Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Những Ngày Cuối Của VNCH (nguyên Tác: The Final Collapse Của Đại Tướng Cao Văn Viên) (tiếp theo...)

29/05/200800:00:00(Xem: 3841)
(Tiếp theo... )

Không ước đoán bao nhiêu người tị nạn được di tản, nhưng dân tị nạn tràn ngập tại các trại tị nạn ở Vùng III và đảo Phú Quốc. Dân tị nạn cũng tạm cư tại hai tỉnh Vũng Tàu và Bà Rịa rất đông. Trước khi vấn đề tị nạn trở thành một khủng hoảng quốc gia, chánh phủ có kế hoạch tái định cư số người tị nạn tại nhiều nơi tùy theo xuất xứ của họ. Gia đình lánh nạn đến từ Quảng Trị và Thừa Thiên được đưa về Đà Nẵng, rồi từ đó được đưa đi Cam Ranh, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Những gia đình người Thượng chạy từ Pleiku, Kontum cũng được tái định cư ở Lâm Đồng. Nhưng kế hoạch trên không thực hiện được vì sự thay đổi quá nhanh của tình hình chiến cuộc, nhất là sau khi Cam Ranh và Nha Trang di tản vào ngày 1 tháng 4, và chánh phủ VNCH không còn bảo vệ được Vùng II. Vì những thay đổi nhanh chóng đó nhiều gia đình phải chạy nạn từ nơi này qua nơi nọ trong một thời gian ngắn trước khi tìm được một nơi tạm trú. Sau khi Vùng II mất, nhiều trại định cư mọc lên ở Vũng Tàu, Phú Quốc, Cần Thơ và Vĩnh Long. Hai trại tị nạn lớn nhất là Phú Quốc và Vũng Tàu, với khả năng chứa từ 50 đến 100 ngàn dân tị nạn.

Luồng sóng dân tị nạn gây ra nhiều xáo trộn và hoang mang ở những nơi họ đến. Sự xáo trộn này khiến chính quyền lo ngại. Chính tổng thống Thiệu ra lệnh cấm dân tị nạn về định cư vùng đồng bằng sông Cữu Long khi ông phàn nàn, "Dân tị nạn đi đến đâu, không sớm thì muộn nơi đó cũng sẽ mất."

Với cán cân lực lượng và địa hình thuận lợi cho CSBV ở Vùng I, lực lượng VNCH không thể nào chống cự lâu dài trong cuộc tổng tấn công của địch. Nhưng phải nói, tình hình quân sự xấu đi một cách nhanh chóng vì sự sa sút tinh thần và những rối ren, lúng túng của chúng ta, hơn là áp lực của địch. Lệnh tái phối trí tuy cần thiết nhưng không rõ ràng và dứt khoát. Tổng thống Thiệu do dự khi đưa ra lệnh cho Quân Đoàn I. Hình như thất bại ở Cao Nguyên còn ảnh hưởng nặng đến tâm tư, nên ông miễn cưỡng giữ vai trò tổng tư lệnh tối cao một lần nữa. Là một chính trị gia sắc sảo, ông dùng khi thì hàm ý, khi thì yên lặng, làm cho vị tư lệnh chiến trường bối rối, muốn hiểu sao thì hiểu. Ngày hôm trước ông lên đài phát thanh kêu gọi quân công cán tử thủ Huế, ngày hôm sau ông ra lệnh cho tướng Trưởng rút quân trong một quân lệnh. Còn về vấn đề di tản khỏi Huế: cũng từ bản năng chính trị đã có, ông Thiệu muốn di tản Huế, nhưng không cho tư lệnh chiến trường một thời gian rõ ràng.(5)

Tinh thần chiến đấu của binh sĩ sa sút khi họ phải tách lìa khỏi thân nhân, gia đình của họ. Nhiều quân nhân không chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ, họ bỏ đơn vị tự động đi tìm kiếm vợ con, người thân của họ. Tổng Cục Tâm Lý Chiến cố gắng giúp đỡ tìm kiếm thân nhân binh sĩ thất lạc. Nhưng cơ quan này không thể nào giúp tất cả gia đình quân nhân trong hoàn cảnh hỗn loạn của làn sóng dân tị nạn. Phần lớn quân rút về Đà Nẵng quan tâm, lo lắng về về sự an toàn của gia đình họ hơn là lo về đơn vị, hay sự tấn công của địch. Sự hỗn loạn, thất bại của cuộc tái phối trí ở Vùng 1 xảy ra không phải vì áp lực của cộng quân, mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa.

Trong những ngày cuối ở Vùng I, vị tư lệnh quân đoàn không chỉ đối phó với những khó khăn về quân sự, ông còn bận tâm với vấn đề tị nạn. Và khi chánh quyền trung ương bắt tay vào giải quyết vấn đề tị nạn thì đã quá trễ. Như chúng ta đã thấy, vấn đề tị nạn làm đảo lộn tất cả kế hoạch quân sự của Vùng I. Những Ngày Cuối của Quân Đoàn II Khi Vùng II Cao Nguyên mất, quân đoàn II mất gần hết quân tác chiến cơ hữu của quân đoàn. Tuy nhiên, ở miền duyên hải, sư đoàn 22BB vẫn giữ vững phòng tuyến của họ ở Bình Khê trên quốc lộ 19, và ở Tam Quan, phía bắc Bình Định, gần biển. Hai trung đoàn 41 và 42 của sư đoàn 22BB chống trả mãnh liệt những cuộc tấn công của sư đoàn 3 CSBV dưới các chân đồi ở Bình Khê, hướng tây Qui Nhơn. Hai bên tranh nhau từng đỉnh đồi, từng đoạn đường trên quốc lộ. Nhiều vị trí đổi tay qua lại nhiều lần giữa hai đối thủ bất phân thắng bại. Kết quả thắng thua tuy chưa biết được ngay lúc đó, nhưng cộng sản đã mất rất nhiều quân trọng trận đánh. Sư đoàn 95B của CSBV, sau khi rảnh tay ở Lệ Trung, tiến về Bình Khê hổ trợ cho sư đoàn 3 CSBV. Áp lực của hai sư đoàn CSBV đập vào hai trung đoàn 41 và 42 BB. Nhưng lực lượng VNCH ở Bình Khê vẫn giữ được phòng tuyến cho đến ngày 30 tháng 3.

Ở miền duyên hải, cộng sản tăng viện thêm quân từ Quảng Ngãi, đánh vào Tam Quan (Bồng Sơn) vào ngày 25 tháng 3. Ngày 28, sau ba ngày chiến đấu, trung đoàn 47 rút về căn cứ không quân Phù Cát lập phòng tuyến mới ở đó. Căn cứ không quân Phù Cát của sư đoàn 2 Không Quân đã di tản. Trong lúc đó, sư đoàn 32 CSBV, sau khi hết trách nhiệm tấn công đoàn dân quân di tản trên liên tỉnh lộ 7B, hướng mũi tấn công về Tuy Hòa. Sư đoàn F-10 với pháo binh và thiết giáp, từ Phước An, tiến theo hướng đông trên quốc lộ 21, và đến ngày 27 tháng 3, đến Khánh Dương để đối diện với quân của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. Song song với những áp lực đó, các đơn vị thám sát của sư đoàn 3 CSBV xâm nhập thị xã Qui Nhơn, đóng chốt hoặc cắt đứt tất cả đường giao thông từ ngoài vào trong. Các lực lượng phòng thủ địa phương của ta bây giờ biến mất. Trước những khó khăn và áp lực của địch, quân đoàn II ra lệnh sư đoàn 22BB sư đoàn bộ binh duy nhất vẫn còn đầy đủ tinh thần tác chiến rút về Qui Nhơn.(6)

Ngày 30 tháng 3, hai trung đoàn 41 và 42 cũng được lệnh rút khỏi mặt trận Bình Khê. Trung đoàn trưởng trung đoàn 42, Nguyễn Hữu Thống, khi nhận được lệnh rút đi, đã năn nỉ tư lệnh sư đoàn được phép ở lại đánh. Ông nói với tư lệnh sư đoàn: "Đừng rút đi, tình hình chưa tuyệt vọng đến độ chúng ta phải rút đi. Nếu chúng ta rút đi thì sau này khó đem quân trở lại." Nhưng quá trể. Khi hai trung đoàn trở về đến thị xã Qui Nhơn, họ bị các toán chốt của địch nằm sẵn trong thành phố chận đánh. Đến lúc đó, các lực lượng địa phương và dân Qui Nhơn đã di tản. Địch chiếm bến tàu và các cao ốc; Qui Nhơn đã nằm trong tay của sư đoàn 3 CSBV.

Sau ba ngày chiến đấu, với chi viện của hải pháo ngoài biển, trung đoàn 41 và 42 phá được phòng tuyến của địch ở phía nam thành phố. Từ đó quân của sư đoàn tập trung tại một điạ điểm khoảng sáu cây số, phía nam bến tàu, chờ di tản. Khoảng 2 giờ sáng ngày 1 tháng 4, ba tàu hải quân cập bến chở tất cả binh sĩ còn lại của sư đoàn. Chỉ huy trưởng trung đoàn 42, Nguyễn Hữu Thống, từ chối không chịu rút đi, và tự sát.

Sau hai ngày cố thủ, trung đoàn 47 bị đánh bật khỏi phi trường Phù Cát. Đêm đó, trên đường di tản về Qui Nhơn, trung đoàn bị phục kích ngay tại quận lỵ cộng quân vừa chiếm xong. Xác người sĩ quan tiểu đoàn trưởng Địa Phương Quân còn nằm trước sân văn phòng quận. Không muốn đầu hàng khi thất thủ, người sĩ quan chỉ huy tự sát. Trung đoàn 47 mất đi hơn phân nửa quân số và coi như bị loại khỏi vòng chiến. Đại tá Lê Cầu, trung đoàn trưởng trung đoàn 47 cũng tự sát khi biết mình không còn lối thoát. Khi di tản về đến Vũng Tàu, nguyên sư đoàn 22 BB chỉ còn hơn hai ngàn quân.

Sáng sớm ngày 2 tháng 4 địch đánh chiếm Tuy Hòa. Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Tuy Hòa rút theo hướng nam về Nha Trang. Ở Nha Trang, có tin chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, tư lệnh phó hành quân Quân Đoàn II, và tỉnh trưởng Phú Yên bị thương và mất tích. Tại Đèo cả, 35 cây số nam Phú Yên, tiểu đoàn 34 Biệt Động Quân bị tấn công dữ dội. Đây là tiểu đoàn mang danh anh hùng khi họ liều thân phá các chốt của cộng sản trên đoạn đường di tản liên tỉnh lộ 7B. Tiểu đoàn 34 BĐQ cầm cự ở Đèo Cả được hai ngày thì thất thủ vào đêm 2 tháng 4.

Ở Khánh Dương, trận chiến giữa sư đoàn F-10 và lữ đoàn 3 Nhảy Dù bùng nổ ngày 27 tháng 3. Với sự yểm trợ chính xác của pháo binh và thiết giáp, sư đoàn F-10 cố gắng đánh bứt phòng tuyến của quân Dù đang cản bước tiến của họ về Nha Trang. Nhiều vị trí đổi tay nhiều lần trong trận đánh. Tiếp viện cho quân Dù từ Ninh Hòa lên Khánh Dương bị cản trở vì các chốt của địch. Một đoàn quân xa tiếp viện lên Khánh Dương bị phục kích và thiệt hại nặng. Địa Phương Quân phối hợp với lính từ trung tâm huấn luyện Dục Mỹ cố giải tỏa con lộ huyết mạch về Khánh Dương nhưng không được. Nhảy Dù giữ Khánh Dương được một tuần thì thất thủ vào ngày 2 tháng 4. Chỉ hơn 300 lính dù của lữ đoàn 3 về được đến Nha Trang. Đánh tan được phòng tuyến cản đường của quân Dù, CSBV tiến chiếm trung tâm huấn luyện Dục Mỹ và Ninh Hòa. Bây giờ cộng quân dồn tất cả nỗ lực về Nha Trang.

Tại Nha Trang cũng giống như tất cả các thành phố khác trong thời gian này tình hình thành phố vô cùng hỗn loạn. Thành phố trở thành vô chủ. Cảnh sát và lực lượng an ninh địa phương biến mất vào đám đông tị nạn. Phạm nhân từ trại tù trốn ra, dùng súng họ tìm được bắn loạn xạ lên. Ngày 2 tháng 4, Nha Trang còn là bộ tư lệnh của quân đoàn II. Gần trưa ngày 2 tháng 4, trung tướng Phạm Quốc Thuần, chỉ huy trưởng trường Hạ Sĩ Quan Dục Mỹ, đến bộ tư lệnh quân đoàn gặp tướng Phú. Hai người nói chuyện trong phòng riêng chừng 15 phút rồi cùng đi đến phi trường Nha Trang. Tại đây tướng Phú lên trực thăng bay lên tìm cách liên lạc với các đơn vị của ông. Trở lại Nha Trang vào lúc sáu giờ chiều, ông báo cho BTTM biết ông không liên lạc được với đơn vị nào của quân đoàn. Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh ông phối hợp với hải quân và không quân để tổ chức phòng thủ phi trường Nha Trang.

Nửa tiếng đồng hồ sau đó tướng Phú bay khỏi Nha Trang, không nói gì với ban tham mưu quân đoàn, hay bàn kế hoạch phòng thủ với chỉ huy trưởng phi trường Nha Trang. Ngày 4 tháng 4, tướng Phú nhập viện Bệnh Viện Cộng Hòa. Đến lúc này tướng Phú không còn tâm thần để chỉ huy nữa và quân đoàn II của ông cũng không còn gì để ông chỉ huy. Ban tham mưu quân đoàn II, sau khi nhận được tin những gì đã xảy ra, quyết định di tản khỏi Nha Trang. Cũng vào ngày 2 tháng 4, bị áp lực liên tục của sư đoàn 7 CSBV, các đơn vị ở hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức rút về Phan Rang. Như vậy chỉ trong vòng ba tuần quân đoàn II mất đi gần hết quân cơ hữu của quân đoàn.

Như một bệnh truyền nhiễm, làn sóng tị nạn từ vùng I và các tỉnh phía bắc vùng II đem hỗn loạn những nơi họ đến. Phan Rang không thoát khỏi tình trạng đó trong những ngày đầu tháng 4. Công chức, cảnh sát, và lính địa phương tự động bỏ đơn vị, đào nhiệm. Hơn phân nửa tiểu đoàn lính Địa Phương Quân canh gác phi trường Phan Rang biến mất. Tỉnh trưởng Phan Rang, Đại tá Trần Văn Tư, bỏ về Phan Thiết sau khi ra lệnh phá hủy những máy móc, cơ sở quan trọng của tỉnh để khỏi rơi vào tay địch.

Để chỉnh đốn lại tình hình quân đoàn II, BTTM quyết định lấy hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hai phòng tuyến cuối cùng của vùng II đặt dưới quyền điều khiển của quân đoàn III kể từ ngày 4 tháng 4. Để tăng viện cho quân đoàn II, quân đoàn III gởi ra Phan Rang lữ đoàn 2 Nhảy Dù. Đồng thời Nha Kỹ Thuật (Phòng 7, BTTM) gởi nhiều toán thám sát vào hai vùng đông bắc và tây bắc Phan Rang để dọ thám tình hình địch. Một bộ tư lệnh tiền phương của quân đoàn III, dưới quyền chỉ huy của trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, được thiết lập tại phi trường Phan Rang. An ninh trật tự được vãn hồi trong và ngoài phạm vi thành phố Phan Rang. Tỉnh trưởng Ninh Thuận được triệu hồi để tổ chức lại hành chánh và phòng thủ cho tỉnh. Với bộ tư lệnh được thiết lập, có thêm quân Dù và không lực yểm trợ, trật tự được vãn hồi, tình hình Phan Rang thay đổi thấy rõ: trừ áp lực của sư đoàn 7 CSBV ở hướng tây bắc Phan Thiết, quân ta chỉ đụng lẻ tẻ chung quanh Phan Rang. Các toán thám sát của Nha Kỹ Thuật cho biết địch tập trung hai sư đoàn 3 và F-10 tại Cam Ranh, 45 cây số đông bắc Phan Rang.

Ở Vùng III, đối diện với áp lực mạnh của cộng quân ở mặt trận Long Khánh Biên Hòa, trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn III, quyết định rút lữ đoàn 3 Dù về lại vùng III để bổ sung vào lực lượng phòng thủ của ông. Thay vào chỗ lữ đoàn 3 Dù là một trung đoàn của sư đoàn 2 BB vừa được tái trang bị và bổ sung sau khi di tản về từ vùng I; một liên đoàn Biệt Động Quân từ Chơn Thành; và một tiểu đoàn Thiết Giáp, tái lập từ các đơn vị di tản của vùng II.

Cuộc thay đổi quân sắp hoàn tất vào ngày 4 tháng 4, thì địch tấn công. Sư đoàn 3 và F-10, có pháo binh và xe tăng yểm trợ, tấn công Phan Rang. Liên đoàn BĐQ và các toán thám sát của Nha Kỹ Thuật bị thiệt hại nặng. Sợ bị tràn ngập, tướng Nghi xin giữ lại một tiểu đoàn Dù đang chuẩn bị lên đường về vùng III. Sáng ngày 15 tháng 4, hai sư đoàn CSBV mở hai mặt tấn công vào phi trường đang được một tiểu đoàn Nhảy Dù và Địa Phương Quân phòng thủ; ở mặt kia, địch đánh vào trung đoàn bộ binh của sư đoàn 2. Khi phi trường Phan Rang bị tràn ngập, quân đoàn III mất liên lạc với bộ tư lệnh tiền phương; Phan Rang bị thất thủ trưa hôm đó. Tư lệnh sư đoàn 2 BB, thiếu tướng Trần Văn Nhựt, và lực lượng còn lại rút về bờ biển và được một tàu tiếp tế hải quân cứu. Quân bộ binh và thiết giáp của địch truy kích theo về Cà Ná. Tại đây họ chạm súng với các tàu hải quân nằm ngoài khơi bờ biển. Địch bắn chìm một tàu và gây hư hại hai tàu tiếp tế của hải quân; đổi lại, họ bị thiệt hại vài xe tăng khi hải và không quân ta phản pháo.

Toàn tỉnh Ninh Thuận mất ngày 16 tháng 4. Trung tướng Nghi, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Sang của sư đoàn 6 Không Quân, đại tá Nguyễn Thu Lương, lữ đoàn 2 Dù, được ghi nhận mất tích khi phi trường Phan Rang thất thủ. Sau Phan Rang, Phan Thiết mất ngày 18, và vùng II hoàn toàn nằm trong tay cộng sản.(7)

Chú thích tiếp theo chương 7:

4. Phải nói thêm, ngoài sư đoàn Nhảy Dù, các đơn vị thiện chiến khác của QLVNCH còn có sư đoàn TQLC (Hai đơn vị này là đơn vị tổng trừ bị đồn trú tại Saigon và các vùng phụ cận. Hai đơn vị được tăng phái đi hành quân khắp chiến trường Việt Nam tùy theo tình hình quân sự đòi hỏi.), các liên đoàn BĐQ, Biệt Kích Nhảy Dù, Lực Lượng Đặc Biệt, và một số đơn vị Bộ Binh khác. Năm 1972 sư đoàn Nhảy Dù và TQLC được xử dụng hành quân trong tỉnh Quảng Trị. Với sự yểm trợ dồi dào và hữu hiệu của pháo binh và hải pháo của các hạm đội Hoa Kỳ ngoài khơi, sư đoàn TQLC đã thành công tái chiếm cổ thành (chú thích của tác giả).
5. Trong một bài phỏng vấn cựu phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, đăng trên báo Việt Báo (California) ngày 1 tháng 9, 2001, ông Viên tiết lộ quyết định tái phối trí quân ở Vùng II hoàn toàn là quyết định riêng của tổng thống Thiệu. Theo lời ông Nguyễn Lưu Viên, ngay cả Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng Trần Thiện Khiêm cũng không được thông báo hay tham luận về quyết định này. Người phỏng vấn ông Viên là ông Lâm Lễ Trinh, Bộ Trưởng Nội Vụ dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm (chú thích của dịch giả).
6. Tư lệnh sư đoàn 22 Bộ Binh là thiếu tướng Phan Đình Niệm (chú thích tác giả).

7. Trận đánh cuối giữa quân đội VNCH và CSBV ở Phan Rang được đại tá lữ đoàn trưởng LĐ2 Nhảy Dù, Nguyễn Thu Lương, viết lại trong Tạp Chí Quốc Gia, (Số Đặc Biệt 30 Tháng 4, 1999, Montreal, Canada). Trong bài viết này, đại tá Nguyễn Thu Lương thuật lại trường hợp ông đã bị bắt. (chú thích của dịch giả).

*

Chương 8: Phòng Thủ Phía Nam

Ngày 26 tháng 3, 1975, đại tướng Frederick Weyand, tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ đến Saigon. Tướng Weyand đã phục vụ tại Việt Nam một thời gian lâu, đảm trách nhiều chức vụ quan trọng. Ông là tư lệnh sư đoàn 25 BB; tư lệnh Quân Đoàn II Dã Chiến (II Field Force); rồi tư lệnh phó MACV; tư lệnh MACV khi đại tướng Creighton Abrams trở lại Hoa Kỳ làm Tư Lệnh Lục Quân. Ông lên thay đại tướng Abrams khi Abrams chết bất ngờ khi còn tại chức. Với sự quen thuộc ở Việt Nam như vậy, đại tướng Weyand được sự ưu ái của nhiều tư lệnh quân sự và chính trị gia Việt Nam.

Bộ Tổng Tham Mưu không thuyết trình hay hội họp chính thức với tướng Weyand, nhưng tác giả có trao đổi ý kiến riêng với tướng Weyand. Lúc nói chuyện, tác giả cho tướng Weyand biết những khó khăn quân đội VNCH đang gặp. Tác giả muốn Hoa Kỳ giúp một chuyện duy nhất: cho không quân Hoa Kỳ xử dụng pháo đài bay B-52 oanh tạc các địa điểm tập trung quân, và các mật khu dã chiến của CSBV đang được thiết lập vội vã trong chiến dịch đánh chiếm miền Nam. Pháo đài bay B-52 sẽ phục hồi tinh thần chiến đấu và niềm tin của dân quân VNCH. Nhưng tướng Weyand giải thích cho tác giả biết, từ khi có luật Case-Church Admendment, tất cả mọi can thiệp quân sự Đông Dương cần có sự ưng thuận của quốc hội Hoa Kỳ.(1) Với tình hình chính trị đang diễn ra ở Mỹ, ông không nghĩ quốc hội Hoa Kỳ sẽ cho phép quân đội trở lại hay can thiệp vào Việt Nam.

Sau đó phái đoàn quân sự của Weyand cùng đại sứ Graham Martin dự buổi họp chính thức với tổng thống Thiệu ở Dinh Dộc Lập. Trong buổi họp, phái đoàn Hoa Kỳ đề nghị những điểm sau:

Chính phủ phải giải thích cho dân chúng biết tình trạng của quốc gia để họ không bị hoang mang bởi những tuyên truyền của cộng sản. Các nhà lãnh đạo VNCH phải xuất hiện nhiều hơn trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, để tăng niềm tin cho dân chúng.

Bộ Tổng Tham Mưu phải có nhiều quyền hơn ở những quyết định quân sự.

Quân đội VNCH cần đánh thắng một trận lớn hay nhỏ để cho phía ủng hộ VNCH ở Mỹ phấn khởi xin được ngân khoản quân viện phụ trội 300 triệu mỹ kim. Sư đoàn 5 CSBV đang đóng ở Mỏ Vẹt, hướng tây Đức Huệ, là mục tiêu tốt cho quân đội VNCH tấn công để tìm một chiến thắng.(2)

Vấn đề dân tị nạn phải được giải quyết. Nên chú trọng đến thân nhân và gia đình binh sĩ. Phải di tản họ ra khỏi vùng giao chiến, hay vùng đó có cơ nguy trở thành vùng giao chiến.

Vấn đề thuộc về chính phủ và dân tị nạn được tổng thống Thiệu và thủ tướng Khiêm bàn thảo với phái đoàn Hoa Kỳ.

Về đề nghị trao thêm quyền quyết định quân sự cho BTTM không được nói đến trong buổi họp vì sự tế nhị của vấn đề tổng thống Thiệu là người duy nhất có thể thay đổi chuyện đó nếu ông muốn cho BTTM thêm quyền quyết định về quân sự hay không.

Nhìn từ quan điểm quân sự, tác giả đồng ý quân đội VNCH cần đánh thắng một trận. Nhưng ngay trong lúc đó chúng ta không còn quân để tấn công sư đoàn 5 CSBV; chúng ta chỉ có thể chờ khi có cơ hội và nhân lực cho kế hoạch này. Tác giả cũng nhắc lại vấn đề cần xử dụng pháo đài bay B-52 đánh vào các điểm tập trung quân cộng sản; B-52 sẽ đem lại tinh thần cho dân quân miền Nam. Tác giả cho buổi họp biết quân đội VNCH đang xử dụng vũ khí gì để thay vào hỏa lực B-52: không quân Việt Nam dùng các thùng dầu phế thải, bom 250, 500 và 750 cân Anh để oanh tạc cộng sản. Về chuyện di tản gia đình thân nhân binh sĩ ra khỏi vùng hỏa tuyến: kế hoạch có lợi và hại không thể đoán được: tinh thần chiến đấu của binh sĩ có thể sa sút khi họ bị tách ra khỏi gia đình. Trong quá khứ, khi cộng sản tấn công miền Nam vào năm Mậu Thân, vợ con binh sĩ ở những tiền đồn xa đã hỗ trợ giúp đỡ, từ việc tải đạn cho đến xử dụng vũ khí, để chống lại cuộc tấn công của cộng sản. (Còn tiếp...)

Chú thích chương 8:

1. Tháng 8 năm 1973, nghị sĩ Frank Church và Clifford Case của Ủy Ban Ngoại Giao Thương Viện đưa ra dự luật Case-Church Admentmend cấm tất cả mọi can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Đông Dương nếu không có sự ưng thuận của Quốc Hội Mỹ. Dự luật này được tổng thống Richard Nixon chuẩn y thành luật vào tháng 12 năm 1973 (chú thích của dịch giả).

2. Trở lại Hoa Kỳ , ngày 4 tháng 4, 1975, tướng Weyand trình cho tổng thống Ford đề nghị của ông về tình hình VNCH. Bản tường trình đề nghị Hoa Kỳ cần viện trợ thêm ít nhất là 722 triệu mỹ kim ngay lập tức để đương đầu với áp lực của cộng sản. Tướng Weyand nhấn mạnh trách nhiệm của Hoa Kỳ trong hiệp định Ba Lê 1973. Bản tường trình của Weynad viết rất chi tiết về tình hình Việt Nam. Cũng nên biết thêm, cùng đi với Weyand là hai nhân viên tình báo CIA ngoại hạng có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam: George Carver và Theodore Shackley. Shackey coi CIA ở Lào, rồi sau đó là Việt Nam; Carver là nhân viên CIA có liên hệ với vụ đảo chánh năm 1960, khi ông tham dự những buổi họp bí mật bàn kế hoạch đảo chánh của Hoàng Cơ Thụy và Vương Văn Đông. Bản tường trình của đại tướng Weyand được giải mật và lưu trữ ở Thư Viện Tổng Thống Gerald Ford, thuộc viện đại học Michigan (chú thích của dịch giả).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.