Viết Riêng Cho VOA Thứ Hai, 27 Tháng 12 2010: Không Nhổ Neo, Không Thể Ra Khơi
Bùi Tín
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là khai mạc Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), các văn kiện dự thảo đã được thông qua lần cuối, danh sách nhân sự khóa XI cũng đã được quyết định. Mọi nội dung quan trọng nhất đều đã được «nhất trí» cao, từ Cương lĩnh, đường lối, chính sách quá độ lên chủ nghĩa xã hội đến Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm, cho 20 năm nữa, cũng như danh sách 1.400 đại biểu, gần 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và 15 (hoặc 17) ủy viên Bộ Chính trị khoá XI (20011-2016) đều đã được thông qua cả rồi.
Từ ngày 12 đến ngày 19-1-2011, tại hội trường lớn, đầy cờ, hoa, khẩu hiệu đỏ vàng, có cả dàn nhạc, trống kèn, chỉ là để trình diễn công khai, để quay phim, chụp ảnh, ghi vào biên bản, công bố trên báo chí các bản báo cáo, văn kiện dài dòng, các tham luận trịnh trọng,các lời chào mừng nồng nhiệt, xen lẫn những tràng vỗ tay kéo dài…
Theo nguyên lý dân chủ tập trung, có nghĩa là dân chủ có chỉ đạo, dân chủ có định hướng, cũng là dân chủ bị chặn đầu, bị chẹn cổ, mọi sự đã được quyết định trước cả rồi. Mọi sự đều xuôi chiều, trôi chảy, biết trước, được người dân gọi là «tiền chế». Các đoàn đại biểu đều cử trưởng đoàn đọc tham luận thay mặt đoàn mình. Sẽ không có tranh luận gì đáng kể, không có cọ xát ý kiến gì gay gắt. Dân chủ tập trung nó là như thế. Dân chủ lạ đời!
Sẽ có đến hơn 1 ngàn đại biểu đến đại hội chỉ để đứng lên, ngồi xuống, vỗ tay, giơ tay biểu quyết, hô khẩu hiệu, rồi tha hồ nghỉ ngơi, ăn uống, xem hát, nhảy múa, xem kịch, ăn tiệc, ăn cỗ, nhận phụ cấp, nhận quà, ưỡn ngực sung sướng vì được mang danh hiệu «Đại biểu Đại hội đảng CS lần thứ XI» mà chẳng cần suy nghĩ gì, chẳng cần đứng dậy phát biểu câu nào, còn có thể ngủ gật, hay nghĩ đến chuyện tối nay rủ nhau đi tươi mát riêng…
Cả 3 Đại hội IV (1976), Đại hội V (1981), Đại hội VI (1986), tôi đều chứng kiến từ khai mạc đến bế mạc, đều nhàm chán, hình thức, tẻ nhạt như thế cả.
Quả thật cũng có vài lúc có kịch tính. Vài lúc thôi. Đó là tại Đại hội đảng toàn quân năm 1976, 2 Đại tướng Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân được đoàn chủ tịch đại hội giới thiệu trong danh sách đại biểu đi dự đại hội toàn quốc, khi bỏ phiếu kín, cả 2 ông bị trượt (tướng Dũng do vấn đề chiến lợi phẩm 30-4-1975 ở Sài Gòn, tướng Mân do dùng công binh xây gấp bể bơi riêng).
Lần nữa, mang kịch tính cao hơn là tại Đại hội VI (1986), do ảnh hưởng đổi mới của đảng CS Liên Xô. Ngay trước hôm bế mạc, đa số các đoàn gặp nhau bàn việc đề cử bộ ba: Tổng bí thư Trưòng Chinh, Chủ tịch nước Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, (rồi tiếp đó Bộ trưởng Quốc phòng có thể là Trần Văn Trà), coi như đã xong xuôi, thì ngay đêm đó, ông Lê Đức Thọ biết tin này, nảy ra sáng kiến để phá đám: «Yêu cầu anh Thận (Trường Chinh), anh Tô (Phạm Văn Đồng) và tôi (Lê Đức Thọ) sáng mai cả ba cùng xin nghỉ để nhận chức cố vấn cho Trung ương, vì tuổi cao sức yếu, nán ở thêm sẽ bị coi là tham quyền cố vị». Ngay đêm đó, ông Nguyễn Khánh, phó thủ tướng, mang đề nghị này đến tận nhà ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng để ép 2 ông phải đồng thuận. Và ngay sau đó ông Thọ đề ra sáng kiến về một bộ ba khác: «Anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) làm Tổng bí thư, anh Võ Chí Công làm Chủ tịch nước và anh Phạm Hùng làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tên gọi của Thủ tướng lúc bấy giờ». Đề nghị này được ép thông qua sáng hôm sau. Hồi ấy ở Câu lạc bộ Ba Đình người ta gọi đó là một cuộc «Đảo chính cung đình», và Đại hội VI được gọi là «Đại hội của ông Sáu» (Sáu Thọ).
Sau 2 màn kịch hiếm có như thế, Bộ Chính trị các khóa tiếp đều cảnh giác để ngăn ngừa không để xảy ra một lần nào «bị trật đường rầy», vi phạm dân chủ tập trung như thế.
Cho nên hiện nay, khi chuẩn bị cho Đại hội XI, mới có những chuyện dân chủ thụt lùi, cấm phản biện công khai, cấm các báo đài không được đăng những ý kiến trái với những đường lối chính sách hiện hành của đảng và nhà nước, cấm tất cả báo lề phải không được đăng tin, biên bản cuộc hội thảo của 22 trí thức đảng viên cao cấp, cấm không được phổ biến bài trả lời phỏng vấn của nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, cũng như những bài viết của các tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh, cùng bài phát biểu của công dân Nguyễn Nguyên Bình, nhà báo, con gái của tướng Vĩnh, cũng như bài phát biểu mạnh mẽ của đảng viên kỳ cựu Lê Hữu Đằng, luật gia, hiện là phó chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc.
Thì ra khi Bộ Chính trị mời gọi mọi đảng viên và người dân góp ý «thẳng thắn, chân thành» vào các văn kiện Đại hội XI chỉ là mời xã giao, lịch sự, cho phải đạo, thật ra chỉ là đóng kịch một cách vụng về, phơi bày một văn hóa lãnh đạo vô văn hóa, hỗn xược, không hơn không kém.
Vậy mà trong diễn văn bế mạc, ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vẫn nói không chút ngượng ngùng rằng kỳ họp Trung ương 14 đã tiếp thu những ý kiến tâm huyết, chân thành của đảng viên và nhân dân để bổ sung vào các văn kiện. Có ai tin được!
Do đó mà biết bao ý kiến tâm huyết nhất, chân thành - nhất là ý kiến kêu gọi từ bỏ dứt khoát chủ nghĩa Marx – Lenin, từ bỏ Chủ nghĩa xã hội còn mù mờ không sáng tỏ, từ bỏ chế độ đảng trị - Bộ Chính trị là ông «Vua tập thể 15 đầu», từ bỏ «chế độ quốc doanh là chủ đạo» cực kỳ tệ hại, coi đó là 4 hiểm họa kìm hãm đất nước phát triển bền vững, ngăn cản xã hội thực hiện công bằng, bình đẳng và văn minh.
Có thể coi đó là bốn xiềng xích, nối liền với 4 mỏ neo giáo điều kiên cố và cổ hủ, ngăn cản con tàu Việt Nam phóng ra khơi lộng gió thời đại, gia nhập hàng ngũ những con tàu của thời đại. Có thể gọi Đại hội XI là Đại hội của 4 mỏ neo cổ lỗ buộc chặt đất nước ta vào dĩ vãng giáo điều, kìm hãm nước ta vào cảnh lạc hậu triền miên, bất công và tham nhũng tràn lan, mãi mãi ở vào thế Bắc thuộc nguy hiểm, ngăn cản sự hòa nhập quả đoán và toàn diện của Việt Nam vào thế giới của dân chủ đầy đủ, của tự do hoàn toàn, của hạnh phúc bền lâu cho toàn dân.
Đại dương lộng gió thời đại đang vẫy gọi! Có đại biểu nào trong số 1.400 đại biểu của Đại hội XI cảm thấy ngọn gió ấy của thời đại"
Bùi Tín
(Tác giả Bùi Tín có trang blog ở: http://www.voanews.com/vietnamese/news/)