Gia Hạn Giảm Thuế
Vũ Linh
Thứ Sáu vừa qua, TT Obama đã chính thức ký quyết định gia hạn luật giảm thuế của TT Bush thêm hai năm nữa, sau khi lưỡng viện quốc hội đã thông qua. Đây là quyết định quan trọng nhất của tổng thống từ sau cuộc bầu cử giữa mùa tháng Mười Một vừa qua.
Một vài dòng lịch sử.
Năm 2003, tân TT Bush phải trực diện với cuộc khủng hoảng kinh tế phát sinh từ cuối năm 2000, là năm cuối của TT Clinton, khi bong bóng điện toán “dot.com” xì hơi. Thị trường chứng khoán cuối năm đó rớt khoảng 40%-50% trong vài tháng, tức là còn rớt mạnh hơn trong thời kỳ khủng khoảng tài chánh cuối năm 2008. Hàng ngàn công ty điện toán hay liên quan xa gần đến khu vực này phá sản, đưa đến chuyện hàng trăm ngàn người mất việc.
Nói theo các thầy bói ta, cái số của ông Bush bị đủ thứ sao “quả tạ” La Hầu Kế Đô gì đó chiếu vào cung mệnh. Bắt đầu nhiệm kỳ và chấm dứt nhiệm kỳ bằng hai cuộc khủng khoảng kinh tế vĩ đại. Chưa kể cuộc tấn công 9/11 của khủng bố ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ đầu.
Nhưng cái giỏi (nói theo những người có cảm tình với ông Bush) hay cái may (nói theo những người ít cảm tình hơn) là TT Bush đã kềm hãm được cuộc khủng hoảng “dot.com” đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 4%-5%, vọt lên đến mức 6%-7%, nhưng mau mắn giảm xuống mức 5% trong suốt sáu năm sau, cho đến cuối năm 2008.
Không kể các biện pháp kinh tế tài chánh khác, biện pháp đối phó khủng hoảng quan trọng nhất là luật giảm thuế lợi tức - còn được gọi là thuế thu nhập - cá nhân được ban hành năm 2003. Chúng ta không có nhu cầu đi vào chi tiết rất rắc rối của luật thuế đó, chỉ cần biết đại cương luật này giảm thuế suất cho tất cả những người phải đóng thuế, bất kể thuộc thành phần lợi tức cao hay thấp. Tuy nhiên, luật giảm thuế này chỉ có hiệu lực nhất thời, cho đến cuối năm 2010, như là một biện pháp tạm thời chống khủng hoảng, để phục hồi kinh tế.
Căn bản lý luận của luật thuế này rất giản dị. Giảm thuế có nghĩa là:
- đối với giới “nhà nghèo” và trung lưu: có thêm lợi tức để tiêu xài, mua sắm,
- đối với giới “nhà giàu”: khuyến khích họ đầu tư thêm vào khu vực sản xuất.
Tóm lại, giảm thuế được coi như biện pháp thực tế hữu hiệu nhất và nhanh chóng nhất để tạo công ăn việc làm, phục hồi kinh tế. Dựa trên lý luận đó, luật giảm thuế được đại đa số các vị dân cử, Cộng Hòa như Dân Chủ thông qua năm 2003, tuy bị khối thiểu số cấp tiến cực đoan chống đối mạnh mẽ.
Trên căn bản, tô thuế của giới lợi tức thấp giảm nhiều hơn giới “nhà giàu”. Nhưng nếu tính theo số tiền thực tế, thì dĩ nhiên khối nhà giàu được giảm nhiều hơn. Lấy một ví dụ cụ thể đơn giản cho dễ hiểu, một anh “nhà nghèo” làm lương 20.000 đô được giảm 3% thuế suất, tức là được giảm thuế 600 đô một năm. Trong khi đó, một anh “nhà giàu” làm lương 200.000 đô chỉ được giảm 1% thuế suất, nhưng tính theo tiền thì lại được bớt thuế tới 2.000 đô. Trong thí dụ trên, tuy thuế suất chỉ giảm bằng một phần ba thuế suất của anh nhà nghèo, anh nhà giàu lại được giảm tiền gấp ba lần. Dựa trên căn bản tính toán này, khối cấp tiến chỉ trích TT Bush phe đảng, thiên vị với giới nhà giàu.
Bất chấp sự chống đối, luật thuế mới đã được quốc hội thông qua vì nhu cầu thiết yếu lúc đó là ngăn chận khủng hoảng kinh tế và mang lại công ăn việc làm.
Vì luật giảm thuế sẽ hết hạn cuối năm nay, nếu không gia hạn thì đương nhiên thuế suất cao hơn của TT Clinton sẽ được phục hồi từ tháng Giêng năm tới. Trong tình trạng kinh tế bết bát và thất nghiệp cao hiện nay, không ai nghĩ chuyện phục hồi mức thuế cao sẽ có lợi ích gì, trái lại sẽ rất tai hại. Điểm tranh luận là có nên gia hạn mức thuế thấp cho giới “nhà giàu” hay không thôi.
Mùa thu vừa qua, quốc hội mang đề tài ra thảo luận, nhưng mau mắn đồng ý hoãn lại đến sau cuộc bầu tháng Mười Một. Không có vị dân cử nào lại ngớ ngẩn hô hào tăng thuế vài tháng trước khi bầu bán. Các vị dân cử Dân Chủ tuy miệng hô hào “tăng thuế nhà giàu”, thực tế lại rất cần tiền yểm trợ vận động tranh cử của mấy ông nhà giàu này. Chắc ăn là đợi bầu bán xong xuôi rồi mới nói chuyện lại.
Đến bây giờ thì không còn có thể trì hoãn được nữa, bắt buộc phải lấy quyết định.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2007-2008, ứng viên Dân Chủ Barack Obama lớn tiếng chỉ trích luật thuế này, và hứa sẽ gia hạn luật giảm thuế này, nhưng chỉ gia hạn cho những người có lợi tức dưới 200.000 thôi. Quan điểm này được TT Obama xác định đi xác định lại trong suốt hai năm qua. Nhưng bất ngờ, TT Obama bây giờ đã thay đổi, chấp nhận gia hạn mức thuế thấp cho tất cả mọi tầng lớp lợi tức, kể cả giới “nhà giàu”. Việc thay đổi quan điểm này là kết quả của hai yếu tố quan trọng:
- Thứ nhất, TT Obama ý thức được tất cả những biện pháp kích cầu kinh tế của ông trong hai năm qua đã thất bại, chẳng những không giảm mà lại còn gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Và tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là ưu tư quan trọng nhất của đại đa số dân Mỹ, còn quan trọng hơn cả các ưu tiên khác của tổng thống, như cải tổ y tế, cải tổ tài chánh, chiến tranh Trung Đông, … Việc chính quyền Obama thất bại, hoặc lơ là trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp suốt hai năm qua đã là nguyên nhân lớn nhất của sự thảm bại của đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử giữa mùa vừa qua. Bây giờ mà TT Obama tiếp tục thất bại hay lơ là trong việc giải quyết nạn thất nghiệp thì tương lai của ông trong kỳ bầu tổng thống tới vào năm 2012 coi như sẽ đen tối hơn đêm ba mươi.