Về hưu nhàn hạ, rảnh rang ôn lại chuyện đời mới giật mình thấy riêng việc làm bạn với đèn sách đã choán hết 25 năm của cuộc đời mình. Học lê lết nhiều trường, nhiều tỉnh ở miền Nam VN chưa đủ còn bay qua tít xứ Cờ Hoa lấy luôn cái bằng M.A.,quen biết không biết bao nhiêu là thày bạn. Hai mươi lăm năm, bằng khoảng 1 phần ba cuộc đời dành cho cái nghiệp đèn sách,18 năm trong nước và 7 năm ở Mỹ, eo ôi thật là khủng khiếp.
Năm 1949 dưới thời Pháp thuộc,Vietnam chưa có lớp mẫu giáo,học trò vào tiểu học ngồi ngay lớp Năm (tức lớp Một bây giờ). Ai mà ở nhà không lo học đọc, học viết trước thì lẹt đẹt suốt năm, rốt cuộc sẽ ở lại lớp. Tôi nhờ hồi nhỏ may mắn có ba má dạy vỡ lòng , đọc viết làm toán ro ro ở nhà nên 5 tuổi vào lớp Năm vững vàng không những chưa hề bị thày giáo phạt mà còn thường xuyên mang điểm tốt về khoe . Bốn năm tuổi đã được ba mua sách truyện cổ tích bằng tiếng Pháp về dịch cho nghe,đưa mình lạc vào thế giới thần tiên mơ mộng của tuổi thơ. Biết ca hát bài Thằng Cuội, Frère Jacques, Con mèo trèo lên cây cau,Con chuột ăn cắp trứng,biết so sánh ví von, phê bình nhận xét nhân vật trong câu chuyện,bài ca…Lớp Năm tôi học là một cái nhà mặt tiền ở đường Thống nhứt,ngoài Cầu Nước Đá. Thày giáo Yên hồi đó dữ lắm,bắt học trò lười biếng nghịch ngợm đứng một chân rồi quất bằng roi thật đau. Hồi đó chỉ có lớp Nhì và Nhất mới được về Trường Nam học,còn từ lớp Ba trở xuống nhà nước mượn các nhà tư nhân hay chùa đình rải rác trong thành phố làm lớp học.
Lên lớp Tư cũng học chỗ cũ. Thày Phước lớp Tư thật là hiền, nhớ mãi những lần làm thủ công cắt giấy màu láng thành hình hoa lá cong cong dán lên trang vở, khó ơi là khó,mấy ngón tay lem luốc rít chịt những hồ. Nhớ mãi những buổi chiều chạy nhảy chơi cút bắt ở miếng đất bao la đầy các bụi cây xanh rậm ở góc đường Quang Trung và Thống nhứt gần Cầu Ông Cọp, cách trường có năm sáu chục mét. Cả một thế giới thơ ấu thần tiên hoa bướm ở đó, giờ đây là mấy căn phố bán dồ xây dựng của bà Ba Chỉ và khuôn hội Bồ Đề,không còn dấu vết gì của một rừng cây thơ mộng nữa. Lên lớp Ba, học với thày Tân ở một căn nhà thấp lè tè lợp mái ngói âm dương giữa đình Kinh Dinh và chùa Long bàng ,phía sau nhà in Nghệ thương. Nhớ những cây cột gỗ đen ,nền nhà gạch ẩm thấp, lu nước uống múc bằng gáo dừa và những bình mực gắn chặt trên các dãy bàn dài cũ kỹ trong lớp. Trước lớp có vườn cây lưa thưa, ra chơi hay ra đó táy máy hoa lá, cây cỏ. Nhớ có lần bứt được một lá trúc đào có dính cái kén bướm óng ánh xanh biếc như viên ngọc bích mà mừng rỡ như bắt được váng. Lại có lần thi Sử ký bị thày trừ điểm vì trả lời bà Trưng đánh quân Tàu là để trả thù chồng. Thày phê:” chính yếu là để giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm” .
Lên lớp Nhì được về trường Nam học,không nhớ tên thày giáo,nhưng nhớ thay đổi phòng ốc liên miên,và Toán đố khó ơi là khó: toán giả thiết, tạp số, 2 vòi nước chảy, phân số..Rồi cuối năm, vì không đủ tuổi lên lớp Nhất,ba má cho xuống Tấn tài học lại lớp Nhì trường bà Sơ. Hồi đó không hiểu sao mà ba má lại cho học trường tư bà sơ trong khi gia đình theo đạo Phật. Cả ông Tỉnh trưởng cũng gửi 2 đứa con là Thuận và Hiệp xuống học,con nhà giàu có khác,ăn mặc sang trọng,tài xế xe hơi đưa đón. Hồi đó ba má mướn một ông xích lô gầy còm tên Côi, ngày ngày đưa đón chở tôi và Phúc đi học.( Phúc là ông anh họ con nhà Hiệp thạnh,sau này du học 10 năm bên Pháp rồi về nước dạy Đại học Saigon)). Nhớ cơn lụt năm Thìn 1953, nước ngập lênh láng dưới Tấn tài,không biết ông lái làm sao mà lọt nguyên chiếc xe xuống mương cống Tấn tài làm 2 anh em ướt như chuột lột, thất kinh lóp ngóp bò lên bờ, một phen sợ hú vía. Có ai ngờ 25 năm sau,năm 1979,dưới thời Cọng sản bao cấp,thất nghiệp tôi đã phải tới nhà xin mượn ông chiếc xe ấy đạp khắp phố phường Phanrang kiếm tiền,lấy kinh nghiệm trước khi mua xe mới hành nghề thực thụ. Lúc đó ông đã già yếu hom hem lắm rồi,không có con trai nối nghiệp nên bằng lòng ngay,và tôi chia tiền kiếm được trong ngày cho ông một nửa. Không biết có phải đó là chiếc xe cũ ngày xưa khi còn trẻ ông đã từng chở 2 đứa đi học mỗi ngày không. Thật khiếp,cả một đời người cong lưng còm cõi đạp một chiếc xe ọp ẹp kiếm sống,không có cách chọn lựa nào khác tốt hơn. Sau này qua Mỹ, nghe tin ông chết vì lao phổi trong cảnh nghèo túng ở Phanrang,tôi đã gửi tiền về giúp đỡ vợ con ông thường xuyên, đền một cái ơn nhỏ nhoi nhưng đầy tình người trong muôn ngàn cái ơn khác của xã hội đã làm cho mình. Thời kỳ học dưới Tấn tài hồi đó là một thời kỳ hoa bướm thơ mộng sung sướng, với những người bạn quê mùa mộc mạc mà trái tim thật đẹp,những bạn bè tốt như chị Cửu, luôn dành những trái khế chin nhất,ngon nhất ở vườn nhà mang đến trường cho chúng tôi gậm nhấm,những chị Sen và Nở dạy tôi chơi đánh chắc,kẻ ô vuông rải hột me,Chín Tịnh đưa về nhà leo cây bắt chim hái trái ăn,Hứa lúc nào cũng tươi cười ân cần giúp đỡ…Hai đứa là dân thành phố,con nhà khá giả,học giỏi mà lại bình dân vui vẻ chỉ giúp bài vở cho bạn nên bạn bè nhà quê nể lắm,quí mến như anh em rưột thịt. Mấy bà sơ cũng tươi cưới hiền hậu, không bao giờ phạt, hay bắt Phúc và tôi đi xưng tội , làm dấu thánh giá như các trẻ khác. Làm sao quên được những tháng ngày chơi rong hái hoa bắt bướm quanh nhà thờ chuông đổ liên hồi với đám bạn hiền lành chất phác mà giờ đây về nước kiếm lại chẳng còn ai, ngậm ngùi không biết chết sống phương nào.
Cuối năm đó phải thi lên lớp và tôi đã đỗ đầu vào lớp Nhất C học với thày Mạnh ở trường Nam sát bên nhà. Tôi giỏi luận văn,Pháp văn nhất lớp nên lúc nào bài luận cũng được 7 tám điểm,thày hay bắt đọc cho cả lớp nghe. Có lần thày đang đánh banh volley trong sân trường,thấy tôi qua,hỏi”làm luận xong chưa,đem vở cho thày chấm trước”rồi ngồi nghỉ giải lao gật gù thưởng thức từng câu văn,ý đẹp,phê bình khen ngợi. Thày tánh hoạt động, hay tổ chức cho cả lớp đi du ngoạn bằng hay xe đạp, leo núi Đá chồng,lội nước ở sông Dinh dưới chân Cầu Đạo long , thăm viếng các lò bánh tráng, làm bún của ngưới dân vùng Bờ Đê, Đạo long để dạy về tiểu công nghệ. Cuối tuần thày trò kéo nhau ra vườn trồng cà trồng ớt bên hông lớp,hay tụ họp quanh gốc lim khổng lồ sau trường học khoa học,vệ sinh. Bạn bè lớp Nhất hồi đó đông lắm, đa số cao lớn to con hơn Phúc và tôi nhiều,từ đủ các nơi trong tỉnh tề tựu lại nên tánh tình và năng khiếu khác nhau,không thuần nhất hiền hòa như bạn bè dưới Tấn tài. Còn nhớ anh Chà lực lưỡng chơi thể thao giỏi, Huỳnh Chấn hát hay học giỏi, Quang “ Trung huê” nhà bán bánh kẹo, Trần bá Lang hay hát bài ”gà trống vừa cúc cúc,gà mái liền chạy tới.…” cười gần chết,Trần Khanh mắt to mạnh bạo, San (nha sĩ) rụt rè nhút nhát, Hồ kỳ Vân nói cà lăm, Phúc,Thám “nhạc sĩ”,anh em Thiệu và Đào con ông Phó Tỉnh trưởng…Hồi đó có 2 kỳ thi hát lục cá nguyệt, tôi nhớ hát bài Làng tôi và Thiên Thai,Phúc hát Con đường Vui,còn Chấn hát Quê Mẹ, rất cảm động. Thày trò hay dẫn nhau xuống đường đi biểu tình truất phế Bảo Đại hoan hô chí sĩ Ngô đình Diệm,cổ động bỏ phiếu bầu cử liên miên . Tôi thường chiều chiều chạy sang Thư viện Bình Dân học vụ trong trường Nam để đọc sách có tranh vẽ hay tiểu thuyết , thấy mấy tập tài liệu nói về Nguyễn ái Quốc như một nhân vật bí mật ghê góm thần sầu.,hỏi người lớn ai cũng che miệng xuỵt bảo im. Cuối năm đó lớp Nhất phải thi lấy bằng Tiểu học toàn quốc. Tôi nằm trong danh sách 21 học sinh đỗ đầu toàn Tỉnh Ninh thuận,sau đó lại phải thi vào Đệ thất trường công Duy tân, cũng đậu luôn. Hè đó còn nhớ Ba bắt học hè 2 tháng ở trung học tư thục Lê Lợi,ngồi chung bàn với Lai, Khôi và Khai. Quen với Đồng,con bác sĩ Phụng,Quang, con kỹ sư Thành,Hằng Nga con Quảng thuận .Bạn bè lớp Nhất C thân yêu của tôi phân tán khắp nơi,kẻ học trường tư,người vô Saigon,chỉ còn một số chuyển lên trung học Duy tân gặp nhau thêm 5 sáu năm nữa rồi mạnh ai nấy đi ,kẻ chuyển trường, lên Đại học,người vào binh ngũ,một số về làng cày cuốc chài lưới sinh sống…
Năm ấy tổng thống Ngô đình Diệm mới lên chấp chánh nên trường trung học Duy Tân dược khởi công đặt móng xây cất, học sinh đệ thất chúng tôi phải học tạm 2 tháng bên Nguyễn công Trứ , do cụ Bùi Dương làm hiệu trưởng. Lần đầu tôi được dạy cách làm 1 bài giảng văn,phê bình văn chương tác giả,rất thích thú. Còn nhớ dạo đó trường bắt học sinh diễn hành biểu tình đả đảo liên miên ngoài đường về mấy vụ dẹp loạn Bình Xuyên,tướng Ba Cụt, vinh danh cái chết của Trịnh minh Thế. Con nít có biết gì về chính trị, thày bảo hoan hô thì la to hoan hô,đả đảo thì dơ tay đả đảo. Rồi dời ra học tạm trường tiểu học Đạo long gần Mã thánh tây mấy tháng , đến đầu 1956 mới thực thụ về Duy tân (bây giờ là Nguyễn Trãi cấp 3)vừa mới xây xong gần chùa Thánh. Lớp đệ ngũ trưởng tràng, lứa anh Hòe,Trần Dân,Ái Hà chỉ có 1 lớp,đệ lục lứa Trần văn Tiềm, Nguyễn Tấn Phúc,Xuân Bảo(thày giáo),Diệu Chơn(dược sỹ)có 2,còn đệ thất chúng tôi có tới 4 lớp. Đệ thất 1 toàn nữ sinh , hồi đó có Tống thị Vân Khanh nổi tiếng học giỏi nhất lớp, Hạnh(Hường Lai) tây lai xinh đẹp trắng bóc,3 Thất kia nổi bật có Bùi hữu Kiệt (sau này chết vì mìn ở Qui nhơn năm 1975 với cấp bậc thiếu tá),Khôi ,Khai,Dễ,Thung hà, anh em Phan văn Hòa và Nhượng. Thày cô có cô Nhâm dạy Pháp văn,bà Rỡ dạy nữ công,thày Đinh Minh dạy Việt văn, thày Ngữ dạy Toán,thày Khuê và Huyên dạy Anh văn,thày Hanh dạy Nhạc…Hồi đó ham chơi nhiều hơn ham học,chạy nhảy suốt ngày với bè bạn, học hành lười biếng,làm Toán lếu láo sai bét bị Ba đánh nhiều trận sưng đít. Hồi đó thày cô ngày nào cũng điểm danh,đến nỗi thuộc lòng tên mấy đứa bạn trước và sau mình luôn: Đinh duy A, Dương đình Chính,Lê khắc Chính, Phạm hoàng Chương,Nguyễn xuân Dũng(ở Tấn lộc)…Nhớ Dương đình Chính nhỏ con mà láu cá , chuyên môn “cúp cua”,nói láo thày cô,trốn học như điên. Sau này nghe nói Chính lên đại úy bị tử trận. Thật là tội nghiệp. Kỷ niệm nhớ nhất năm Đệ thất là chuyến đi bằng xe lửa chờ học sinh toàn trường ra Nhatrang chơi 3 ngày do thàyTuân làm hiệu trưởng tổ chức thật hào hứng. Thiếu tá Đỗ Mậu làm tỉnh trưởng Khánh hòa đãi 300 học sinh ăn uống,có ca nhạc xôm tụ, trung học Võ tánh cung cấp chỗ ngủ,tổ chức đêm văn nghệ lửa trại luôn tại sân trường. Hồi đó Võ tánh có tới lớp Đệ nhị,nam sinh Võ tánh cao lớn sùng sục đi theo”cua” nữ sinh Duy tân đệ lục, đệ ngũ ở Phanrang ra,gây ra mấy vụ xì căng đan tai tiếng trong giới học trò.
Lên đệ lục Duy tân thì trường nhập lớp con gái thất 1 vào 3 lớp kia, “biên chế “ thành 3 lớp đệ lục, lẫn lộn vừa trai vừa gái. Lục 1 có Phạm văn Hường (mới qua Mỹ 2006 diện ODP), Tôn đảnh Văn (chết trẻ), Hà công Lý(San jose),Hồ kỳ Vân (nha sĩ),Trí ( du học Pháp), Phan chi Hảo(ở Úc),Trần văn Tốt (tỉnh ủy VC ở Ninh thuận sau 75),Trần văn Một (thiếu úy VC tử trận năm 69),Nguyễn ngọc Đảo (người Chàm),tôi,Phan thị Minh (cô giáo cấp 2),Hồ thị Thanh, Phương, Niên Trang, Ngọc, Diệm Trinh (bác sỹ ở Canada,mới chết vì cancer),Chi Nga,Đàm thị Minh(Texas),Phước và chị Liễu (mới qua Mỹ do con bảo lãnh) ,Lục 2 có Thung hà,Trần Khanh(ở VN),Nhượng (giáo sư Lý hóa),Dễ (chết trẻ ),Kim Thoa (San Jose).Sô, Lệ Hồng(USA), và Đào thanh Tâm (qua Mỹ được 10 năm).Lục 3 có Khôi, Khai (cả 2 sau là giáo sư Duy tân),Kiệt, Phúc,nổi tiếng học giỏi nhất. Hồi đó tôi còn ngây thơ,mà bạn trai đa số đã dậy thì,biết chuyện tình ái rất sớm,hay bắt bồ với các nữ sinh cùng một cấp lớp, cùng lớp,hay dưới lớp, bị bạn bè “cặp đôi”, làm đầu đề trêu ghẹo râm ran khắp trường thời bấy giờ. Còn nhớ Phan thanh Sô là 1 tay tiếu lâm trào phúng táo bạo nhất trong lớp,chuyên môn để ý coi ai có tình ý với ai là cắp đôi chọc cưới thiên hạ..Ngoài cặp Lệ Hồng và Lê xuân Dễ,cặp Trọng và Lệ Thủy, Khai và Vân Khanh cả trường ai cũng biết, tôi còn nhớ có Mai xuân Thìn cao ốm hiền khô bị cắp đôi với Cúc “Tề thiên” hay nhe răng cười, Hường với Liễu, Kiệt với Diệm Trinh (bác sỹ) và Hồ thị Thanh,Chi Nga với Hảo,Khôi với Niên Trang… Thày giáo cũng bị ghép với cô giáo, như ông Đinh Minh với bà cô Rỡ già, thày Ngữ với cô Nhâm.Thày giáo mê nữ sinh cũng bị đem ra kháo nhau đồn cả trường đều biêt. Còn nhớ thày Văn người Bắc nho nhã phong lưu tình ý với chị Lệ Nga (hát hay), rồi sau say đắm Minh Yên,em vợ ông Phó tỉnh trưởng nhưng không thành, thày Nho Mai ( dạy Lý hóa) ”cua” Oanh , con ông Đốc thú, mãi sau rồi cũng thành vợ chồng,thày Dzang và Tam Điệp (hiện đã có cháu ngoại lớn ở Stockton)...Hồi đó lớp tôi có Bích Hạnh,con cụ Lưu tâm Sinh người Bắc làm văn phòng,kẹp tóc dài lê thê, vùng vằng,cong cớn, đáo để, trả lời đốp chát với các tháy,nhất là thày Trụ dạy Việt văn. Hạnh có người chị nết na tên Dung và 2 em gái xinh đẹp là Tần và Tảo học dưới vài lớp. Có chị Nguyệt đẹp nõn nà,da trắng như trứng gà, học chưa hết năm đệ lục đã đi lấy chồng là Bùi Bổng du học ở Pháp về,ai cũng tiếc. Phan thị Minh lai Ấn độ, mũi cao má hồng,tóc mây,học giỏi và đẹp, nhưng mỗi lần bị thày gọi lên trả bài đều e thẹn ngảnh mặt một bên, hay cúi gầm tóc che kín mặt bị thày Kha chỉnh đôi ba lần,”Tôi có phải là thợ nhiếp ảnh đâu mà đứng nghiêng bên này, bên kia…” làm đám nam sinh,nhất là Phạm văn Lại, ngồi dưới thich chí cười ầm ỹ. Thanh Trúc, Kim Thoa, Lệ Hồng, Hạnh,Huỳnh Hoa, Minh Hiền… là những người đẹp Duy tân có nhiều bạn trai theo đuổi . Hồi đó thày giáo đa số là người Bắc di cư,văn hóa cao, học trò sợ nhất thày Ngữ (dạy Toán) và Kha (dạy Anh văn).Thày Ngữ mê cô Nhâm,hiền và đẹp thùy mị,nhưng cô lấy chồng và rời trường sớm,nên ở vậy luôn,khảo cứu về văn hóa Chàm,sau chết ở Mỹ. Thày thông minh, có cái sẹo nhỏ ở bên trán, còn trẻ,tánh nóng bất tử,có tật hay ném phấn cục xuống bàn học trò dằn mặt những trò nghịch ngợm. Thày Kha tánh cương trực,hay gây “chiến tranh lạnh” với thày Tuân hiệu trưởng. Thày Mai khòm lưng,lâu lâu hay giả đò làm nghiêm ,nhưng có tài hài hước lời thanh ý tục,giảng vật lý về chuyển động không gian mà lâu lâu chen vô 1 câu ,”Tạo hóa ghét chỗ trống,hiểu không"”,rồi tủm tỉm cười với mấy nam sinh 16,17 tuổi quỉ quái bên dưới. Hồi đó tôi gia nhập nhóm Hướng Đạo của thày Sơn người Huế dạy Công dân, hát đơn ca những dịp văn nghệ ngoài trời, đi cắm trại Ninh chữ, chơi thân với Thái đen Hướng Đạo (hiện ở Pháp),sau lại tham gia Gia đình Phật tử, quen biết rất một số bạn bè các trường khác. Ở Duy tân thì chơi thân với Tôn đảnh Văn, Hảo (em Lệ Hồng),Trí, Hồ kỳ Vân, thường kéo nhau đạp xe đi Long Bình du ngoạn, Đập Lâm Cấm, Nha trinh tắm suối, ghi chép phong cảnh để làm luận tả cảnh. Có lần làm luận tả cảnh chợ Dinh hàng hóa màu sắc sặc sỡ thày Trụ khen hay,cho 16 điểm trên 20, nhứt lớp. Lên đệ ngũ, thày Văn bắt cả lớp viết chuyện ngắn dự thi, tôi lại được chấm giải nhất, giải thưởng là một cuốn sổ Nhật ký rất đẹp. Hồi đó có Lê Thọ,Luôn (Cỏ hồng), nổi tiếng ba gai nhất trường, giám thị phải sợ.
Cuối năm 1957 lên đệ ngũ, tôi bắt đầu dậy thì, bể tiếng, trổ mã cao vọt hẳn lên. Tham gia ban Đồng ca trường Duy tân, lúc đó hay tổ chức văn nghệ bán vé ở rạp xi nê Thanh bình mỗi dịp Tết đến . Trong ban đồng ca còn nhớ có Kiên(em Lệ Nga), Hảo, Huế(nhà ở Tháp chàm),Chi Nga,Tam Điệp… Hồi đó qua nhiều năm liên tục,Chi Nga nổi tiếng là ca sĩ thần đồng,cây đinh trụ cột của Văn nghệ Duy tân. Nhớ một năm Nga hát “Lá thư không gửi”già dặn như người lớn. Lệ Nga (nhà ở Tháp chàm) chỉ hát có một năm rồi đổi đi tỉnh khác. Phan thị Thăng ,tóc thề, hát bài “Trở về mái nhà xưa” nhạc ngoại quốc, lời lẽ lãng mạn vô cùng. Trần Dân và Ái Hà đóng kịch năm đầu. Sau đó, còn nhớ Hồ xuân Liên, Phúc,Thạch (đá banh)… đóng kịch hài hước. Đạt là người đánh đàn guitar đệm nhạc cho ban đồng ca. Hồi đó được lên sân khấu trình diễn là một vinh dự,được ăn mặc đẹp, được vô số người ngắm, được nổi tiếng, coi văn nghệ free,lại còn được trường chiêu đãi cho đi Đà lạt 1 tuần du ngoạn nữa. Công nhận hồi đó thày Nguyễn quảng Tuân chịu khó mở mang trường ốc và đưa uy tín Duy tân lên cao. Thày có nhiều contacts,móc nối làm quen với nhiều nhân vật chính quyền chẳng những trong tỉnh mà cả Saigon, Nhatrang và Đà lạt, xây phòng thí nghiệm to lớn,xin trường Nữ bên cạnh rồi xây nhập chung với Duy tân làm một dãy trường liên tục, làm bảng hiệu cổng trường mới dời ra chính giữa,khiến khuôn viên trường choán nguyên một bloc đường,trở nên bề thế , rộng rãi, oai phong…Hồi đó mỗi lần trúng ngày lễ kỷ niệm anh hùng lịch sử như Hai bà Trưng, Trần hưng Đạo,Quang Trung…,là trường bắt thày trò ra quãng trường chỗ Chùa Ông đứng sắp hàng dự lễ hàng mấy tiềng đồng hồ,thật là chán ngấy, mệt mỏi,khát nước,bơ phờ.
Lên năm đệ tứ(58-59) thì bọn đệ thất nhóc con chúng tôi ngày xưa trở thành đàn anh trưởng tràng, những cô cậu 15,17 tuổi, cao lớn, trổ mã đẹp trai xinh gái, tóc tai chải chuốt, ý thức về bề ngoài và giới tính mình, nói năng , điệu bộ giữ gìn, nghiêm trang,hành xử làm như người lớn. Giai đoạn này nảy ra những mối tình học trò ngây thơ giữa các lớp ngũ, tứ,nhưng đồng thời ai cũng lo học tóe phở để luyện thi trung học đệ nhất cấp. Trường hay bày ra các cuộc thi bộ môn,liên lớp ,và toàn trường. Tôi (tứ 1) và Đào thanh Tâm(tứ 2) được giải thưởng Nhất và Nhì bằng tiền mặt về Văn chương. Ba tôi Phạm văn Duyên mở lớp dạy kèm Toán ở tư gia rất đông học sinh theo học. Ông “order’sách Toán và báo Paris Match từ Pháp để mở rộng kiến thức giảng dạy,chơi thân với ông Quảng thuận và thày Tuân. Chính ông vừa dạy Toán,vừa làm phó hiệu trưởng bán công Nguyễn Công Trứ,vừa dạy Sử Địa bên Duy tân. Ông có tài kể chuyện lịch sử rất sống động, lôi cuốn, tỉ mỉ vẽ bản đồ rất hấp dẫn,học trò gọi những giờ Sử địa của ông là những buổi chiếu “xi nê ma” lý thú,không nên cúp cua. Có lần bạn bè trong lớp yêu cầu ông gọi tôi lên trả bài địa lý, tò mò muốn biết 2 cha con đối đáp ra sao,ông hiền lành cười tủm tỉm chiều ý , rủi thay lần đó tôi không thuộc bài lắm, được có 10/20 điểm,bạn bè thích chí hả hê cười. Nhờ ông kèm cặp học hành khuya sớm mấy năm liền mà tôi tiến bộ mau chóng, môn nào cũng giỏi cũng khá. Mùa hè năm đó,nhân ngồi chọn lựa sách, sắp xếp các phấn thưởng cho học sinh giỏi cuối năm, ông cho tôi cuốn tự điển Anh văn bỏ túi của Tạ văn Khôn, như một mong muốn cho tôi học xuất sắc sinh ngữ này bấy giờ đang rất có giá cho tương lai thế hệ trẻ. Thày Văn dạy Việt văn, thày Thai Pháp văn, thày Kha Anh văn luôn cho tôi nhất về 3 bộ môn văn này. Thời gian này tôi ưa chơi với Trần văn Một (sau là sĩ quan bộ đội CS bị tử trận),Huế và Trinh. Dưới tôi 1 lớp bấy giờ có Văn kỳ Chương cũng nổi tiếng học xuất sắc, nhiếu thày và bạn hay nhắc,nhưng chúng tôi ít khi có dịp gặp nhau nói chuyện hay thử tài nhau. Lúc đó trường Nguyễn Công Trứ và Duy tân hợp tác tổ chức 2 cuộc thi thử trung học( đầy đủ các môn y như thi thiệt) cho học sinh 2 trường,1 lần trước Tết 1 lần sau Tết. Kết quả kỳ thi thử đầu, tôi đỗ thủ khoa,Phan minh Châu bên Nguyễn.công.Trứ đỗ thứ nhì. Qua kỳ sau , Thung Hà (tứ 2) đỗ thủ khoa,Trần Khanh (tứ 2) đỗ nhì,Phan văn Nhượng (tứ 2) và tôi (tứ 1)đỗ 3 đồng hạng . Hồi đó còn nhớ có cả thi thể dục hay sao mà chiều nào học sinh 3 lớp đệ tứ cũng gặp nhau ở Sân Vận động (bây giờ là bến xe khu Tam giác) tập tành chạy nhảy,nhảy cao nhảy xa,thi cử đàng hoàng. Có cả vô nhà thương khám sức khỏe để đi thi nữa. Con trai 15 mười sáu mà bắt vô phòng cởi truồng tồng ngồng đứng cho y tá khám thật là ngượng đỏ mặt. Rồi kỳ thi đến,tất cả ra Nhatrang thi ở Võ tánh. Tôi nhanh nhẩu đoảng làm sai 1 con toán chia, nên trật một trong 2 đáp số,vô oral lại bị zero môn Sử Địa nên cũng đậu ,nhưng đậu không cao như Thung hà,Khanh,hay Nguyễn Trung Trinh.. Lúc đó rất là hận anh Nghiêm (học sinh Lê Lợi cũ của ba tôi) dạy Sử địa,không có dạy bài đó trong lớp nên tôi cũng bỏ qua không học. Giám khảo hỏi oral lại là thày lạ,bĩu môi không tin lời mình phân trần. Đúng là học tài thi phận có số. Bù lại, lễ phát thưởng cuối năm đệ tứ tôi đứng nhứt, được giải thưởng danh dự. Trung Trinh đứng nhì , được giải nhỏ hơn. Tôi buồn phải chia tay với Huế,theo gia đình về Nhatrang,và Trinh,theo gia đình ra Huế . Năm năm sau đó, tình cờ gặp lại Trinh ở Đại học Sư phạm Huế cùng trường,tôi ban Pháp văn năm dự bị,còn Trinh đang là sinh viên năm chót ban Toán. Nhiều năm về sau,tình cờ gặp lại Huế ở Nhatrang,vợ con đùm đề.
Mùa hè năm đó, như mọi teenager mới lón, tâm sinh lý thay đổi,tôi có những bức xúc dằn vặt,cho mình là người lớn, thích tự lập, ganh tỵ với đám anh họ giàu có học trường Tây ở Saigon, và bất mãn với gia đình vì không cho vô Saigon học. Tôi có khiếu về sinh ngữ,hay mơ mộng,muốn theo ban C vào Saigon học,mà Duy tân thì chỉ mở có 2 lớp Đệ tam A và B. Má tôi không đồng ý cho tôi đi học xa, phiền bà con,sợ hư. Tôi đành phải chọn ban A.Tôi khá Toán,nhưng không thích môn này. Tôi quan niệm học Toán phải học lên cao, ra kiến trúc sư,kỹ sư mới đáng ,chứ ra đi dạy lại trung học thì chán chết,nhai đi nhai lại một mớ kiến thức khô khan vô vị. Tôi cũng không thích gì Vạn vật,gạo bài là cái sở đoản của tôi,nhưng học ban A có thể đi thẳng lên bác sỹ, dược sỹ, cái nghề cao quí,vừa cứu sống thiên hạ lại vừa làm ra nhiều tiền. Thế là tôi tàn tàn học ban A, môn nào cũng khá,không cần phải cố gắng. Bạn bè xuất sắc dưới đệ tứ như Thung hà, Khanh đổi vô Phan thiết học, Trinh về Huế, Khôi, Khai thi băng lên tú tài hay đi đâu mất tiêu hết, ban B có Phúc,Thành,Tám học giỏi,còn ban A thì tôi và Thi (sau này ra đại úy chết trận) khá nhất. Hồi đó có Tạ duy Quí ở gần nhà,chơi thân lắm,sau đi Không quân(sau 75 học cải tạo Quí trốn trại bị bắn chết). Bạn gái cùng lớp hồi đó có năm sáu cô,như Kim thoa, Chi Nga, Phương(dược sỹ), Phan thị Minh…Thày giáo gây ấn tượng nhất có thày Lưu giáo sư chủ nhiệm dạy Toán (sau này 2 lần gặp lại ở Cali) rất bình dân, thày Bảo(một mắt) dạy Lý hóa,chuyên môn đeo kính mát xanh lá cây. Nhớ có mấy lần học sinh cả trường kéo nhau đi biểu tình lang thang khắp phố,đả đảo cuộc đảo chánh Ngô đình Diệm năm 60, thày thì trẻ mà nam sinh thì cao lớn,thày trò thân mật đối đãi nhau như là anh em. Cuối năm học tôi tình cờ nhận được thư chiêu dụ của một công ty lớn ở Saigon khuyền khích và hứa hẹn cấp học bổng khi tốt nghiệp lên đại học. Tôi thắc mắc tại sao công ty lớn nào đó ở Saigon lại biết đến một tên học sinh quèn tỉnh nhỏ như tôi thì ba tôi giải thích là Bộ Giáo dục nắm hết tên các học sinh trung,đại học xuất sắc toàn quốc, và đã cung cấp thông tin cho các hãng lớn ở Saigon (y như bên Mỹ sau này).
Hè năm đó,tôi lại áp lực gia đình cho vô Saigon học ban C. Tuy biết rõ tôi có sức học khá,ba má vẫn dùng dằng không quyết. Ba tôi thấy tôi buồn, cho theo anh Phúc vô Saigon học hè một lớp Pháp văn với thày Tỵ ở tư thục Nguyễn Khuyến để thay đổi không khí. Ở đây tôi quen Phạm dục Tú, cũng 16 bằng tuổi, con nhà xuất nhập cảng giàu có,nhà lầu đồ sộ ở đường Võ tánh quận 1. Tú học ban B,sau này ra kỹ sư Thủy Lâm,có lần ra Phanrang thực tập, ghé ở nhà tôi một tháng. Tôi sanh ra trong gia đình đông con,tỉnh nhỏ,thanh bạch,nhưng biết mình học giỏi, lại tiếp xúc những con nhà giàu như Tú, đám anh họ đi học trường tây có tài xế đưa đón ở Saigon nên bắt đầu so sánh, có những ước mơ giàu sang phú quí. Phải vào Saigon bằng bất cứ giá nào mới tạo sự nghiệp được,tôi tự nhủ. Qua tháng 9 thì tự nhiên ba tôi chiều ý, dẫn vào Saigon gửi trọ nhà ông bác họ ở quận Một,đăng ký đóng tiền cho tôi học tư thục Nguyễn văn Khuê,lớp đêm Đệ Nhị C. Ba nói trường công Chu văn An có đệ nhị, đệ nhất C, nhưng họ không chịu nhận học sinh ngoài Trung chuyển vào. Thế là tôi bắt đầu sống xa Phanrang, xa gia đình năm 1960, năm mới có 16 tuổi, như con bướm mới vùa trổ mã, rời khỏi hang tối,bay ùa vào khu vườn rực rỡ bông hoa muôn màu ngạt ngào hương thơm quýến rũ. Như cậu thiếu niên đẹp trai tỉnh lẻ ngây ngô lần đầu ra kinh thành xa hoa ngập tràn ánh sáng muôn mầu, lăn vào vòng tay cám dỗ của thế giới phòng trà ca hát, giải trí trường , theo bạn bè lớn tuổi chơi nhiều hơn học. Tôi đã thường trốn học tối thứ bảy để đi xi nê,phòng trà, học đòi ăn mặc theo đợt sống mới, may quấn áo bó sát, tóc tai uốn gợn như tài tử xi nê Âu Mỹ,học hành lếu láo với mấy ông thày thiếu lương tâm vô trách nhiệm,chỉ cốt “tiền thày bỏ túi” còn thì học sinh thi cử rớt đậu mặc bây. Mười sáu tuổi xa gia đình tôi đã học được một số thủ đoạn cạm bẫy ở đời, biết được tình người ấm lạnh, đời sống xa hoa sa đọa của một số triệú phú ăn chơi và kiếp nghèo lầm than cố gắng ngoi lên của lớp người lao động tay chơn ở Cầu Ông Lãnh. Tôi biết được thế nào là tình cha mẹ thương yêu và hy sinh cho con cái . Tôi chơi rất thân với Thuận, 25 tuổi, làm thông dịch viên cho Mỹ, thường hay dẫn tôi đi xi nê, ăn uống. Mấy năm sau, học Đại học Huế, tình cờ gặp lại Thuận làm cho căn cứ Mỹ đóng ở phi trường Đà nẵng, rất giàu, Thuận bao tôi đi ăn uống phủ phê.. Hè năm đó tôi đậu thi viết kỳ 1, bạn bè thày giáo ai cũng kinh ngạc. Cả trường ban C chỉ có 4 người đậu, 3 người kia đều là công tư chức già,chỉ có tôi là con nít. Họ hãnh diện viết tên 4 tên họ chúng tôi lên “top” tấm bảng cao, dựng cao chót vót để quảng cáo cho giáo sư trường dạy giỏi,mà thực ra chỉ là do công sức mày mò tự học của chính cá nhơn học sinh.. Ba tôi mừng rỡ vô Saigon đãi đằng bà con linh đình vì đứa con ở trọ thi đỗ phần 1, nhưng sau đó tôi phải qua 7 môn oral nữa,và bị đánh hỏng, vì môn Toán học lam nham phải dở vở ra “copy” bị bắt quả tang, hỏng luôn kỳ oral 2 vì môn Anh văn phát âm sai.
Năm đệ nhị C ở Saigon là thất bại đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời đèn sách của tôi, một thất bại tốn tiền,nhưng đã dạy cho tôi những bài học quí giá về sau: sự cẩn thận ,óc tỉ mỉ, tánh cần cù siêng năng, quí trọng thì giờ…Tôi đã ra Võ tánh, Nhatrang, học lại Đệ nhị C nghiêm chỉnh,đỗ tú tài 1. Tiếp tục lên đệ nhất C,đỗ tú tài 2,đợt 1,đợt 2, rồi đợt 3. Giai đoạn này tôi chơi thân với Dũng,Vĩnh Su, Đoàn Cầu, Vỹ,Thiện Tâm và Thanh tâm. Bạn gái có Cẩm Nhung, Quỳnh chi, Loan,Trang. Thày giáo tôi quí có Cung giũ Nguyên (Pháp văn),Võ doãn Nhẫn(Triết), thày Phiệt và Tiết (Anh văn). Ba tôi ưa dẫn tôi đi ăn chung với các thày giáo trẻ đồng nghiệp, hãnh diện có con trai mới lên đại học. Hè 63,tôi lên Đà lạt thi vô ban Pháp văn Đại học Sư phạm , đỗ phần viết nhưng phải thi oral ở Saigon và lạng quạng không rành văn học sử Pháp nên bị tiến sỹ Bùi xuân Bào đánh rớt. Cùng lúc đó một mình bay ra Huế thi vào Đại học Sư phạm Huế 4 năm. Tôi muốn thử cả 2 môn Pháp và Anh văn. Nhưng 6 môn Việt hán, Pháp, Anh,Toán,Lý hóa, Sử Địa tổ chức thi cùng ngày nên tôi phải dứt khoát chọn một. Khả năng Anh văn tôi khá ngang ngửa với Pháp văn, nhưng bấy giờ Anh văn đang bắt đầu có giá với sự có mặt ngày càng đông của người Mỹ sang Vietnam. Tôi muốn liều đổi qua Anh văn,nhưng vẫn không đủ tự tin .Nếu rủi mà rớt thì sẽ bị gọi đi lính ngay. Thế là tôi an phận thi Pháp,và đỗ hạng 20 trên 24 với học bổng 1000$ 1 tháng. Ba tôi happy,nhưng chọn Pháp văn là một chọn lựa sai lầm to lớn,giới hạn con đường tiến thân sau này. Tôi đã ” underestimate” (đánh giá quá thấp) khà năng Anh văn của mình,và quá nhút nhát. Nhiều sinh viên đỗ vào Anh văn tôi tiếp xúc sau này ở thư viện Huế, khả năng English còn kém hơn tôi rất nhiều.
Qua 1 năm học hành cần cù chăm chỉ với mấy ông thầy Pháp, Bonzon, Cauro, Bolliet, cha Oxarango (dạy Latin), qua một kỳ thi lên lớp cuối năm gay go, từ 24 người chỉ có 6 người đủ điểm đậu lên năm thứ 2,tôi đứng hạng nhì với thêm chứng chỉ “propedeutique” (Dự bị văn khoa )hạng Bình thứ bên Văn khoa. Vĩnh Su đậu hạng ba, Đoàn Cầu hạng 6 . Ba tôi hoàn toàn happy, vui vẻ với thành công rực rỡ của đứa con trai đầu mà ông đã dồn hết tâm lực đào tạo và kỳ vọng vào. Tôi không bao giờ quên được nụ cười rạng rỡ và niềm hãnh diện vui sứớng trên gương mặt ông khi cầm tờ kết quả khoe với mẹ tôi. Nhưng niềm vui không kéo dài lâu. Cái chết đột ngột bất ngờ của ông vì tai nạn xe cuối thu 1964 làm tôi lao đao xuống tinh thần suốt một năm trời. Tôi không còn đủ nghị lực theo đuổi dự định lấy thêm các lớp English bên Văn khoa song song với Sư phạm Pháp để kiếm thêm cái bằng Cử nhơn Anh văn. Nhiều đêm tôi âm thầm nằm khóc trong căn phòng trọ xa gia đình vì quay quắt thương nhớ ông,vì chưa làm gì dược để báo hiếu ông một ngày.Tôi biết ông đặt hy vọng tin tưởng rất nhiều vào chim đầu đàn là tôi, và thương tôi nhất trong đám con 9 đứa. Ông hay âm thầm mua vé số và bỏ tiền hùn hạp trồng hành tây với nhà rẫy ở Văn Sơn để mong gia tăng lợi tức cho gia đình đông con nhưng không bao giờ trúng. Ông khéo léo nhắc tôi khoan có bạn gái, mà hãy lo cho sự nghiệp trước để phụ ông lo cho các em một thời gian.Tôi từ từ gượng lại ở năm thứ ba, tìm vui trong học võ Karate, đấm đá, đấu võ với các môn sinh phái khác ở Huế. Tôi mê say các tài tử võ sư trong mấy phim võ thuật Nhật bản, dạy tư Pháp văn cho các nữ sinh Đồng khánh để tự lập về tài chánh, khỏi phiền đến mẹ bấy giờ 1 mình cưu mang đến 8 đứa em ở Phanrang. Ở cùng nhà trọ với tôi có Cầu (cùng lóp),Cảnh (Sư phạm Anh văn),Đệ (sinh viên y khoa). Tôi chơi thân với Trần đình Sào học Văn Khoa, giỏi võ, hát hay nhà ở Cửa Thượng Tứ trong Thành Nội . Năm 1966, sinh viên Huế do Việt Cộng giựt dây nổi lên tranh đấu biểu tình bãi khóa liên miên khiến việc học thường xuyên bị gián đoạn,má tôi nhờ bác Hiệp (thứ trưởng Bộ giáo dục) giúp cho đổi về Đại học Sư phạm Saigon. Bác Hiệp là bạn học cũ bên Pháp với thày Lê Văn ( Khoa trưởng cũ ở Huế) đang làm Khoa trưởng Saigon nên nói một tiếng là tôi lập tức nhận giấy chuyển trường vô Saigon ngay mùa hè. Cauro, giáo sư trẻ dạy tôi Literature ở Huế cũng đổi vào Saigon dạy,gặp lại tôi rất mừng rỡ,giới thiệu gửi gấm tôi với mấy bà giáo Pháp,mời tới nhà ăn mấy lần . Sào cũng đỗ Quôc gia Hành chánh vào Saigon học. Tôi tới ở trọ với Sào ở nhà ông anh họ Sào,quận 3. Nhà lầu 4 tầng này ông mua cho 3 đứa con trai vô Saigon học,mướn người ngoài Huế vô nấu ăn cho cả nhà dưới sự quản lý của Sào. Tôi chiếm một phòng trên lầu 3,khỏi góp tiền nhà,chỉ góp tiền ăn,thỉnh thoảng dượt võ với Sào hay chỉ bài cho mấy đứa cháu Sào. Hai đứa cùng thi lên đai đen Karate với đại sư huynh Ngô Đồng, được cấp bằng đệ nhất đẳng. Anh Đồng lúc đó là giảng nghiệm viên Khoa học Huế,vào Saigon công tác một tháng, mấy anh em đi chơi với nhau nhiều nơi thật vui. Đó cũng là lần cuối tôi gặp anh ở Vietnam. Sau này nghe nói anh và gia đình vượt biên qua Mỹ sau 75 . Bạn học Sư phạm Saigon của tôi gần 60 đứa, toàn là dân trường tây chính cống,nói tiếng Pháp như gió, tôi phải cố gắng rất nhiều mới cạnh tranh nỗi. Tôi gặp lại Ánh Nguyệt hồi học chung ở Sư phạm Huế,nhưng thân với Lộc(hiện ở Canada),Vũ và Khanh(hiện ở Pháp) ,Hải và Thục (San Diego). Cuối năm may mắn tôi đỗ ra trường khóa 1 với hạng gần chót ,thứ 30. Tháng 6 năm 67,tôi mới 23 tuồi, vừa lấy bằng tốt nghiệp đã nhận được giấy nhập ngũ đi Thủ đức,tôi thât kinh xin hoãn, chờ bổ nhiệm đi dạy vào mùa thu mới đi để được ăn lương sai biệt. Tôi dạy dưới Sóc trăng gần 1 năm,vào trại nhập ngũ Quang trung,Đồng Đế học 6 tháng sau Tết Mậu thân, chọn nhiệm sở Ninh thuận,làm trung đội trưởng đại đội đóng ở Tri thủy,gác cầu Đạo long , làm trong Trung tâm hành quân tiểu khu Ninh thuận,lên Ban mê thuột học khóa võ Taikwando 6 tháng. Tổng cọng đi lính hơn 1 năm rồi được biệt phái về dạy lại Sóc trăng. Cuối 1969, tôi xin đổi về dạy Duy tân, Phanrang,. Sào cũng ra trường ,về Huế làm đốc sự,rồi thăng phó quận. Năm 1970 tôi lập gia đình,có con.. Bà xã tôi ngưới Cam ranh,là em họ anh chàng cựu Đại đội trưởng tôi thời đi lính. Sào có vào ghé thăm vợ chồng tôi năm 72, bồng con tôi trong tay. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sào. Sào hát thu băng cho tôi một cassette toàn nhạc tiền chiến chọn lọc và 1 bài chính Sào sáng tác nhắc lại mối tình đầu với An ở Huế để làm kỷ niệm. Sau này qua Mỹ nghe tin Sào trốn học cải tạo,cải danh tánh lý lịch vô lục tỉnh ở chui, lấy vợ có 1 đứa con trai, chưa kịp đi vượt biên được thì bạo bệnh qua đời. Lúc đó tôi dạy ở San Jose, nghe tin sững sờ cả tiếng đồng hồ như người mất hồn. Năm 73,hai vợ chồng tôi ra ở riêng ở Cầu nước Đá,mở hiệu sách Từ mẫn. Tôi làm giáo sư cố vấn ban xã hội,thường dẫn học sinh đi ủy lạo đại đội Bùi hữu Kiệt đóng ở Ba tháp. Tháng 3/75, học trò tôi là cháu kêu Kiệt bằng cậu ruột, báo tin Kiệt lái xe trúng mìn chết banh xác ở Qui nhơn. Tôi choáng váng cả người. Tôi và Khai đại diện trường tới nhà phúng điếu Kiệt mà khóc đỏ hoe mắt. Kiệt chết đi ,để lại người vợ trẻ với cái bào thai 6 tháng. Sau 75,tôi bị gọi đi học tập cải tạo ở Sông Mao với tư cách là trung úy biệt phái Ngụy. Ở đây tôi quen thân Trần phụng Hà,cựu học sinh Lycee Yersin Đà lạt,con một đại điền chủ nổi tiếng ở Phanthiết bị đánh tư sản. Mẹ và vợ Hà ở quá xa không đủ sức đi thăm nuôi Hà nên tôi chia xẻ thức ăn thăm nuôi cho Hà và hai đứa trở thành bạn than cho đến bây giờ. Cải tạo về, Hà làm lơ xe cho ông anh chạy đường Phanrang-Saigon năm sáu năm,do đó mà thường xuyên gặp tôi. Tôi bỏ vốn mua gạo,đề nghị Hà cọng tác với tôi,chở gạo chui về Saigon bán lấy lời chia 2. Hà mang vợ con từ Pleiku về Saigon sống lây lất nhiều năm nữa cho tới khi qua Canada theo diện đoàn tụ và từ Mỹ, tôi bay qua thăm. Mấy anh em Hà mở nhà hàng sinh sốngcũng tạm qua ngày. Sau 1976 là những chuỗi tháng ngày lao động vất vã, xúc đất làm gạch, thợ mộc, cuốc đất, điêu khắc , đạp xích lô …dưới chế độ XHCN cho đến khi vượt biên qua Mỹ năm 83, đi học lại college ở Cali,lấy teaching credential và bằng Master về Giáo dục, và trở lại nghề gõ đầu trẻ. Thày giáo và bạn học Mỹ tôi không nhớ tên ai đích xác qua nhiều năm trôi nỗi, ngoài David ở Fresno, nhưng tôi gặp lại thày cô Lê Văn, thày Huỳnh đình Tế ( dạy Văn khoa Huế ) ở Cali,thày Võ doãn Nhẫn( dạy Triết năm Đệ nhất C Võ Tánh )ở San Diego, thày Nguyễn ngọc Lưu (năm đệ tam A Duy tân)giáo sư Lâm (Duy Tân)ở Wesminster, thày Tuân qua Mỹ chơi ở San Jose, nhiều bạn học xưa và một số học trò cũ ở Vietnam. Bạn học xưa thời lớp Nhứt như Huỳnh Chấn ở Oakland,Trần bá Lang và Quang Trung Huê ở Nam Cali, bạn thời Duy tân như anh Tiềm,Tấn Phúc,chị Thái nguyệt Tâm, Đào thanh Tâm, Chi Nga,Thoa, Ngọc, Hà công Lý,Từ công Tấn,Trung Trinh,Văn kỳ Chương,Tam Điệp…, thời Võ Tánh như Hồ thanh Tâm, Lâm hùng Dũng, Lã phương Loan (vợ nhà báo Người Việt Đỗ ngọc Yến),thời Đại học Sư phạm như Nguyễn ngọc Cảnh,vợ chổng Hải Thục,và bác sĩ Đệ.
Giờ đây,trên đầu đã 2 thứ tóc, an hưởng cuộc sống tự do, nhàn hạ,sung túc nơi xứ Mỹ, ngẫm lại 25 năm đèn sách ăn học, tôi thỉnh thoảng đau lòng nhớ lại ba tôi với cuốn tự điển Anh văn ngày xưa ông cho,mong ước con mình giỏi tiếng Mỹ. Phải chi ông còn sống để thấy tôi đã đạt được nhiều hơn điều ông muốn , đã mang gia đình qua Mỹ ở, nói tiếng Mỹ lưu loát, dạy cả tiềng Mỹ cho học trò Mỹ. Tôi cũng thường tự nhủ, “Nếu được quyền lựa chọn, và nếu có cách làm cho thời gian đi ngược lại, tôi sẽ :
-MỘT, có nên xin Má theo ông cậu ra Bắc năm 54 để sau trở thành 1 ông lớn đảng viên cao cấp chế độ CSVN vinh thân phì gia (hay biết đâu anh bộ đội chết bỏ xác bên Lào),
- HAI, tiếp tục lên Đệ nhị A Duy tân để học lên y khoa ra bác sỹ giàu sang như Đệ (sinh viên y khoa Huế ở chung nhà trọ ngày trước, bác sỹ quân y VNCH, rồi bác sỹ thần kinh ở Irvine).
- BA, chọn thi ban Anh văn Sư phạm Huế ( thay vì Pháp văn ) để ganh đua với Nguyễn ngọc Cảnh (sinh viên thủ khoa ban Anh văn Sư phạm Huế ở chung nhà trọ, gíáo sư Nữ trung học Nhatrang,rồi Phó giám đốc Hội Việt Mỹ Huế, được học bổng đi Mỹ lấy bằng Ph.D năm 78, rồi supervisor ở Cali cho Bảo hiểm Nhân thọ Met Life lương 300 ngàn, và hiện nay là inspector cho 1 hãng bảo hiểm Mỹ ở VN có chi nhánh khắp Đông Nam Á ) hay…
- BỐN, dẫn vợ con bỏ nước ra đi từ tháng 3/75 theo tàu qua đảo Guam tới Mỹ sớm hơn để đi học đại học lại sớm , có một tương lai huy hoàng hơn,hay “just” bằng lòng với hiện tại,một public school teacher về hưu có cuộc sống an nhàn thong thả"
Câu hỏi tôi thừa biềt sẽ không có câu trả lời chính đáng, vì mỗi người có một cái nghiệp riêng, một nhân duyên riêng,và thành công hay thất bại,giàu sang hay nghèo hèn, dựa trên phước đức sâu cạn của từng cá nhân một. Hiểu triết lý ”Nghiệp báo Karma” và “tri túc” của đạo Phật, ý nghĩa”Tái ông thất mã” trong Cổ học tinh hoa, và luật bù trừ trong khoa Tử Vi Lý số Tàu, tôi không phàn nàn, ân hận gì về cuộc đời mình. Tôi vẫn cho là mình có phước hơn rất nhiều người.Tôi viết bài này tâm ý vô tư, thành tâm biết ơn tất cả những vị thày tận tụy đã đi qua đời tôi, đã khuất hay còn sống, ưu ái thương nhớ những người bạn học yểu thọ sang hèn,chết cũng như sống, đã từng chung sống kinh qua các giai đoạn thăng trầm, sung sướng và khổ đau ở Vietnam trong quá khứ.Tôi thành thật mong ước và cầu nguyện cho tất cả được mọi sự an lành trong cuộc đời ngắn ngủi phù du này, cũng như còn vương vất ở thế giới bên kia./.