Tin Tức Là Cốt Yếu
Vi Anh
Muốn hay không muốn truyền thông đại chúng đang đóng vai trò lớn không thể chối cãi được trong cuộc sống của thời đại này. Để một bên quảng cáo tràn ngập trên các loại hình truyền thông đập vào mắt vào tai mỗi người một ngày không biết bao nhiêu lần, còn có tin tức, thông tin, nghị luận, và giải trí có thể nói quá phong phú đến nổi thừa mứa nữa. Để từ đó thử phân tích tin tức là một thứ giải trí hay là một nhu cầu công ích cốt yếu.
Tin tức trong phạm vi bài này khác nghĩa với chữ "thông tin" (information) mà báo chí trong nước thường dùng để chỉ "tin tức" (news). Cái này cũng dễ hiểu vì trong chế độ CS, báo chí là cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng Nhà Nước. Thông tin của Đảng Nhà Nước đưa ra cứ thế mà đăng, sửa một ý là có thể bị kỷ luật, làm gì, cần gì có chuyện phối kiểm, "xác minh". "Tin tức" (news) theo truyền thông tự do là những sự kiện, sự việc vô tư, độc lập mà nhà báo có nhiệm vụ phải phối kiểm nguồn tin, đối chiếu thực tế; còn "thông tin" (information) chỉ là điều một cơ quan đoàn thể nào đó đưa ra, phổ biến theo ý hướng của tổ chức ấy mà thôi.
Một, khảo nghiệm của đại học cho biết người Mỹ là người dùng truyền thông nhiều nhứt. Dùng hai phần ba thời gian thức để vô Internet, xem TV, nghe nhạc, hay nói điện thoại. Vừa vào Internet vừa làm việc khác như xem truyền hình, nghe nhạc, xem thư. Đó là kết quả do Trung tâm nghiên cứu của Đại học Indiana làm một cuộc khảo sát khoa học và công phu. Mỗi người đồng ý cho khảo nghiệm được gắn một máy đặc biệt ghi nhận cứ 15 giây một lần những hoạt động suốt 12 tiếng đồng hồ một ngày, tổng cộng 5.000 giờ, với 400 cư dân đồng ý cho khảo nghiệm ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Kết quả cho biết trung bình một người Mỹ sử dụng 30% thời gian thức để tiếp cận với truyền thông và 20% để làm việc. Theo nhận xét của Giám đốc Trung Tâm là Ô Michael Bloxham, tham khảo truyền thông có nghĩa thí dụ như xem TV, nghe radio, đọc báo. Kết quà này không có gì đáng ngạc nhiên, nó xác nhận khuynh hướng chung rất phù hợp với những khảo nghiệm những năm trước đây; nó cũng xác nhận vai trò rộng lớn của truyền thông trong đời sống của người Mỹ.
Khảo nghiệm cũng cho biết trong việc tiếp cận truyền thông đại chúng, có hai loại người. Loại thứ nhứt xem truyền hình trung bình 240 phút (4 giờ đồng hồ) một ngày. Loại thứ hai xem computers 135 phút (2 giờ 15 phút) một ngày. Loại hai xem những gì trình bày, loan tải trên mạng qua Internet, như điện thư, điện tín khẩn, báo chí, nhạc. Và có một điều ngạc nhiên đầy thích thú là thời gian xem computers theo khảo nghiệm bằng với thời gian nghe nhạc mỗi ngày, nghe từ nhiều thứ máy, như radio, nhạc phát từ nhiều chương trình trên mạng.
Và càng thích thú hơn, có người vừa tiếp cận truyền thông vừa làm việc khác. TV là loại hình truyền thông người ta vừa xem vừa làm việc khác nhiều nhứt. Khảo nghiệm kết luận dù thời gian tiếp cận với computers ngày càng tăng, nhưng loại hình truyền thông người ta dành thời giờ cho nhứt vẫn là TV.
Ở âu châu, phân tích của Michel Schifres đăng trên báo le Figaro ngày 23-12-09 cho biết trước những bước nhảy vọt của Internet, webs, người ta tưởng nó sẽ làm truyền hình, báo chí sụp đổ. Nhưng khảo nghiệm và thăm dò cho thấy truyền hình vẫn còn một tương lai sán lạn, báo chí ít sán lạn hon nhưng không chết như người ta suy luận. Thời gian trung bình của một người xem truyền hình là 3 giờ 8 phút mỗi ngày. Khảo nghiệm này có tính toàn cầu, được làm trên 76 nước. Mỗi năm thì thời gian này càng tăng, mỗi năm tăng lên 60 giây. Người ở các nước phát triễn ít hâm mộ truyền hình hơn người của các nước đang phát triễn.