Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn Áp và Cầm Tù (PEN CODEP/WIPC)
Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Oslo (Na Uy), thủ đô thế giới về Quyền Tự Do Phát Biểu Hội Nghị kỳ thứ 8 của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế: Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn Áp và Cầm Tù (PEN CODEP/WIPC)
Từ ngày 1 đến ngày 6 tháng sáu năm 2009, thủ đô Oslo của Na Uy đã tiếp đón 234 tổ chức, cơ quan và mạng lưới Quyền Tự Do Phát Biểu quốc tế, 528 thuyết trình viên và hội luận viên đến từ 103 quốc gia trong khuôn khổ Diễn Đàn Toàn Cầu về Quyền Tự Do Phát Biểu GFEE (Global Forum on Freedom of Expression). Chương trình dành hai ngày 1 và 2 tháng sáu cho bốn Hội Nghị chuyên biệt: Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù PEN CODEP/WIPC, Mạng Lưới Trao Đổi Quốc Tế về Quyền Tự Do Phát Biểu IFEX, Mạng Lưới Nhà Nhân Quyền HRHN và Liên Đoàn Quốc Tế các Nhà Báo IFJ. Trong những ngày 3, 4, 5 và 6 tháng sáu, các nhà văn, nhà báo, nhà biên khảo, nhà xuất bản và nhà hoạt động bảo vệ Nhân Quyền đồng tham gia những cuộc hội luận, thuyết trình với Quyền Tự Do Phát Biểu là trọng tâm của đề tài. Đứng đầu Ban tổ chức Diễn Đàn GFFE là Trung tâm Văn Bút Na Uy, Viện Quyền Tự Do Phát Biểu Fritt Ord và Mạng Lưới Trao Đổi Quốc Tế Quyền Tự Do Phát Biểu, với sự yểm trợ của ba Bộ Ngoại Giao Na Uy, Phần Lan, Gia Nã Đại (Cơ quan Phát Triển Quốc Tế), UNESCO, Oxfam Novib, Fritt Ord, Open Society Institute. Hợp soạn và thực hiện Chương trình, ngoài các tổ chức và cơ quan nói trên, phải kể thêm: XIX Article 19, Norsk Kulturarrad Arts Council Norway, Beacon for Freedom of Expression, British Council, Fredskorpset Norway, Fundacion para La libertad de Prensa, Global Partners & Associates, Human Rights House Network, IFEX, IFJ, INDEX on Censorship, Media Diversity Institute, Nobel Peace Center, Đại học Oslo, Trung Tâm Nhân Quyền Na Uy, Ủy Ban PEN CODEP/WIPC, Văn Bút Hoa Kỳ, Liên Đoàn Quốc Tế các Hội Nhân Quyền, Toda Research Network on Peace Journalism, Phóng Viên Không Biên Giới, Ân Xá Quốc tế, Thư Viện Alexandra Ai Cập, Shahrazad Stories for Life, Norwagian Theater, Music Fest Oslo, RiksKonsertene Norway, Fredrik Stabel & Avistegnernes Hus, Oscarsborg Festning, Films from the South...
Hội Nghị Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn Áp và Cầm Tù (Họp riêng)
Mặc dù cần huy động nhân lực và phương tiện để yểm trợ các văn hữu bị trấn áp tại Hoa lục, tại Tây Tạng và Tân Cương bị chiếm đóng, ba Trung tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập, Tây Tạng Hải Ngoại và Ouighur Lưu Vong cũng cố gắng gởi một số đại biểu tham dự Hội Nghị Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn Áp và Cầm Tù và cả các buổi họp khác của Diễn Đàn Toàn Cầu về Quyền Tự Do Phát Biểu. Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, thành viên Ủy ban CODEP/WIPC thuộc Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại và nữ văn hữu Fawzia Assaad, đại diện thường trực Văn Bút Quốc Tế tại Hội Đồng Nhân Quyền cũng đến Oslo theo lời mời của Ban Tổ chức Diễn Đàn. Đại diện Trung Ương Văn Bút Quốc Tế có Phó Chủ tịch Joanne Leedom-Ackerman, Tổng Thư ký Eugene Schoulgin, Giám đốc Điều hành Caroline McCormick, Giám đốc Chương trình Quốc tế Frank Geary, Chủ tịch Viện Tài Trợ Khẩn Cấp Rudolf J. Geel. Suốt một tuần lễ, Ủy Ban PEN CODEP/WIPC rời Luân Đôn qua làm việc tại Oslo: Chủ tịch Ủy Ban Karin Clark, Giám đốc Chương trình Sara Whyatt, Chuyên viên Nghiên cứu Cathy McCann, Phụ tá Chuyên viên Nghiên cứu Patricia Diaz và Tamsil Michell. Ngoài hơn sáu mươi hội viên Văn Bút còn có các quan sát viên là ông Helge Lunde, Đặc trách Quản Trị và bà Elisabeth Dyvik, Điều Phối Chương Trình Mạng Lưới Quốc Tế các Thành Phố cho Nương Náu ICORN, ông Alexis Krikorian, Tổng Thư ký Hội Quốc Tế các nhà Xuất Bản IPA, bà Sihem Bensedrine, nữ văn sĩ kiêm nhà báo Tunisie, bà Đặng Thanh Chi, hội viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do Việt Nam, tị nạn tại Gia Nã Đại, nữ văn hữu Anna Gerasimova, nguyên thành viên ban Chấp hành Văn Bút Biélorussie, Giám đốc Nhà Nhân Quyền Vilnius, nước Lithuanie, bà Chungdak Koren, Giám đốc Ủy ban Tây Tạng Na Uy, ông Karma Yeshi, Chủ nhiệm đài Tiếng Nói Tây Tạng ở Ấn Độ, ông Han Dongfang, nhà báo sáng lập tờ Lao Động ở Hương Cảng, bà Jocelyn Ford, Cố vấn Câu Lạc Bộ Phái viên Ngoại quốc tại Bắc Kinh.
Trong những tân khách chứng nhân có nhà báo Trung Hoa Jiang Weiping (bị kết án 8 năm tù), nhà báo Gloria Y.Fung (chứng kiến cuộc thảm sát Thiên An Môn), văn hữu Yu Zang (Văn Bút Trung Hoa Độc Lập), văn hữu Jigme Dorje (Văn Bút Tây Tạng Hải Ngoại), văn hữu Kaiser Adurusul (Văn Bút Ouighur), nhà văn A Phú Hãn lưu vong Samay Hamed và nhà báo kiêm nữ văn sĩ Mễ Tây Cơ Lydia Cacho Ribeiro. Được mời làm chứng, với lời giới thiệu của Chủ tịch Viện Tài Trợ Khẩn Cấp Rudolf J. Geel, bà Đặng Thanh Chi đã gây sự xúc động cho văn thi hữu chăm chú theo dõi. Bà chiếu một đoạn phim vidéo ngắn cho thấy Lm. Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại phiên tòa CS và hình ảnh các nhà văn bị bắt giữ một cách hung bạo. Bà kể lại những lời nhắn nhủ sau cùng của bà Phạm Thanh Nghiên nói qua điện thoại trước khi nhà phóng viên tranh đấu cho Nhân Quyền bị bắt lúc đang đau yếu nhiều. Bà nói thêm về sự tù đày của những nhà cầm bút, dân chủ đối kháng và tình cảnh thân nhân họ. Tiếp lời, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt xác nhận thực tại Việt Nam áp bức và bất công phản ảnh bởi những cuộc đàn áp tàn nhẫn và giam cầm độc đoán trong mấy năm gần đây. Ông tán trợ lời nữ văn hữu kêu gọi giúp đỡ thiết thực tù nhân ngôn luận và lương tâm.
Hai ngày Hội Nghị cho nhà thơ đồng hương của bà Đặng Thanh Chi cơ hội nhắc đến trường hợp các nhà báo Điếu Cày, Trương Minh Đức, Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, các luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Trần Quốc Hiền và nhiều tù nhân khác. Và mô tả tình trạng họ bị giam nhốt tồi tệ, đau ốm nặng không được y sĩ chẩn bệnh khẩn cấp và điều trị thích hợp. Văn Bút Quốc Tế được lưu ý một lần nữa về tình cảnh các cựu tù nhân bị quản chế, không được tự do chọn việc làm, bị sách nhiễu, hăm dọa, bị bóp nghẹt Quyền Tự do phát biểu và lập hội không khác trước khi bị bắt. Chuyện bà Hồ Thị Bích Khương bị tra tấn tàn bạo trong trại giam, tư gia nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và gia đình nhiều lần bị ‘’ném phân người, xác thú vật chết’’ cũng được kể lại cho các văn hữu đại diện Văn Bút Quốc Tế và các Trung tâm cùng biết. Nhà thơ Việt Nam lưu vong còn trình ra bản sao ảnh bài viết của vài ký giả trên báo An Ninh Thế Giới và Công An Nhân Dân. Mấy ngòi bút này, bị bạo lực bẻ cong, đã nhiều lần gay gắt chỉ trích, vu khống Hiệp hội Nhà Văn Thế giới (145 Trung tâm, 104 nước và 15 ngàn hội viên gồm có các khôi nguyên Giải Nobel Văn chương). Họ xuyên tạc rằng Văn Bút Quốc Tế bị ‘’bịt mắt’’ vì đã mù quáng thông qua các Quyết Nghị do Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại soạn thảo, tố cáo và lên án nhà cầm quyền CS chà đạp quyền Tự do phát biểu và giam cầm các nhà văn, nhà báo và nhà tranh đấu cho Nhân Quyền. Mấy bài báo có đăng ảnh Phó Chủ tịch Joanne Leedom-Ackerman và ảnh nhà thơ thay mặt Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại bị chụp mũ và buộc tội ‘’phản động’’ và ‘’chống phá quê hương’’. Hai nữ văn hữu Văn Bút Anh Carole Seymour-Jones và Cat Lucas ghi nhận lời nồng nhiệt cảm ơn về sự ủng hộ mà Trung tâm đã dành cho hội viên danh dự Trần Khải Thanh Thủy. Nhà thơ chuyển tiếp lời tri ân nhắc rằng Văn Bút Anh đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với tác giả ‘’Viết Từ Hang Đá - Nhỏ Lệ Cùng Dân’’ ngay từ khi bà bị nhốt tại trại Hỏa Lò. Sự ủng hộ tiếp tục cho đến sau ngày bà về với gia đình, thân còn mang vết tích bạo hành của chế độ lao tù CS và phải chữa trị bệnh lao phổi nặng. Văn hữu Văn Bút Tô Cách Lan Robin Lloyd Jones cũng được cảm tạ vì Trung tâm đã mở một cuộc vận động công luận và chính giới Tô Cách Lan khi được thông tin về nỗi thống khổ bất công áp đặt đối với nữ tù nhân ngôn luận Hồ Thị Bích Khương.
Tại Hội Nghị Ủy Ban PEN CODEP/WIPC và sau đó, tại một số buổi họp của Diễn Đàn GFEE, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã phổ biến một danh sách và tiểu sử của một số tù nhân biết tiếng. Ngoài những người kể ở trên và Hòa thượng Thích Quảng Độ bị quản chế tại Thanh Minh thiền viện, danh sách nêu lên trường hợp các nhà dân chủ đối kháng, tranh đấu cho Nhân Quyền như bà Lê Thị Kim Thu, các ông Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyễn, Trần Quốc Hiền, Trương Minh Đức, Trương Quốc Huy, Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Quang, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch và Vũ Văn Hùng. Những bài thi hữu viết và đăng trên các báo Thụy Sĩ nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ và Ngày Văn Bút Quốc Tế Đoàn Kết với Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù cũng được trao cho nhiều tham dự viên. Văn Bút Na Uy đã in giùm hơn một trăm bản danh sách tù nhân và các bài báo Thụy Sĩ.
Các văn hữu, đồng nghiệp đối thoại, bàn luận về những vấn đề làm họ quan tâm nhứt. Hiến chương Văn Bút Quốc Tế luôn luôn là kim chỉ nam hướng dẫn hoạt động chung và để tăng cường sự đoàn kết liên đới giữa các Ủy ban PEN CODEP/WIPC nói riêng và giữa các Trung tâm thành viên Văn Bút Quốc Tế nói chung. Văn Bút Quốc Tế không phải là một Hội Nhà Văn ‘’thuần túy’’ mà hội viên chỉ cần biết và chỉ chuyên chú viết văn làm thơ để ngâm vịnh thù tạc lẫn nhau (hoặc tôn vinh thần tượng lãnh tụ, ca tụng thành tích chế độ xã hội chủ nghĩa...theo kiểu báo ANTG/CAND muốn áp đặt). Vai trò chủ yếu và sự hiện hữu gần nửa thế kỷ qua của Ủy Ban PEN CODEP/WIPC xác định điều ấy. Lý tưởng của Văn Bút Quốc Tế bao hàm sự yêu mến văn chương và quý trọng tác giả, đồng thời sự dấn thân, cam kết bảo vệ quyền Tự do phát biểu, sáng tạo và thông tin. Văn Bút Quốc Tế không những cổ võ, thúc đẩy và phát huy văn chương, mà còn bênh vực những người bị đàn áp vì hành sử quyền Tự do vừa kể, nhứt là những người cầm bút, bất kỳ chế độ nào. Văn Bút Quốc Tế cũng góp phần xây dựng cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa khác biệt, nơi nào có tranh chấp và bạo động. Ngoài ra, Văn Bút Quốc Tế còn bênh vực Quyền Ngôn Ngữ cho các dân tộc thiểu số.
Tất cả tham dự viên đều cảm nhận nhu cầu và bổn phận sát cánh cùng nhau để đối phó với chính sách kiểm duyệt, chủ trương bất bao dung và kỳ thị tư tưởng khác biệt. Đối phó với tội ác tra tấn tinh thần và thể xác trong trại tù. Tội ác ám sát, hành hình trong bóng tối...hầu bóp nghẹt những tiếng nói trung thực, dân chủ và đối kháng. Thật vậy, mỗi nhà văn hay nhà thơ, trở thành hội viên Văn Bút Quốc Tế, tự hiểu và ý thức rằng mình đang sống một thời kỳ mà ngôn ngữ và tác giả của ngôn ngữ đang bị hiểm nguy lớn. Một nơi nào đó trên trái đất, lấy Việt Nam CS làm thí dụ điển hình. Nơi đó, chúng ta có thể bị ‘’quần chúng tự phát’’ đấu tố, bị công an mật vụ bắt nhốt ngục tối một năm dài không cho gia đình viếng thăm, luật sư tiếp xúc, bị tù thường phạm đánh đập và nhục mạ...Hoặc nếu chưa bị giam cầm độc đoán, có thể bị trọng thương hay thiệt mạng trong một ‘’tai nạn lưu thông’’ mà kẻ chủ mưu gây ra núp đằng sau ‘’ngụy danh xã hội đen’’. Chúng ta có thể bị trừng phạt như vậy chỉ vì dám suy nghĩ, bày tỏ hoặc viết thành văn quan niệm của mình. Chỉ vì dám cất tiếng nói lương tâm trong sáng để bảo vệ nhân phẩm đồng loại, đồng bào, dân tộc thiểu số anh em. Để tố cáo bất công xã hội, thảm họa độc tài, đại nạn tham nhũng. Tố cáo tội ác buôn bán trẻ con và phụ nữ, bao che kẻ tra tấn, giết người vô tội hoặc đồng lõa. Hoặc để phản đối những kẻ cầm quyền bất xứng. Phản đối những kẻ vì quyền lợi cá nhân và phe đảng đã câm nín, nhượng bộ, thỏa hiệp với ngoại bang, làm tổn thương chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ lãnh hải, làm mất đi một phần máu thịt của đất nước đã chịu quá nhiều tan vỡ, đau thương, tủi nhục sau tháng tư năm 1975. Bạn văn Việt Nam lưu vong hải ngoại sẽ nhớ đến thân phận và cuộc tranh đấu gian lao, nhiều lúc rất cô đơn, trong bóng đêm lao hầm, ngục tù dầy đặc, của văn thi hữu, nhà báo, tu sĩ, luật sư, đồng nghiệp cùng đồng bào ở quê nhà. Họ chỉ có tấm lòng, ngòi bút và tiếng nói. Mà muốn có Quyền Tự Do (phát biểu, sáng tác, lập hội, tín ngưỡng, v.v), họ biết không thể chỉ van xin thì được !
Trước khi đến dự Hội Nghị, các Trung tâm Văn Bút được yêu cầu báo cáo những hoạt động của Ủy ban CODEP/WIPC liên hệ. Các đại biểu có thể nói thêm tại chỗ. Riêng Ủy ban CODEP/WIPC thuộc Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, theo lời nhà thơ đại diện, đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Văn Bút Quốc Tế ghi trong các Thông cáo/Kháng Nghị thư. Nhiều cuộc vận động qui mô để bênh vực những văn thi hữu, nhà báo và nhà tranh đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam CS (7 lần), Trung Hoa CS và Tây Tạng bị chiếm đóng (6 lần), Miến Điện (4 lần), Cuba, Venezuela, Pérou, Mễ Tây Cơ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ba Tư, Kenya, Nigeria, Sénégal, Nga và Ouzbékistan (1 đến 3 lần). Nhờ Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, sự có mặt và tiếng nói của Văn Bút Quốc Tế được bảo đảm thường trực tại các Khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền. Khi giới thiệu Văn Bút Thụy Sĩ Ý thoại, nữ văn hữu Chiara Macconi, Chủ tịch Ủy ban CODEP/WIPC nhấn mạnh sự hợp tác giữa ba Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ và đan cử một vài thí dụ. Như Phó chủ tịch Văn Bút Thụy Sĩ Ý thoại Gilberto Isella đã dịch ra tiếng Ý một số bài trong tập thơ Dấu Tích Phượng Hoàng rồi mời tác giả đến thành phố Lugano hồi tháng tư để đọc thơ, mạn đàm về Văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời, yêu cầu thi hữu nói về tình trạng những người cầm bút và luật sư Nhân Quyền Việt Nam bị đàn áp và giam cầm và những công việc mà Ủy Ban Văn Bút PEN CODEP/WIPC đã làm để bênh vực các nạn nhân. Trong buổi hội luận tại giảng đường Phân khoa Thần học Đại học Thụy Sĩ Ý thoại, nhà thơ Việt Nam lưu vong có trao đổi ý kiến với nhà xuất bản Maurizio Gatti đến từ thành phố Milan nước Ý và nhà báo điện ảnh Thụy Sĩ Ý thoại Leandro Manfirni. Nhà thơ cho biết nhận xét của ông về một vài nhà văn dưới chế độ CS, như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Thiều sau khi đọc một số tác phẩm hậu chiến của họ. Nhà thơ cũng có nói qua và đánh dấu hỏi (") về thái độ của các tác giả vừa kể đối với cuộc tranh đấu cho Quyền Tự do Phát biểu của các nhà cầm bút độc lập và trí thức dân chủ đối kháng. Được biết Văn Bút Thụy Sĩ Ý thoại và Đức thoại là hai Trung tâm luôn luôn đứng ra từ đầu ghi tên tán trợ Dự thảo Quyết Nghị về Việt Nam mỗi khi Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đề nghị.
Tiếp tục nghị trình, nữ văn hữu Karin Clark báo cáo hoạt động của Ủy Ban PEN CODEP/WIPC. Một năm được đánh dấu bằng những hành động khẩn cấp hỗ trợ hàng trăm nhà cầm bút bị đàn áp tại một số nước trên thế giới. Thí dụ, bắt đầu từ Phi châu, có Kenya, Cameroun và Erythrée. Tới Trung và Nam Mỹ châu, có Cuba, Venezuela và Mễ Tây Cơ. Đến Âu châu, có Azerbaijan, Nga và Thỗ Nhĩ Kỳ. Qua Bắc Phi và Trung Cận Đông, có Ai Cập, Ba Tư, Maroc, Arabie Saoudite và Yémen. Xuyên Á châu, có A Phú Hãn, Sri Lanka, Miến Điện, Trung Hoa CS, Tây Tạng bị chiếm đóng và Việt Nam CS. Riêng về chế độ Hà Nội, Ủy Ban PEN CODEP/WIPC được báo động về cuộc trấn áp phong trào dân chủ đối kháng hồi tháng tám và tháng chín năm 2008. Theo nữ văn hữu Chủ tịch, số nhà văn bị bắt chưa được xét xử chỉ là một phần của chiến dịch rộng lớn để sách nhiễu, giam cầm các nhà tranh đấu cho Nhân Quyền, kể cả quyền Tự do Tín ngưỡng và quyền nông dân đòi được bồi thường ruộng đất, tài sản bị cưỡng đoạt (Dân Oan).
Bản Tường trình có ghi lại hai cuộc vận động lớn đối với Trung Hoa CS và Trung - Nam Mỹ châu, cũng như sự đóng góp của Ủy Ban PEN CODEP/WIPC vào các cuộc Khảo sát Nhân Quyền đối với một số nước phủ nhận Quyền Tự do phát biểu. Chúng ta còn nhớ vụ Trung cộng mở chiến dịch tuyên truyền cho cuộc Rước đuốc Thế vận Ô nhục Bắc Kinh từng bị dân chúng chống đối mãnh liệt tại nhiều thủ đô và thành phố lớn ở các nước dân chủ. Trái lại, tại Việt Nam, ngày 29 tháng tư năm 2008, người dân có cảm tưởng nhà cầm quyền CS thi nhau chạy rước ngọn đuốc, tiếp sức với võ lực sĩ Trung cộng. Những ai đã chạy giữa những hàng rào Hoa kiều (") mặc áo thun trắng mang các hàng chữ We love China (Chúng tôi yêu Trung Quốc) và We are proud to be from China (Chúng tôi hãnh diện đến từ Trung Quốc) vừa phất cờ đỏ năm sao vàng, vừa reo hò ầm ĩ " An ninh mật vụ được tăng cường bố trí khắp cố đô Miền Nam Việt Nam Tự Do để ngăn chận thanh niên sinh viên, nhà văn, nhà báo, trí thức Việt Nam biểu tình chống tân đế quốc bành trướng. Đồng bào không có quyền tự do làm thành một tiếng vang dù nhỏ bé của những tiếng nói vọng về từ vùng biển lịch sử yêu dấu xa xôi: Chúng tôi yêu nước Việt Nam, Chúng tôi hãnh diện là người Việt Nam, Chúng tôi trân quý Hoàng Sa Trường Sa... Trong thời gian đó, bài thơ Tháng Sáu của tù nhân ngôn luận Shi Tao, một mảnh gương hồi ức về biến cố Thiên An Môn, được các hội viên Văn Bút Quốc Tế dịch ra hơn một trăm thứ tiếng với 142 bản dịch. Các Trung tâm Văn Bút luân phiên Rước Ngọn Đuốc Thơ Shi Tao cùng các bản dịch mới tại mỗi Trung tâm, tiêu biểu cho cuộc Tranh đấu bảo vệ Quyền Tự do Phát biểu. Ngọn Đuốc Thơ Shi Tao được chuyển tiếp qua nhiều địa danh hơn bất cứ Ngọn Đuốc nào khác, nhờ Internet, theo lộ trình do Văn Bút Quốc Tế phác họa trên bản đồ thế giới, từ 25 tháng ba đến 8 tháng tám năm 2008. Ngày 30 tháng sáu, Văn Bút Hy Lạp tiếp đón Ngọn Đuốc Thơ Shi Tao; lúc đó, Trung cộng vừa đưa Đuốc Thế vận Bắc Kinh tới Vận động trường Panathinaiko ở Athènes. Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đã tham gia cuộc vận động công luận toàn cầu ‘’Relais Poétique/Poem Relay’’ với hai bản dịch tiếng Pháp và tiếng Việt. Cũng nên nhắc lại, cuộc Rước Ngọn Đuốc Thơ Shi Tao được đề xướng, phối hợp và điều hành bởi nữ văn hữu Kristin Schnider, Chủ tịch Văn Bút Thụy Sĩ Đức thoại kiêm thành viên Ủy Ban Chấp hành Văn Bút Quốc Tế và văn hữu Chip Rolley, thành viên Ủy ban CODEP/WIPC Trung tâm Văn Bút Sydney, Úc Châu.
Các đại biểu lần lượt đề cập tiếp các điểm chính của nghị trình: Báo cáo Tài chánh, Kế hoạch 3 Năm, Tăng cường hợp tác giữa Mạng lưới Nhà Văn lưu vong của Văn Bút Quốc Tế và Mạng Lưới Quốc Tế các Thành Phố cho Nương Náu ICORN, Áp lực Chính trị và An ninh tại Ethiopie, Kenya, Nga, Somalie, Venezuela, Colombie và Thổ Nhĩ Kỳ, Quyền Tự do Phát biểu bị đe dọa bởi các đạo luật ‘’Chống Phỉ Báng Tôn Giáo’’, Văn Bút Quốc Tế và các cuộc Khảo sát Định kỳ Toàn cầu về Nhân Quyền. Hội nghị duyệt xét các tài liệu căn bản của Ủy Ban PEN CODEP/WIPC, kiểm điểm cuộc Vận động cho Quyền Tự do Phát biểu ở Trung và Nam Mỹ châu, tình hình Trung Hoa CS và Tây Tạng bị chiếm đóng 20 năm sau biến cố Thiên An Môn và một năm sau Thế vận hội Bắc Kinh. Hai điểm sau này có thêm nhiều sự đóng góp ý kiến, nhứt là của hai tân khách nhân chứng Lydia Cacho Ribeiro (Mễ Tây Cơ) và Jiang Weiping (Trung Hoa). Hội nghị nêu lên một số khuyến cáo và đề nghị. Để hoàn thành nhiệm vụ, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù rất cần sự hổ trợ của tất cả Ủy ban CODEP/WIPC thuộc các Trung tâm Văn Bút. Qua năm 2010, các Trung tâm Văn Bút sẽ góp phần cụ thể và có ý nghĩa vào chương trình Kỷ niệm 50 Năm Hoạt động của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù. Nữ văn hữu Marian Botsford Fraser, cựu Chủ tịch Văn Bút Gia Nã Đại, biết tiếng hoạt động rất tích cực, được bầu làm Chủ tịch Ủy Ban PEN CODEP/WIPC thay cho nữ văn hữu Karin Clark (Văn Bút Đức) mãn nhiệm. Chủ tịch đắc cử sẽ chính thức nhận nhiệm vụ khi kết quả bầu cử được Hội đồng Đại biểu công nhận trong kỳ Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế họp tại thành phố Linz, nước Áo mùa thu năm nay.
Diễn Đàn Toàn Cầu về Quyền Tự Do Phát Biểu GFFE (Họp chung)
Sau Hội Nghị Ủy Ban PEN CODEP/WIPC, các đại biểu Văn Bút Quốc Tế tham dự tiếp Diễn Đàn Toàn Cầu về Quyền Tự Do Phát Biểu GFFE. Phần họp chung có 28 cuộc hội luận - thuyết trình và 29 buổi họp trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu kỷ năng tiếp cận nguồn tin chống lại sự kiểm duyệt, cùng nhiều buổi họp mặt văn nghệ, đọc truyện, chiếu phim, trình diễn sân khấu, triển lãm tranh châm biếm - hí họa, trao Giải thưởng v.v. Diễn Đàn GFFE có sự vụ thông dịch tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Na Uy và Á Rập.
Trong ba ngày 3, 4 và 5 tháng sáu, một số nhân chứng tên tuổi đã lên tiếng về tình trạng đàn áp quyền Tự do Phát biểu, mà họ từng là nạn nhân. Như Malalai Joya, nguyên nữ dân biểu Quốc hội A Phú Hãn, Sihem Bensedrine, nữ văn sĩ kiêm nhà báo Tunisie, Jack Mapanje, nhà thơ kiêm nhà ngôn ngữ Malawi, Sami Alhaj, nhà báo cựu tù nhân Soudan, Han Donfang, đồng sáng lập Liên đoàn Công Nhân tự trị Bắc Kinh và cựu tù nhân trong biến cố Thiên An Môn. Bốn Hội nghị và ba mươi buổi hội luận được tổ chức phần lớn tại Nhà Văn Chương (House of Literature còn là trụ sở của Văn Bút Na Uy) và Trường Đại học Oslo, tại Khách sạn Radisson SAS và Thư viện Quốc gia Na Uy. Thư viện này và Nhà Hát Quốc gia Na Uy còn làm nơi triễn lãm một số sách báo, bích chương, ấn phẩm nhỏ bị kiểm duyệt qua các thời đại. Buổi lễ Khai mạc Diễn Đàn Tự Do Phát Biểu GFFE được tổ chức tại Khách sạn Radisson SAS. Mở đầu là bài diễn văn của ông Jonas Gahr Stre, Ngoại trưởng Na Uy được văn hữu Anders Heger, Chủ tịch Văn Bút Na Uy giới thiệu. Ngoại trưởng Na Uy nói:
Các bạn thân mến, tôi sẽ bắt đầu với Người đối diện với Chiến xa. Một nhà nhiếp ảnh, trong khoảnh khắc, đã truyền đi khắp thế giới từ Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, hình ảnh một người vô danh, mặc áo trắng, quần đen, tay trái xách một cái túi nhỏ, đứng chận một đoàn xe tăng T59. Đoàn xe tăng phải dừng lại. Những chuyện gì sẽ xảy ra đây" Chúng ta không biết người ấy nói gì. Nhưng chỉ những bước di chuyển dũng cảm của Người đối diện với Chiến xa diễn tả một động thái mạnh mẽ của sự phát biểu. Rồi các chiến xa tiến tới, người vô danh cũng tiến tới, rồi đoàn xe tăng phải dừng lại. Và tất cả chúng ta đều bị xúc động sâu xa...Một hình ảnh sống động của những cuộc biểu tình, những sự phản kháng - những ‘’sự kiện của biến cố 4 tháng Sáu’’ ở Trung Hoa đã 20 năm. Người đối diện với Chiến xa. Người Đối Kháng Vô Danh.(...) Hình ảnh đó tạo thành công luận thế giới và tiếp tục làm như vậy. Chúng ta sẽ nhớ hoài hình ảnh đó suốt đời (...). Chính phủ Na Uy coi Quyền Tự do Phát biểu là ưu tiên số một trong chính sách về Nhân Quyền (...).
Thứ nhứt, chúng tôi nhấn mạnh sự ủng hộ của chúng tôi cho nền truyền thông báo chí độc lập.
Thứ hai, chúng tôi tiếp tục ủng hộ các tổ chức giúp đỡ các nhà văn bị cầm tù và lưu vong.
Thứ ba, Chính phủ Na Uy tiếp tục ủng hộ sự tăng cường Nhiệm Vụ của vị Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Tự do Phát biểu.
Tháng năm vừa qua, Na Uy được bầu làm một thành viên Hội Đồng Nhân Quyền ở Genève. Không nghi ngờ gì nữa, Quyền Tự do Phát biểu sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhứt ghi vào chương trình nghị sự của Hội Đồng Nhân Quyền trong những năm tới. Na Uy sẽ lên tiếng phát biểu. Đó sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn. Chúng tôi biết rằng thành phần của Hội Đồng có thể đặt chúng tôi vào vị thế của nhóm thành viên thiểu số trong những vấn đề chủ yếu. Nhưng đó không thể là một cái cớ viện ra để không tham gia, dấn thân - để không động viên được những nhóm thành viên đa số mới cho những Quyền Tự Do Căn bản của con Người (...).
Quý bạn, nhiều người chấp nhận những nguy cơ lớn cho bản thân và chạm trán với những sự hạn chế nghiêm trọng đối với quyền Tự do phát biểu. Tuy nhiên, các bạn tiếp tục tranh đấu và viết, bất chấp những chướng ngại ghê gớm. Các bạn tiếp tục hành sử quyền Tự do ngôn luận. Xin hãy tiếp tục viết, tường thuật, làm chứng và bình luận, với ngòi bút, máy vi tính, vi âm, băng và máy ảnh của các bạn.
Tôi mong thấy các bạn có một tuần tuyệt vời ở Oslo và tôi chúc các bạn thật thành công trong công việc quan trọng và có trách nhiệm của quý bạn.
Tôi được vinh dự chính thức khai mạc Diễn Đàn Toàn Cầu về Quyền Tự Do Phát Biểu.
Tiếp theo là cuộc nói chuyện của sử gia Bắc Âu Francis Sejersted, nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nobel Hòa Bình (1991-1999), bà Lydia Cacho Ribeiro, văn sĩ kiêm nhà báo Mễ Tây Cơ, bà Malalai Joya, nguyên dân biểu Quốc hội A Phú Hãn và bà Wangari Maathai, nhà tranh đấu bảo vệ môi sinh, dân chủ và nhân quyền Kenya, Khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2004. Bà Serkalem Fasil, nhà báo kiêm nhà xuất bản Ethiopie không thể đến Oslo nhưng bài tham luận của bà được đem ra đọc. Sau đó, ai cũng cố gắng sắp xếp để mong tham dự tối đa mấy mươi buổi họp chung. Không phải dễ dàng dù đã biết trước chương trình.
Các thuyết trình đoàn thường gồm có các luật gia, đại diện các tổ chức phi chính phủ bênh vực Nhân Quyền và các hiệp hội truyền thông báo chí thế giới. Mỗi lần có thể phát biểu, nhà thơ Việt Nam lưu vong luôn luôn nhắc đến hiện trạng tù nhân chính trị, ngôn luận và lương tâm Việt Nam. Gia đình người bị bắt không tìm được luật sư dám đứng ra bào chữa. Bởi vì một số luật sư bênh vực Nhân Quyền cũng bị bắt và bị kết án tù nặng nề. Còn lại những luật sư độc lập khác, nếu chưa bị bắt thì cũng bị sách nhiễu, hăm dọa hoặc ngăn cấm hành nghề, văn phòng bị khám xét, hồ sơ các bị cáo vô tội bị tịch thu. Còn kể thêm tệ trạng rừng Sắc lệnh, Nghị định ban hành tùy tiện đi kèm với hệ thống tư pháp và hình luật sương mù, phản nghịch với tinh thần của cả cái gọi là ‘’hiến pháp CHXHCNVN’’ và các Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Thẩm phán đoàn thì hoàn toàn lệ thuộc vào chế độ đảng trị.
Trong buổi thảo luận về sự lạm dụng luật pháp để bóp nghẹt những tiếng nói đối kháng, nhà thơ đại diện Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại có nhận xét thêm: ‘’Sự có mặt và bài thuyết trình của ông Virak Ou, Giám đốc Trung tâm Nhân Quyền Cao Miên tại buổi họp này đủ cho thấy Cao Miên bỏ xa CHXHCNVN về mực độ tôn trọng Quyền Tự Do Ngôn Luận. Tại Việt Nam ngày nay, không có Quyền Tự do Phát biểu và Tự do Báo chí, chưa có Dân chủ thật sự.’’ Ngoài ông Virak Ou, thuyết trình đoàn còn có ông Eduardo Bertoni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền Tự do Phát biểu và Tiếp cận Nguồn Tin của Đại học Luật Palermo, nước Á Căn Đình, ông Guy Vass-Adams, luật gia chuyên về Luật Truyền Thông Báo Chí và Dân Luật, nước Anh. Nhiều dịp gặp gỡ trao đổi thông tin, quan điểm với các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, luật sư đến từ Mỹ châu, Đông Âu, Trung Cận Đông, Phi châu và Á châu (Thái Lan, Tân Gia Ba, Nam Dương, Phi Luật Tân, Nhựt Bản, Ấn Độ, Népal, Miến Điện). Những hiểu biết và kinh nghiệm của Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại trong việc chuẩn bị và soạn thảo Phúc trình Nhân Quyền được sự chú ý của một số tham dự viên Phi châu và Nam Mỹ. Trong buổi hội thảo Khảo sát Định kỳ Toàn cầu mà diễn giả chính là bà Sara Whyatt, Giám đốc Chương trình Ủy Ban PEN CODEP/WIPC, nhà thơ đại diện Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại lập lại lời hứa rằng ông sẵn lòng tiếp giúp các văn hữu và đồng nghiệp ở ngoài Âu châu. Thí dụ, vấn đề truy cứu tài liệu, tiếp cận nguồn tin tại Trụ sở và Thư viện Liên Hiệp Quốc, giao tiếp các tổ chức Phi chính phủ (ONG/NGO) quốc tế và góp ý vào việc soạn thảo Phúc trình. Hoặc là, dù ở xa, có thể liên lạc với Văn phòng Thủ Tướng, bộ Ngoại Giao, Đặc sứ Đại diện một số chính phủ dân chủ thành viên Hội Đồng Nhân Quyền, kể cả các quốc gia quan sát viên, để yêu cầu ủng hộ cuộc vận động bảo vệ Nhân Quyền tại nước mình.
Một ít Sự kiện đáng kể thêm ngoài các Buổi Họp
Những văn hữu và bạn đồng nghiệp, những người tranh đấu cho Nhân Quyền từ năm châu đến Oslo đều nhận lời mời của bà Jillian Stirk, Đại sứ Gia Nã Đại đến dự cuộc tiếp tân chiều ngày 1 tháng sáu tại Trung tâm Nobel Hòa Bình. Nơi đây, Ngoại trưởng Na Uy sẽ trao Giải Tự Do Báo Chí cho một số nhà báo Nga, Azerbaijan, Biélorussie, Arménie và Georgie. Các tham dự viên cũng là khách quý của thành phố Oslo trong cuộc tiếp tân chiều ngày 3 tháng sáu tại tòa Đô sảnh, nơi mà Giải Nobel Hòa Bình hàng năm được trao cho tân Khôi nguyên. Đó cũng là nơi mà văn hữu Tổng thư ký Văn Bút Quốc Tế Eugene Schoulgin nói mấy lời cảm động để mở đầu lễ Tưởng niệm 20 Năm Biến Cố Thiên An Môn, sau bài diễn văn chào mừng của bà Aud Kvalbein, Phó Đô trưởng Oslo. Chiều ngày 4 tháng sáu, dưới cơn mưa rả rích và gió lạnh, tàu vẫn chạy trên vịnh Oslofjorden, đưa đoàn người tới đảo Kaholmen. Đêm xuống, dừng chân tại cổ thành và pháo đài Oscarsborg (nổi tiếng thời Đệ nhị Thế chiến đã đánh chìm tuần dương hạm Blcher của Đức Quốc Xã, làm chậm bước tiến quân xâm lược khiến cho Hoàng gia và Chính phủ Na Uy có đủ thì giờ di tản khỏi thủ đô). Hơn 300 người chen nhau đứng gần ba đồng nghiệp Tunisie Sihem Bensedrine, Neziha Rjiba và Mohamed Telbi (90 tuổi), ba tân khôi nguyên Giải Quyền Tự do Xuất bản của Hội Quốc Tế các Nhà Xuất Bản IPA. Trước khi bế mạc Diễn Đàn, cùng với tất cả thành viên ban tổ chức (có nhiều người làm tự nguyện), các tham dự viên gặp nhau trong buổi ăn tối tiễn biệt thân mật tại Posthallen. Nhà hàng nằm tại khu nhà Bưu Điện chính ngày xưa của Oslo có một cơ cấu kiến trúc từ đầu thế kỷ trước được đặc biệt bảo quản. Cuối tháng năm, đa số chưa hề gặp nhau. Bây giờ, cuối tuần đầu tháng sáu, ai nấy cảm thấy mình gắn bó với Cộng đồng những người muốn góp sức vào công cuộc vận động chung cho một lý tưởng, một khát vọng toàn cầu: Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.
Cám ơn tình bạn văn Oslo, tấm lòng Na Uy hào hiệp, nguồn sinh lực mới cho niềm hy vọng nối kết nên Mạng lưới Quyền Tự do Phát biểu không biết Biên cương. Trước những tấn thảm kịch lớn của thời đại: các chế độ độc tài, tàn bạo và ích kỷ, các tư tưởng cuồng tín, cực đoan và mù quáng.
Nhà thơ Việt Nam lưu vong vui mừng được gặp hai bạn văn đồng hương. Cùng đi với bà Đặng Thanh Chi còn có nhà báo Huỳnh Phước, tị nạn tại Hoa Kỳ. Không thấy một nhà văn hay một nhà báo nào từ Việt Nam đến với Oslo, thành phố hiền hòa hiếu khách và quý chuộng Tự Do, thủ đô một đất nước mà loài hoa Thạch thảo nghe nói được coi là Quốc hoa vào mùa Xuân. Không gặp một văn hữu hay một đồng nghiệp nào đến từ quê hương đã mất quyền được tự do nói cười hồn nhiên, được tự do khóc thành tiếng và được tự do bày tỏ niềm phẫn nộ chính đáng của con người trước cảnh xã hội bất công và áp bức chưa từng thấy trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
(Ghi chép theo cuộc Kể chuyện và Phúc trình về Hội Nghị Ủy Ban PEN CODEP/WIPC và Diễn Đàn GFFE Oslo Na Uy của Nguyên Hoàng Bảo Việt gởi Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, bản sao cho Văn Bút Quốc Tế).
Genève ngày 9 tháng 9 năm 200
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland.