Chú Ba giũ giũ tờ báo, réo vợ:
- Mình ơi nghe nè, có ai đó gởi thơ vô tòa báo hỏi trong mục trả lời y học, hỏi như vầy "Tôi mới có con đầu lòng. Xin hỏi bác sĩ khi cháu nó lượm tàn thuốc lá bỏ vô miệng ăn thì nó thiếu chất gì." Mình có biết bác sĩ trả lời sao không"
Cô Ba đang xếp quần áo, không ngó lên mà hỏi:
- Trả lời sao"
Chú Ba cười khà, nói:
- Bác sĩ trả lời "Em bé thiếu một người theo săn sóc để không lượm tàn thuốc lá bỏ vô miệng ăn."
Cô Ba cũng cười, hỏi:
- Báo nào vậy mình" Báo Việt hay báo Mỹ"
- Báo Mỹ. Bác sĩ còn thòng thêm câu nói chung "Nếu con trẻ bị bịnh vì ăn những chất độc có hại đến tính mạng hoặc phải vô bịnh viện chữa trị, cha mẹ sẽ bị truy tố vì tội bỏ bê trẻ vị thành niên, có khi mất luôn quyền giữ con nữa đó"
Cô Ba nói:
- Nghĩa là con mình bị chính phủ bắt đi, đưa cho người khác giữ phải hôn mình" Nghĩ ở đây nhiều chuyện cũng khó khăn quá hà. Hồi còn nhỏ, em cở đâu bảy tám tuổi gì đó, Ba đi làm Má đi chợ em ở nhà coi chừng hai đứa em, như chơi. Gặp ở đây là phải có người coi chừng đàng hoàng à.
Chú Ba nói:
- Ừ. Vậy mà tới lớn, con cái đi làm có lương là mạnh ai nấy giữ tiền ai nấy xài há em.
Cô Ba nói:
- Bởi vậy mình biết tại sao em thích coi phim Đại Hàn rồi. Mới phim này nè, con trai đi làm về, tháng lương đầu để vô bao thơ đem về tặng mẹ, thấy thương hết sức vậy đó. Con cái chưa có gia đình thì vẫn ở nhà với cha mẹ chớ hổng phải như gia đình Mỹ, mười tám tuổi là muốn thoát ly.
Chú Ba cãi:
- Không phải đứa nào cũng muốn thóat ly đâu mình, nhiều gia đình mong con vừa đủ mười tám tuổi là biểu con dọn ra khỏi nhà, tự lập. Em thấy không như vậy cũng là quá sớm. Mười tám tuổi mà dọn tới nội trú trường đại học thì công nhận, còn mười tám tuổi mà thảy ra đời, chưa hiểu đời, dễ sa ngã, dễ bị cám dổ, nếu có việc làm thì cũng chưa phải là nghề chuyên môn, ham đi làm cho có tiền xài, làm tầm bậy tầm bạ, mười năm sau cũng chưa có nghề nghiệp chuyên môn, như vậy tuổi càng ngày càng lớn, hết mong trở lại trường.
Cô Ba đổi đề tài:
- Hôm qua đi bác sĩ xong đi chợ, em gặp ba người mẹ trẻ cho con bú sữa mẹ đó mình, thấy thương quá chừng. Hình như thời đại bây giờ đàn bà Mỹ cho con bú sữa mẹ nhiều hơn thời đại của mình đó. Thời ông bà cha mẹ mình thì đa số cho con bú sữa mẹ. Chuyện cho con bú sữa mẹ là điều khiến cho em hối hận và tiếc nhiều nhứt. Nhớ hồi sanh mấy đứa nhỏ, em ham trở lại làm việc vì cứ sợ mất việc làm, bỏ cho con bú sửa bình với bỏ vô vườn trẻ, nghĩ lại mà tội nghiệp hết sức. Lần đầu tiên con mình bước bước đi đầu tiên mình cũng không được chứng kiến, chỉ nghe người giữ nó nói lại thôi. Nghe người ta nói con bú sữa mẹ thì thương mẹ nhiều hơn, dễ dạy hơn, ít bị bịnh nữa.
Chú Ba cũng buông tờ báo xuống, đôi mắt xa xăm nhìn ra cửa sổ:
- Tuị nó lớn mau quá. Mới ngày nào… Nhớ hồi sanh thằng Hai, cô y tá đưa nó vô tay mình bồng, nhỏ xíu mềm èo đỏ hỏn… da thịt thơm thơm… nhớ hồi sanh con Ba, cũng cô y tá giao cho anh, thấy thương hết sức. Mới sanh chưa tới hai tiếng đồng hồ mà hai con mắt nó mở lớn, nhìn quanh nhìn quất. Chắc cũng chưa thấy gì đâu nhưng nghe tiếng anh kêu con ơi con ơi nó xây đầu qua nó kiếm.
Cô Ba cười:
-Vậy sao mình" Sao từ nào tới giờ chưa nghe mình kể mấy vụ này à.
Chú Ba nói:
-Ừa. Tự nhiên sao thấy nhớ… Tháng tới là giổ ông ngoại mấy đứa, hổng biết tụi nó có tụ về hay không hả em"
…