...dầu khí là chiến lược, lương thực mới là sinh tử...
Giữa vụ khủng hoảng lương thực vì giá gạo tăng vọt và thực phẩm khan hiếm trên thế giới, thì tuần qua, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đề nghị thành lập một liên minh với bốn nước sản xuất gạo trong Hiệp hội ASEAN như liên minh các quốc gia xuất khẩu dầu thô OPEC nhằm kiểm soát giá gạo trên thế giới. Qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu về đề nghị trên với một kết luận đầy bất ngờ. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.
Hỏi: Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Việc giá gạo tăng gấp ba trong vài tháng trên thế giới và chưa có chiều hướng thuyên giảm đã khiến thế giới nói tới một vụ khủng hoảng lương thực. Giữa lúc ấy, hôm Thứ Ba 29 tháng Tư vừa qua, Thủ tướng Thái Lan lại gợi ý với vị tương nhiệm của mình tại Miến Điện việc thành lập liên minh giữa năm nước sản xuất gạo trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, tương tự như liên minh giữa các nước xuất khẩu dầu thô gọi là OPEC. Đề nghị đó của Thái lập tức gặp sự phản đối của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Chương trình chuyên đề kỳ này đề nghị là ta cùng tìm hiểu về ý kiến trên của Thủ tướng Thái. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là vì sao lại có đề nghị ấy" Liệu có thành hay không"
- Thật ra, Thủ tướng Thái Lan không đưa ra ý kiến gì mới lạ. Năm 2000, Ấn Độ từng gợi ý lập ra một liên minh các quốc gia xuất khẩu gạo, trà, đường. Năm sau, Thái Lan dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng đã đề nghị thành lập một liên minh về gạo gọi là Hiệp hội các Quốc gia Xuất khẩu gạo, OREC, tương tự như Tổ chức OPEC của các quốc gia xuất khẩu dầu thô.
- Chúng ta có thể nghiệm thấy là khi giá cả một sản vật gia tăng thì người bán nghĩ rằng mình có thế mạnh nên mơ tưởng đến một thế hợp tác để giữ giá cao trên thị trường. Cũng cần phải nói cho công bằng là khi Thủ tướng Samak của Thái gợi ý thành lập liên minh OREC như vậy, ông ta nêu ra mục tiêu là để bảo vệ nông gia của năm nước sản xuất gạo trong ASEAN là Thái Lan, Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Nếu chỉ căn cứ trên mục tiêu ấy thì liên minh gạo này cũng có sự khác biệt với liên minh dầu thô OPEC.
Tuy nhiên, đề nghị của Thái là điều đáng chú ý khi giá dầu thô vượt mức 120 đồng một thùng, tức là cao hơn mọi kỷ lục trước đây tới 20%. Đáng chú ý vì nhiều xứ khác cũng sẽ nghĩ tới một liên minh về nông sản làm lực đối trọng với liên minh dầu khí. Đấy mới là hậu quả bất ngờ nhất. Đâm ra, có khi Thái Lan chơi dại. Tôi thiển nghĩ là Việt Nam có lý khi tỏ ý dè dặt với đề nghị của Thái Lan như một số nguồn tin không chính thức đã cho thấy. Nhưng cũng chính vì vậy mà mình phải nghĩ xa hơn tới hậu quả bất ngờ này.
Hỏi: Trước khi ta bàn tới hậu quả ông gọi là bất ngờ và rất đáng chú ý ấy, xin được hỏi thêm là vì sao ông nói rằng Thái Lan lại chơi dại với đề nghị thành lập liên minh lúa gạo của ASEAN"
- Thứ nhất, trên nguyên tắc thì một liên minh giữ giá theo kiểu OPEC là hiện tượng gần như độc quyền chính thức, công khai nói ra mục tiêu của mình là điều tiết sản lượng để ảnh hưởng đến số lượng xuất khẩu hầu đạt mục tiêu về giá cả mà các thành viên đã đồng ý với nhau. Ngoài liên minh OPEC này, ta có thể nhớ tới một cartel về kim cương, giữa một số nhỏ các nhà sản xuất để kiểm soát được số lượng cung cấp trên thị trường thế giới. Điều kiện then chốt ở đây là chỉ có một số nhà sản xuất có giới hạn, như OPEC có khoảng 15 quốc gia, nhưng phải kiểm soát được một khối lượng lớn - vào khoảng 40% của trên thị trường.
- Khi Thái Lan đề nghị ra liên minh lúa gạo - mà dư luận gọi ngay là "cartel Mekong" vì gồm có năm quốc gia chung sống trên lưu vực của sông Mekong - người ta phải tự hỏi là năm xứ này kiểm soát được một sản lượng lúa gạo là bao nhiêu để có cái thế khả dĩ làm giá trên thế giới"
Hỏi: Nói như vậy, ông hàm ý là các nước này không có đủ thế lực để gây ảnh hưởng toàn cầu"
- Khi đề nghị của Thái Lan được loan báo ra ngoài, nhiều quốc gia hay tồ chức quốc tế cực lực đả phá, và có khi viện dẫn nhiều lý do khôi hài, thiếu thực tế. Chẳng hạn như là vì năm xứ này theo nhiều chế độ chính trị khác nhau nên không thể liên thủ trong một chiến lược chung về sản lượng và giá cả. Hoặc viện dẫn lý do đạo đức như là thế giới đang đói ăn mà lại kết hợp với nhau để giữ giá cho cao là thiếu công bằng. Thực tế thì quốc gia nào cũng chỉ có bổn phận sinh tử là lo cho quyền lợi của mình mà thôi. Vả lại, tổ chức OPEC kia cũng kết hợp nhiều chế độ cả độc tài lẫn dân chủ mà vẫn gây được ảnh hưởng tới giá cả năng lượng trên thế giới.
- Vấn đề là phải có cái lực thì mới có cái thế. Thái Lan là nước xuất cảng gạo số một trên thế giới nhưng vẫn không có cái lực thực tế. Việt Nam lại còn thua xa, và Cam Bốt hay Miến Điện thì chỉ nói cho vui chứ muốn tăng sản lượng để có tiếng nói thì cũng chưa đủ phương tiện đầu tư. Và nói về sức mạnh nông nghiệp thì ba nước của bán đảo Đông Dương là Việt Nam, Cam Bốt và Lào, vẫn còn rất lạc hậu. Vì những lý do ấy, chúng ta nên nhìn vấn đề từ một giác độ khác của thực tế kinh tế.
Hỏi: Giác độ ấy là gì mà khiến ông cho là đề nghị của Thái Lan sẽ không thể thành công"
- Thế giới có quá nhiều quốc gia sản xuất lương thực, mà lương thực lại là sản phẩm sinh tử, hơn hẳn dầu khí là loại sản phẩm chiến lược. Vì có quá nhiều nhà sản xuất nên hầu như không một ai có khả năng vượt trội để giành ảnh hưởng đáng kể trên thị trường của các nhà tiêu thụ.
- Thứ hai, khác hẳn dầu khí, lúa gạo là loại thương phẩm đặc biệt vì đòi hỏi điều kiện phức tạp về tồn trữ hầu có thể cung cấp trên thị trường với một số lượng định trước, giả dụ như theo chủ trương của liên minh lúa gạo Mekong do Thái Lan đề nghị. Sản lượng lúa gạo mỗi mùa còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết khí hậu và muốn tăng hay giảm thì cũng mất cả năm mới có kết quả.
- Thứ ba, năm quốc gia được mời vào liên minh lúa gạo này lại nổi tiếng ở khả năng tham nhũng cao độ và xứ nào cũng có biệt tài buôn lậu, xé rào để trục lợi riêng.
Hỏi: Xin được ngắt lời ông ở đây, liên minh lúa gạo thì có liên hệ thế nào tới nạn tham nhũng" Có lẽ xin ông giải thích cho rõ hơn"
- Tôi xin nói đến thí dụ cụ thể mà dân Việt Nam ít biết vì báo chí không được loan tải. Tháng trước, từ 21 đến 26 tháng Tư, Hà Nội có kỳ họp thứ 22 của Ủy ban Cây rừng Á châu Thái bình dương, gọi là Asia-Pacific Forrestry Commission, về việc bảo vệ cây rừng. Tại hội nghị quy tụ 33 quốc gia lẫn các cơ quan quốc tế, các đại biểu quốc tế đã than phiền nạn đốn rừng, tàn phá môi sinh và nhất là buôn lậu gỗ tại Đông Nam Á.
- Việt Nam bị cơ quan điều tra về môi sinh Environmental Investigation Agency của Anh và Telapak của Indonesia trách cứ là lén lút khai thác lâm sản của Lào và phá hoại môi sinh của xứ này để cán bộ Việt Nam lấy tiền bỏ túi. Thái Lan cũng bị than phiền như vậy về lâm sản của Miến Điện! Giữa mấy xứ đó thì làm sao có sự kết hợp khả tín hầu khống chế thị trường" Nếu lập ra liên minh làm giá cho cao là gạo ta lại chạy qua Tầu cùng đường dây buôn lậu than đá thì mình nghĩ sao"
- Trở lại đề tài kỳ này, và đây là lý do thứ tư: thế giới có bốn quốc gia sản xuất gạo lớn nhất trước Việt Nam và Thái Lan. Theo thứ tự thì đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh, với sản lượng thóc lên tới hơn 60% sản lượng của cả thế giới. Bốn quốc gia này đều không có mặt trong liên minh OREC Thái Lan muốn thành lập. Đã thế, Trung Quốc lại ngồi trên đầu nguồn Mekong và có thể chi phối cả năm nước - nhất là Việt Nam, về mọi mặt như ta đang thấy - cho nên chuyện lập ra liên minh giữ giá có khi lại có lợi cho Trung Quốc!
Hỏi: Có phải vì vậy mà ông nói đến hậu quả bất ngờ trong vụ liên minh lúa gạo này không"
- Thưa không, và tôi xin đề nghị là chúng ta cùng lùi một bước để nhìn trên toàn cảnh của vấn đề lương thực trong đó có lúa gạo. Từ nhiều năm nay, thị trường thương phẩm thế giới đã tăng giá rất mạnh. Thương phẩm hay "commodity" là các loại nguyên nhiên vật liệu cần thiết cho sản xuất, gồm có năng lượng như dầu khí, kim loại như đồng, kẽm, và nông sản như ngũ cốc, đậu nành hay thậm chí nước cam. Thị trường này tăng giá chủ yếu do quy luật cung cầu vì số cầu rất lớn của các nền kinh tế đang lên, như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nếu thương phẩm tăng giá quá mạnh, sản xuất có thể bị suy trầm hay suy thoái. Nhưng, trong các loại thương phẩm, lương thực mới là hàng hoá sinh tử vì không chỉ khiến kinh tế suy sụp mà làm người dân chết đói và chính quyền có thể bị lật đổ. Chúng ta có thể thấy điều ấy trong cuộc bầu cử sắp tới tại Ấn Độ và đã phải thấy điều ấy khi Trung Quốc hay Philippines lùng sục thế giới để kiếm gạo, đậu nành, mễ cốc.
Hỏi: Nói cách khác, ông cho rằng lương thực lên giá còn có hậu quả nguy kịch hơn dầu khí"
- Thưa vâng, dầu khí là chiến lược, lương thực mới là sinh tử. Thế thì trên bàn cờ quốc tế, những nước nào có dư thừa lương thực để xuất khẩu cho thế giới" Câu hỏi ấy làm bật sáng một nghịch lý ít ai chú ý: là các nước công nghiệp hoá, nhất là Hoa Kỳ và Âu châu, mới thực sự làm chủ thị trường nông sản và lương thực.
- Nông nghiệp của các nước này đạt trình độ tiên tiến đến độ họ phải hạn chế sản xuất, trợ cấp nông gia và còn dùng nông phẩm thặng dư viện trợ cho các xứ khác. Sở dĩ vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO bị bế tắc từ cuối năm 2001 đến nay - và chúng ta đã đề cập tới chuyện này trong các chương trình của mấy năm trước - một phần chính là vì chế độ bảo hộ nông sản của Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ.
Hỏi: Ông nêu ra một điểm có thể là bất ngờ với một số thính giả, là các nước công nghiệp hoá Tây phương mới thực sự là những thế lực canh nông của thế giới...
- Thưa vâng, chúng ta cần nhắc lại là Liên bang Xô viết năm xưa đã tuyên truyền mạnh về cách mạng nông nghiệp của mình mà thực chất là "trồng lúa tại Ukraine nhưng gặt mì tại Hoa Kỳ hay Canada" - tức là mua lúa mì trên thị trường quốc tế do Hoa Kỳ chi phối - và bị điêu đứng rồi sụp đổ vì không đủ vặt mũi bỏ mồm.
- Bây giờ, các nước công nghiệp hoá ấy còn tiến xa hơn gấp bội, đến độ trợ giá và khuyến khích nông gia hạn chế sản xuất, thu hẹp diện tích canh tác. Nông gia mà bất mãn vì sản phẩm mất giá là họ biểu tình, tiêu hủy hay vứt đầy nông sản ngoài đường để ăn vạ như chúng ta thường thấy tại Âu châu. Họ dư thừa ngũ cốc đến độ lấy ngô bắp chế thành cồn thay xăng, là điều chúng ta có đề cập tới trong chương trình phát thanh hôm 23 tháng trước, gọi là "Cồn cào bao tử".
Hỏi: Bây giờ, chúng ta có thể nhìn rõ hơn điều ông gọi là bức tranh toàn cảnh của thị trương thương phẩm trong đó có dầu khí và nông sản. Nếu hiểu cho đúng thì các nước cần dầu chỉ chấp nhận trả giá cao hơn là có dầu ngay, nhưng nếu họ cần lúa gạo thì không chỉ trả giá cao hơn là đã xong, vì dân đói sẽ nổi loạn. Mà các nước công nghiệp hoá tiên tiến như Âu châu hay Hoa Kỳ cũng lại là những nhà sản xuất đáng kể.
- Các nước đi sau bị say đòn lạc quan và mắc bệnh tự mãn nên đã lãng quên khu vực nông nghiệp của mình, là điều diễn đàn này có nhắc tới khi nói về báo cáo của Ủy ban Kinh tế Xã hội ESCAP của Liên hiệp quốc trong chương trình phát thanh tháng trước dưới tựa đề "Nông sản lên giá - Nông gia tuột dốc". Các nước công nghiệp lại ở vào hoàn cảnh trái ngược là phải kềm hãm sản lượng để bảo vệ quyền lợi của nông gia, dù có bị công kích là ngả theo chế độ bảo hộ mậu dịch.
Hỏi: Bây giờ, khi lương thực có thể là vấn đề còn nguy ngập hơn dầu khí, thì họ sẽ tính sao"
- Khi thiên hạ đói ăn, ai có gạo là người có thế. Khi thế giới bị nạn khan hiếm lương thực - và tôi trộm nghĩ rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài - thì quốc gia nào có tiềm lực về lương thực nông sản sẽ quyết định về số lượng cung cấp và về giá bán cho thế giới. Thái Lan mà nghĩ tới chuyện ấy nên đề nghị lập ra liên minh OREC thì nông gia Âu châu hay Mỹ không thể không nhìn ra. Mà các nước Âu-Mỹ đều có khả năng kỹ thuật để gia tăng sản lượng ngũ cốc trong thời gian tương đối ngắn.
- Nếu họ lại phối hợp chính sách về sản lượng và giá cả thì chính họ mới là Hiệp hội các nước Xuất khẩu Lương thực khả dĩ mặc cả với các xứ bán dầu! Khi đó, các quốc gia thuộc diện "dở giăng giở đèn" như Việt Nam mới phân vân là mình sẽ đứng ở đâu, với cả dầu lẫn gạo mỗi thứ một ít, mà lại bị sức ép rất nặng của Trung Quốc khát dầu và đói ăn ngồi ở trên đầu"