Chiến tranh là bệnh của người. Từ thời xa xưa trong lịch sử, con người đã chém giết lẫn nhau từng thời kỳ để tranh ăn, chiếm đất giành dân, giết nhau vì lý tưởng, chủ nghĩa và cả vì tín ngưỡng, trong đủ mọi trạng thái. Nhưng qua đến đầu Thế kỷ 21, chiến tranh đã chuyển sang một tình trạng quái đản nhất. Chiến tranh khủng bố không có trận tuyến rõ rệt, bạn và thù khó phân, nên người chết nhiều nhất là dân thường chớ không phải quân lính. Nước Mỹ, siêu cường đệ nhất thế giới về sức mạnh quân sự, đã phải đương đầu với một nhóm người không có nước không có quân, nhưng chúng có mặt ở khắp nơi như một đạo quân vô hình. Chúng chỉ hiện hình sau khi chết tan xác. Đó là bọn khủng bố al-Qaida, điều khiển trực tiếp hay gián tiếp bởi Osama bin Laden, chuyên đánh bom tự sát, một loại vũ khí chưa từng có trong lịch sử loài người.
Trường hợp điển hình nhất là cuộc chiến Iraq, hiện nó đã kéo dài đến 5 năm nhưng vẫn "chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm" trong khi Mỹ chảy máu dài dài từng giọt. Tháng 4 vừa qua số quân Mỹ tử trận lên đến 50 người. Đó là tháng quân Mỹ chết nhiều nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Tính từ năm 2003 đến nay, quân đội Mỹ đã có ít nhất 4,062 người tử trận chưa kể số người bị thương lên đến hàng chục ngàn. Về quân sự, Mỹ vô địch trên thế giới, vậy liệu cuộc chiến đánh khủng bố và phiến loạn ở Iraq có làm thương tổn gì đến sức mạnh của Mỹ trên bình diện quốc tế hay không" Đầu tuần này một tướng lãnh Mỹ nhận xét các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã sử dụng quá nhiều đến quân Mũ xanh và các lực lượng đặc biệt của Mỹ, nên binh chủng này không thể làm tròn sứ mạng của họ ở những nơi khác trên thế giới. Vị Tướng đó là Eric T. Olson, đương kim Tư lệnh các Lực lượng đặc biệt. Ông đã tựu chức từ tháng 7 năm ngoái.
Olson cho biết từ khi Mỹ tiến quân đánh Iraq tháng 3 năm 2003, khoảng 80% lực lượng đặc biệt Mỹ bố trí ở ngoài nước đã được dồn về Trung Đông và Afghanistan, so với 21% trước ngày 11/9. Hiện nay tình hình Iraq cần đến nhiều lực lượng đặc biệt nên Olson đã được Quốc hội Mỹ cho phép đưa thêm 5 Tiểu đoàn đặc biệt Bộ binh và 3 Tiểu đoàn Biệt động quân, coi như bước đầu để dự liệu tăng thêm 13,000 lính lực lượng đặc biệt ở Iraq trong vòng 5 năm, tính từ năm nay. Hiện nay Mỹ tổng cộng có khoảng 50,000 lính lực lượng đặc biệt. Bộ chỉ huy của Tướng Olson đã được cấp thêm ngân sách nhảy vọt từ 2.3 tỷ đô-la năm 2001 lên đến 7.3 tỷ năm nay, phản ảnh sự suy tư của giới lãnh đạo Mỹ là tin rằng muốn loại trừ một cuộc tấn công mới nữa của bọn al-Qaida, cần phải có một nỗ lực bao quát và trường kỳ, không phải chỉ để săn lùng hay giết chết bọn cầm đầu khủng bố, mà còn phải phá vỡ mọi sự yểm trợ cho các lý tưởng cực đoan của bọn khủng bố.
Tướng Olson cũng đề cập đến tinh thần của lực lượng đặc biệt. Ông nói sau nhiều năm chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, ông không thấy lực lượng đặc biệt bị tổn thương quá đáng về tâm thần. Trong khi đó quân đội bình thường đã có dấu hiệu tiêu cực khá nặng, kể các vụ tự sát gia tăng. Ông nói: "Lực lượng đặc biệt của chúng tôi phần đông đã lớn tuổi, họ đã ổn định trong sự sống - phần lớn đã có vợ con - họ lại được huấn luyện kỹ hơn các binh chủng khác. Bởi vậy tôi không nghĩ lực lượng đặc biệt bị những hội chứng như các binh chủng khác".
Các tướng lãnh Mỹ chủ trương giảm bớt quân ở Iraq, triệt thoái số quân đã được đôn lên để tảo thanh Baghdad, để từ 170,000 rút xuống còn 140,000 như trước lúc đôn quân. Nhưng tướng Olson nói Lực lượng đặc biệt sẽ không giảm mà còn có thể sẽ phải tăng thêm. Sáng 5-5 tuần nay, có tin nói 3,500 quân Mỹ thuộc Lữ đoàn 3 chuẩn bị rút khỏi và đến tháng 7 sẽ có thêm 2 Lữ đoàn nữa rút khỏi Iraq cho đủ số 30,000 quân đã gia tăng trước đây. Những người chỉ trích chiến tranh Iraq cho rằng cần phải rút nhanh hơn nữa. Nhưng các tướng lãnh Mỹ nói phải rút quân từ từ từng đợt vì cần phải thận trọng, tình hình ở thủ đô Baghdad chỉ mới tạm ổn định. Sự dè dặt đó rất có lý vì tuần này Iraq có vẻ đang đi vào một bước ngoặt mới với những hậu quả khó lường.
Iran đã tuyên bố ngưng thảo luận với Mỹ về vấn đề an ninh của Iraq, chỉ nối lại đàm phán khi nào quân đội Mỹ ngưng các cuộc tấn công nhằm vào đám dân quân Shi-a ở Iraq. Washington từ lâu vẫn tố cáo Iran đã võ trang và huấn luyện cho một số dân quân Shi-a ở Iraq. Đầu tuần này sự tố cáo đã xiết mạnh thêm vì quân đội Mỹ cho biết các dân quân bị Mỹ bắt đã khai được huấn luyện quân sự ở các căn cứ sát bên thủ đô Teheran của Iran, và đám sĩ quan Hezbollah đã đến làm huấn luyện viên. Hezbollah là dân quân Hồi giáo Shi-a hiện đang hoạt động chống Do Thái ở Lebanon và được Iran tài trợ. Cùng với lời tố cáo này, Mỹ bắt đầu đưa phi cơ AC-130 gắn súng liên thanh hạng nặng đến đánh Shi-a ở Sadr City. AC-130 là loại phi cơ quân vận C-130 biến chế thành phi cơ trận gắn đại liên bắn rất nhanh, súng nổ nghe như mãnh thú gầm rú trên trời, Mỹ đã từng sử dụng để đánh du kích Việt Cộng năm xưa. Dân quân Shi-a của Giáo sĩ Sadr đã chết nhiều vì loại vũ khí này, nhưng đồng thời một số ít dân chúng cũng chết lây.
Chính phủ Iraq do phái Shi-a của Maliki cầm đầu cho biết mặc dù Iran cắt đứt cuộc thảo luận về an ninh, các cuộc tảo thanh dân quân Shi-a vẫn tiếp tục. Tại Sadr City ở ngoại thành Baghdad hiện có 2.5 triệu người Shi-a sống trong cảnh nghèo nàn cực khổ, quân Mỹ và quân chính phủ Iraq đã bị dân quân Mahdi của Giáo sĩ Sadr tấn công liên tục. Bọn này đánh quân Mỹ bằng loại mìn nổ xuyên thiết giáp nhằm đánh xe bọc thép chở lính Mỹ. Lần đầu tiên Mỹ biết Hezbollah huấn luyện cho dân quân Mahdi là vào tháng 7 năm 2007 khi quân đội Mỹ ở Iraq bắt được hai tay cầm đầu là Qais Khazali, một thủ lãnh cao cấp của dân quân Shi-a ở Iraq và Ali Mussa Bacon, một Tư lệnh của quân du kích Hezbollah ở Lebanon. Tình thế trên cho thấy quân Mỹ còn phải ở lại Iraq và Afghanistan khá lâu sau cuộc bầu cử năm nay. Nhưng chiến lược chiến thuật của Thế kỷ trước không còn hiệu quả nữa. Vũ lực không thể là phương pháp duy nhất để loại trừ khủng bố.