Tôi chắc rằng trong cuộc đời của mỗi con người kỷ niệm về tuổi học trò bao giờ cũng ngọt ngào, trong trẻo. Với tôi, ngoài kỷ niệm bạn hữu và mái trường xanh non ký ức hình ảnh người thầy giáo cho tôi kiến thức vào đời lúc nào cũng đậm sâu theo thời gian không thể xóa nhòa.
Đã hơn 45 năm trôi qua, nhanh thật đấy, tóc giờ đã điểm sương, cơn lốc chiến tranh, ly tán trên quê hương đã khiến bao người con đất Việt trong trăm ngàn hoàn cảnh khác nhau tha phương sống ở xứ người. Trong sự bộn bề của cuộc sống, vào những lúc tĩnh lặng nơi tâm hồn, tôi vẫn nhớ, và nghĩ nhiều tới thầy…
Thầy là nhà văn nổi tiếng khi tôi còn là cậu học trò nhỏ bé, tôi được đọc “Thềm Hoang” “Chim Hót Trong Lồng” của thầy trước lúc được làm học trò của thấy, và điều bất ngờ hơn nữa thấy không dậy văn như tôi nghĩ mà dậy môn hóa (một môn thuộc khoa học tự nhiên). Thầy giáo của tôi là nhà văn Nhật Tiến.
Thỉnh thoảng, tôi cùng người anh họ tới nhà thầy vào buổi tối. Nhà thầy nằm gần đường xe lửa số 6, thầy có chiếc xe hơi cũ sơn mầu nâu (loại xe bây giờ nếu còn tồn tại sẽ được gọi là đồ cổ nằm trong bộ sưu tập xe hơi của các triệu phú). Thầy Tiến dáng người thư sinh, giọng nói của người Hà Nội gốc, có đôi mắt thông minh, nhân hậu, hiền từ. Nhớ có lần thầy hỏi tôi: Học xong Trung Học em có ý định học ngành nào" Tôi trả lời thầy: Thưa thầy! Em muốn đi tu để trở thành Linh Mục hoặc học về Tâm Lý Học. Các bạn ạ! Tuổi học trò nhiều mơ ước lắm, tôi cũng vậy thôi, nhưng chắc ước mơ của tôi không giống như số đông bạn bè cùng trang lứa vào thời điểm ấy.
Sau năm 1975, tôi vẫn theo dõi vào những hoạt động về văn chương báo chí của thầy tại Hải Ngoại, trước đó khi học Đại Học tại Freiburg tôi nhận thấy thầy Tiến của tôi hòa quyện được phong cách, tư chất nhà giáo và nhà văn. Thầy nhẹ nhàng, tinh tế, nhưng không kém phần cương quyết bảo vệ quan điểm của mình trên nhiều lĩnh vực, kể cả thái độ chính trị, cái tố chất nho sĩ Phương Đông và tư duy Tây Phương đã tạo thầy tôi bức chân dung kẻ sĩ vừa cao ngạo, nhưng mềm mại, thiết tha trong đối nhân xử thế, trong cả những vấn đề nhạy cảm và gai góc nhất.
Nhớ thầy khi về thăm lại Việt Nam biết bao :”Lời Ong Tiếng Ve” nhưng tôi rất hiểu và cảm thông với thầy (phản ứng cộng đồng Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại vào thời điểm ấy cũng dễ hiểu thôi). Tất cả phải di rời quê hương trong cơn tao loạn, phản ứng tâm lý ấy có căn nguyên của nó. Vết gẫy lìa chém vào tình cảm con người quá đỗi bất ngờ, tránh sao khỏi nỗi đau làm mờ lý trí.
Giờ đây, khi ngồi viết và nhớ về thầy. Tôi muốn nói rằng bài học mà thầy cho tôi vào đời không phải là những kiến thức về Hóa Học mà là: Tình yêu thương con người, quê hương, sự nhân hậu, bao dung, nhưng không bao giờ thỏa hiệp trước cái xấu. Tất cả những điều đó rạng ngời trên từng trang viết của thầy và tạo nên nhân cách một người thầy, một nhà văn có cái tên mà rất nhiều người, không chỉ mình tôi kính trọng: Nhà Văn Nhật Tiến.
Tây Đức ngày 24.02,2007