- Ngày 9-3-1975 biến cố 30-4 đến với người dân sống trên Ban Mê Thuột.
- Ngày 24-3-1975 diễn ra với người dân xứ Huế.
- Ngày 29-3-1975 đến lượt người dân Đà Nẵng...
- Còn thủ đô Sàigòn và các tỉnh miền Tây, biến cố lịch sử ấy đến đúng vào ngày 30-4-1975.”
Tác giả Sapy Nguyễn Văn Hưởng viết như trên để mở đầu bút ký của ông về biến cố 30-4-1975 tại doanh trại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin thuộc sư đoàn 21 Bộ Binh VNCH, ngoại ô Bạc Liêu.
Ông là người đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Lần đầu, giải bán kết 2001, với bài viết “Hoa Ve Chai,” kể về những người đi lượm ve chai bán để góp tiền giúp đỡ bà con quê nhà. Lần thứ hai, là giải chung kết 2004, với bút ký “Giọt Nước Mắt” kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu.
Tác giả Nguyễn Văn Hưởng hiện là cư dân San Diego và vị cựu Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng trong hồi ký của ông hiện là cư dân Los Angeles.
Đoạn Hai
Chân Dung Người Lính
Những lớp kẽm gai phòng thủ đơn vị đã được kéo lại, anh lính gác nhận ra tôi, vội chạy ra mở cổng. Vẫn như thường ngày, mở cổng xong anh đứng trong tư thế nghiêm bồng súng chào cho đến khi xe tôi đi khuất. Quân nhân các cấp đang lũ lượt tiến ra sân tập họp, tôi nhập chung vào đoàn người ấy.
Khi hàng ngũ chỉnh tề, Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng từ trong văn phòng bước ra, ông đứng nghiêm chào hàng quân xong, với một giọng chân thành, ông nói như tâm tình với mọi người:
- Tất cả các anh em đều hay biết, Tổng Thống Dương Văn Minh đã tuyên bố buông súng. Khi nghe tin này tôi hết sức đau lòng. Chúng ta phải làm gì đây trước quyết định nhục nhã này" Đó là một câu hỏi lớn hiện đang ở trong đầu tôi và các anh em. Là người lính chiến, chúng ta đều biết, tuân hành tuyệt đối mệnh lệnh thượng cấp chính là sức mạnh của quân đội. Cho nên, khi nghe lời tuyên bố của Tổng Thống xong, tôi đã liên lạc ngay với Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn để nhận lệnh. Tuân hành khẩu lệnh của Chuẩn Tướng Tư Lệnh Mạch Văn Trường, kể từ giờ phút này tôi đặt Tiểu Đoàn dưới quyền điều động trực tiếp của Tiểu Khu Trưởng. Hiện giờ Đại tá Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Điệp đang lo triệu tập bộ tham mưu họp bàn phương cách đối phó. Tôi khuyên các anh em hãy giữ bình tĩnh và luôn tuân hành đúng mọi chỉ thị. Cho dù còn được tiếp tục chiến đấu hay phải buông súng. Chúng ta cũng phải luôn ở trong tư thế bảo vệ danh dự quân đội và chu toàn trách nhiệm một người lính. Không nên tỏ thái độ hoảng hốt làm cho dân sợ. Riêng phần tôi, sống hay chết, cũng luôn ở bên anh em.
Rời hàng quân tôi thầm nghĩ: lệnh buông súng đã ban ra rồi thì mọi sự kháng cự diễn ra sau đó chỉ là chiến đấu trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến, tôi nhất quyết luôn ở bên ông Đơn Vị Trưởng và đồng đội tôi. Tuy đã xác quyết với lòng như vậy, nhưng lúc thả mình xuống chiếc bàn làm việc thường ngày, đầu óc tôi vẫn rối tựa tơ vò. Càng buồn nản hơn khi phải nghe đi nghe lại lời Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh kêu gọi quân nhân các cấp buông súng, lời Tướng Minh mời Cộng Sản vào bàn giao chính quyền, phát ra từ chiếc radio đặt trên bàn Thượng sĩ Thanh. Tôi ngẩng đầu lên gắt:
- Tắt cái radio đi, để nó lải nhải mãi làm gì!
Tiếng radio tắt hẳn, tôi lại ngồi thừ người ra đó. Chợt tiếng chuông điện thoại trên bàn reo vang, nhấc máy lên, đầu dây bên kia tiếng vợ tôi hối hả âu lo:
- Alô! Anh đó hả, anh có hay tin Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng chưa" Em mới từ Ngân Hàng chạy vội vừa về đến nhà nè, anh có sao không" Có về nhà ăn cơm trưa nay không"
- Anh không sao, trưa nay anh ăn cơm trong đơn vị.
- Vậy chừng nào anh về"
- Anh cũng không biết nữa, em đừng lo, có chuyện gì anh gọi cho em hay ngay.
*
Sau bữa cơm trưa ăn vội vã cho qua bữa, Thiếu tá Thanh rời Tiểu Đoàn qua Tiểu Khu họp. Thời gian chờ đợi quyết định chiến hay hàng của vị Tiểu Khu Trưởng, tôi thấy nó dài lê thê làm sao ấy. Hơn hai giờ chiều Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng trở về đơn vị với gương mặt buồn thảm. Xuống khỏi xe, ông đưa mắt nhìn nhóm sĩ quan đang đứng đợi ông trước phòng Trực, rồi quay đầu lặng lẽ bước đi. Chẳng ai bảo ai, sĩ quan các cấp đồng loạt bước theo sau ông tiến vào văn phòng. Vừa ngồi xuống ghế, Đại úy Chinh lên tiếng hỏi ngay:
- Có lệnh gì mới chưa thưa Thiếu tá"
- Đại tá Tỉnh Trưởng quyết định bàn giao rồi. Thế là hết!
Đại úy Chinh bực tức chửi thề:
- Đm, thật không còn cái nhục nào bằng cái nhục này!
Ngoài câu phát biểu ấy ra, mọi người chẳng ai nói với nhau lời nào. Tôi ngồi bất động như sợ mọi sự di chuyển thân người sẽ làm đau đớn thêm vết thương nước mất nhà tan. Một lát sau Thiếu tá Thanh ngẩng đầu lên nói:
- Thôi, anh Chinh ra cho đánh kẻng tập họp đơn vị để tôi báo tin cho anh em biết.
Khi lệnh bàn giao chính quyền truyền ra, nhiều anh em ôm mặt khóc nức nở. Họ bảo sao còn đầy đủ súng đạn lại phải đầu hàng" Chẳng còn lời nào để diễn tả, để an ủi cho nhau vì mọi người nếu không khóc ngoài mặt cũng đang khóc trong lòng. Binh Nhất Hoàng, trong nghẹn ngào kể lể với tôi:
- Nhục quá Trung úy ơi, buổi trưa về nhà ăn cơm, gặp mặt mấy đứa con gái trong xóm, nó bảo em: "cởi bộ đồ lính ra đi, tổng thống hàng rồi, tụi em cho mấy bộ đồ đen mà mặc". Biết tụi nó nói chơi, chớ dân mình mấy ai ưa Cộng Sản. Giờ mà được lệnh đánh, dù có chết em cũng đánh tới cùng.
Ai cũng đau khổ cho phận nước, cũng buồn cho phận mình. Thiếu tá Thanh vẫn một mình trong văn phòng. Tôi bước vào, ngồi xuống ghế mà chẳng biết nói lời gì. Trong văn phòng ông hôm nay, mọi vật đều buồn thảm như cùng mang một cái tang chung. Nhìn lên khuôn hình treo bằng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương trên vách, tôi buột miệng nói:
- Sao Thiếu tá không gỡ cất cái Bảo Quốc đi, để nó đấy, chỉ gây thêm phiền phức cho Thiếu tá thôi.
Không hiểu người Đơn Vị Trưởng có nghe tôi nói gì hay không, ông vẫn ngồi bất động. Một lúc sau ông ngước mắt lên nhìn tấm Huân Chương chép miệng thở dài:
- Cả một đời binh nghiệp, tôi mới có nó.
Ông chỉ nói thế rồi lặng im, không đả động gì đến lời tôi đề nghị. Tôi lại hỏi ông:
- Thiếu tá thấy Việt Cộng đã vào trong tỉnh chưa"
- Chưa có ai cả.
Tôi lí nhí trong miệng:
- Xin phép Thiếu tá cho tôi về qua nhà một lát.
Ông khẽ gật đầu.
*
Mấy tiếng đồng hồ sau khi lệnh đầu hàng của Tướng Minh ban ra, con đường chính dẫn vào tỉnh Bạc Liêu vắng vẻ đến lạnh người. Hai bên nhà cửa đều khép kín, lâu lâu mới thấy một cánh hé mở, để lộ ra những khuôn mặt sợ hãi, lấm lét dò xét sự thay đổi bên ngoài. Tôi muốn nhìn rõ bộ mặt phố phường mà đơn vị tôi dày công bảo vệ một lần cuối. Tôi cho xe chạy một vòng quanh phố trước khi về nhà. Ngang qua Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tôi thấy chiếc cổng ra vào thường ngày luôn khép kín, giờ đã mở toang. Chẳng còn một binh sĩ nào ngồi trên các vọng gác. Phố xá Bạc Liêu như lịm chết, tĩnh mịch, hoang vắng. Không một hàng quán nào còn mở cửa, không một sự mua bán nào được đổi trao. Tôi chợt nhận ra mình đang lái xe chậm rãi như đi ngắm cảnh. Dường như tôi lo sợ tiếng máy nổ lớn sẽ gây kinh hoàng cho mọi người.
Về đến nhà, chưa kịp tắt máy xe, vợ tôi đã bước vội ra cửa ôm chầm lấy tôi. Sau khi nghe tôi kể tình hình trong đơn vị xong, với cái nhìn vô tư vợ tôi nói:
- Em sợ chiến tranh quá rồi, hết đánh nhau, em không còn lo anh bị chết vì súng đạn nữa, em có phải đi làm nuôi anh cũng được.
Tôi quả không ngờ vợ tôi lại nói như vậy, nhưng chắc đó cũng là lối suy nghĩ của hầu hết người dân Miền Nam chân chất, chưa từng có kinh nghiệm sống với người Cộng Sản. Tôi phải nói gì với vợ tôi đây" Tôi không dám nghĩ dông dài, cứ để những lời từ trong đáy lòng tôi tự nhiên phát ra:
- Em đừng mừng vội, kể từ hôm nay, chắc anh không còn lo gì cho em được nữa đâu. Họ đối xử với anh ra sao, anh cũng không đoán nổi. Anh chỉ biết: mình khó có thể yên thân sống dưới chế độ của họ được!
Như không mấy tin tưởng vào lời tôi nói, nhà tôi trách:
- Anh nói gì mà nghe ghê quá vậy.
- Anh mong đừng ghê như vậy, nhưng em cũng phải sửa soạn để từ đây tự lo liệu mọi việc một mình. Anh tạt về nhà chốc lát cho em an tâm, giờ anh phải trở vào đơn vị.
- Ăn chút cơm rồi hãy đi anh, lúc ông Minh tuyên bố đầu hàng, em chạy ra chợ quơ đại vài thứ cần thiết, sợ ngày mai không có họp chợ. Người buôn kẻ bán đều sợ hãi, lo thu dọn để mau về nhà.
Tôi đâu còn bụng dạ nào để ăn với uống, nên vội khước từ:
- Thôi, anh ăn trong Tiểu Đoàn rồi, anh phải đi ngay bây giờ.
Tôi đứng lên lấy chiếc nón sắt đội lên đầu bước vội ra cửa, vợ tôi hỏi với theo:
- Tối nay anh có về không"
- Tối nay anh ngủ trong đơn vị.
(còn tiếp)