã biến hóa thành Trời, Đất như ta thấy hiện nay. Đó là "thuyết sáng thế". Đức tin Tôn giáo bắt nguồn từ tâm linh nên không cần bằng chứng. Hai thuyết đó đã tranh cãi nhau từ hàng thế kỷ trước đây, vậy thuyết nào đúng"
Từ lâu tôi vẫn suy nghĩ về vấn đề này. Khoa học và Tôn giáo là hai con đường khác nhau không thể hội nhập thành một. Nhưng sự diễn biến của những tư duy mới nhất đã cho thấy một điểm kỳ lạ. Thuyết "sáng tạo thông minh" đã gián tiếp nói đến sự tiến hóa chớ không bác bỏ thẳng thừng, ngược lại thuyết tiến hóa cũng được nâng cấp về mặt tâm linh khi có thuyết "sáng tạo thông minh". Tôi hy vọng sự cộng hưởng hay "cộng năng" giữa hai thuyết đối nghịch đó sẽ đưa trí tuệ và suy tư lên một tầng cao hơn nữa để sự sống của con người ngày càng phát triển mạnh thêm.
Chính trong bối cảnh này, một câu hỏi về thân phận con người được đặt ra. Từ thời tiền sử cho đến nay, sự sống của con người là một chuỗi những phấn đấu liên tục, không lúc nào ngừng nghỉ. Cuộc sống của con người đã gặp quá nhiều hoạn nạn, những thiên tai như lụt lội, hỏa hoạn, bảo tố, động đất, núi lửa...và những nhân tai như chiến tranh và cũng không ít những tai họa, những tật bệnh do sự tiến bộ của các nền văn minh quá thiên về vật chất của con người đã tự gây ra cho chính họ. Nhìn đến tình hình thế giới trong lúc này với nạn khủng bố, chém giết hệ phái ở Trung Đông, cộng thêm với những thiên tai đã xẩy ra, người ta có ấn tượng các mối tai họa con người gặp phải mỗi ngày mỗi tăng thêm.
Thiên chúa đã sáng tạo ra loài người, tại sao Người không cho con người được sống an nhàn và hạnh phúc đời đời mà còn bắt chúng ta phải chịu biết bao hiểm nguy, đắng cay khổ ải như vậy" Ý Trời thật khó lường, nhưng tôi thiết nghĩ những tai ương hoạn nạn khổ đau đó chính là thử thách Thượng đế đặt ra để xem con người có xứng đáng được tồn tại trên cõi thế này hay không. Nếu nói về thử thách thì trong lãnh vực khoa học cũng có sự thử thách do tự nhiên mà có hoặc nói nhờ một sự mầu nhiệm nào mà khoa học cũng có, chỉ chưa tìm ra được bằng chứng vậy thôi. Bởi vì chính tiến hóa luận cũng đặt ra một sự thách thức dễ thấy. Đó là nguyên lý "sống còn cho kẻ thích ứng nhất".
Nhưng tôi không thích sự thử thách theo luận lý khoa học vì nó đặt nặng vào lý trí và bạo lực của con người, thật tàn nhẫn. Thế nào là thích ứng nhất" Nói giản dị là anh nào có kiến thức giỏi nhất, biết lợi dụng bạo lực khủng khiếp nhất, anh đó sẽ sống còn. Tôi thích sự thử thách hiểu theo đức tin tôn giáo hơn. Bởi vì tín ngưỡng thuộc lãnh vực tâm linh, xuất phát từ lương tri mà nền tảng là một chữ "tình" tôi đã nói đến. Tình người nằm trong tâm, tức trái tim, còn lý trí là kiến thức nằm trong bộ óc ở trên đầu. Hai phương pháp thử thách của Thượng đế và của thiên nhiên đều có ý nghĩa, phải chăng đã phối hợp để đem lại kết quả" Phương tiện không thể biện minh cho cứu cánh, nhưng ở đây phương tiện không quan trọng bằng kết quả.
Kết quả cho thấy loài người từ thời tiền sử vẫn tồn tại cho đến ngày nay, bất chấp những thử thách gay go kinh khủng đến độ nào trong quá khứ hàng trăm ngàn năm qua. Kết quả tốt bảo đảm cho vận mệnh tốt của nhân loại. Nếu kết quả xấu chúng ta đã chẳng còn ngồi đây để bàn thiên hạ sự. Nhưng vẫn còn câu hỏi: Kiến thức và lương tri, cái nào quan trọng hơn" Tôi muốn trả lời bằng một câu ngắn gọn gồm 8 chữ: "Con tim rỗng không, bộ óc vô dụng".