Dẹp Mẹ Nó Đi – Mõ Sàigòn
Đổng Ngô, người ở Trùng Khánh, tỉnh Thiểm Tây, nhà có hai anh em. Cha chẳng may bị bạo bệnh qua đời. Em là Đổng Báu, tuổi còn nhỏ, nên việc quán xuyến trong nhà Ngô phải tự lo, mần cho tươm tất.
Ngày nọ, mẹ của Ngô là Hàn thị, đang ngồi hong tóc trước sân, bất chợt nghe tiếng thở dài của Ngô từ phòng trong vọng lại, bèn cháy cả ruột gan. Lẩm bẩm mà rằng:
- Con ta đang còn sức lớn, mà phải chu toàn gánh nặng của một gia đình, thì sự tội nghiệp thiệt hổng biết nói chừng mô mới hết" Ta là mẹ, tuy có thể an nhiên hưởng sự phụng dưỡng của thằng con, nhưng mẫu tử thâm sâu làm ta không nỡ. Chi bằng tính lẹ thì hơn!
Nghĩ vậy, liền gọi Ngô đến mà nói rằng:
- Làm người, phải biết chiến đấu với những buồn khổ, những bất hạnh và nỗi thất vọng của chính mình. Không bao giờ dừng lại. Không bao giờ chịu thua. Không bao giờ nghĩ tới chuyện đời ta đến đây là… chấm dứt!
Rồi ngừng một chút cho ý kia thấm đượm vào lòng, đoạn từ từ nói tiếp:
- Một mình làm không xuể thì hai mình. Mẹ tính hỏi vợ cho con, để gánh nặng trên vai có… người dưng chia sớt.
Ngô. Từ nhỏ tới giờ, thường thấy mấy ông chồng không bị vợ la cũng bị dũa te tua như tàu lá chuối, nay lại tới lượt mình, bèn mặt mày trắng nhợt. Hoảng hốt nói:
- Măng vừa mọc, mà bão ập tới liền, thời sống đặng hay sao"
Hàn thị, nhìn thấy ánh mắt hãi sợ của con hướng qua nhà hàng xóm, cọng thêm sự bén nhạy của mình, thì hiểu liền một khi, bèn chộn rộn tim gan mà bảo dạ rằng: “Vợ chưa có đã sợ. Chừng đến lúc có rồi, thời hổng biết sẽ hoảng đến chừng mô đây nữa" Với trách nhiệm làm mẹ, nếu ta không phân giải rạch ròi, chỉ dạy cho mau, thì duyên nợ keo sơn sẽ mất chữ duyên mà còn y… chữ nợ, mà một khi đã dính vào chữ nợ thì trước là chật vật trả biu, sau cả kiếp lai sinh cũng buồn vương chưa dứt!”. Nghĩ vậy, liền chậm rãi nói:
- Nếu cứ ngồi trước đèn, nhìn bóng mình trên tường, thấy bóng mình to, lâu dần cũng tưởng mình cao to như thế. Nếu nghĩ lấy vợ là cơ khổ, lại quan sát chung quanh, nghe toàn lời than thở, lâu dần cũng tưởng chữ trăm năm chỉ sầu đau như thế, thì thiệt là không phải. Vợ. Tuy chỉ một tiếng ngắn ngủi, nhưng hàm chứa trong đó bao ân tình ẩn dấu ở đàng sau, bao sự thương yêu và đùm bọc, bao san sẻ nặng nhọc của đời con đang sống, và luôn cả bệnh hoạn của thời héo úa ở ngày sau…
Đoạn, nhìn con, thở ra một cái mà nói rằng:
- Mỗi người một hoàn cảnh. Nào ai đã giống ai. Sao lại bi quan về… vợ nhiều như thế"
Ngô. Bị mẹ thuyết cho một tràng, khiến bụng dạ lao đao, thành thử cái sợ cái lo cũng bay gần phân nửa, nhưng lúc nhìn thấy cái mím môi của mẹ, bất chợt nhớ đến cha, liền thảng thốt nói:
- Thương yêu và đùm bọc. San sẻ nặng nhọc với nhau thì con hiểu. Còn… bao ân tình ẩn dấu ở đàng sau thì làm sao con biết"
Hàn thị bất ngờ bị con hỏi ngược, khựng người đi một chút, rồi dõi mắt vào cõi xa xăm. Lấp lửng đáp:
- Ân tình từ vợ thì mần răng mẹ biết" Vậy mà cũng hỏi!
Nay nói về Vương Tôn, là bà mai nổi tiếng mát tay ở Trùng Khánh. Hầu như đám nào Tôn động ngón tay vô cũng đầu xuôi đuôi lọt, con cái đề huề, nên tạo được sự mến phục và tin cẩn của người trong thôn xóm.
Ngày nọ, Vương thị đang trải chiếu đợi bạn qua chơi bài tứ sắc, chợt Hàn thị bước vô. Thân thiện nói:
- Muội nghe người ta hát rằng: Nghèo mà có em đã là có phước. Nay con muội muốn có phước, thời phải làm sao"
Vương Tôn cười hềnh hệch đáp:
- Người nghèo đông, người giàu ít, nên lấy người nghèo thì dễ, người giàu mới khó. Nay con muội muốn lấy người nghèo, thì phu phụ trăm năm, cứ coi như là lấy đồ trong xách, bóp.
Hàn thị nghe bà mai nói vậy, nét mặt bỗng tỏ lộ mừng vui, bởi hổng tốn bao nhiêu mà con mình có vợ, nhưng vì từ nhỏ đã theo cha ra trà đình tửu điếm, nghe bao anh hùng liệt khách kể chuyện của ngày xưa, thành thử chốn tâm can mãi ôm ấp câu: “Thà phụ người chớ không để người phụ mình” làm phương châm mà đối xử. Nay đứng trước chuyện duyên phận của con, bèn bụng dạ phập phồng. Run run nói:
- Lấy vợ chẳng phải cho con, mà còn lấy dâu về cho muội có người sai khiến nữa, nên ngoài cái sức để canh cửi dệt tơ, còn có cái nhẫn nhục phải chìm sâu trong đó!
Vương Tôn nghe Hàn thị tỏ bày ước muốn của mình như vậy, mắt bỗng trợn ngược lên. Mạnh miệng nói:
- Muốn cho con hạnh phúc thì chỉ nghĩ đến con, đừng nghĩ đến mình. Muội lại nghĩ đến mình, thì e đường gia đạo chẳng thể nào xuôi rót được đâu!
Hàn thị nghe Vương Tôn trả lời trớt quớt như vậy, trong bụng không vui, nhưng vì đang cậy nhờ người ta làm mai mối, nên đành đè nén cõi tâm tư, mà bảo dạ rằng: “Dâu! Tuy là vợ của con mình, nhưng thực ra là con của người ta. Mình có sai bảo một chút, thì cũng đúng với câu: Đồ không mua không tiếc. Con không đẻ không thương. Hà cớ chi mà phải… vặt nhau ra như thế"”. Đoạn, giả lả nói:
- Vậy trong mắt của tỷ, đã có đám nào chưa"
Tôn đáp:
- Thùy Vân. Ở cách đây nửa dặm đường. Gia cảnh tuy nghèo nhưng tràn đầy lễ giáo. Muội có ưng không"