Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
*
(Tiếp theo...)
Một lúc sau tên Cẩn trực trại vào dẫn nó ra khu giám thị trước, rồi y lại trở vào gọi tôi. Ngay từ sớm, tôi đã suy đoán có thể hôm nay sẽ gặp H.Thanh. Tôi chưa hiểu y gặp tôi để làm gì, từ buổi nói chuyện với y về hoa ở sân trại, tôi chưa gặp lại y. Không ngờ tôi gặp thiếu úy Đức trưởng ban giáo dục trại E. Sau khi y chỉ chiếc ghế đẩu cho tôi ngồi, tay y cứ xoay xoay cái lọ mực ở trên bàn, mặt y tươi tỉnh vẻ săn đón:
- Anh kỳ này có khỏe không"
Vì là lần đầu tiên tôi gặp y nên tôi ngửng đầu lên nhìn y dè dặt:
- Dạ, cám ơn ông tôi bình thường!
Tay vẫn xoay xoay lọ mực y vồn vã:
- Tuy tôi chưa gặp anh, nhưng tôi đã được các đồng chí phản ảnh anh đã đứng đúng chỗ đứng của mình. Trong sinh hoạt học tập cũng như trong lao động anh đã tỏ rõ lập trường minh bạch, không mập mờ ẩn núp, lao động hăng say; chính sự lao động này đã thể hiện tư tưởng của anh. Chúng tôi được đảng và nhân dân giao phó có trách nhiệm giúp đỡ anh tiến bộ đúng theo đường lối giáo dục cải tạo của đảng.
Ngồi nghe y nói, tôi thấy y ít nhiều có học hơn một số tên ở đây. Trông y trắng trẻo, người lại bé nhỏ như con gái. Chiếc hàm CA thiếu úy bạc màu, đã nói rằng y mang nó từ lâu. Trong cách y nói, chẳng qua y dùng những thủ thuật nghề nghiệp của y mà thôi. Bởi vì từ những tháng trước, tôi đã nghe nhiều tên cán bộ mắng mỏ, xỉ vả phạm nhân là đã lấy lao động để che giấu những tư tưởng phản động. Chỗ này, y tìm một điểm tốt của một người rồi khích lệ, ca ngợi để lôi kéo người đó về phía mình, theo mình, ủng hộ mình; vì nghĩ thế nên tôi cứ ngồi yên nghe y nói tiếp. Hết xoay lọ mực y lại cầm cái tẩy vê vê trên hai ngón tay:
- Gần bốn tháng nay, với khả năng của anh, hẳn anh đã nhìn rõ những người chung quanh anh: Có người tư tưởng tốt, có người tư tưởng xấu. Người có tư tưởng xấu, người có tư tưởng sai cũng ví như một con bệnh phải cần có thầy thuốc chữa cho là các cán bộ giáo dục. Nếu người thầy thuốc không biết rõ căn bệnh của người bệnh thì chữa làm sao, mà nếu không chữa khỏi bệnh thì làm sao con bệnh được về với gia đình, vợ con, bố mẹ" Vì vậy, anh phải có trách nhiệm giúp những người đó, bằng cách tìm hiểu bệnh gì, mức độ nặng nhẹ tới đâu rồi anh trình bầy với người thầy thuốc là cán bộ. Từ đấy cán bộ mới biết được căn bệnh của họ để chữa trị. Có như vậy anh đó mới chóng được về với gia đình, như thế anh đã trở thành người ân đối với anh đó. Sau đây, tôi sẽ hỏi anh và gợi ý cho anh một số vấn đề. Tuy tôi hỏi về người khác, nhưng chính thái độ trả lời trình bày của anh để chúng tôi hiểu về tư tưởng của anh đấy.
Nghe y nói đến đây, tôi thấy y ví von người tù như một con bịnh thì cũng không đúng lắm nhưng tôi chợt thấy ý tưởng của y giống hệt tên Phan Tấn Hưng đã nói với tôi ở Hỏa Lò, chỉ có khác là ở đây y kèm theo áp lực đe doạ nữa. Thì ra cũng ở trong một cái lò, lời nói, ý tưởng của chúng cũng cùng trong một cái khuôn như nhau. Tuy vậy, tôi cũng hơi bàng hoàng, băn khoăn. Trước đây tôi tưởng, tôi có thể lấy cái khâu lao động tốt để sống yên thân, sống chìm như hòn sỏi, hòn đá nhưng như thế này cũng thật khó ổn. Để thăm dò tôi phát biểu, nhất là thái độ của y lại đang im lặng chờ tôi nói:
- Thưa ông, từ ngày lên trại, tôi đã xác quyết chỉ có một con đường duy nhất là quyết tâm cải tạo mình để mong một ngày nào đó được hưởng lượng khoan hồng của đảng và chính phủ. Bởi vậy, tôi chỉ nỗ lực, hăng say học nghề mộc cho tốt, từ đấy tôi có điều kiện để làm ra của cải cho trại.
Nghe tôi nói đến đây, y cau mày rồi giơ tay ngăn lại không cho tôi nói nữa:
- Thôi thôi, anh đã cố ý không muốn hiểu lời tôi nói, vậy anh có thể đứng lên đi về trại.
Nói rồi, mặt y lạnh hẳn lại. Tôi hiểu, tôi không được phép làm căng, cương ở đây mà nó đã đè thì không còn có cơ hội nào đứng dậy được, vì vậy tôi xả hơi:
- Thưa ông, tuy tôi đã ở tù lâu, nhưng thực sự ở chung với đồng phạm chỉ mới mấy tháng nay, do thế còn nhiều điều tôi chưa hiểu rõ. Ông là cán bộ giáo dục của đảng, đề nghị ông hãy chỉ dạy cho tôi những đường hướng tôi phải đi, những việc tôi phải làm.
Mặt y tươi dần lại, xoay hẳn người về phía tôi mà từ nãy y đã xoay ra phía cửa sổ:
- Anh phải biết rằng, chúng tôi đánh giá các anh, những gián điệp, biệt kích từ trong Nam ra xâm nhập miền Bắc hoàn toàn khác. Các anh là những đứa con ở xa cha mẹ, xa nhân dân, thường ngày chỉ nghe lũ tay sai và đế quốc, xúi dục, phản tuyên truyền, nói xấu cha mẹ. Các anh đã hiểu được lòng cha mẹ thương nhớ những đứa con phải xa nhà, lạc mẹ thế nào đâu, nên đã nghe theo lời dụ dỗ, phỉnh phờ của chúng trở về làm hại, chống cha mẹ mình. Bây giờ các anh đã về đây, đã thấy, đã hiểu được lòng cha mẹ, cho nên các anh dễ cải tạo lắm. Ngược lại, những tên phản cách mạng ở ngay trong nhà, những tên phản động đội lốt tôn giáo đã hiểu rõ đường lối chính sách vì nhân dân của đảng và chính phủ. Nhưng chỉ vì những quyền lợi cá nhân, cục bộ nhỏ bé của mình, chúng đã lập phái này, đảng kia để nói xấu, để chống phá cách mạng. Những loại này rất khó hay không thể cải tạo được. Nhưng với vũ khí vô song là vô sản chuyên chính, đảng và nhà nước cương quyết đập tan, phá nát mọi tư tưởng phi vô sản. Tiêu diệt mọi khuynh hướng phản động của giai cấp bóc lột để tạo dựng một xã hội công bằng, ai cũng như ai. Do đấy, anh có trách nhiệm giúp nhà nước hoàn thành sứ mạng cao cả ấy.
Y hùng hồn dùng đao to búa lớn quá, tôi thấy rằng, tốt nhất hãy tìm cách "hoãn binh" để rồi tùy theo sẽ lựa thế sau. Dù rằng chưa dám đóng hẳn cánh cửa, nghĩa là từ chối thẳng thì cũng phải mở hé ra kẻo rồi sẽ khó khăn về sau này, nghĩ thế tôi phát biểu:
- Thưa ông, hôm nay được ông chỉ dạy cho tôi hiểu biết thêm được nhiều điều mới lạ. Tôi tự hiểu trong đầu óc của tôi còn đầy rẫy những tư tưởng lạc hậu, lỗi thời phản động. Từ nay tôi sẽ quyết tâm gột rửa dần dần vì tôi nghĩ rằng: bản thân tôi, lòng có sạch, tâm có trong thì mới nhìn được sự trong đục chung quanh mình.
Y đứng dậy, đi ra phía cửa sổ nhìn ra bên ngoài, rồi ngoái lại gằn giọng:
- Được, thời gian còn dài, tôi cho anh về suy nghĩ cho thấu đáo. Tùy anh sẽ chọn con đường sáng sủa thênh thang, hay con đường chông gai, đen tối.
Tôi trở về trại, lòng buồn rười rượi. Ngày hôm sau, tôi đem nỗi niềm nặng chĩu tâm sự với bác Lẫm, tôi mới hiểu được thêm những mánh khóe, thủ đoạn của những tên cán bộ giáo dục: Cũng chính tên Đức, hơn một tháng trước đây đã gọi bác Lẫm lên để giáo dục lại nói: "Các anh là con cái trong nhà, dù có sai phạm, lỗi lầm thì chỉ là nhất thời cũng như đứa con hư, nên bố mẹ dạy bảo, sửa chữa chẳng khó khăn gì; chỉ những tên biệt kích, gián điệp từ trong Nam ra phá hoại thành quả của cách mạng. Chúng là những loại khát máu, phản động, bóc lột, làm tay sai cho ngoại bang, ngay từ trong xương, trong thịt, bởi vậy rất khó cải tạo. Do đấy, các anh là con cái trong nhà, hãy nâng cao trách nhiệm, để ý tìm hiểu những tư tưởng, việc làm của chúng, kịp thời báo cáo rõ ràng với cán bộ... Nghe bác Lẫm thuật lại, đã làm tôi bàng hoàng! Phải nói rằng giữa bác Lẫm với tôi do những quan hệ thâm tình nhìn được từ trong ánh mắt của nhau nên đã cởi mở từ đáy lòng trao đổi, cho nên những thủ đoạn quỷ quyệt của chúng mới sáng rõ. Tôi bị bàng hoàng vì tôi chợt hiểu rằng: trong cảnh sống đầy đau thương và đe doạ này, hầu hết không ai dám tâm sự với ai. Ngay như tôi, chỉ với bác Lẫm là duy nhất tôi mới dám tâm sự cởi mở hết lòng, trong khi dù Lê Sơn, Vân hay nhiều người khác, nhìn trong sinh hoạt tưởng như là thân nhau lắm, nhưng tôi cũng như họ đâu đã dám thực sự tin nhau hoàn toàn; cho nên ai cũng ngậm miệng để khỏi di hoạ. Mà như vậy thì với mức độ khác nhau đều bị rơi vào cái bẫy của CS.
Ngăn cách, ly gián, gây nghi ngờ giữa mọi phạm nhân với nhau, từ đấy mỗi người cứ tưởng chỉ mình mới được cán bộ tin cẩn đánh giá tốt, không tốt mà lại giao cho nhiệm vụ đặc biệt theo dõi, tìm hiểu từng cá nhân ở trong trại"