Khương Tấn Phục, là một nhà thế gia ở Tấn dương, tỉnh Sơn tây, có một trang trại cách nhà hơn mười dặm, hằng ngày cưỡi ngựa đến một lần, để trước là tiện việc trông nom, sau dưỡng sinh cũng có phần tinh tấn.
Ngày nọ, Tấn Phục sửa soạn ra đi, bất chợt vợ là Mao thị hốc tốc từ trong bếp chạy ra mà nói rằng:
- Gió đông nam thổi mạnh, góc trời đã tụ đám mây đen, theo thiếp hiểu thì mưa to sẽ đến. Chàng là trụ cột của gia đình, là nơi nương tựa cho cuộc đời của thiếp, là bóng mát cho ngày thường bớt mệt, mà nay lại không biết yêu quý sức khỏe của mình, là nghĩa làm sao"
Tấn Phục cảm động đáp:
- Tình nàng ta nhận, lo lắng của nàng ta biết, nhưng đúng chuyện phải đi. Không thể nào bỏ được.
Mao thị bất giác nước mắt chảy vòng quanh. Tức tưởi nói:
- Chàng vì sợ thiếp khổ cực ngày sau, nên tận lực lo cho thiếp đầy đủ, thậm chí đến hạt muối trong lu cũng mấp mé đầy tràn. Có điều, chàng ưu tư về vấn đề vật chất - mà bỏ quên tinh thần - trong khi tinh thần chính là chất keo gắn bó giữa phụ và phu. Chớ không phải các tiện nghi có được trong đời sống…
Rồi nắm lấy sợi cương ngựa. Nặng nhọc nói:
- Tiền không để lại ấn tượng lâu dài trong ký ức tình cảm của thiếp, mà chính là sự chăm sóc của chàng. Nay chàng lại muốn bỏ đi, thì làm sao chăm sóc"
Phục! Hết nhìn trời rồi nhìn vợ, mãi một lúc sau mới gắng gượng nói:
- Mười dặm đường. Loáng một cái đã tới nơi. Hà cớ chi nàng lại quan tâm nhiều đến thế"
Vợ thút thít đáp:
- Một lần sợ rắn cắn, mười năm sợ dây thừng. Trước đây chàng đã ngất ngư vì mưa, thì nay phải đề phòng. Chớ có đâu lại chơi hoài không ngán"
Phục nhẹ nhàng gỡ tay của vợ ra, rồi từ tốn đáp:
- Lần trước mắc mưa bị bệnh là vì trong người không được khỏe. Còn bây giờ phong độ thật cao, thì sao lại có chuyện bệnh hoạn nằm chơi trong đó"
Đoạn, phóng ngựa mà đi, được đâu nửa đoạn đường, thì mưa giông ào ào chụp xuống, thời may thấy được một nhà nhỏ ven đường, bèn thúc ngựa chạy vô. Chưa kịp định hồn, thời thấy một lão ông bước ra, sảng khoái nói:
- Lão bày tiệc rượu mà thiếu người đối ẩm, nên… cờ quạt không thể nào bay được. Nay may gặp nhau đây, thì sao không uống cho tình thêm gắn bó!
Phục ngước mắt lên nhìn, thời thấy một lão trượng cốt cách phương phi, liền cung kính đáp:
- Tửu lượng tai hạ không được cao, mà lão trượng bồi tiếp kiểu này. Lỡ có phụ lòng mong mõi của chủ gia, thì cũng xin châm chước cho đôi phần đó vậy.
Rồi phân chủ, khách mà ngồi. Một lúc sau, có một thiếu nữ chừng đôi tám đưa thức ăn lên, rồi đứng ở cửa bếp chờ sai bảo, khiến Phục rối loạn tâm can, lẩm bẩm mà rằng:
- Vợ của ta ở nhà, đã nổi tiếng là người chiều chồng hết mực, mà chưa hề một lần tựa cửa chờ í ới gọi tên, thì mới biết cõi dương gian lắm bất ngờ đó vậy.
Rồi hướng ánh nhìn qua lão nhân gia. Kính cẩn mà rằng:
- Tai hạ họ Khương, tên Phục, người ở Tấn dương. Chỉ mong biết được họ của lão nhân gia để dễ bề thưa thốt.
Lão ông mĩm cười độ lượng, rồi vuốt râu đáp:
- Ta họ Đậu, tên Đình Chương. Cứ gọi lão Đậu chớ đừng thêm khách sáo.
Rồi mưa dần dần tạnh. Phục cảm ơn ra về, bất chợt gặp ánh mắt của người thiếu nữ khiến bụng dạ lao xao, đến độ ngựa đã đi xa mà còn vấn vương mơ tưởng.
Mấy ngày sau, Phục đem rượu thịt đến tạ ơn, và tìm cách trò chuyện với người thiếu nữ, nhưng mộng ước không thành, nên chộn rộn khát khao, thành thử cứ cách hôm lại làm gan đi tới.
Từ đó, Phục thường qua lại nhà lão Đậu, mang theo mồi, rượu, cùng nhau khề khà, khiến thiếu nữ dần dần cũng quen, không tìm đường lẫn tránh, đã vậy lúc gặp phải cái nhìn tha thiết của Phục, thì cúi đầu mĩm cười, khiến Phục như uống phải bùa mê, không cần mơ cũng thấy.
Một hôm, Phục đến chơi, gặp lúc lão Đậu đi vắng, liền mừng rỡ mà tự nhủ lấy thân:
- Chuyến này mà không tỏ được tình riêng, thì nhất quyết không phải là người quân tử!
Đoạn, bước tới nắm lấy bàn tay của người thiếu nữ. Cô ấy giựt tay ra. Xấu hổ gắt:
- Thiếp gia cảnh tuy nghèo, chưa học hết lớp mười hai, nhưng vẫn hiểu được bước vu quy thanh danh cần phải giữ. Nay chàng nhân buổi cha thiếp vắng nhà, rồi lại tính chuyện ức hiếp với người ta, thì mọi thân thiết lâu nay coi như tan tành hết cả!
Phục thấy cô gái phản ứng như vậy, sợ rằng sẽ lạnh nhạt nay mai, bèn lo âu nói:
- Nước không nguồn tất kiệt. Cây không gốc tất chết. Người thiếu chuyện yêu đương tất không bao giờ nên được. Ta từ hôm trú mưa đến nay, lòng bồng bềnh tơ tưởng, những mong gặp mặt cho thỏa lòng nhung nhớ, nhưng danh chưa chính, ngôn chưa thuận, thành thử cứ lật đật ngược xuôi. Thiệt chẳng biết phải tính ra làm sao đây nữa!
Rồi tha thiết nói:
- Tên nàng cực kỳ trân quý. Vậy có thể nào cho ta biết để đừng kêu lộn hay chăng"
Cô gái nhìn vào mắt Phục, thấy cả một trời mơ ước, bèn rúng động tâm can, rối dạ nghĩ rằng: "Đúng là kẻ tình si. Chưa biết tuổi biết tên đã lăn đùng ra vậy. Chừng rõ hết cả rồi, thì dẫu vạc lửa dầu sôi, cũng nhào vô chơi láng!". Nghĩ vậy, liền cảm động nói:
- Thiếp là Nghi Thủy, gọi người hay nhậu với chàng là cha. Có đặng hay chưa"
Phúc thấy cô gái trả lời với mình cách thuận lợi, bèn khoan khoái nói:
- Ta đã để ý nàng từ lâu, nhưng lui tới hoài mà chưa có dịp bày tỏ. Nay Cậu Bà thương giúp thế này, thì ta cũng mở rộng con tim. Nguyện sẽ hết sức yêu nhiều thương tới.
Thủy nghe vậy, lặng người đi một chút, rồi nghiêm mặt nói:
- Thề mới tin. Chớ khơi khơi ai nói mà chả được!
Phúc bèn đưa tay lên trời. Dõng dạc nói:
- Tôi là Khương Tấn Phục, nguyện sẽ yêu thương Nghi Thủy đến cùng trời cuối đất. Nếu đổi dạ thay lòng, thì phải chết trong sự cô đơn. Không người thân thương tiếc.
Rồi hồi hộp nhìn Thủy mà hỏi rằng:
- Thề như vậy, đã đủ đô chưa"
Thủy đáp:
- Cô đơn là điều đáng sợ nhất trong đời của một người. Chàng thề như vậy - thiếp tưởng - chẳng còn chi hơn thế!
Phúc biết là mọi ngăn trở đã qua, bèn sấn tới toan hôn nhẹ lên mái tóc, nhưng Thủy bỗng lùi lại. Giựt giọng nói:
- Thiếp cho dù ở dưới túp lều tranh, nhưng vẫn biết lương duyên là quan trọng, nên không thể thiếu lá trầu miếng cau, bởi cha mẹ nuôi con chỉ nhờ vô nơi đó. Chứ lén lút kiểu này, thì trước là có lỗi với mẹ cha, sau đối với trượng phu cũng giảm đôi phần cung kính.
Phục! Thiệt lòng mà nói thời chỉ muốn chơi trò dâu bộc, chớ lễ nghĩa cưới xin thì tính tới làm gì, nên khi nghe Nghi Thủy bày ra chuyện mẹ cha, bèn cảm như có ai lấy tảng đá để vào ngay trong bụng, liền ú ớ nói:
- Cưới xin là chuyện nhỏ. Thương nhau mới là chuyện lớn. Nay chuyện lớn đạt rồi, thì chuyện nhỏ cho qua. Hà cớ chi phải… ôm sô cho lòng thêm khúc mắc"
Thủy dí dí ngón tay lên bàn, lắc đầu đáp:
- Đời con gái cho dù có nhiều lần lên xe hoa, nhưng chuyến đầu tiên mới dễ khắc ghi vào tâm khảm. Nay chàng nói một lòng thương thiếp, mà bỏ chuyến xe này, thì tự ở thâm tâm, thiếp cảm thấy như có gì không đúng.
Rồi lấy tay chỉ ra cửa mà nói rằng:
- Chàng đến thăm cha thiếp, mà cha thiếp không có nhà, thời chàng cũng nên cuốn lẹ cho mau. Chớ đừng để thiếp phải mang điều mang tiếng.
Phục từ nào tới giờ cứ ỷ vào hai chữ thế gia, nên đối với tha nhân thường xem mình cao trọng, lại thường buông lời nặng nhẹ với người ta, thét rồi thành nếp ăn sâu chưa thể nào rửa được, bất chợt hôm nay trời cao đi vắng, để thiếu nữ nghèo hèn nhắc nhở đạo lý của ngàn xưa, bèn thấy ruột gan cơ hồ bóp chặt, liền tức tốc nói:
- Thời buổi này người ta thích góp gạo thổi cơm chung. Chớ chẳng mấy ai thích ràng thích buộc. Nay nàng có người mở lòng ra để ý, lại không biết gật ào đặng giữ chặt cho mau, mà lại huyên thuyên cưới này cưới nọ, thì chữ… ế chắc đã nằm ngay trong đó, bởi ở với nhau không tình thì cưới hỏi để làm chi"
Đoạn, xụ mặt xuống mà nói rằng:
- Cẩn thận cũng tùy chuyện. Đạo lý cũng tùy nơi. Chớ… Khổng Mạnh đầy tràn, thì chẳng những cuộc sống bớt vui, mà không khéo sẽ còn cô đơn nữa.
Rồi quay mình đi tuốt. Nay nói về Mao thị, thấy chồng lóng rày hay lộ vẻ đăm chiêu, lại buồn vui bất chợt, nên nhân lúc chồng vắng nhà, mới gọi Xuân Hương là thị tỳ thân tín đến, mà nói rằng:
- Ngươi! Tình trường từng trải, trường đời đã qua. Vậy đối với chuyện của ông phải… cho nhiều ý kiến.
Hương sợ hãi thưa:
- Lời thật mất lòng, mà một khi mất lòng thì dễ dàng mất việc. Có phải vậy chăng"
Mao thị xua tay đáp:
- Ngươi là cánh tay mặt của ta. Sao lại có chuyện mất việc vào trong đó"
Lúc ấy, Hương mới an tâm mà thưa rằng:
- Mỗi người có duyên phận thì cũng có mối oan nghiệt. Nay oan nghiệt đón đường, thì trước phải phát tâm làm việc thiện, sau… sửa lại trong ngoài - thì cho dù không giữ được bóng hình của thuở xưa - cũng đủ sức quơ tay dzớt liền ngay đứa khác!