28 tháng 5, 2009
Một ngày trước khi phái đoàn Hoa Kỳ đối thoại về nhân quyền với Việt Nam, một tổ chức người Việt đã phổ biến bản phúc trình cho thấy cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn đối với các lãnh đạo tôn giáo, các ký giả, và các nhà tranh đấu cho nhân quyền.
“Chúng tôi thiết tha hy vọng rằng bản phúc trình này sẽ giúp phái đoàn Hoa Kỳ có đầy đủ dữ kiện khi ngồi vào bàn đối thoại ngày mai ở Hà Nội,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, một trong những người soạn thảo bản phúc trình và cũng là Giám Đốc Điều Hành UBCNVB, nói.
Bản Phúc Trình: http://www.machsong.org/VietnamCountryReportMay282008.pdf
Tài liệu này, tên là Phúc Trình Tình Hình Việt Nam, nhận xét rằng sau khi Việt Nam đạt được tất cả các mục tiêu đối ngoại chính trong năm 2007, đặc biệt là trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, thì chính phủ đã mạnh mẽ chống cự sự can thiệp của quốc tế vào “công việc nội bộ của Việt Nam”. Lập trường cứng rắn này thể hiện qua việc bắt bớ hàng loạt những người bất đồng chính kiến và những bản án tù nặng nề, bất chấp sự lên án của quốc tế.
Việt Nam tuyên bố là không có tù chính trị, tuy nhiên bản phúc trình cho thấy là trong bốn tháng rưỡi đầu năm 2008, ít nhat 15 người đã bị bắt và 11 người bất đồng chính kiến đã bị xử lên đến 32 năm tù và 19 năm quản chế. Bản phúc trình liệt kê danh sách 62 người bị bắt từ tháng 8 năm 2006 đến nay.
Ngày 21 tháng 5, Ts Thắng cùng Bà Ngô Thị Hiện, một người đóng góp cho bản phúc trình và Chủ Tịch của Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam, tiếp xúc với hai nhân viên Bộ Ngoại Giao trước khi họ lên đường đi Hà Nội. Ts Thắng và Bà Hiền đã cung cấp cho họ bản phúc trình, trình bày các dữ kiện quan trọng, và đưa ra những đề nghị cụ thể và tập trung để đo lường thực tâm của chính phủ Việt Nam.
Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007, phần tổng kết tình hình đã sử dụng nhiều thông tin từ bản phúc trình này. Phái đoàn của Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ cũng dựa vào bản phúc trình này trong chuyến quan sát Việt Nam cuối năm ngoái.
“Ngoài mục đích thông tin cập nhật cho Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như các tổ chức nhân quyền trên thế giới, bản phúc trình được thực hiện nhằm khuyến khích và thúc đẩy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bảo đảm bản phúc trình hàng năm của họ chính xác và đầy đủ hơn trước đây’, Ts Thắng giải thích.
Năm 2007 Ông đã cùng với 5 cộng tác viên thành lập Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam để biên soạn bản Phúc Trình Tình Hình Việt Nam.
Bản phúc trình bao gồm nhiều đề mục bao như nhân quyền, tôn giáo, công đoàn, mậu dịch, tham nhũng, tài sản trí tuệ, và buôn người. Mỗi đề mục đều có kèm theo những đề nghị chính sách và những chuẩn mực đo lường sự tiến bộ của Việt Nam.