Châu Đại Hưng, người ở Bành Đức tỉnh Hà Nam, nổi tiếng là giàu có nhưng chẳng chịu giúp ai, nên thân thuộc hai bên chẳng bao giờ lui tới. Đã vậy còn nói với đám con của mình rằng:
- Thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ. Cuộc sống chẳng đặng là bao, thì sao mình phải bận tâm về người ta như thế"
Đối xử đã là vậy, còn cái ăn cái mặc lại càng tệ hơn, bởi trong bếp chẳng bao giờ có cá thịt. Đám con có hỏi, lại thơn thớt đáp:
- Thực phẩm cho gia súc thường có nhiều hóa chất. Ta ăn thịt cho lắm vào, thì bệnh tật nẩy sinh. Ắt sẽ về với ông bà trong sớm tối!
Đám con nhao nhao nói:
- Rau luộc đá dài dài, thì chẳng những da mặt xanh xao, mà sức khỏe cũng nhào lăn đi xuống.
Vợ của Hưng là Đoàn thị, nghe con nói mà đứt ruột đứt gan, nhưng nhớ tới mình về làm dâu nhà họ Châu là để xóa nợ cho mẹ cha từ bao tháng trước, nên có miệng như câm. Tuyệt chẳng dám hó hé chút nào hết cả, nhưng khi nhìn thấy vẻ tội nghiệp hiện tràn trên nét mặt của con, lòng không chịu được, bèn bạo gan nói:
- Giàu của giàu tiền, cũng không bằng sức khỏe đủ dư. Vậy sao không thêm chút cho đời con sung sướng"
Hưng cau mặt gắt:
- Hãy đi ra đầu làng, ở đó bao nhiêu người không đủ cái ăn, không nhiều cái mặc, thậm chí chỗ ngã lưng cũng nằm mơ chưa thấy. Còn đám con nhà này, tuy rằng rau cháo xoay tua, nhưng hết hạ sang thu vẫn no hoài no tới.
Mà nói nào ngay chớ Đại Hưng đối với vợ con kỹ tính là vậy, nhưng đối với con gái hợp nhãn thì tiêu xài không tiếc. Thường tự nhủ với thân:
- Trai tài gái sắc. Mình đã có tài mà thiếu sắc bên cạnh, thì trước là ăn chẳng đặng ngon, sau hổng biết ở cõi dương gian mần chi nữa!
Một hôm, Hưng trên đường ra chợ huyện, bắt gặp Trương Ngãi là tá điền ngày trước của mình đang ngồi xe song mã, bèn hết sức ngạc nhiên. Trố mắt nói:
- Mới ngày nào còn một nắng hai sương, mà nay lại đường đường lẫm liệt, tướng mạo oai phong. Thiệt khiến cho… chủ xưa không nén được điều thắc mắc.
Trương Ngãi cười cười đáp:
- Nghèo khổ không quan trọng, mất ý chí mới là quan trọng. Đệ không mất ý chí. Chỉ có vậy thôi.
Đại Hưng lại hỏi:
- Ý chí chưa quan trọng. Thực hiện ý chí thế nào mới là quan trọng. Có thể đôi lời cho thấu rõ được chăng"
Ngãi gật gù đáp:
- Thiểm Tây đang phát triển, lại rất nhiều mỹ nhân. Đệ đến đó để bán hàng mỹ phẩm. Mới đầu làm sáu ngày, sau bảy ngày, bây giờ mà có ngày thứ… tám thì cũng hết dạ chơi luôn, để tiền vô cho mát.
Đại Hưng nghe đến chữ mỹ nhân, thì hởi lòng hởi dạ, nên quyết định đi Thiểm Tây, cho thỏa lòng ao ước. Lúc về đến nhà, Hưng gọi Đoàn thị vô thư phòng. Nghiêm mặt nói:
- Mình kiếm tiền, chớ tiền không có kiếm mình. Còn trẻ mà không lo kiếm. Già hối kịp hay sao"
Đoàn thị đực mặt đáp:
- Chàng cả đời coi đá gà, ăn cũng còn chưa hết, thì cần gì phải khổ cực tấm thân, lao vào nơi sương gió"
Đại Hưng lớn giọng gắt:
- Nếu ta không cố gắng. Lỡ bị thằng nào qua mặt, thì còn sống được hay sao"
Đoàn thị thấy chồng phản ứng như vậy, biết là sắp vượt đèn đỏ, bèn mím chặt môi lại mà đi một lèo ra sau bếp. Mấy ngày sau, Đại Hưng đến Thiểm tây, thuê nhà để ở, rồi tối ấy tà tà thả bộ ra hồ Vọng Nguyệt mà chơi, bất chợt gặp một thiếu nữ đang thổn thức bên cành liễu, bèn động mối từ tâm. Bước tới nói:
- Nước mắt chảy ở chỗ thiên nhiên, thì không nói cũng biết… mang tâm sự đi trút cùng cây cỏ, mà cây cỏ thì không làm gì được. Sao chẳng trút vào đây"
Thiếu nữ thút thít đáp:
- Bèo nước gặp nhau. Đâu dám đem chuyện riêng tư quấy rầy người quân tử. Thà không gặp thì hơn.
Hưng nghe vậy, sợ sẽ lạc mất nhau, bèn mau mắn nói:
- Ta ở xa đến đây, có thuê nhà thuê cửa. Nếu nàng không cho ta là đường đột, thì trú tạm vài hôm, rồi mai này hãy tìm phương cách khác.
Thiếu nữ nức nỡ đáp:
- Không thân thích họ hàng. Không bà con thân thuộc, mà chơi đẹp thế ni. Thế mới biết cõi dương gian không cái gì là không có.
Rồi lủi thủi theo Hưng về nhà. Lúc đến nơi, Hưng lấy cây đèn hột vịt thắp lên, thời phát giác ra một nhan sắc không thể nào chê được, bèn lắp bắp nói:
- Nàng đi thi hoa hậu thì giá chót cũng phải là á hậu. Sao lại đêm tối bên cành liễu ủ dột mày ê, là nghĩa làm sao"
Thiếu nữ lấy tay vân vê mép bàn. Nhỏ nhẹ đáp:
- Thiếp là Bảo Hân, không phải người ở vùng này, nên phải dựa cành liễu là vì duyên cớ đó.
Hưng thấy người đã đẹp, mà câu chuyện có vẻ nên thơ, liền mau mắn nói:
- Nỗi sầu khi phát tán ra thì sẽ chia được một nửa. Chờ chi không tính"
Bảo Hân lặng lẽ đáp:
- Chàng đã mở lượng bao dung đưa thiếp về đây, thì hà tất phải dò xét thiếp làm gì" Cầm bằng như sợ liên lụy thì chàng hãy mở cửa ra, để thiếp tùy duyên mà tránh né.
Hưng! Từ nào tới giờ vốn yêu thích người đẹp. Nay người đẹp kề cận sát bên, lại ôm mang một trời tâm sự, khiến máu anh hùng bỗng từ đâu lấp ló, muốn đem thân mình hầu bảo bọc đời em, để sóng cả gió cao chẳng mần chi em được, liền tức tốc nói:
- Được! Được! Miễn hồ nàng vui lòng ở lại đây, thì ta quyết sẽ chăm sóc nàng cho tới bờ tới bến.
Rồi tự thân xuống bếp nấu nồi nước sôi, đoạn thò tay vào bọc lôi ra hai tô mì y tá, toan làm bữa ăn khuya. Chợt nghe Hân nhỏ giọng nói rằng:
- Thiếp từ nào tới giờ chỉ ăn gạo nàng hương. Tim gà hay bóng cá, rồi yến sào hay bò vịt dạm vô, mới là ăn được. Nay chàng đưa thiếp về đây, mà chỉ có tô mì tráng bụng, thì trước là chẳng đặng ăn, sau đói khát sẽ làm cho mau thác!
Đoạn, nhìn thẳng vào mắt của Đại Hưng. Mạnh miệng nói rằng:
- Chàng đứng tên thuê nhà. Thiếp chết trong nhà của chàng thuê, thì cửa công nha mần răng chàng thoát được"
Đại Hưng từ lúc nghe người đẹp ưng thuận về nhà trọ với mình, lòng vô cùng sung sướng, nên vừa đi vừa nghĩ: "Nếu một chút nữa nàng hỏi ta đã có vợ chưa" Ta trả lời chưa thì nàng không tin được, bởi bảnh tỏn như ta thì làm sao mà chưa dính" Vậy ta phải trả lời là có, nhưng âm dương đôi đàng cách biệt, thì hậu vận mới thăng hoa. Mới dễ cho ta lái thuyền sang bến khác.". Nay bất chợt nghe nàng trả lời như vậy, bèn rúng động tâm can. Ú ớ nói:
- Ta giúp nàng qua hiểm nguy, mà nàng lại o ép người ơn như vậy. Thử nghĩ có nên chăng"
Bảo Hân từ tốn đáp:
- Được lòng người thì hưng thịnh. Mất lòng người thì bại vong. Chàng đưa thiếp vào nhà thì dễ, nhưng muốn đuổi thiếp ra thì khó. Vậy tùy ở nơi chàng. Muốn có ngày về với vợ con để mà… báo hiếu, thì tận tụy cúc cung. Chớ không thể chỉ có mì tôm như thế!
Đại Hưng! Mấy phút trước thì vui, mấy phút sau thì buồn. Lúc ấy mới hiểu ra chuyện may rủi hên xui khó mà lường trước được, khiến sắc mặt kém tươi, sầu lên búi tó, nhưng cũng ráng thì thào bảo dạ:
- Ngày mai ta gặp tài chủ rút ngày thuê lại, rồi lặng lẽ cuốn đi, thì bao rắc rối sẽ… à la bay biến!
Qua ngày mai, Đại Hưng đang ngồi ăn sáng với Bảo Hân, chợt có người đưa vào hóa đơn của hàng hiệu. Hưng sửng sốt nói:
- Ta mới đến nơi này. Chưa đặt chân tới tiệm của ngươi. Sao lại có thể lầm lẫn nhiều như thế"
Người ấy lấy tay chỉ vào Bảo Hân. Cung kính đáp:
- Tiện nhân chỉ làm theo ý muốn của phu nhân. Chớ thực ra chẳng sai sót chỗ nào hết cả.
Đại Hưng bực mình quay lại, toan giảng cho một bài, bất chợt thấy bộ phim Bao Công Kỳ Án nằm ở kế bên, bèn xua tay nói:
- Ta quên! Ta quên! Thiệt là vô ý!
Rồi ngồi phịch xuống mà thở. Hân lại nói:
- Nơi này cảnh đẹp. Phố phường đông vui. Thiếp đã gia hạn thời gian thuê thêm vài tháng nữa.
Hưng cảm như có ai táng một búa trên ngực mình. Trợn mắt nói:
- Nàng mỗi ngày phải uống sâm nhung, ăn đồ hải sản, trang phục hàng hiệu, rồi ca nhạc cải lương. Thử hỏi với sức ta làm sao mà chi phí"
Bao Hân từ tốn đáp:
- Tiền nào thì của đó. Chàng muốn có người đẹp kề bên, thì cung phụng hết ga dĩ nhiên là phải tính.
Hưng thấy cảnh đời đang bày ra trước mắt, lại nhớ đến câu: Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhân, nhân trả oán, mà rầu rầu trong dạ, rồi trong lúc đang buồn đau như thế, bất chợt nhớ tới Trương Ngãi liền vội chạy đến thăm, lại gặp lúc Trương Ngãi đang ngồi uống Gò đen với ba khía, liền sà vào mà nhậu. Được đâu vài vòng, chợt Ngãi nhướng mắt lên. Thảng thốt nói:
- Huynh đi xa nhà, mà không có vợ kèm theo, thì so với trúng số vẫn còn hơn mấy bậc. Sao lại không vui"
Đại Hưng nặng nhọc đáp:
- Những tai hại xảy đến cho đời người, thường là do việc giúp đỡ tha nhân - mà quên đi là phải giúp mình - nên cuồng nộ ai tai, mới ào vô tuôn đến!