Trong phần Câu Chuyện Thể Thao kỳ này, chúng tôi xin được cùng quý thính giả tiếp tục tìm hiểu chi tiết về môn đánh Gôn (Golf) hay còn gọi là “Khổng Cầu”.
Trong thời phát triển sơ kỳ, môn đánh Gôn không có những sân gôn quy định chu vi, kích thước và luật lệ hoàn chỉnh như hiện nay và những người đánh gôn chỉ dùng gậy quật đưa bóng vào lỗ như là một hình thức giải trí tiêu khiển. Ngoài ra, tại Scotland vào thời kỳ mà môn đánh Gôn được xác định là một môn tranh tài thì vẫn chưa có khái niệm về danh từ “Par”, tức số lần đánh cần thiết để đưa bóng vào mỗi Hole. Bởi vì phương cách thi đấu vào thời kỳ đó chỉ là 2 người đánh gôn sẽ tranh tài ở từng Hole và dựa vào số lần quật của bên nào ít hơn sẽ nắm phần thắng và nếu trường hợp số lần quật bằng nhau thì tại Hole đó sẽ hòa nhau và tiếp tục tranh ở những Hole khác, cho đến khi tiến đến Hole thứ 18 thì bên nào đạt được số Hole nhiều hơn sẽ chiến thắng, vì lẽ này nên không cần thiết quy định số lần quật ở từng Hole.
Về luật lệ thì thông thường có 4 người họp thành 1 nhóm để tranh tài trên sân gọi là “Course” và vì không có luật quy định về thứ tự của lần quật đầu tiên tại Hole thứ nhất nên đa số những tay gôn tham chiến đều áp dụng hình thức bốc thăm để quyết định ai là người được quật trước, ngoài ra cũng tùy theo trận đấu được tổ chức tại nơi nào thì ban tổ chức của sân cỏ nơi đó có thể quyết định người quật theo thứ tự. Sau lần quật đầu tiên thì thứ tự lần quật thứ 2 được bắt đầu từ những người ở xa Hole nhất (tức là những người quật lần đầu tiên để bóng rơi vào vị trí xa Hole).
Nói một cách khác, nơi xuất phát của bóng ở lần quật đầu tiên gọi là “Teeing Ground” và từ điểm này hình thức quật lần đầu tiên gọi là “Tee Shot”, tuy được diễn ra thứ tự từng người theo qua hình thức bốc thăm nhưng sau đó sẽ tùy thuộc thành tích ở những Hole trước đó mà quyết định thứ tự.
Khi quật ở dạng “Tee Shot”, trên căn bản các tuyển thủ đánh Gôn đều nhắm vào mục tiêu gọi là “Fairway”, tức là một trong các vị trí trọng yếu trên sân ở tình trạng có nhiều cỏ ngắn để khi bóng rơi vào các nơi này sẽ dễ tưng nhằm tạo được tốc độ lăn và thuật ngữ chuyên môn để diễn tả về kỷ thuật đánh Gôn này được gọi là “Keep Fairway”. Tuy nhiên, chung quanh các địa điểm Fairway này đều được bố trí các chướng ngại vật để tạo sự thử thách cho những tuyển thủ như ao hồ, bải cát trũng, các mô đất lồi lõm có nhiều cỏ rậm rạp và nhất là có những hình dáng cong bên trái hoặc bên phải. Vì vậy đây cũng chính là điểm thú vị nhất của môn đánh Gôn khi các tuyển thủ phải tập trung tinh thần để quyết định sự chọn lựa quật bóng vào vị trí an toàn Fairway nhưng lại có cự ly xa Hole hoặc nhắm vào các chổ có nhiều chướng ngại vật để có được vị trí gần Hole.
Tiếp theo, các tuyển thủ đánh Gôn sẽ phải đưa bóng đến địa điểm “Green” là nơi có cột cờ cắm ấn định vị trí của Hole. Thông thường, vùng đất Green này được trồng cỏ mịn và bị lồi lõm cũng như chung quanh càng có nhiều chướng vật hơn để tăng thêm mức độ khó khăn khi đưa bóng vào điểm cuối cùng này. Do đó, hầu hết những tay đánh Gôn chuyên nghiệp đều rất ít khi quật bóng trực tiếp vào vùng Green mà phải chịu tiêu hao nhiều số lần quật để đưa bóng từ từ tiến gần đến nơi này một cách bảo đảm và có hiệu quả nhiều hơn. Hình thức quật bóng ở chung quanh để nhắm vào vùng đất Green này được gọi là “Approach Shot”.
Ở tại các Hole đều được quy định số lần quật để đưa bóng vào Hole và nếu quật đúng số lần quy định thì gọi là “Par”, quật ít hơn 1 lần gọi là “Birdie”, quật ít hơn 2 lần gọi là “Eagle”, quật ít hơn 3 lần gọi là “Albastross” hoặc “Double Eagle”, quật ít hơn 4 lần gọi là “Condor” hoặc “Double Albastross” hay “Triple Eagle”. Ngược lại, nếu quật nhiều hơn 1 lần thì gọi là “Bogey”. nhiều hơn 2 lần gọi là “Double Bogey” và nhiều hơn 3 lần gọi Triple Bogey” v.v..
Qua đó, ta thấy những danh từ về những loại chim như “Birdie” (chim nhỏ), “Eagle” (Ưng), “Condor" (Kên Kên) v.v… được đặt tên theo hình thức thứ tự lớn nhỏ để nói về những sai biệt ít hay nhiều hơn số lần quật quy định.
Sau khi thi đấu xong 1 Hole thì ở Hole kế tiếp người có số lần quật ít nhất để đưa bóng vào lỗ ở Hole trước đó sẽ được quật đầu tiên và lúc này người quật đầu tiên ở hình thức “Tee Shot” khởi điểm sẽ được gọi là “Honor”.