Tạp Ghi Sapy Nguyễn Văn Hưởng: Cúm LNNL
Dù từng đi lại nhiều lần trên con đường xuyên Việt, tai đã nghe qua biết bao giọng nói, nhưng tôi vẫn không thể biết được, đất nước mình có bao nhiêu thứ giọng khác nhau. Lần vào đến Nam Đàn, một vùng quê nơi đất Nghệ An, tôi cố ý lắng nghe hai người dân địa phương nói chuyện, nhưng vẫn chẳng hiểu họ nói gì với nhau. Lần ra tới Quảng Nam, ghé vào một quán bên đường, chú tài xế người miền Nam chở tôi đi, vừa dứt tiếng gọi nước: “Bà chủ ơi! Cho tui 3 ly trà đá.” Thế là cả quán cười ầm lên. Miệng bà chủ cũng như hoa lên tiếng hỏi ngược lại: “Anh kêu 3 ly tròa đóe hả"”. “Tròa đóe”, “trà đá”, hỏi qua đáp lại chỉ hai tiếng đó, vậy mà đã làm cho chúng tôi và mọi người trong quán có một trận cười thỏa thê.
Nhiều người cho rằng, giọng Hà Nội nói chuẩn nhất. Nhất là so với giọng các nơi khác thôi, chứ vẫn chưa phát âm đúng hoàn toàn theo lối viết chữ Việt. Với riêng tôi, hầu hết những phát âm sai hoặc nói trài trại, đều có thể tạm chấp nhận được. Chỉ trừ mỗi việc nói lẫn lộn hai chữ “L” và “N” với nhau, tôi thấy không thể nào để nó tồn tại mãi. Vì thế hai tiếng “nói ngọng” trong bài tạp ghi này, tôi dùng để chỉ mỗi việc nói lẫn lộn hai chữ “L” và “N” với nhau mà thôi.
Lần về thăm đất Bắc cách nay ngoài chục năm, nhận thấy khá nhiều người làng tôi và bà con họ hàng mắc “bệnh” nói ngọng. Lúc đó tôi cứ đinh ninh, chỉ có người ít học mới nói vậy. Khi trò chuyện với chú em họ, một sinh viên đại học tổng hợp Hà Nội, tôi mới biết mình lầm, bởi chú ấy cũng nói sai. Đến lúc nghe vài người nói ngọng nghịu mà xưng là dân Hà Nội, khiến tôi phải suy gẫm lại nhận xét của bác tôi cách nay đã ngoài nửa thế kỷ: “Dân Hà Nội không ai nói lẫn lộn hai chữ “L” và “N” cả”.
Trong mấy ngày lưu lại đất ngàn năm văn vật cuối năm 2009 này. Tôi thấy chứng nói ngọng dường như đã biến thành dịch bệnh. Tràn vào tận trung tâm thủ đô, từ khi nhiều quận ngoại thành được sát nhập vào Hà Nội. Trầm trọng nhất có lẽ là cánh tài xế taxi, kế đến là người lao động chân tay, từ quê ra tỉnh, lang thang kiếm sống bằng đủ mọi ngành nghề trên vĩa hè.
Một hôm tôi ngồi taxi gần hai tiếng đồng hồ, để đi một đoạn đường chỉ ngoài chục cây số. Hôm ấy tôi còn phải nghe chú tài than phiền đủ mọi chuyện, từ đường xá đến công an, chính quyền… Giọng chú y như súng liên thanh nổ. Chú phát âm rõ từng tiếng một. Mỗi lần có chữ “L” hay “N” phát ra, tôi như bị búa bổ vào đầu, khó chịu vô cùng. Nên liền một lúc, tôi đã phạm hai tội: nói dối và có lời lẽ khiếm nhã đối với người khác. Bởi tôi hơi gắt gỏng bảo chú tài đừng nói nữa, vì tôi đang cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Chú tài vừa im tiếng, tôi nghĩ ngay đến việc, tìm một phương kế nào để chữa tuyệt nọc căn bệnh này. Bắt chước các nhà khoa học, đã đặt cho mầm bệnh lan truyền từ loài heo sang con người, cái tên mỹ miều cúm H5N1. Tôi cũng đặt cho riêng bệnh nói ngọng theo kiểu lẫn lộn hai chữ “L” và “N” với nhau, cái tên cúm LNNL (xin vui lòng đừng đọc NLLN), nghe giông giống thương hiệu AT&T hiện đang nổi tiếng khắp thế giới. Tôi nghĩ ngợi cho có chuyện để nghĩ, cho mắt khỏi phải nhìn cảnh xe cộ kẹt cứng trên đường, cho lòng bớt cắn rứt vì đã để cả nhà chú em họ phải ngồi chờ cơm. Chứ ngay như việc em cháu nói tôi ngọng, tôi vẫn chưa dám hé môi khuyên bảo lấy một lời, thì làm sao lo chuyện thiên hạ cho nổi!
Giã từ đất Bắc, vào tới phương Nam, tôi thấy cúm LNNL lây lan đến tận đất mũi Cà Mau. Lúc ra tới Côn Đảo, tôi lại gặp một hướng dẫn viên du lịch Saigon Tourist, anh ta bị nhiễm LNNL rất nặng. Nhờ vậy mỗi khi anh cất tiếng, kể chuyện cai tù Pháp lẫn Việt hành hạ tù nhân cộng sản, tôi thường lảng ra xa vừa đỡ nhức đầu vừa bớt để lọt vào tai những điều đã bị thêm mắn thêm muối đến mặn chát, không thể nào nuốt trôi.
Nhận thấy cúm LNNL giờ đã lan tràn khắp nước, ra tận các hải đảo xa xôi. Tôi cũng xin mạn phép cảnh báo người Việt gốc Bắc hiện sinh sống ở hải ngoại, cần phải cẩn trọng để tránh bị dịch bệnh này lây lan, trong thời gian chưa tìm ra phương thuốc chữa trị.
* * *
Từ Sài Gòn vợ chồng tôi mua vé tour đi Thái Lan chơi ít hôm. Chẳng hiểu sao trước lúc bước vào máy bay, tay tôi lại chộp lấy tờ nhật báo Lao Động. Tôi cho đây là một việc trời xui đất khiến, vì ít khi tôi xem truyền hình hay đọc báo chí trong nước. Nhờ vậy tôi mới biết, tờ báo đó có đăng lại bài viết “Chuyện Tình Du Học Sinh” của ông bạn Bồ Tùng Ma, đã được phổ biến trên trang Vietbao online. Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ, cứ viết đại ra cái nhìn của riêng mình về việc chữa trị cúm LNNL, rồi gởi đến tòa soạn Việt Báo nhờ phổ biến. Biết đâu chừng báo “Nao Động” sẽ cho đăng lại. Nếu được vậy, mình sẽ có dịp công khai tỏ lòng ra với người trong nước. Rất có thể việc chọn con đường vòng vo tam tứ quốc này sẽ tiêu diệt được loài cúm ấy!
Từ ý nghĩ chuyển sang hành động cũng chẳng dễ dàng gì, bởi điều tôi muốn thổ lộ quá khô khan, có thể mang tiếng dạy đời, lại dễ đụng chạm đến tự ái người khác. Cho nên phải đợi mãi đến khi nghe được bài tường trình về “Tình trạng khan hiếm đô la Mỹ tại Việt Nam” của phóng viên Thanh Trúc trên đài Á Châu Tự Do. Một đề tài chẳng có chút liên quan gì đến loài cúm mà tôi đang muốn tìm phương chữa trị. Nhưng chữ nghĩa lại tự nhiên thoát ra, buộc tôi phải ngồi xuống ghi nó lại.
Trước tiên tôi xin được trương bảng biểu tình phản đối việc nhân viên đài Á Châu Tự Do, đã đánh máy lại không đúng sự thật. Nghĩa là viết sai lạc nguyên văn lời phát biểu của ông Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Chiến Lược. Tôi thiển nghĩ, nắm giữ tới chức vụ này, chắc ông Thành phải là một nhà khoa bảng. Vì vậy thoáng nghe qua lời ông, tôi không tin vào tai mình. Phải nghe thêm vài lần nữa, tôi mới tin đó là sự thật. Giọng ông ta nói trơn tru, lưu loát, nhẹ nhàng, tuy có hơi nhanh một chút. Nhờ cùng đồng bệnh, nên tôi nghe rất rõ, ông Thành nói “đồng đô na”, vậy mà quý vị trong đài lại viết thành “đồng đô la”… Tóm lại, tất cả những chữ “L” và “N” ông Thành phát âm, đều đã bị chỉnh sửa lại trong bài viết. Nếu không tin lời tôi, hoặc muốn nghe rõ từng chữ, từng lời, xin mời vào trang:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Why-it-hard-for-businesses-and-individuals-to-purchase-usd-from-banks-in-vietnam%20-02022010102840.html"searchterm=None.
Đối với người ở hải ngoại, việc vào trang web này không có gì trở ngại. Riêng người trong nước, hơi khó và mất công một chút vì bị bức tường lửa ngăn chận. Muốn vượt tường lửa hay không là quyền tự do của mỗi người. Tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Nhân việc “phê bình” ông Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Chiến Lược. Tôi cũng xin thành thật khai báo về bản thân cùng gia cảnh mình. Tôi sinh ra tại vùng châu thổ Sông Hồng, cái nôi của người Việt cổ. Lúc theo bố mẹ di cư vào Nam, tôi cũng mang theo cái giọng nói lẫn lộn hai chữ “L” và “N”. May mà lúc vào đến Sài Gòn, nhà bố mẹ tôi ở sát cạnh nhà bác tôi, một người rời quê ra sống ở Hà Nội từ hồi còn ẵm ngửa trên tay, nên giọng nói bác đã được Hà Nội hóa. Mỗi lúc nghe tôi nói ngọng, bác tôi đều nghiêm mặt, bắt phải nói lại cho đúng. Phần sợ bác, phần sợ đòn, nên chỉ sau vài lần cố gắng sửa chữa, giọng tôi không còn ngọng nghịu nữa.
Phần nhà tôi, quê mãi tận Cà Mau, rời ruộng đồng lên Mỹ Tho học. Lúc ra đi cũng mang theo luôn cái giọng “cá gô”, “cái gổ” (cá rô, cái rổ)…
Có lần nhà tôi nghe bạn bè cùng lớp to nhỏ:
- Ê tụi bay có nghe con Dĩ nó nói: “bắt cá gô bỏ vô giỏ kêu gột gột” chưa"
Nhà tôi chỉ cảm thấy hơi phiền vì bị chọc ghẹo vậy thôi. Đến khi nghe bà cô, người nuôi dưỡng mình, nghiêm giọng mắng Ngọc, đứa cháu ngoại của bà:
- Ngọc! Con không được bắt chước chị Dĩ, phải nói cá rô, cái rổ nghe không"
Lúc đó nhà tôi mới ý thức được việc nói năng không đúng của mình đã gây ảnh hưởng xấu cho người khác. Nên tự tập tành để nói lại cho đúng. Năm đó nhà tôi được chẵn mười tuổi.
Đôi lần tôi đem chuyện nói ngọng của mình kể cho bạn hữu nghe. Có người bảo tại phong thổ, nước uống… Tôi cũng đinh ninh như vậy. Mãi cho đến khi phát hiện giọng nói của hai đứa con tôi. Đứa lớn rời đất nước lúc mới 13 tháng tuổi, đứa bé chào đời trên đất Mỹ. Cả hai đều nói “cá gô”, ‘cái gổ”… y chang giọng quê mẹ chúng. Còn mấy đứa cháu ngoại của bác tôi, cũng sinh ra ở đây, cứ gọi nhau ríu rít “em Niên”, “anh Nân”… Tôi suy nghĩ mãi về “hiện tượng” này, mà chẳng rõ nguyên nhân.
Tôi nhận thấy mình không đủ can đảm mở miệng nói thẳng, nói thật với người đã trưởng thành bị cúm LNNL. Tôi sợ chạm tới tự ái họ, biết đâu sự việc còn tệ hại hơn. Còn khuyên nhủ bọn trẻ, tôi đã thử qua, nhưng chẳng mang lại kết quả gì.
Tôi biết chắc chắn việc chữa trị này rất dễ, khỏi mất công đến văn phòng bác sĩ, khỏi tốn tiền chủng ngừa hay thuốc thang, nếu người nhiễm bệnh nhận thức được tầm quan trọng của việc sửa đổi. Người cố tâm muốn chữa trị, chỉ mất đôi ba ngày hoặc nhiều lắm vài tuần lễ là cùng sẽ nói đúng ngay.
Ta có thể bắt đầu từ đâu" Ngay từ học đường chăng" Rất tốt! Nếu chọn giải pháp này, thầy cô nào nói ngọng lo chữa trị trước. Thầy cô khỏi bệnh rồi, sẽ lần lượt xuống tới học trò. Học trò mà ý thức được thì chính chúng sẽ là cái loa tuyên truyền, quảng bá đến mọi người trong gia đình, hàng xóm. Nó cũng giống như việc cai hút thuốc lá. Một khi trẻ con nhận thức được sự tai hại của khói thuốc. Chính chúng sẽ nài nỉ, khuyên can, đốc thúc ông bà cha mẹ nên bỏ hút, bởi chúng là người bị ảnh hưởng trước tiên. Rồi tình thương con cháu biến thành sức mạnh giúp cho người lớn bỏ hút thuốc dễ dàng hơn.
Nhiều lần tôi tự hỏi. Người mình mỗi khi viết, ai cũng cố tránh viết sai chính tả. Thì tại sao cứ để nói sai mãi. Tôi biết khả năng mình hạn hẹp về mọi mặt, nên chỉ dám lạm bàn sơ qua về việc nói ngọng này thôi. Tôi biết có khá nhiều người cả trong lẫn ngoài nước đã nêu vấn đề này ra rất thường xuyên. Nhưng mãi cho đến nay căn bệnh vẫn chưa bị diệt, mà còn ngày một lan rộng ra thêm. Chúng ta đành chịu đầu hàng vô điều kiện hay chăng"
Là một dân đen, tôi chỉ biết trải lòng mình ra như vậy. Rồi chắp hai tay khẩn cầu các vị nắm giữ quyền cao tước trọng hãy lưu tâm đến. Có quyền có hành mới có đủ phương tiện để tìm ra phương thuốc chữa dứt căn bệnh cúm LNNL này.
Sapy Nguyễn Văn Hưởng