Minh Bạch Tuyệt Đối"
Vi Anh
Julian Assange người chủ trương trang Wikileaks đã nhơn danh nguyên tắc minh bạch truyền thông để công bố ba lần, hàng triệu tài liệu kín, mật về chiến tranh Iraq, Afghanistan và ngoại giao toàn cầu của Mỹ trên Internet. Truyền thông lại được dịp thừa mứa đề tài. Dân chúng thoả mãn tánh hiếu kỳ, ngạc nhiên, buồn cười như khi đọc tờ báo lá cải phanh phui những người thuộc «phương diện quốc gia » nói năng « bình dân» như dân dao búa. Nhưng sự hiểu biết thông thường của con người bình thường trong xã hội không thể không suy nghĩ về sự minh bạch tuyệt đối, minh bạch với bất cứ giá nào trong thế giới vạn vật vô thường và tương đối này.
Một, không có gì tuyệt đối trong cõi ta bà vô thường và vạn vật tương đối này. Chánh quyền trong có những trường họp vì quyền lợi quốc gia, sinh mạng tài sản nhân dân có nhiệm vụ phải giữ kín hay bảo mật. Một học sinh tiểu học cũng biết việc bảo mật của nhà nước rất cần trong bang giao, ngoại giao. Nếu các lãnh đạo quốc gia, ngoại trưởng, sứ thần, nhà ngoại giao không có những cuộc vận động, thảo luận trong vòng kín đáo thì thế giới này đâu có mật đàm, hội nghị kín hay công khai, thoả hiệp, hiệp ước. Đại đa số các sáng kiến của các quyết định lớn xuất phát từ sau những phòng cửa đóng kín, gặp gỡ riêng tư.
Ý thức sâu sắc quyển lợi quốc gia dân tộc, khi làm nhiệm vụ thông tin, nghị luận các cơ quan truyền thông đâu có đụng gì nói nấy, gặp đâu nói đó. Nhà báo nào cũng có trách nhiệm với độc giả vì sống là sống với người khác. Nhà báo nào cũng có quốc tịch, quốc gia dân tộc của mình . Nên không thiếu những cơ quan truyền thông qui mô như New York Times, Washiungton Post, Le Monde, Figaro, truyền hình CNN từng thương thảo với những giới chức thầm quyền để rút ra khỏi bản tin những yếu tố đính líu đến an ninh quốc gia hay sinh mạng tài sản của người này hay người khác.
Nhưng người quá lý tưởng đến hoang tưởng, vô chánh phủ cho đó là nhượng bộ và phê bình chỉ trích. Nhưng những người đó sai lầm. Trong một môi trường đầy dẫy những xung đột,đụng chạm,quan hệ chồng chéo nhau như mặt trận ngoại giao, nhà nước có những việc không thể làm việc dưới cái nhìn thường trực và toàn bộ của công luận và dư luận được.
Văn minh Nhân Loại bảo vệ sư riêng tư cá nhân của Con Người, thì Nhà Nước là pháp nhân cũng có những bí mật cần phải giữ. Ngay trong những chế độ dân chủ cởi mở nhứt, thiết tha với nhân quyền nhứt, người ta cũng cần nhà nước và cho nhà nước có một số quyền bảo vệ bí mật như cá nhân bảo vệ sự riêng tư vậy. Tất cả các nước trên thế giới vì quyền lợi quốc gia dân tộc chấp nhận quyền bảo mật. Hiến pháp, luật pháp, qui định cơ quan qui định thời gian nhà nước bảo mật và giải mật cho công chúng.
Trở lại vụ Wikileaks, thật là một nghịch lý, cần đặt một dấu hỏi lớn tại sao Wikileaks chỉ phanh phui hồ sơ mật của những chế độ dân chủ mà để một bên các chế độ độc tài kín bưng và đàn áp.
Và thật là một an ủi khi thấy những nhà ngoại giao Mỹ như tai mắt khắp nơi của nước Mỹ, báo cáo những điều nghe thấy cho trung ương rất trung thực để trung ương là trái tim, khối óc của nước Mỹ tùy nghi sử dụng.