So với ITF, hệ thống bài quyền của WTF có khuynh hướng dựa theo các động tác nhảy múa của môn “Taekkyon” cổ truyền, tương cận với những động tác thể dục thể thao. Đây là một trong những nỗ lực của các vị võ sư Đại Hàn nhằm đưa Teakwondo thoát khỏi ảnh hưởng của môn Karatedo. Do đó, những động tác của bài quyền cùng thế đánh của WTF tập trung rất nhiều vào những ngọn cước liên hoàn theo thế xoay người và có những động tác mang ý nghĩa của thể thao hơn là võ thuật.
Người sáng lập ra hệ thống bài quyền của hệ phái WTF là võ sư Khưu Hồng Kim (Uh Hyong Kim), một nhân vật luôn chủ trương môn Taekwondo có nguồn gốc xuất phát từ lâu đời tại Đại Hàn và ông đã soạn ra 25 chương bài quyền bao gồm các thế võ dựa theo ý niệm “Thái Cực” gọi là Taegeuk Jang (Thái Cực Chương) và “Bát Quái” gọi là Palgwe Jang (Bát Quái Chương). Những chương bài quyền này được chia làm 2 đẳng cấp với 8 bài Thái Cực, 8 bài Bát Quái dành cho những người mới nhập môn và 9 bài quyền hỗn hợp khác để luyện tập cho môn sinh ở cấp cao hơn.
Qua đó, hệ thống bài quyền của hệ phái WTF gồm có 25 chương như sau:
1. Taegeuk 1 Jang (Thái Cực Nhất Chương): Là 18 thế võ vỡ lòng với danh xưng “Taegeuk Keon” (Thái Cực Càn), dựa theo quẻ Càn biểu tượng cho Trời trong hàm ý nói về sự sáng tạo vũ trụ và cuộc sống. Vì vậy, bao gồm các động tác căn bản nhất như đứng tấn, đấm thẳng và đỡ đòn.
2. Taegeuk 2 Jang (Thái Cực Nhị Chương): Chiêu thức này áp dụng nguyên lý của quẻ Đoài có nghĩa là đầm nước, hồ nước, nên được gọi là “Taegeuk Tae” (Thái Cực Đoài) với 18 động tác trông rất uyển chuyển, nhẹ nhàng tựa như mặt nước phẳng lặng nhưng lại có những đòn đá nhanh nhẹn phát ra nhiều uy lực mạnh mẽ.
3. Taegeuk 3 Jang (Thái Cực Tam Chương): Tức “Taegeuk Ri” (Thái Cực Ly) có 20 chiêu số ứng dụng ý nghĩa của quẻ Ly (lửa, cực dương), kết hợp với các thế đấm, đỡ và cuối cùng là xuất cước. Thế võ này đòi hỏi những ngọn cước khi ra chiêu phải thật tinh tế linh động nên trở thành một trong những chiêu được biểu diễn nhiều nhất.
4. Taegeuk 4 Jang (Thái Cực Tứ Chương): Từ ý nghĩa của quẻ Chấn (sấm chớp), gồm 20 động tác chớp nhoáng của chiêu “Taegeuk Jin” (Thái Cực Chấn) này tập trung vào những cú đá xoay ngang trong thế tấn công đối thủ tới tấp. Những đòn đá của chiêu này còn mang hàm ý giúp cho người luyện tập bình tĩnh tìm kẽ hở của đối phương.
5. Taegeuk 5 Jang (Thái Cực Ngũ Chương): Quẻ Tốn (gió) là yếu quyết của chiêu thức “Taegeuk Seon” (Thái Cực Tốn) gồm 20 thế tổng hợp các động tác vừa mềm dẻo vừa cứng rắn chẳng khác nào những cơn gió nhẹ nhàng thổi thoáng qua rồi bất chợt trở thành trận cuồng phong ào ạt. Vì vậy, những động tác cuối của chiêu này càng về sau càng biến hóa thần tốc hơn.
6. Taegeuk 6 Jang (Thái Cực Lục Chương): Chiêu này đối nghịch với quẻ Ly vì mang tên “Taegeuk Gam” (Thái Cực Khảm), tức dựa vào ý niệm của quẻ Khảm (nước) với 23 vị trí biến đổi gồm các thế đỡ và đá xoay vòng liên kết chặt chẽ qua khẩu quyết “Lưu Thủy Hành Vân’’ (nước chảy mây trôi).
7. Taegeuk 7 Jang (Thái Cực Thất Chương): “Taegeuk Gan” (Thái Cực Cấn) là tên của chiêu thế này, được sáng chế theo ý tưởng của quẻ Cấn (núi) với 25 động tác chú trọng vào thế “hổ tấn”, đứng vững như núi trông rất trầm hùng uy nghi. Động tác căn bản nhất của thế này là đá thẳng về trước sau khi cung 2 tay chéo lại để đở đòn đối phương
8. Taegeuk 1 Jang (Thái Cực Nhất Chương): Qua 24 chiêu thức ứng dụng quẻ Khôn (đất), thế “Taegeuk Gon” này xoáy quanh biểu tượng của đất, tức nơi sinh sôi nẩy nở của muôn loài trong hàm ý võ học cũng phát triển không ngừng. Và nó cũng là bài quyến cuối của 8 thế nhâp môn để người học ôn lại những chiêu tổng quát nhằm chuẩn bị tiến lên các thế võ đòi hỏi trình độ cao hơn.
9. Palgwe 1 Jang (Bát Quái Nhất Chương): Gồm 20 thế biến hóa và di chuyển theo đồ hình chữ “công’’ với tư thế đá xoay vòng cung rất lợi hại.
10. Palgwe 2 Jang (Bát Quái Nhị Chương): Chiêu này cũng khá tương đồng với Bát Quái Nhất Chương qua 20 động tác khai triển theo đồ hình chữ “công” nhưng kèm theo những đòn đỡ nhiều hơn.
11. Palgwe 3 Jang (Bát Quái Tam Chương): Đồ hình chữ “công” cũng được ứng dụng vào chiêu này với 22 thức vừa nhanh nhẹn vừa cứng rắn.
12. Palgwe 4 Jang (Bát Quái Tứ Chương): Đây là chiêu thức đồng dạng với Bát Quái Tứ Chương qua 22 nhịp bước theo đồ hình chữ “công” và có đoạn kết thúc dùng ngọn cước đá tung ra xong đứng lại thế tấn rất đẹp mắt.
13. Palgwe 5 Jang (Bát Quái Ngũ Chương): 35 động tác của thế võ này được biến chế theo đồ hình chữ “Sĩ” nên có điệu bộ lên xuống nhịp nhành và bao gồm các thế tấn công liên tục.
14. Palgwe 6 Jang (Bát Quái Lục Chương): Thế võ này nối tiếp với những thế công của Bát Quái Ngũ Chương. Sau thế tấn công là những động tác thủ kín theo đồ hình chữ “công” được biến đổi qua 19 thức.
15. Palgwe 7 Jang (Bát Quái Thất Chương): Có 23 động tác di động theo hình trụ thẳng góc để nới rộng phạm vi của ngọn cước xuất ra từ nhiều phía.
16. Palgwe 6 Jang (Bát Quái Lục Chương): Bài quyền này khá dài với 35 động tác di chuyển đồ hình chữ “can” với nhiều thế biến hoá ra chiêu dồn dập.
17. Koryo Jang (Cao Ly Chương): Chiêu thức này có ý nghĩa nói về lịch sử oai hùng của triều đại Cao Ly qua những cuộc chiến chống xâm lăng nên 30 động tác của nó dựa trên đồ hình chữ “Sĩ” để nêu lên tinh thần hiếu học và cầu tiến của dân tộc Triều Tiên.
18. Keumgang Jang (Kim Cương Chương): Kim Cang là tên một ngọn núi được xếp vào danh lam thắng cảnh hàng đầu của bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, 27 chiêu số lấy tên ngọn núi này được xếp theo đồ hình chữ “sơn” với các động tác biểu hiện sự vững vàng kèm theo tốc độ khi thần tốc chớp nhoáng lúc chậm rãi nhẹ nhàng trong hàm ý dung hợp hai trạng thái động và tĩnh của tinh thần cùng thể xác.
19. Taebaek Jang (Thái Bạch Chương): Thế võ này cũng lấy tên ngọn Thái Bạch xưa kia, tức “Bạch Đầu Sơn” ngày nay (tiếng Trung Hoa gọi là Trường Bạch Sơn), là ngọn núi hùng vĩ quanh năm tuyết phủ và cao nhất bán đảo Triều Tiên. 26 chiêu thức di động theo đồ hình chữ “công” của chiêu này cũng được tung ra chớp nhoáng và lướt nhanh theo các ngọn cước liên hoàn, nhắm vào các vị thế cao để biểu tượng sự oai hùng của ngọn núi.
20. Pyonwon Jang (Bình Nguyên Chương): Bình nguyên tượng trưng cho đất đai ruộng nương nên 25 động tác của thế này chú trọng nhiều vào các thế tấn để nói lên sự bền vững của mặt đất và những công lao của nhà nông trong công việc đồng áng khó nhọc.
21. Sipjin Jang (Thập Tiến Chương): Với 31 thế biến dạng theo đồ hình chữ “Thập”, thế võ này tượng trưng cho sự toàn vẹn trong nghĩa “thập toàn” nên được dùng như một thế căn bản dành cho trình độ của các bậc võ sư.
22. Jitae Jang (Địa Thái Chương): Chiêu này có 28 thức biến hóa theo đồ hình chữ “đinh”. Qua đó, tận dụng sức mạnh của những ngọn cước và thế đấm nhằm biểu hiện uy lực của vũ trụ kết hợp cùng sức sống mãnh liệt của con người trên mặt đất.
23. Chonkwon Jang (Thiên Quyền Chương): 27 động tác nhịp nhàng trên căn bản hình trụ tựa như hình những cánh chim bay của thế võ này để biểu hiện lòng tin của con người vào đấng thượng đế vô hình.
24. Hansoo Jang (Hàn Thủ Chương): Dựa theo đồ hình chữ “Thủy”, 27 thế của chiêu thức này tượng trưng cho ý nghĩa của nước vừa nhu vừa cương và sử dụng nhiều đòn tay.
25. Ilyeo Jang (Nhất Như Chương): Thế võ này là thế đặc biệt dựa theo đồ hình chữ “vạn” của nhà Phật để diễn đạt sự thống nhất trạng thái tinh thần thanh tịnh và thể chất nhẹ nhàng. Qua 25 động tác nhu nhuyễn, thế võ này còn đưa ra hình ảnh thanh thoát tự tại như là mục đích cuối cùng của đời sống con người muốn vươn lên những gì cao đẹp nhất. Và đó cũng là ý nghĩa tổng hợp của bài quyền cuối này.
Đồng dạng với các môn võ thuật khác, Taekwondo cũng được chia làm nhiều cấp bậc. Hơn nữa, các phân định đẳng cấp cuả hai trường phái ITF cùng WTF cũng có sự khác biệt.
Trong hệ phái của ITF có 18 bậc chia ra 10 cấp và 8 đẳng. Những võ sinh nhập môn sẽ mang cấp thấp nhất là cấp 10 rồi sau đó thi lên cấp để tiến dần đến cấp 1. Thời gian quy định cho mỗi kỳ thi lên cấp là từ 3 đến 6 tháng hoặc có thể nhiều hơn tùy theo mức độ tinh tiến của võ sinh. Sau khi vượt qua cấp 1, võ sinh sẽ được mang đai đen và cách khoảng 2 năm được thi lên đẳng 1 lần. Võ sinh mang đai đen được công nhận thăng đẳng đầu tiên gọi là “nhất đẳng huyền đai” và sẽ tiếp tục thi lên đẳng. Đẳng cấp cao nhất mà ITF công nhận là “cửu đẳng huyền đai” vì ở trình độ này được xem như đạt mức thượng thừa đủ khả năng trở thành trưởng môn của các võ đường.
Mặt khác, trường phái WTF chia làm 5 cấp bậc trình độ dựa vào thứ tự màu sắc của đai áo từ thấp lên cao là: đai trắng, đai vàng, đai xanh, đai đỏ và đai đen. Từ đai đen sẽ tiến lên đẳng với bậc cao nhất là “thập đẳng” được “Kukkiwon” (Quốc Kỷ Viện) tức cơ quan trực tiếp điều hành môn Teakwondo ở Đại Hàn quy định. Theo đó, hệ thống Kukkiwom này không nhìn nhận các võ sinh dưới 15 tuổi được thi lên đai đen dù có xuất sắc đến mấy.
Tuy là môn võ thuật chỉ mới chính thức trở thành môn thể thao tranh tài giành huy chương từ Thế Vận Hội Sydney 2000, nhưng hiện nay WTF đã có 166 quốc gia là thành viên của tổ chức này với số môn sinh theo học ngày càng tăng. Theo hình thức tranh tài ở các giải đấu thì Taekwondo được phân làm 8 loại đẳng cấp tùy theo sức nặng của các tuyển thủ nhưng tại Thế Vận Hội được đơn giản thành 4 loại và tùy từng loại mỗi quốc gia chỉ được đưa ra tối đa 2 tuyển thủ cho bộ môn nam và nữ. Chính vì vậy mà tuy trước đây các tuyển thủ Đại Hàn thường chiếm ưu thế vô địch nhưng kể từ Thế Vận Hội Sydney 2000 trở đi những tuyển thủ của các quốc gia khác đã có nhiều cơ hội đoạt huy chương. Điều này chứng tỏ rằng môn Teakwondo ngày càng trở thành một môn thể thao được ưa thích trên toàn thế giới.