Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Buổi gặp gỡ sáng hôm đó chỉ kéo dài có khoảng hơn một tiếng đồng hồ, nhưng chúng tôi rất hoang mang. Khi ra về, ngồi trên xe của chiêu đãi trạm, chúng tôi giữ ý không bàn tán gì, vì sợ tài xế có thể nghe và hiểu tiếng Việt. Về tới lán, ba anh em chúng tôi liền kéo nhau ra bờ suối bàn bạc.
Anh Thu sôi nổi lên tiếng đầu tiên:
- Không biết hai cậu nghĩ thế nào, còn tôi thì không bao giờ tin được mấy anh cộng sản. Cộng sản nào cũng vậy thôi. Trung Cộng, Việt Cộng thì cũng một lũ điếm đàng giống nhau. Đừng có dại dột nghe theo mấy anh Tàu Cộng dụ dỗ... rồi công đâu chửa thấy, thấy mang tội.
Tôi nhìn anh Tiến. Thấy anh trầm ngâm không nói, tôi dụt dè đồng ý với anh Thu:
- Em cũng nghĩ như vậy... Em thì em chẳng lạ gì tụi Trung Cộng. Chúng hiểm độc chẳng thua gì Việt Cộng. Tốt nhất là mình không nên tham gia chính phủ nào do Trung Cộng nặn lên.
Anh Tiến vẫn trầm ngâm, xoa cằm không nói gì. Anh Thu nhìn anh Tiến hỏi, giọng thúc dục:
- Còn cậu nghĩ sao" Muốn tham gia "chính phủ Việt Nam lưu vong" phải không"
Anh Tiến chậm rãi:
- Tôi đồng ý với với ông và Lai, Trung Cộng và Việt Cộng đều là cộng sản, nên cả hai cùng điếm đàng như nhau. Nhưng trong đấu tranh mình phải sáng suốt nhìn nhận kẻ thù nào là chính, kẻ thù nào là phụ, kẻ thù cần phải tiêu diệt, kẻ thù nào mình có thể lợi dụng. Trong hoàn cảnh hiện nay, kẻ thù duy nhất mình cần phải tiêu diệt là Việt Cộng. Và nếu có thể lợi dụng được Trung Cộng để tiêu diệt Việt Cộng thì tại sao chúng ta không làm"
Anh Thu chận ngay:
- Làm sao cậu có thể lợi dụng được Trung Cộng"
Anh Tiến gật đầu:
- Lợi dụng được chớ sao không. Trung Cộng nó đang cần mình để lập "chính phủ Việt Nam lưu vong", tạo chính nghĩa cho cuộc chiến tranh xâm lăng Việt Nam của chúng mà. Tại sao mình không tương kế tựu kế.
Anh Thu lắc đầu:
- Tôi e rằng nó lợi dụng anh chứ anh không bao giờ có thể lợi dụng được nó.
- Tại sao ông lại nói như vậy"
- Cái trò chính trị xưa nay khi đã ngồi chung với nhau để mưu cầu một cái gì thì phải biết mình vì cái gì và thực lực mình có cái gì. Nhìn bề ngoài thì cái mục tiêu của Trung Cộng và của mình cùng giống nhau là lật đổ cộng sản Việt Nam. Nhưng động cơ thực sự bên trong thì mình khác với Trung Cộng. Trung Cộng nó muốn lật đổ Việt Cộng để lập một chính phủ chư hầu, gọi dạ bảo vâng. Còn mình lật đổ Việt Cộng là để lập nên một chính phủ độc lập mang lại tự do dân chủ cho dân. Mục tiêu khác biệt như vậy, thì tôi hỏi cậu chứ, liệu Trung Cộng nó có chịu hy sinh mục tiêu của nó để mình thực hiện mục tiêu của mình không"
Nói đến đó anh Thu im lặng chờ anh Tiến lên tiếng. Một phút im lặng trôi qua, anh Tiến nói:
- Ông nói hết ý của ông đi rồi tôi nói.
Anh Thu gật đầu tiếp:
- Bây giờ tôi nói về thực lực, cậu có cái gì" Chẳng có gì hết! Lại đang ăn nhờ ở đậu Trung Cộng, đúng vậy không nào" Như vậy thì cậu ăn nói với chúng như thế nào" Làm chính trị cũng giống như đi buôn. Người ta bỏ 100% vốn, còn cậu chẳng có gì, chỉ có một thân một mình. Vậy thì quyền ăn nói, quyết định thuộc về ai"
Anh Tiến gật gù:
- Những điều ông nói không phải là không đúng. Nhưng trong chính trị xưa nay có nghệ thuật mượn gió bẻ măng, tá lực đả lực. Nói rộng ra là mượn sức của người khác để dùng cho mục tiêu của mình. Trong lịch sử của Tàu cũng như Việt, thiếu gì những bậc đại trí, khi khởi nghĩa trong tay không một tấc sắt nhưng biết dùng mưu trí mà rồi trong tay có trăm vạn hùng binh, thâu đoạt được cả thiên hạ.
Anh Thu phì cười:
- Vẫn biết trong lịch sử có không thiếu những nhân vật tài ba, nước lã mà quậy nên hồ, tay không dựng nổi cơ đồ như vậy. Nhưng cậu có đủ tài ba như thế không mới là điều đáng nói.
Anh Tiến thản nhiên:
- Đủ hay không chờ thời gian trả lời. Vả lại, cậu không nghe các cụ vẫn nói đó thôi. "Thời lai đồ điếu thành công dị Sự khứ anh hùng ẩm hận đa". Gặp thời tiểu nhân cũng thành công. Không gặp thời anh hùng cũng phải ôm hận. Cờ đến tay ai người ấy phất mà. Phất rồi không thành công cũng thành nhân.
Thấy cuộc tranh luận có mòi căng thẳng, tôi im lặng lo lắng nhìn hai anh. Anh Thu cười khẩy:
- Hiện tại ba thằng mình đứng đây, ai mà chẳng thành nhân. Chỉ sợ nghe tụi Trung Cộng dụ khỉ đi theo tụi nói, nhân không thành, thành tội nhân mới khổ.
Anh Tiến vẫn thản nhiên:
- Vẫn biết Trung Cộng và Việt Cộng hai thằng đều là cộng sản và điếm thối như nhau. Nhưng như vậy không có nghĩa là mình không lợi dụng được thằng Trung Cộng. Bằng cớ là chúng ta đã lợi dụng mâu thuẫn giữa hai thằng cộng sản, đến được đây xin tỵ nạn. Bộ ông không thấy được điều đó sao"
Nghe anh Tiến nói có lý, tôi gật gù tán thành. Anh Thu vẫn lắc đầu, giọng có vẻ thương hại:
- Cái mà cậu lợi dụng mâu thuẫn giữa hai nước để xin tỵ nạn ở đây chỉ là chuyện nhỏ, Trung Cộng nó chẳng cần quan tâm nên nó cho. Còn cái cậu tính lợi dụng nó trong tương lai là chuyện trọng đại vô cùng. Cậu cứ nghĩ coi, nó tốn kém vũ khí đạn dược, xương máu cả triệu quân, mới lật đổ được cộng sản Việt Nam, khi đó sức mấy nó chịu để cho cậu lợi dụng.
- Ai lợi dụng được ai, tùy thuộc vào tài trí chứ không tùy thuộc vào sức mạnh.
- Tài trí mấy đi nữa cũng không qua khỏi lực và thế. Cậu thấy đó, thời Tam Quốc, tài trí ai bằng Khổng Minh, vậy mà cuối cùng 5 lần ra Kỳ Sơn hỏng cả 5. Cuối cùng chết năm 54 tuổi mà vẫn không trung hưng được nhà Hán. Còn nói về lực và thế. Loài vật có con nào khỏe bằng con hổ. Vậy mà vứt con hổ xuống nước thì thua cả một con cá.
Anh Tiến mỉm cười:
- Mình là người chứ đâu có phải là hổ đâu mà ông ví von kì cục như vậy.
Anh Thu thở dài:
- Đâu có gì là kỳ cục. Tôi giả dụ như "chính phủ Việt Nam lưu vong" được sự hậu thuẫn của cả triệu quân Trung Cộng, tiến vô VN lật đổ được chế độ Việt Cộng, liệu các cậu có đủ can đảm và khả năng đuổi cả triệu quân Trung Cộng ra khỏi nước hay không"
Anh Tiến mỉm cười tự tin:
- Mình có hơn 70 triệu dân, đoàn kết trên dưới một lòng, tại sao không đuổi nổi 1 triệu quân Trung Cộng" Nói thực với anh, đánh Việt Cộng thì khó vì dù sao nó cũng là người Việt máu đỏ da vàng. Chớ đánh ngoại xâm như mấy thằng Tầu thì dân tộc mình có truyền thống cả ngàn năm nay rồi... Thêm nữa, điều ông vừa nói có khác gì tôi nói lúc nẫy đâu. Cái quan trọng là thời thế. Gặp thời thế, tiểu nhân cũng thành công. Không gặp thời thế thì tài cán như Khổng Minh cũng gặp hận. Như vậy vấn đề quan trọng là mình có gặp thời thế hay không thôi. Mà muốn biết có gặp hay không thì mình phải xông xáo, đón bắt, chứ đâu có thể ngồi há miệng chờ sung được...
Buổi thảo luận kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, nhưng kết cục không ngã ngũ. Xem ra, anh Thu và tôi không chịu tham gia "chính phủ Việt Nam lưu vong". Còn anh Tiến thì không nói thẳng ra, nhưng có lẽ anh chịu ở lại Trung Quốc để tham gia. Riêng đứa con trai của anh Tiến, lúc đó khoảng 16 tuổi, thì anh muốn gửi nó sang Hồng Kông cùng với chúng tôi. Có điều, tôi và anh Thu không biết, nếu chúng tôi từ chối không chịu tham gia "chính phủ Việt Nam lưu vong", liệu chính phủ Trung Cộng có chịu giúp đỡ cho chúng tôi đi Hồng Kông hay không.
*
Chiều hôm đó, chúng tôi vừa ăn cơm xong, thì cán bộ Ngô đến chơi. Lúc ấy khoảng 3 giờ chiều. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, cán bộ Ngô mời ba anh em chúng tôi ra phòng khách ở lán giữa nói chuyện. Ngồi chưa nóng chỗ, cán bộ Ngô đã nói ngay:
- Tôi thay mặt cho cán bộ Vương đến báo để các "đồng chí" biết, dụng ý của buổi họp sáng nay là kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của các "đồng chí" vào cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ cộng sản Việt Nam bá quyền. Tôi xin nhấn mạnh hai chữ "tự nguyện" để các "đồng chí" hiểu, đảng và nhà nước Trung Hoa không bao giờ ép buộc một ai.
Anh Thu hỏi:
- Thưa cán bộ Ngô. Như lời của cán bộ Lưu nói sáng nay thì Trung Quốc đã dậy cho cộng sản Việt Nam một bài học đích đáng từ hai tháng trước. Như vậy thì quý vị còn lập "chính phủ Việt Nam lưu vong" để làm gì"
Cán bộ Ngô im lặng một lát rồi chậm rãi nói:
- Điều này đáng lẽ tôi không thể tiết lộ vì bảo mật một phần, một phần tôi cũng không biết tường tận. Nhưng theo những gì tôi được biết thì trận đánh vừa qua chỉ là bài học mở đầu để thăm dò và rút kinh nghiệm xem Nga Xô có mở mặt trận ở phía bắc Trung Quốc để cứu đồng minh của họ là Việt Cộng ở phía nam hay không. Và như đồng chí Lưu đã báo cáo trong nội bộ, vì Nga Xô không dám can thiệp, nên Trung Quốc có thể sẽ dậy cho Việt Cộng bài học thứ hai. Khi đó, "chính phủ Việt Nam lưu vong" sẽ đóng một vai trò quan trọng cho tương lai của Việt Nam.
Anh Tiến thắc mắc:
- Tôi là một kiến trúc sư, từng là trưởng ty kiến thiết thời VNCH. Nếu tham gia "chính phủ Việt Nam lưu vong", tôi sẽ giữ phần hành gì"
Cán bộ Ngô trả lời ngay:
- Trong giai đoạn hiện nay, "chính phủ Việt Nam lưu vong" cần thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc để có uy tín tại VN cũng như trên chính trường quốc tế, nên "đồng chí" có thể giữ một chức vụ lãnh đạo quan trọng trong "chính phủ". Tương lai, khi chế độ cộng sản tại Việt Nam bị sụp đổ, "đồng chí" sẽ được giao cho một chức vụ phù hợp với chuyên môn của một kiến trúc sư....
Anh Thu hỏi:
- Tôi có một băn khoăn xin được mạnh dạn hỏi thẳng cán bộ Ngô. Nếu câu hỏi có làm cán bộ phật ý, mong cán bộ bỏ qua cho tôi.
Cán bộ Ngô niềm nở:
- Yên tâm, yên tâm. Tứ hải giai huynh đệ. Chúng ta bốn bể đều là anh em. "Đồng chí" có suy nghĩ gì cứ mạnh dạn nói. Lời nói thẳng bao giờ cũng xuất phát từ trong tâm của những người chính trực.
- Cảm ơn cán bộ. Thưa, cán bộ là người Hoa chắc biết hán gian Ngô Tam Quế"
Anh Thu vừa nói đến đó, tôi thấy cán bộ Ngô nhíu cặp lông mày rậm và xếch, mắt của ông đột nhiên long lên, mặt ông bỗng đanh lại. Nhưng tất cả chỉ thoáng qua, sau đó, mặt ông trở lại hòa hoãn. Ông gật đầu, giọng nói có vẻ thích thú:
- Giỏi, giỏi, "đồng chí" cũng chịu khó học lịch sử Trung Hoa nên biết cả hán gian Ngô Tam Quế"
Anh Thu nhếch mép cười:
- Thưa tôi không học lịch sử Trung Hoa, nhưng tôi biết nhân vật Ngô Tam Quế qua truyện chưởng của Kim Dung.
Cán bộ Ngô vội dơ ngón tay cái:
- Cắm Dùng sếnh sáng (Kim Dung Tiên Sinh)... số dách! Tôi rất thích đọc những truyện võ hiệp kỳ tình của ông. "Đồng chí" gọi những tác phẩm của Kim Dung là "truyện chưởng""
Anh Thu gật đầu. Cán bộ Ngô vội rút trong túi cuốn sổ tay và cây viết, rồi hỏi tiếp:
- Chưởng "ch" hay "tr" nhỉ"
- "ch" - Anh Thu trả lời.
Cán bộ Ngô hí hoáy ghi vô trong sổ. Ghi xong, ông ngẩng đầu nói:
-"Đồng chí" nói tiếp đi.
- Thưa cán bộ, theo như truyển chưởng của Kim Dung thì Ngô Tam Quê là tướng nhà Minh được lệnh trấn giữ Sơn Hải Quan. Vậy mà chỉ vì một người đàn bà đẹp là Trần Viên Viên, Ngô Tam Quế mở cửa ải, cho quân Thanh tràn vô, tính mượn tay quân Thanh đánh bại Lý Tự Thành, giành lại người đẹp. Ngờ đâu quân Thanh tương kế tựu kế, chiếm luôn cả Trung Hoa, lập nên nhà Thanh gần 400 năm. Như vậy cán bộ có nghĩ lịch sử sẽ tái diễn, "chính phủ Việt Nam lưu vong" sẽ là một tập hợp của những Ngô Tam Quế Việt Nam hay không"
Cán bộ Ngô vỗ hai bàn tay và cười ngất. Nhưng nghe giọng cười của ông, tôi thấy có vẻ gượng gạo, có lẽ ông cười để che giấu phần nào sự lúng túng thì đúng hơn.
- Hay, hay. Câu hỏi của "đồng chí" rất hay. Nhưng tôi bảo đảm với "đồng chí" lịch sử hôm nay không thể tái diễn lịch sử hôm qua vì mấy điểm khác biệt quan trọng. Khác biệt thứ nhất, "chính phủ Việt Nam lưu vong" hôm nay không phải là tập hợp những phường tiểu nhân bá đạo, gian hùng, chỉ biết mê đàn bà đẹp mà coi rẻ giang sơn như Ngô Tam Quế ngày xưa. Trái lại, đó là những người Việt yêu nước chân chính như Hoàng Văn Hoa, hay như các "đồng chí" ngồi đây chẳng hạn. Khác biệt thứ hai, quân đội nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa hôm nay không thể nào là quân Thanh xâm lăng. Việt Nam và Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông, hai dân tộc đều yêu hòa bình, nhưng có cả một lịch sử đau thương trải qua mấy ngàn năm vì những đau thương đó là do các triều đại phong kiến Trung Hoa gây ra, chứ không phải do nhân dân Trung Hoa gây ra. Các "đồng chí" phải biết phân biệt giai cấp phong kiến Trung Hoa độc ác với nhân dân Trung Hoa hiếu hoà. Giai cấp phong kiến Trung Hoa không những có tội xâm lăng Việt Nam làm cho nhân dân quý quốc đau khổ, mà còn có tội cả với nhân dân Trung Hoa và là tội đồ của lịch sử. Nhưng kể từ khi đảng cộng sản Trung Hoa làm cuộc cách mạng phản đế phản phong thắng lợi, chính phủ và nhân dân Trung Hoa luôn luôn duy trì tình hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng. Chắc các "đồng chí" đã biết, trong cuộc chiến tranh ái quốc bảo vệ nước cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, một triệu chí nguyện quân Trung Quốc đã hy sinh khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Sau khi đẩy lui quân bù nhìn Lý Thừa Vãn và đế quốc Mỹ xuống bờ nam sông Áp Lục, toàn bộ chí nguyện quân Trung Quốc đều rút khỏi Triều Tiên, trả lại quyền độc lập cho chính phủ và nhân dân Triều Tiên... Với Việt Nam chắc chắn cũng như vậy. Sau khi lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam, tôi bảo đảm quân đội Trung Quốc sẽ triệt thoái khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tôi nói như vậy không hiểu "đồng chí" Thu đã thông suốt chưa nhỉ"
Anh Thu gật đầu không nói. Nhìn vẻ mặt của anh, tôi biết anh chưa "thông suốt" nhưng không tiện hỏi thêm. Cán bộ Ngô quay sang hỏi tôi:
- "Đồng chí" Phạm Thái Lai có ý kiến gì không" Tôi tin là đồng chí với khả năng của một "xướng ngôn viên", khi tham gia "chính phủ Việt Nam lưu vong", "đồng chí" sẽ đóng góp được rất nhiều việc phù hợp với chuyên môn của "đồng chí"...
Tôi nhìn hai anh, do dự trong một thoáng, rồi hít một hơi thở thật sâu:
- Thưa tôi nhớ là hôm kia, cán bộ có nói với tôi là nếu chúng tôi muốn đi sang Hồng Kông thì cán bộ sẽ giúp"...
Cán bộ Ngô hơi nhăn mặt. Chắc ông không thể ngờ và cũng không muốn tôi nhắc lại lời nói đó vào lúc này. Một thoáng yên lặng trôi qua khiến tôi cũng thấy lo lắng. Cán bộ Ngô trả lời giọng không có vẻ gì là hào hứng:
- Đúng tôi có nói như vậy. Chúng tôi sẽ giúp... giúp một cách không chính thức.
Anh Thu hỏi ngay:
- Thưa câu nói đó của cán bộ đến giờ có thay đổi gì không"
Cán bộ Ngô hơi ngần ngừ:
- Nếu như... các "đồng chí" không có thiện chí tham gia "chính phủ Việt Nam lưu vong", thì... như tôi đã nói, chính phủ và nhân dân Trung Hoa không thể ép buộc. Trong trường hợp đó, các "đồng chí" muốn đi Hồng Kông, chúng tôi sẽ giúp. Nhưng được hay không còn tuỳ thuộc vào chủ thuyền...
Anh Thu hỏi tới luôn:
- Nếu chúng tôi muốn đi Hồng Kông thì bao lâu cán bộ có thể giúp chúng tôi được"
Cán bộ Ngô ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời:
- Từ một đến hai tuần.
Nghe vậy, tôi mừng quá. "Từ một đến hai tuần". Nếu vậy, tại sao mình không bắt đầu xin cán bộ Ngô ngay từ bây giờ"
Trong lúc tôi đang bối rối không biết nói sao thì cán bộ Ngô đứng dậy, nét mặt hơi thất vọng:
- Thôi bây giờ, tôi phải đi. Những "đồng chí" nào muốn đi Hồng Kông cứ ghi tên xuống rồi báo cho tôi biết. Tôi sẽ lo liệu, đưa thẳng lên Bắc Hải, ngay tuần tới hoặc chậm nhất là tuần sau... (Còn tiếp...)