Qasim Từ |
Cuộc xuống đường của dân tộc Chăm đòi quyền sở hữu đất đai vào ngày 23 tháng 7 năm 2008 tại thôn làng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã gây bao xôn xao trong quần chúng Chăm ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Đây là một biến cố quan trọng phát xuất từ nhiều nguyên nhân mà chúng tôi muốn đưa ra để phân tích ở đây.
Dân tộc Chăm là một sắc dân sinh sống chuyên về nghề nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi, có một một lãnh thổ đất đai riêng được công nhận kể từ triều đại vua Thiệu Trị, bao gồm hầu hết những ruộng rẩy nằm trên đồng bằng ở phía Đông giáp biển Nam Hải và núi rừng ở phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng được xem như là kho sản phẩm lâm nghiệp và nông trường chăn nuôi dành riêng cho dân tộc Chăm. Cũng nhờ qui chế đất đai này, dân tộc Chăm có đủ cơ hội để phát triển nhanh chóng môi trường nhân sinh của họ.
Sau ngày giải phóng Miền Nam vào năm 1975, Nhà Nước Việt Nam quốc hữu hóa toàn diện đất đai thuộc quyền sở hữu của người Chăm, để sáp nhập vào tài sản của hợp tác xã nông nghiệp hay nông trường quốc doanh. Chính sách chiếm đoạt đất đai này đã biến dân tộc Chăm thành một tập thể vô sản, lâm vào cảnh nghèo đói khốn cùng.
Sau năm 1990, chính quyền Việt Nam quyết định giải thể hợp tác xã và nông trường quốc doanh, tập trung toàn diện đất đai bị chiếm đóng để chia đều cho mỗi đầu người dù họ là dân tộc Chăm hay người Kinh, nhất là người Kinh từ miền Bắc vừa mới di cư ồ ạt vào miền Nam sau ngày giải phóng. Kể từ đó, mỗi gia đình người Chăm chỉ hưởng một vài sào, công đất để nuôi thân qua ngày. Đây là một thảm trạng xã hội vô cùng bi đát chưa từng xảy ra trong lịch sử của dân tộc này. Một cộng đồng tộc người chỉ biết sống về ngành nông nghiệp, nhưng thiếu đất đai canh tác và thiếu công ăn việc làm để thay thế cho nghề nông, không thể nào thoát ra khỏi nạn nghèo đói và bần cùng.
Cuộc xuống đường của dân làng Chăm thôn Văn Lâm vào ngày 23 tháng 7 năm 2008 đòi Nhà Nước phải trả lại đất đai của họ là tiếng chuông báo hiệu cho sự chuyển động trong tiến trình đấu tranh của dân tộc Chăm mà không ai có thể đoán được hậu quả của nó. Cuộc vùng dậy của họ phát xuất từ một nguyên nhân chính đáng.
Sau ngày giải phóng, Nhà Nước Việt Nam tịch thu đất đai của 73 hộ người Chăm thôn Văm Lâm tổng cộng hơn 320 mẫu để xác nhập vào nông trường quốc doanh Quán Thẻ thuộc xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Thuận Hải (cũ). Năm 1996, Nhà Nước ra lệnh giải thể nông trường này. Thay vì phải trả lại 320 mẫu đất đai cho người Chăm thuộc quyền sở hữu của họ, tỉnh Ninh Thuận lại quyết định cấp phát một số đất đai trên cho người Kinh phục vụ cho nông trường Quán Thẻ làm sở hữu, phần còn lại đem bán cho công ty tư nhân Vịnh Hạ Long nhưng không đưa ra một nguyên nhân chính đáng nào, một qui ước bồi thường như thế nào, bất chấp sự khiếu nại và kêu oan của 73 hộ người dân Chăm, chủ nhân lâu đời của 320 mẫu đất trên.
Kể từ năm 1996, 73 hộ dân Chăm bắt đầu đệ trình đơn khiếu kiện đòi lại đất đai của mình, nhưng chính quyền tỉnh Ninh Thuận không đứng ra giải quyết. Năm 2004, dân làng người Chăm thôn Văn Lâm kéo nhau đến tận Hà Nội để nhờ chính quyền trung ương can thiệp, nhưng cũng không có kết quả. Năm 2006, họ quyết định xuống đường biểu tình đòi hỏi chính quyền địa phương giải quyết hồ sơ đất đai này, nhưng không ai chú tâm đến nguyện vọng của họ. Ngày 6 tháng 12 năm 2007, tập thể đàn bà và phụ nữ Văn Lâm tập trung biểu tình trước trụ sở UBND tỉnh Ninh Thuận đòi chính quyền trả lại đất đai của họ. Thay vì giải quyết nguyện vọng của nhân dân, tỉnh ủy Ninh Thuận điều động công an và bộ đội dân phòng dùng hai chiếc xe cơ giới chở những đàn bà và phụ nữ Chăm Văn Lâm vứt bỏ ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cách thị xã Phan Rang khoảng chừng 50 cây số.
Hành động hà hiếp đàn bà và phụ nữ người Chăm thôn Văn Lâm vô tội, vì họ chỉ xin Nhà Nước trả lại đất đai của họ mà thôi, đã trở thành một chuyển động xã hội khó xử, kéo theo sự phẫn nộ của toàn thể người Chăm về sự đối xử bất công của chính quyền đối với dân bản địa, tạo thêm bầu không khí nặng nề trong mối liên hệ giữa người Chăm và Nhà Nước Việt Nam.
Đất đai tạo ra từ mồ hôi và nước mắt bị chính quyền chiếm đoạt, chạy lên tỉnh kêu oan thì bị chính quyền tỉnh ngược đãi, ra tận Hà Nội để nhờ chính quyền trung ương can thiệp thì cơ quan trung ương khước từ. Không một ai cứu xét nguyện vọng của họ suốt hơn 10 năm qua.
Một khi không tìm ra nơi nương tựa đẻ giãi bày nổi oan ức, thống khổ của mình, dân tộc Chăm chỉ còn giải pháp cuối cùng là dấn thân vào con đường đấu tranh bạo động, bất chấp tù tội, để đòi lại cho bằng được đất đai thuộc quyền sở hữu của họ. Chính vì thế, 73 hộ dân Chăm ở thôn làng Văn Lâm, hầu hết là đàn bà và phụ nữ, quyết định xuống đường biểu tình, ngăn chặn xe của phái đoàn Thủ Tướng Việt Nam và tỉnh ủy Ninh Thuận nhân dịp đến khảo sát dự án xây dựng lò điện hạt nhân ở khu vực Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận vào ngày 23 tháng 7 năm 2008 vừa qua.
Thoạt đầu, đoàn phụ nữ Chăm biểu tình rất ôn hòa, bất bạo động với hai biểu ngữ nhỏ viết bằng tay “Thủ Tướng cứu dân với” và “Đền bù đất cho 73 hộ”. Tiếc rằng đội ngũ công an và bộ đội dân phòng dùng quyền lực để dải tỏa hàng ngũ đàn bà và phụ nữ, biến vụ biểu tình bất bạo động thành những vụ ẩu đả giữa đôi bên, kéo theo bao sự hoang mang trong quần chúng Chăm mà không ai có thể đo lường hậu quả của nó.
Người Chăm là một dân tộc bản địa thật thà, chất phác, đã từng hiện hữu trên khu vực này từ ngay khai thiên lập địa và gắn liền với đất đai của họ như một tín ngưỡng thiêng liêng. Chính vì thế, mọi chính sách chiếm đoạt đất đai của dân bản địa trở thành một hành động vi phạm đến thế giới thần linh của dân tộc này, một hệ thống tín ngưỡng đã từng giáo dục dân tộc Chăm thành một tập thể tộc người có một bản chất riêng biệt, nhìn qua bề ngoài họ rất là hiền hòa chất phác, nhưng bên trong họ là dân tộc rất gan dạ và trực tính sẵn sàng hy sinh cả tánh mạng để bảo vệ danh dự của họ, sẵn sàng dấn thân vào lao tù, chấp nhận chống lại với bất cứ bạo lực, một khi quyền lợi, sở hữu đất đai của họ bị lường gạt và chiếm đoạt. Biến cố ngày 23 tháng 7 năm 2008 tại thôn Văn Lâm là một minh chứng cụ thể.
Sau bao cuộc chiến tang thương trước cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, lịch sử chỉ để lại cho dân tộc Chăm một chũi đền tháp hoang tàn đổ nát nằm ngổn ngang trên suốt chiều dài ở miền trung Việt Nam và một tập thể tộc người chưa đầy 100.000 người dân, sống lặng lẻ, co cụm nghèo đói ở khắp các tỉnh Việt Nam và tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, chờ ngày bị đồng hóa và diệt vong. Hôm nay, họ không mong muốn gì hơn là mong mỏi Nhà Nước Việt Nam đùm bọc họ, tạo cho họ điều kiện “quyền được sống” trong biên giới truyền thống của họ, công nhận quyền sổ hữu đất đai của họ, xem dân tộc bản địa này như một công dân thật sự của quốc gia Việt Nam, phá bỏ mọi chiêu bài chụp mũ ghép họ vào tập thể phản động chống phá Đảng và Nhà Nước để đòi tự trị, độc lập, v.v.
Một dân tộc chưa đầy 100.000 người không còn mảnh đất để trồng rau, không còn con trâu để cày ruộng, sống co cụm trong nghèo đói, lặn hụp trong tập thể khổng lồ hơn 80 triệu người Kinh, chờ ngày bị đồng hóa, lai căng mất gốc. Chỉ có Đảng và Nhà Nước Việt Nam mới có đủ quyền lực giúp dân tộc Chăm tìm lại cuộc sống an bình va thịnh vượng hơn, cứu mang họ để dân tộc này còn giữ lại sắc thái văn hóa truyền thống của họ trong thế kỷ thứ 21 này. Để đưa chính sách này đến thành công, Đảng và Nhà Nước cũng nên lắng nghe nguyện vọng chân thành mà dân tộc này thiết tha yêu cầu hơn là tin vào những báo cáo từ chính quyền địa phương cung cấp mà đa số hồ sơ báo cáo của chính quyền không phản ảnh trung thực những gì đã xảy ra tại địa phương. Vụ xuống đường của dân tộc Chăm ngày 23 tháng 7 năm 2008 là một bài học đáng suy nghĩ.
Qasim Từ
Chủ nhiệm Web Champaka (http://champaka.org)