Truyền Thông Trung Quốc
Trần Khải
Trong khi nhiều trí thức Trung Quốc kêu gọi tẩy chay truyền thông nhà nước Trung Quốc, thì chính phủ của đất nước đông dân nhất thế giới này lại lên kế hoạch mở rộng truyền thông sang nhiều vùng quốc tế với các phương tiện tối tân hơn. Không phải thuần túy lĩnh vực ý thức hệ, vì tư tưởng họ Mao không thuyết phục gì được tới đâu, mà nhiều phẩn có thể đoán sẽ là một bước chuẩn bị để bành trướng toàn cầu, bên cạnh các mục tiêu nhỏ hơn. Đây cũng sẽ là một nỗi lo tương lai cho Việt Nam, nếu các biến động Biển Đông xảy ra, khi các phe đều cần phải thuyết phục dư luận quốc tế.
Báo The Straits Times từ Singapore ngày 14-1-2009 loan tin rằng một nhóm trí thức Trung Quốc - nhiều người trong đó là những người đã ký tên vào Hiến Chương 08 để đòi thay đổi dân chủ - đã kêu gọi tẩy chay các chương trình tin tức trên truyền hình nhà nước TQ, mà họ gọi là "tuyên truyền hạ cấp."
Một thư ngỏ từ nhóm này phổ biến nói là đài truyền hình trung ương CCTV đã biến các chương trình thông tin và các phim bộ lịch sử thành chương trình tuyên truyền để tẩy não người xem. Thư ngỏ ký bởi 22 học giả và luật sư, chỉ trích đài TV quốc doanh và độc quyền này là đã bỏ lơ các hiện tượng bất ổn xã hội, và đã tẩy trắng các sự kiện lớn như cú xì căng đan sữa độc mới đây.
Báo The Straits Times viết rằng thư ngỏ của nhóm trí thức này tuyên bố chính sách Bốn Không: "Chúng tôi sẽ không xem CCTV, không xuất hiện lên CCTV, không nghe CCTV, không nói về CCTV nữa."
Thư ngỏ còn cho biết đài CCTV đã đầu độc dư luận bằng cách loan tin là cơ sở kinh doanh Sanlu Group - trung tâm của cuộc tranh cãi - khẳng định rằng sản phẫm sữa của hãng này đã trải qua "1,100 lần kiểm phẩm." Thư ngỏ còn nói là đài CCTV chỉ loan tin tốt về quốc nội, và chỉ loan tin xấu về nước khác.
Học giả Ling Cangzhou, hiện đang ở Bắc Kinh và là người khởi xướng tẩy chay CCTV, nói, "Thiệt kỳ cục rằng gần như tất cả các kênh TV đều cùng loan bản tin buổi tối vào cùng một thời khoảng."
Ling, một nhà biên tập kỳ cựu của một tạp chí tài chánh, nhìn nhận là không thực tế gì với chuyện hy vọng biến đổit ức khắc, nhưng ông hy vọng quyết định có thể "đặt hạt giống cho thay đổi dần dần."
Ban biên tập CCTV đã gửi tin ra AP để tự thanh minh thanh nga, rằng đài này đã loan tin "kịp thời và đủ" kể cả vụ động đất năm ngoái, các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng và vụ sữa độc, và tố ngược lại rằng nước nào cũng đang tuyên truyền cả, kể cả Mỹ khi "tuyên truyền về vũ khí sát hại tập thể ở Iraq và cuộc tấn chiếm Iraq."
Thực ra, CCTV đang ngụy biện. Bởi vì không có đài truyền hình quốc doanh nào tại Hoa Kỳ cả. Chỉ có đài PBS là tiền quyên góp từ cá nhân người dân và được tài trợ từ chính phủ, nhưng trọng tâm kênh truyền hình này là giáo dục, và chương trình lịch sử trên PBS rất trung thực, luôn luôn đưa cái nhìn 2 chiều, và mỗi ngày có giờ thông tin phát sóng lại từ BBC, mà đài truyền hình Anh Quốc này lại không ưa gì ông Bush. Ung hộ ông Bush hết lòng hết dạ chỉ có đài FOX, thì lại là của tư nhân, với các nhà bình luận hầu hết thuộc cánh hữu bảo thủ.