Trong bữa tiệc thân hữu do Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức-Qld tổ chức, có một người phụ nữ nhỏ nhắn, với mái tóc muối tiêu cắt ngắn rất hợp thời trang, mang cặp kính cận gọng mỏng, ngồi bên cạnh tôi, nói chuyện vui vẻ và thân mật với những phụ nữ cùng bàn.
Người ngoài nhìn vào khó mà đoán được, người phụ nữ ăn mặc lịch sự và trang điểm thanh nhã này đã từng là một chiến sĩ tham gia chương trình Phượng Hoàng, đã bị cộng sản giam cầm và tra tấn trong mười năm, và lần đầu tiên cô tiếp xúc với các chị em phụ nữ tại Brisbane.
Đó chính là cô Nguyễn Thanh Nga, tác giả của Đoá Hồng Gai, đến từ Hoa Kỳ. Và Brisbane là chặng chót trong chuyến viếng thăm Uc châu để ra mắt tác phẩm Đoá Hồng Gai của cô.
Cùng đi với cô Thanh Nga là cô Tố Nga, một người bạn và cũng là một người chị tinh thần đã tình nguyện săn sóc cho cô. Vì những thương tật trong thời gian sống trong lao tù cộng sản, nên mỗi khi đi lại, cô Thanh Nga đều gặp khó khăn, phải nương tựa vào cô Tố Nga.
Sáng hôm nay thứ Bảy 03/05/08, tôi được ban tổ chức buổi ra mắt sách giao cho nhiệm vụ đưa cô Thanh Nga và Tố Nga đi làm tóc (vì người phụ nữ nào cũng thích làm đẹp, nhất là khi mình xuất hiện trước công chúng), ăn trưa, và nhân dịp tham quan khu thương mãi của người Việt tại Inala.
Khoảng 9 giờ 30, tôi đến motel để rước hai cô.
Đến trung tâm thương mãi Inala, nhiều đồng hương đi mua sắm đã vui mừng nhận ra người cựu tù nhân chính trị Nguyễn Thanh Nga và đã gật đầu chào, có người bước tới niềm nở hỏi thăm. Cô cũng hết sức vui vẻ và thân mật mời họ đến tham dự buổi ra mắt sách vào lúc 2 giờ trưa tại Hội trường SH Cao Niên.
Bước vào tiệm uốn tóc, cô chủ tiệm đã nhận ra cô Thanh Nga ngay, vì trên quày tính tiền của tiệm có dán tấm bích chương nói về buổi ra mắt sách Đoá Hồng Gai, trong đó có hình của tác giả.
Trong lúc đang làm tóc, một bà cụ bước đến ân cần cầm tay cô Thanh Nga và chuyện trò thân mật. Không rõ hai người nói gì với nhau, nhưng nhìn nét mặt bà cụ, tôi đoán là bà hết sức quan tâm đến cô Thanh Nga, và cô tỏ ý cám ơn bà cụ.
Chải tóc xong, khi trả tiền thì cô chủ tiệm lắc đầu và một mực nói: "Thôi cho em tặng hai cô đi, của ít lòng nhiều."
Ra khỏi tiệm uốn tóc đã gần 11 giờ, tôi và hai cô Thanh Nga và Tố Nga đi ăn trưa. Vừa bước vào nhà hàng thì cô chủ đã nói ngay: "Em mới vừa đọc báo thấy hình của cô thì nhìn lên thấy cô bước vô, thiệt là trùng hợp hết sức!"
Ăn uống xong, khi trả tiền thì cũng như cô chủ tiệm uốn tóc, cô chủ nhà hàng cũng nói: "Thôi tiền bạc gì, cho em đãi mấy cô một bữa đi."
Hành động của hai chủ thương nghiệp nói trên và cử chỉ của đồng hương ở Brisbane cho thấy họ quả thật mến thương Nguyễn Thanh Nga, một phụ nữ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước.