Hôm nay,  

Cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh

07/10/200800:00:00(Xem: 13020)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

Vũ Linh

 

...Cộng sản quốc hữu hóa là cướp tài sản tư nhân. Nhà Nước Mỹ quốc hữu hoá là cõng hàng trăm tỷ nợ xấu của hai công ty tư...

 

Mấy tuần qua, cả nước Mỹ xôn xao vì cuộc khủng hoảng tài chánh. Thị trường chứng khoán New York rối loạn, trồi lên tuột xuống bất tử. Khung cảnh chính trị cũng rối loạn khi tổng thống Cộng Hòa được dân biểu Dân Chủ ủng hộ và bị phe ta chống mạnh. Ông ứng viên phó Biden chống, liền bị ông ứng viên chánh Obama sửa lưng. Có người la hoảng “Bush áp đặt kinh tế chỉ huy  theo xã hội chủ nghĩa” rồi! Hết tổng thống đến ứng viên tổng thống, dân biểu, nghị sĩ, chuyên gia thật, chuyên gia giả, thay nhau lên tiếng trên truyền hình và báo chí, mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy hiểu. Để rồi cuối cùng, thiên hạ … chẳng ai hiểu chuyện gì đang xẩy ra hết!

 

Có cảm tưởng như thiên hạ đang nói chuyện với nhau bằng tiếng… Mông Cổ.

 

Nay ta hãy thử nhìn lại toàn bộ vấn đề và diễn giải… bằng tiếng Việt để cùng nhau hiểu rõ hơn một vấn đề liên hệ trực tiếp đến chúng ta. 

 

NGUYÊN NHÂN XA

 

Điều hiển nhiên không ai thắc mắc là cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay chỉ là hậu thân của cuộc khủng hoảng gia cư. Do đó, chúng ta cần coi lại cuộc khủng hoảng gia cư.

 

Năm 1977 là năm thứ hai của TT Jimmy Carter. Ông Carter này là người rất hiền lành, sinh ra để làm mục sư, nhưng vì một tai nạn của lịch sử, trở thành tổng thống. Ông đặt mọi chính sách của ông trên hai nền tảng: về kinh tế, nâng đỡ dân nghèo, nhất là dân da màu; về chính trị, bảo vệ nhân quyền trong nước cũng như ngoài nước.

 

Năm đó, ông ban hành luật mới lấy tên là Community Reinvestment Act, viết tắt là CRA (dịch nôm na là Luật Tái Đầu Tư Cộng Đồng), với hai điểm chính.

 

Thứ nhất là các giới chức  địa phương -tiểu bang, quận hạt, thành phố- được khuyến khích bỏ tiền xây dựng cơ sở thương mại, kỹ nghệ trong các trung tâm thành phố lớn, là khu vực tiêu điều, với đa số là dân da đen nghèo, với sự tài trợ dễ dãi của các ngân hàng. Thứ nhì là các ngân hàng bị bắt buộc phải có một số tối thiểu tỷ lệ tiền cho vay trong các khu này, không cần biết những món nợ này có đúng tiêu chuẩn tín dụng hay không.

 

Kể từ đó, việc cho dân thiểu số vay mượn bắt đầu được giải tỏa dần cho dễ dàng hơn.

 

Và số lượng nợ mua nhà tăng vọt. Trong ba năm từ 1977 đến 1980, tổng số nợ này tăng 80% từ 700 tỷ lên tới 1.200 tỷ. Các ngân hàng đổ xô cho vay cũng vì lãi xuất dưới thời Carter tăng lên mức kỷ lục, chỉ thấy được ở các nước chậm tiến: hơn 20%.

 

Tổng thống Dân Chủ Carter khơi mào ra cơn sốt địa ốc lớn nhất từ thời 1929-30. Thị trường địa ốc kẹt cứng vì nhà quá nhiều nên mất giá, y như bây giờ, nhưng nghiêm trọng hơn nhiều. Hơn 3.000 ngân hàng địa ốc (thời đó gọi là Savings & Loans Associations) xập tiệm. Nhà Nước Mỹ thành lập một quỹ tín thác (Resolution Trust) đặc biệt, bỏ cả trăm tỷ ra mua lại các nợ xấu của các ngân hàng. Ngày 19 tháng 10, 1987, thị trường chứng khoán New York trong một ngày rớt 20% (gấp ba lần ngày 29/9 vừa qua).

 

Năm 1993, lịch sử tái diễn, với tổng thống Dân Chủ Bill Clinton. Ông hợp tác cùng với dân biểu Dân Chủ Barney Frank, chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh Hạ Viện, và thượng nghị sĩ Dân Chủ Christopher Dodd, chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, ra một loạt luật mở rộng quyền hạn của Fannie Mae và Freddie Mac, để dễ dàng hoá hơn nữa việc cho dân nghèo và thiểu số vay tiền mua nhà.

 

Fannie Mae (FNMA) và Freddie Mac (FHLMC)

 

Đây là tên viết tắt của hai công ty tài chánh được thành lập bởi chính phủ Mỹ từ rất lâu rồi, để tái tài trợ các khoản tín dụng gia cư, nôm na là nợ mua nhà.

 

Ví dụ, quý vị muốn mua nhà trị giá 500.000 đô. Dĩ nhiên ít ai có đủ số tiền mặt này để trả hết một lúc. Do đó, phải đi vay tiền nhà băng. Ngân hàng đòi 10% tiền mặt nộp ngay (down payment), tức là 50.000, và họ cho quý vị vay 450.000, trả trong vòng 30 năm.

 

Quý vị có thể nhìn thấy ngay sự thất cân bằng. Ngân hàng phải đưa ngay cho quý vị gần nửa triệu nhưng chỉ thu về được trong ba chục năm. Tiếp tục kiểu này thì chẳng mấy chốc ngân hàng sẽ cạn tiền mặt và không còn tiếp tục cho vay mượn được nữa.

 

Thành ra, các ngân hàng phải đi “bán” cái giấy nợ dài hạn 450.000 đô này lại cho các nhà đầu tư tư nhân, hay một ngân hàng khác để lấy tiền mặt hầu có thể tiếp tục cho vay. Fannie Mae và Freddie Mac là hai công ty tài chánh được Nhà Nước thành lập với mục đích mua lại giấy nợ dài hạn này, để cấp tiền mặt cho các ngân hàng tiếp tục cho vay.

 

Dưới thời Clinton, hai công ty này bành trướng hết sức mau chóng, giúp cho khối tín dụng gia cư lớn mạnh rất mau. Cơn sốt địa ốc thứ hai -cũng do một TT Dân Chủ gây ra- bắt đầu.

 

Giấy Nợ Có Cầm Thế - CDO; và Nợ Thứ Cấp - Subprime Loans

 

Thập niên 90 cũng là lúc giới tài chánh Mỹ “phát minh” ra được một loạt các dụng cụ đầu tư mới. Tiêu biểu là cái họ gọi là Collateralized Debt Obligations, CDO, tức là giấy nợ có cầm thế.

 

Các ngân hàng cần bán các giấy nợ dài hạn để có tiền mặt như trên đã nói. Nhưng nếu bán các giấy nợ mua nhà riêng rẽ từng cái thì dĩ nhiên các nhà đầu tư sẽ chỉ mua loại giấy nợ tốt, kiểu như được cầm thế bằng nhà tốt, dễ bán, của các người đi vay có thành tích trả nợ tốt… Không ai mua những giấy nợ của mấy căn nhà lụp xụp, trong khu không tốt, với người vay mượn là người không có công ăn việc làm ổn định, hay lương thấp …

 

Bây giờ, các chuyên gia tài chánh nghĩ ra cách gom một lô mấy giấy nợ đó lại như trộn chấu, nợ tốt nợ xấu lẫn lộn và bán từng lô. Thế là tìm được cách bán rất nhiều nợ, kể cả nợ xấu. Cũng có nghĩa là các ngân hàng có thể cho vay nợ xấu nhiều hơn! Các ngân hàng ngày càng dễ dãi hơn trong việc cho vay mượn tiền mua nhà. Từ 20% down xuống đến 10%, 5%, và 0% down luôn. Từ bắt buộc phải có việc làm lương cao đến không cần việc làm. Ai cũng mượn tiền mua nhà được nên từ đó xuất hiện loại nợ thứ cấp - subprime loans.

 

Các công ty xây cất nhà không kịp thở.

 

Các ngân hàng nhẩy nhỏm vui sướng vì tiền lời tràn vào ào ào. Giới đầu tư trên khắp thế giới cũng nhẩy vào ăn có. Âu Châu, Á Châu và ngay cả các bác Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng động lòng tham, mua cả trăm tỷ CDO Mỹ. Cơn sốt địa ốc tăng độ mau chóng.

 

Qua thời tổng thống Bush, sự phát triển này được đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, từ đầu năm 2001 rồi năm 2003, 2004, Chính quyền ông nhiều lần cảnh giác cơn sốt địa ốc có vẻ tuột ra khỏi vòng kiểm soát của Nhà Nước, và đề nghị coi lại hệ thống kiểm tra ngân hàng để giải nhiệt cơn sốt.

 

Một cuộc thanh tra Fannie Mae năm 2006 cho thấy lợi tức của công ty trong năm năm dưới quyền tổng giám đốc Franklin Raines (1998-2003) đã được phóng đại lên hơn chín tỷ, giúp cho ông lãnh lương và tiền thưởng hơn 90 triệu trong năm năm. Ông Raines là một tài phiệt da đen được TT Clinton bổ nhiệm sau khi làm Tổng giám đốc Ngân sách, và hiện là cố vấn tài chánh cho ứng viên Dân Chủ Obama.

 

Sau khi chuyện ông Raines cạo sửa sổ sách bị khui (trong hàng loạt 101 hồ sơ tai tiếng bị đem ra toà năm 2004), TNS John McCain lên tiếng kêu gọi cứu xét lại tình hình, và xiết chặt hơn các công ty Fannie Mae và Freddie Mac.

 

Nhưng hai ông Bush và McCain bị phe Dân Chủ, cầm đầu bởi DB Frank và TNS Dodd chống đối với sự hậu thuẫn của tân thượng nghị sĩ Barack Obama, và tố ngay là hai ông có mưu đồ ngăn cản người nghèo và dân da đen mua nhà. Thế là hai ông phải im. Dân Chủ lúc này đang kiểm soát cả hạ viện lẫn thượng viện. Hơn thế nữa, trong danh sách các nghị sĩ nhận tiền yểm trợ của Fannie Mae, được nhiều nhất là NS Dodd, và đứng hạng nhì là tân NS Obama - hơn 126 ngàn - trong số 100 Nghị sĩ. NS McCain được yểm trợ 21.550 đồng).

 

Điều ngoắt ngoéo là hai cơ sở này là của tư nhân nên chủ đầu tư và quản trị viên kiếm tiền bộn nhờ được miễn thuế liên bang và tiểu bang, lại thi hành nhiệm vụ "cứu dân độ thế" của chính quyền nên được hưởng lãi suất thấp và cho vay mà không cần giữ tỷ lệ an toàn so với tài sản. Thực tế là cho vay gấp ba chục lần vì thương vụ càng cao các doanh gia càng có lợi nên họ càng tung tiền mua chuộc Quốc hội để khỏi tuân thủ các tiêu chuẩn dự phòng cần thiết.

 

NGUYÊN NHÂN GẦN

 

Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Tình trạng dân chúng đi vay mượn bừa bãi, và ngân hàng cho vay cẩu thả, đưa đến khủng hoảng như ta đã biết.

 

Nợ thứ cấp được tung ra với lãi suất rất thấp nhưng kích lên rất nhanh, đã trở thành gánh nặng làm nhiều gia đình liều lĩnh cáng đáng không nổi nữa. Họ bắt đầu bán nhà, bán không nổi thì trả lại cho ngân hàng, hay bị sai áp hàng loạt. Trong khi nhà mới vẫn được xây ào ào. Đưa đến tình trạng thừa mứa quá mức. Nhà ứ đọng bán không được, mất giá mau chóng.

 

Cuộc khủng hoảng địa ốc đưa đến cảnh các ngân hàng tràn ngập nợ xấu. Nợ xấu trực tiếp do chính ngân hàng cho vay cẩu thả, và nợ xấu gián tiếp qua các CDO mua từ các ngân hàng khác. Lỗ lã lên đến bạc tỷ. Xập tiệm hàng loạt.

 

Ngay cả Fannie Mae và Freddie Mac cũng xập tiệm, bị quốc hữu hóa.

 

Ở đây cần phải nhìn rõ, quốc hữu hóa này không phải quốc hữu hoá kiểu cộng sản. Cộng sản quốc hữu hóa là cướp tài sản của tư nhân. Nhà Nước Mỹ quốc hữu hoá là cõng hàng trăm tỷ nợ xấu của hai công ty tư.

 

Cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay

 

Vì quá nhiều nợ xấu, các ngân hàng bắt đầu xiết tín dụng, không cho vay nữa hoặc cho vay với những  điều kiện khó khăn.

 

Trong giao dịch bình thường, chính các ngân hàng cũng phải vay lẫn nhau, mượn nợ từng ngày, từng tuần, từng tháng… tùy nhu cầu, trên thị trường tiền tệ ngắn hạn. Bây giờ chính các ngân hàng không dám cho vay lẫn nhau nữa vì không biết ngân hàng nào sẽ xập tiệm lúc nào.

 

Tiền mặt kẹt cứng, không có tiền cho vay mua nhà đã đành, mà nguy hiểm hơn nữa, cũng  không có tiền cho vay làm thương mại luôn. Kinh tế Mỹ sống nhờ tiền vay mượn. Doanh gia Mỹ không vay được tiền thì bi-dzi-nét chết cứng. Sẽ đưa đến tình trạng kinh tế suy giảm, suy thoái, rồi suy xụp luôn. Rồi thất nghiệp sẽ tràn lan.

 

Kiểm điểm lại tình hình xem lỗi tại ai thì ta sẽ thấy ngay lỗi tại… tất cả mọi người.

 

Từ chính sách mỵ dân của các TT Carter, Clinton đến sự thụ động hay bất lực của TT Bush, từ dân biểu nghị sĩ đến công chức kiểm tra ngân hàng, từ Fannie Mae đến Freddie Mac, từ nhà băng Mỹ đến tư bản đỏ Tàu, từ mấy anh loan officers đến các ông chuyên gia bán nhà, từ tỷ phú Warren Buffet mua quá nhiều CDO đến anh ty" nạn vung tay quá trán. Không ai không có trách nhiệm. Sarah Palin là người duy nhất trong hai liên danh ứng cử Tổng thống dám nói ra sự thật vỡ lòng cho quần chúng Mỹ (trong cuộc tranh luận với Nghị sĩ Joe Biden tối Thứ Năm tuần qua: chỉ có khả năng mua nhà 100 ngàn mà ham nhà 300 ngàn rồi để bị bọn người tham lam dụ dỗ.

 

Nhưng quá trễ!

 

Dự luật 700 tỷ cứu nguy kinh tế

 

Các nhà lãnh đạo chính trị không còn làm ngơ được nữa. Phải hành động. Phải tung tiền ra cho các ngân hàng để họ tiếp tục cho vay, tránh khủng hoảng kinh tế. Kế hoạch 700 tỷ ra đời.

 

Chi tiết chương trình bẩy trăm tỷ Nhà Nước bỏ ra chưa rõ ràng lắm, và chúng ta cũng không phải chuyên gia có khả năng nghiên cứu những chi tiết đó. Chỉ cần biết đại cương chính phủ Mỹ sẽ bỏ tiền ra mua hàng loạt các CDO đã bàn ở trên, để giúp các ngân hàng có tiền mặt tiếp tục cho vay. Chính phủ giữ những CDO đó trong một thời gian, đến khi tình hình ổn định, sẽ bán trở lại. 700 tỷ là con số tối đa trị giá các CDO Nhà Nước có thể mua. Cũng có thể mua ít hơn. Sau đó khi bán lại, có thể sẽ lỗ, nhưng sẽ không mất hết cả 700 tỷ. Trái lại có nhiều hy vọng lúc đó giá nhà cửa cũng đã lên lại, Nhà Nước khi bán lại có thể có lời cả mấy trăm tỷ không chừng.

 

Đây là một kế hoạch cứu nguy cả nền kinh tế, bằng cách bơm bẩy trăm tỷ tiền mặt vào thị trường, qua trung gian các ngân hàng để các ngân hàng có tiền mặt tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay mượn của dân chúng, tư nhân cũng như các công ty, tránh được suy xụp kinh tế và thất nghiệp toàn diện. Không phải là kế hoạch cứu giúp tài phiệt.

 

Nhưng không ai chịu giải thích rõ ràng cho dân chúng. Dân chúng có cảm tưởng Nhà Nước sẽ lấy bẩy trăm tiền thuế họ đóng để giúp các ngân hàng và tài phiệt khỏi mất tiền, mà không ai cứu những người mua nhà thấp cổ bé họng đang kẹt không trả nợ được. Dân chúng nghe phong phanh như vậy nên chống đối mạnh. Chỉ có chưa tới 30% dân Mỹ ủng hộ.

 

Yếu tố chính trị

 

Bây giờ cũng là mùa tranh cử.

 

Mà kế hoạch được đưa ra quá gấp rút. Chính quyền của TT Bush quá ỷ y vào hậu thuẫn tất nhiên của dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa nên chẳng thèm tham khảo họ, chỉ cần sự đồng ý của các lãnh tụ Dân Chủ. Mấy vị này cũng mắc bệnh tương tự, tin tất cả các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ sẽ nghe khuyến cáo của họ. Và quan trọng hơn cả, các vị dân cử đều gấp rút muốn bỏ phiếu cho xong để còn kịp về địa phương tranh cử cho cuộc bầu tháng Mười Một tới đây.

 

Các vị dân biểu đều ngửi thấy mùi khét, và bất chấp nhu cầu sinh tử của biện pháp cứu nguy, cũng như bất chấp khuyến cáo của cấp lãnh đạo cả hai đảng, đa số bỏ phiếu chống đạo luật cứu nguy tài chánh ngày 29 tháng 9. Các vị dân cử chẳng ai hiểu chuyện kinh tế tài chánh, chỉ bỏ phiếu theo “ý dân” để hy vọng tái đắc cử lại.

 

Cả hai ứng viên tổng thống McCain và Obama đều lên tiếng chấp nhận kế hoạch này với sự dè dặt. Cả hai đều khoe có công sửa đổi kế hoạch trong khi chê bai ông kia chẳng làm gì. Cả hai đều kêu gọi các đồng nghiệp phe mình ủng hộ đạo luật mới. Và cả hai đều thất bại.

 

TT Bush hai lần lên truyền hình kêu gọi, một lần họp "thượng đỉnh" giữa Hành pháp là lãnh đạo lưỡng đảng và một lần qua đài phát thanh trong chương trình hàng tuần ngày Thứ Bảy. Vô hiệu.

 

Tất cả cấp lãnh đạo cả hai đảng đều thất bại. Chỉ vì đạo luật được đưa ra quá gấp gáp, thiếu chuẩn bị, thiếu thông tin và giải thích cho dân chúng, để dân chúng vẫn chống mạnh mẽ.

 

Sau khi luật mới bị bác, thị trường chứng khoán New York rớt ngay tức thì gần 780 điểm. Tuy chỉ là 8%, nhưng diễn giải bằng tiền, kinh tế Mỹ đã mất 1.200 tỷ đô trong sáu tiếng đồng hồ, trong khi dầu thô lên giá 25 đồng một thùng!

 

Các vị dân cử té ngửa, không ngờ tác dụng khủng khiếp như vậy.

 

Sau khi bị Hạ Viện bác, dự luật được đưa qua Thượng Viện và hai ngày sau, 1 tháng 10, được hấp tấp thông qua. Khi TT Bush đưa qua quốc hội thì dự luật chỉ vỏn vẹn có 3 trang, khi bị Hạ viện bác thì có 110 trang, khi Thượng Viện phê chuẩn thì đã thành 450 trang! Trong đó có cả trăm… “viên kẹo bọc đường” được chuẩn chi để đổi chác, lấy phiếu thuận của các thượng nghị sĩ. Chẳng hạn như “cục kẹo” 128 triệu đô để xây một sân đua xe hơi, hay “cục kẹo” 6 triệu đô cho một hãng làm cung tên bằng gỗ cho con nít bắn chơi. Tổng cộng sơ sơ hơn một trăm tỷ tiền kẹo vớ vẩn đính kèm theo bẩy trăm tỷ cứu nguy kinh tế. Đúng truyền thống dân chủ kiểu Mỹ.

 

Hạ Viện cũng khẩn cấp xét lại, và bỏ phiếu thuận hai ngày sau, 3 tháng 10.

 

Cuộc khủng hoảng đảo lộn mọi dự đoán về cuộc bầu cử tổng thống tới. Không ai còn biết dân chúng sẽ bỏ phiếu thế nào nữa, mà chỉ biết cả hai ứng viên McCain và Obama đều chứng minh cho thế giới thấy mình cũng đều mù mờ và bất lực như nhau trong cuộc khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng này.

 

Nhưng ông McCain có vẻ bị thiệt hại nặng hơn. Ông gián đoạn cuộc vận động tranh cử, khua chiêng gõ trống rầm rộ là sẽ về Hoa Thịnh Đốn để giúp giải quyết khủng hoảng. Từ Thủ đô, ông gọi điện thoại tứ tung để vận động mà chẳng đi đến đâu. Bị coi là hồ đồ và bất lực. Trong khi đó, ông Obama không biết phải làm gì nên chần chờ. Cũng chẳng làm được gì, mà lại được coi là cẩn trọng suy nghĩ. Hay ít ra thì đó cũng là lập luận của giới truyền thông ủng hộ Obama.

 

Cho đến bây giờ, các thăm dò dư luận cho thấy ông McCain đã bị ông Obama lấn nước khắp nơi, có thể thua đậm nếu không tìm được cách cứu vãn tình thế.

 

Ảnh hưởng đối với dân tỵ nạn

 

Một cách trực tiếp, dự luật 700 tỷ chỉ có tác dụng tối thiểu đến chúng ta qua hai điểm:

 

- Tiền trong ngân hàng của chúng ta được Nhà Nước bảo đảm an toàn. Trước đây là 100.000 đô, bây giờ là 250.000 đô mỗi trương mục (không phải mỗi người hay mỗi gia đình). Thực tế chẳng có bao nhiêu dân tỵ nạn có tới 100.000 trong trương mục, tuy một số cơ sở kinh doanh có thể có nhiều hơn. Nếu có nhiều hơn thì tốt nhất là chia tiền ra nhiều ngân hàng.

 

- Những người có nợ mua nhà gặp khó khăn thì có nhiều hy vọng nợ xấu đó sẽ được bán cho Nhà Nước, và Nhà Nước sẽ dễ dãi hơn ngân hàng, cố dàn xếp thay đổi điều kiện vay mượn để ta dễ thở hơn một chút.

 

Ngoài ra, thị trường tuột dù dĩ nhiên sẽ có hại lớn cho những người sở hữu chứng khoán. Cũng sẽ gây thiệt hại cho những người có tiền tiết kiệm, lương hưu, bảo hiểm nhân thọ, hay niên kim (annuities) không nhất định, tăng giảm theo thị trường. Những người lớn tuổi mất tiền này sẽ khó kiếm lại hơn những người còn trẻ đang đi làm.

 

Ngược lại, nếu dự luật cứu nguy không được thông qua, có nhiều hy vọng kinh tế sẽ suy xụp toàn diện và tất cả chúng ta đều sẽ… bị thương nặng. Mất việc, mất tiền đầu tư, tiền hưu…

 

Tin không vui là đạo luật 700 tỷ này chỉ mới là món ăn khai vị hay liều thuốc cầm máu. Sẽ còn cần nhiều biện pháp nữa. Cũng chẳng ai biết 700 tỷ đủ chưa. Nghe thì thấy nhiều lắm, nhưng cũng chỉ bằng hai lần khối tín dụng của một ngân hàng Washington Mutual thôi.

 

Tin mừng là cuối cùng rồi thì thị trường cũng sẽ hồi sinh. Sớm nếu các chính trị gia có thể gạt chính trị qua một bên để giải quyết vấn đề. Muộn hơn nếu các vị này, kể cả hai ứng viên tổng thống, vẫn còn coi vấn đề bầu cử của họ quan trọng hơn quyền lợi kinh tế của cả nước (5-10-08).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.