Bình An Dưới Thế
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Mùa Giáng Sinh đã đến và khắp mọi nơi vang lên lời nguyện cầu quen thuộc: "Sáng danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm". Ở khắp nơi trên thế giới nhiều người đã biết sự tích Chúa Giê-su giáng trần trên máng cỏ ở Bê-lem, nước Do-thái ngày nay, trong một đêm đông giá lạnh tuyết phủ đầy trời để cứu rỗi nhân loại. Đó cũng là năm thứ nhất của thời kỳ gọi là Công nguyên. Đến ngày nay 20 Thế kỷ đã trôi qua, nhưng lời nguyện cầu bình an của con người vẫn chưa được toại nguyện, vì chiến tranh vẫn xẩy ra, thời nào cũng có và càng ngày càng khốc liệt hơn.
Vào đầu Thế kỷ 19, chiến họa bành trướng khiến Đại văn hào Nga Leo Tolstoy đã viết một cuốn tiểu thuyết lừng danh "Chiến tranh và Hòa bình" để mô tả các cuộc chiến tranh do Hoàng đế Napoleon gây ra ở Âu châu và những nỗi trăn trở của loài người giữa chiến tranh và hòa bình. Nhưng cuốn tiểu thuyết này không nói về chiến tranh, mà chỉ mô tả đời sống của người lính chiến để nói đến một giai cấp thượng lưu đầy quyền lực của xã hội thời đó, vô hình chung đã tiên đoán một tương lai đầy tai họa. Đó là sự tranh đấu giai cấp đưa đến 2 cuộc Thế chiến trong Thế kỷ 20 và thêm một cuộc chiến kỳ lạ gọi là Chiến tranh lạnh vào cuối Thế kỷ đó. Chúng ta sắp bước qua năm thứ 10 của Thế kỷ 21 và nếu quá khứ là những bài học của tương lai, thiết tưởng con người ngày nay cũng nên nhìn lại những bài học của quá khứ.
Tôi chỉ là phàm nhân không biết ăn nói văn hoa, chỉ xin nhắc đến một câu nói dân gian khi nền văn hóa Việt Nam đã nở rộ từ đầu thế kỷ trước và sửa đổi một chút cho hợp thời thế:
"Nắng mưa là bệnh của trời,
"Chiến tranh là bệnh của người thời nay".
Tại sao người ta thích chiến tranh" Chiến tranh vì mục tiêu gì vậy" Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắc đến giải thưởng Hòa bình năm 2009 đã được công bố hồi tháng 10. Như mọi người đã biết và báo chí đã bình luận sôi nổi, người được giải này là TT Barack Obama. Trên khắp thế giới kể cả Mỹ, nhiều người khen nhưng người chê cũng không ít. Bởi vì trước đó vài ngày, Obama đã có quyết định tăng thêm quân Mỹ ở Afghanistan. Một người vừa quyết định nâng cấp chiến tranh, cụ thể là tăng thêm quân số, tại sao còn được giải Hòa bình Nobel" Những người chỉ trích Obama muốn ông không tăng quân mà xác định ngay các đợt rút quân như TT Bush đã chủ trương ở Iraq.
Nhưng Afghanistan không phải là Iraq. Định ra từng kỳ rút quân ở đây là một sự khuyến khích cho khủng bố al-Qaida và bọn Taliban theo đuôi để chúng tiếp tục đánh phá khi Mỹ thiếu quân và chỉ chờ Mỹ rút hết là đánh chiếm thủ đô Kabul và toàn thể nước này. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã từng rút quân ở Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris để rồi cả miền Nam VN rơi vào tay Cộng sản. Thời đó người ta nói TT Nixon vì quyền lợi chiến lược quốc tế chống Liên Sô, nên sau khi bắt tay được với Mao Trạch Đông đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa mặc cho cả trăm ngàn người dân và quân đội Miền Nam chết tức tưởi, để Miền Nam rơi vào tay Cộng sản, rồi sau hàng trăm ngàn người phải bỏ nước ra đi, chưa kể biết bao thuyền nhân chết chìm dưới đáy biển. Bây giờ những người chống tăng quân ở Afghanistan vì quyền lợi của ai" Nhất định không phải là quyền lợi của Mỹ mà trái ngược hẳn. Sự bỏ chạy của Mỹ sẽ làm cho khủng bố lớn mạnh ở khắp thế giới. Nhưng hậu quả trước tiên là Pakistan sẽ rơi vào tay khủng bố al-Qaida, hăm dọa Ấn Độ và các nước Hồi giáo ở Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia. Hồi giáo đông tín đồ vào hàng thứ hai trên thế giới, sẽ bị bọn al-Qaida lợi dụng biến mối đạo thành một thế lực khổng lồ áp bức các dân tộc khác trên thế giới.