Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
LÊN ĐƯỜNG VƯỢT BIÊN BẰNG ĐƯỜNG BỘ
Sau khi an toàn trở lại Thị Nghè, ngay tối hôm đó, tôi trở lại nhà chị tôi ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Vô đến nhà, chị tôi cho biết ngay, đã có người đem địa bàn và bản đồ nhờ chuyển cho tôi. Tôi mừng quá, vì đó là những thứ cần thiết cuối cùng tôi phải có trước khi lên đường vượt biên. Tôi cũng đem đầu đuôi câu chuyện tôi bị tụi vệ binh phát hiện, truy đuổi, khiến tôi phải chạy trốn ra sao và được giúp đỡ như thế nào... nhất nhất kể lại cho chị nghe. Nghe chuyện, chị tôi vừa mừng cho tôi lại vừa lo sợ thúc dục tôi nên vượt biên ngay. Riêng tôi lúc đó cũng thấy nếu tôi còn ở lại Việt Nam thêm ngày nào, sẽ nguy hiểm ngày ấy, và không sớm thì muộn, tôi sẽ bị bắt trở lại. Con đường duy nhất tôi phải chọn và đã chọn là vượt biên. Bây giờ tôi đã có đầy đủ địa bàn, bản đồ thì tôi còn chần chờ gì nữa mà không lên đường.
Nghe chuyện tôi kể, chị tôi khuyên:
- Nhờ ơn bề trên và phúc phận của tổ tiên, nên cậu đã may mắn vượt qua bao nhiêu nguy hiểm. Nhưng ơn trên nào cũng cũng có giới hạn. Cậu chẳng thể nào gặp may mắn mãi mãi được đâu. May mắn càng nhiều thì khi rủi ro đến, nguy hiểm càng to. Cậu nghe lời chị, cậu phải lo đi ngay đi.
Tôi thưa:
- Chị nói rất đúng. Em cũng đã nghĩ như vậy, nên em đến bàn với chị, hôm nay là Thứ Bảy, mai là Chủ Nhật, em và hai cháu sẽ chuẩn bị để sáng ngày mốt, Thứ Hai tụi em sẽ lên đường. Chị nghĩ sao"
Chị tôi ngần ngừ, giọng chị xúc động:
- Chị nói đi ngay... là chờ khoảng hai ba tuần nữa hay đi, chứ đi ngay Thứ Hai này e sớm quá...
Tôi hiểu lòng của chị. Cũng giống như tất cả những người mẹ, người cha ở Miền Nam lúc đó, chị tôi chỉ muốn kéo dài giây phút được gần con. Chị không muốn xa con, dù trong lòng lúc nào chị cũng tha thiết muốn con của chị lên đường vượt biên thành công.
Tôi chậm rãi khuyên chị:
- Trong hoàn cảnh của em, chờ thêm ngày nào là nguy hiểm cho em, cho chị và cho các cháu. Em ra vô nhà của chị cũng nhiều, biết đâu đã có người để ý mà mình không biết" Linh tính cho em thấy càng ngày, em càng gần với nguy hiểm. Chị để cho em và hai cháu đi ngay đi. Thứ Hai này là ngày tốt nhất, em đã tính cả rồi...
Chị tôi gật đầu:
- Thôi thì cậu quyết định nhanh chóng như vậy chị rất mừng. Để chị liên lạc ngay với hai cháu cho chúng nó chuẩn bị. Cũng may là tất cả mọi thứ cần thiết, chúng đã chuẩn bị xong xuôi cả rồi. Bây giờ chỉ chuẩn bị thêm ít đồ ăn, thức uống dọc đường.
Tôi cười:
- Chuyện đồ ăn thức uống dọc đường, chị khỏi lo. Từ đây ra đến Đông Hà, đâu đâu cũng có hàng quán, tại sao phải mang theo đồ ăn cho thêm nặng nề" Điều quan trọng, chỉ cần mang đủ lương khô cho đoạn đường rừng xuyên biên giới Việt Lào thôi chị.
Chị tôi bảo:
- Cậu khỏi lo chuyện đó. Lương khô, thuốc sốt rét, thuốc chống muỗi, tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Cả mùng mền, quần áo cho hai đứa, tôi cũng đã lo liệu xong. Chỉ còn cậu, tôi đã nói bao nhiêu lần...
Tôi lo ngại ngắt lời chị:
- Em đã thưa với chị, mình đi vượt biên, chứ không phải đi du lịch, cắm trại. Đi vượt biên mà mang đồ đạc lỉnh kỉnh đủ thứ trên người, là lậy ông tôi ở bụi này, đó chị. Em đã nói với chị, nếu mình đi tàu xe từ đây ra Đông Hà, hay đi lại giữa những thành phố lớn, đông người, thì chuyện chúng em mang đồ đạc lỉnh kỉnh trên người ít bị người khác để ý. Nhưng chị cứ tưởng tượng coi, ở một thôn quê hẻo lánh như thôn Mọc Đức, thôn Định Xá ở gần biên giới Việt Lào, bỗng dưng xuất hiện lù lù ba người lạ, nói năng đã khác, ăn mặc cũng khác hẳn dân địa phương, lại đeo ba lô nặng trĩu, thì thử hỏi tụi công an, bộ đội ở xã ấp, chúng thấy chúng có nghi ngờ, xét hỏi giấy tờ mình hay không"
Chị tôi ngạc nhiên:
- Nhưng cậu và các cháu đã có đầy đủ giấy tờ"
- Giấy tờ đó là giấy tờ giả, chứ không phải giấy tờ thiệt.
Chị tôi càng ngạc nhiên hơn:
- Sao hôm nọ cậu bảo đó là giấy tờ thiệt 100%"
Tôi giải thích:
- Dạ, em có nói với chị là giấy tờ thì thiệt 100% do người bạn của em lo. Nhưng người xử dụng giấy tờ đó là em với hai cháu thì giả 100%, nên giấy tờ đó chỉ dùng để qua mặt các trạm kiểm soát giao thông của VC ở dọc đường từ đây ra đến Đông Hà. Còn từ Đông Hà đến biên giới, thì em không thể dùng giấy tờ giả đó được.
- Vậy từ Đông Hà đến biên giới, cậu định dùng giấy tờ gì"
- Đến Đông Hà rồi thì không dùng được giấy tờ gì cả, vì ở đó cách biên giới không bao xa, và không có giấy tờ công tác nào cho phép mình đến gần biên giới cả. Vì vậy, khi đến đó rồi thì chỉ có hai cách. Cách thứ nhất là chúng em cũng phải ăn mặc lam lũ giống như người địa phương, rồi tìm cách trà trộn với dân chúng trong vùng. Nhưng cách này rất khó khăn, vì người địa phương ở đó rất ít, ai cũng biết mặt nhau, trà trộn với họ sẽ dễ bị họ nhận ra ngay. Phần nữa là mình mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh thì càng dễ bị nhận diện. Đó là lý do em vẫn bảo hai cháu là đừng mang theo đồ đạc gì cả.
- Nhưng cậu cũng biết, hai đứa chúng nó tuổi còn trẻ, chưa đi xa bao giờ.
- Em biết chuyện đó và em rất thông cảm với hai cháu. Nhưng nếu các cháu mang theo nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh thì em bảo đảm với chị 100% thế nào chúng em cũng bị bắt.
- Cậu nói gở như vậy thì thôi chị để hai đứa nó ở nhà...
Nói đến đó chị ôm mặt khóc, rồi nói trong tiếng nức nở:
- Đi vượt biên... mà cậu "bảo đảm 100% bị bắt" thì cậu và các cháu đi làm gì... cho nó khổ cậu, khổ các cháu, khổ cả chị...
Tôi phải khuyên can, giải thích cho chị tôi nghe từng ly từng tí về cách thức qua mắt tụi công an, bộ đội như thế nào, cách ăn mặc hóa trang khi vượt biên ra làm sao, và tại sao phải mang đồ đạc thật ít để khỏi bị nghi ngờ... Cuối cùng chị tôi chùi nước mắt, thở dài nói:
- Thôi thì cậu để chị cố khuyên bảo các cháu, mang bớt đi. Còn bao nhiêu đến bến xe Quảng Trị thì tìm cách vứt hết đi cho rảnh nợ.
Nói đến đó, như sực nhớ ra điều gì, chị tươi hẳn nét mặt hỏi tôi:
- Mà lúc nãy cậu nói có hai cách. Vậy cách thứ hai là cách gì"
Tôi ngẩn người một thoáng, mới nhớ ra điều chị hỏi. Tôi vội nói:
- Cách thứ hai là ngay khi xuống xe ở bến xe Đông Hà, chúng em phải tìm cách chui vô rừng ẩn nấp, rồi chờ đến tối khuya thì cắt rừng đi.
- Cậu nghĩ làm vậy có dễ thành công hơn không"
- Em nghĩ vậy đỡ nguy hiểm hơn. Vì trà trộn với dân địa phương là điều rất khó. Nhất là ở những vùng xa xôi hẻo lánh, dân ít, mọi người đều biết nhau, thì trà trộn với họ đâu có dễ. Nhưng muốn chui vô rừng ẩn nấp cũng khó khăn lắm. Nếu đến bến xe Đông Hà sớm thì phải chờ, chứ giữa ban ngày ban mặt mà mình chui vào rừng cũng dễ bị dân chúng chú ý lắm. Mà loanh quanh, luẩn quẩn chờ đợi ở bên xe lạ cho đến tối, cũng dễ bị tụi công an, nhân viên bảo vệ ở bến xe nghi ngờ.
- Nếu vậy, cậu và hai cháu phải tìm cách canh giờ giấc làm sao để đến được bến xe Đông Hà lúc trời tối"
- Em cũng muốn thế, nhưng được hay không còn tùy may rủi ở bến xe Quảng Trị nữa.
Từ đó cho đến khuya, hai chị em tôi ngồi tâm sự đủ thứ chuyện, trong nỗi niềm đau đớn của chia ly, nhung nhớ, nhất là khi nhắc đến Mẹ già còn đang sống cô đơn ở Hà Nội. Lúc đó, chỉ có nói với tôi, yên tâm lên đường vượt biên, chị ở lại sẽ tìm đủ mọi cách để đưa Mẹ vô Sàigòn phụng dưỡng. Sau này, tôi được biết, chị đã làm đúng như điều chị đã hứa. Nhưng sống ở Sàigòn ít lâu, Mẹ tôi lại nhớ Hà Nội, nhớ cô em gái út, nên lại trở ra Hà Nội sống.
*
Sáng sớm hôm Thứ Hai, trung tuần tháng 4 năm 1977, chúng tôi thức dậy từ tinh mơ mờ đất, chuẩn bị cho chuyến vượt biên bằng đường bộ. Tất cả hành lý đã sẵn sàng. Cháu gái tôi là BH và bạn trai là T đều "gọn gàng" mỗi người một chiếc ba lô với đầy đủ thứ cồng kềnh của một người đi cắm trại. Mặc dù tôi và chị tôi đã khuyên can nhiều lần, BH và T đã bỏ lại thật nhiều kỷ vật thương yêu nhất, cùng những đồ dùng cần thiết nhất, ba lô của mỗi người vẫn nặng trên 20 kí lô. Riêng tôi, chỉ có một chiếc túi nhỏ không đầy 5 kí lô, trong đó có địa bàn, bản đồ, một ít đồ dùng cá nhân, và cuốn thơ "Ngục Trung Nhật Ký" của "tác giả" Hồ Chí Minh dùng để nguỵ trang. Kinh nghiệm trong quá khứ cho tôi thấy, chính cuốn thơ "Ngục Trung Nhật Ký" đã cũ này, được để một cách "tình cờ" trong đống hành lý của tôi, quả thực đã đánh lừa được rất nhiều công an, cán bộ VC tại các trạm gác dọc đường. Thường đang lục lọi hành lý của tôi, bỗng dưng trông thấy cuốn thơ, lập tức thái độ hống hách của công an, cán bộ VC biến mất liền. Sau này, trên đường vượt biên theo ngả Hà Nội - Lạng Sơn, rồi Hà nội - Hải Phòng - Móng Cái, tôi cũng dùng mẹo vặt này, và thành công dài dài, ngoại trừ một lần ở gần Lạng Sơn thì lại vì cuốn "Ngục Trung Nhật Ký" mà tôi bị bắt. Nhưng đó là chuyện sau này, tôi sẽ trở lại tường thuật tỷ mỷ cùng qúy độc giả khi có dịp.
Trở lại chuyến vượt biên vào sáng Thứ Hai hôm đó, tôi cũng đã tính, một khi tới được Đông Hà, tôi chỉ giữ lại địa bàn, bản đồ và ít lương khô. Còn lại tôi cũng vứt hết để nhẹ nhàng, gọn gàng trong chuyến đi cắt rừng, xuyên biên giới. Tính toán như vậy, nhưng nhìn hai chiếc ba lô nặng trĩu hành lý của hai người cháu, tôi ngao ngán và lo ngại cho chuyến đi này lành ít dữ nhiễu.
Để hàng xóm khỏi chú ý, chị tôi đi ra khỏi nhà trước. Năm phút sau, BH đi theo. Kế đó là T và cuối cùng là tôi. Như đã thỏa thuận, chị tôi sẽ ra ngã tư Phú Nhuận đón xe taxi, thỏa thuận giá cả và trả tiền đầy đủ rồi ngồi trong xe chờ. Khi chúng tôi ra đến nơi, sẽ tự động lên xe, chào tạm biệt chị, chị sẽ xuống xe, và xe sẽ lăn bánh ra đi. Nhưng mọi việc diễn tiến không đúng như chúng tôi đã dự tính. Chờ xe taxi lâu quá, chị tôi phải gọi hai chiếc xích lô máy. Sau những giây phút bịn rịn, xúc động đến ứa nước mắt khi chị em, mẹ con phải chia tay nhau... ba cậu cháu leo lên hai chiếc xích lô máy, trực chỉ bến xe Miền Đông, giữa dòng xe cộ ngược xuôi như nước...
Khoảng 7 giờ sáng hôm đó, chúng tôi đến được bến xe Miền Đông. Vì lúc đó không có xe đò đi thẳng từ Sàigòn tới Quảng Trị, nên chúng tôi phải mua vé đi Huế. Tới Huế, chúng tôi mua vé xe đi Quảng Trị, rồi từ Quảng Trị mua vé xe đi Đông Hà. Suốt chặng đường từ Sàigòn đi Huế, Huế đi Quảng Trị, đều thuận buồm xuôi gió, ngoại trừ một vài trục trặc nhỏ, không đáng kể ra đây làm mất thì giờ của qúy độc giả. Nhưng trên chuyến xe từ Quảng Trị đi Đông Hà, chúng tôi có cảm giác bồn chồn, nôn nóng và lo sợ như ngồi trên ổ kiến lửa...
BỊ BẮT Ở ĐÔNG HÀ
Nhờ đã tính toán kỹ lưỡng trước khi khởi hành, nên tại bến xe Quảng Trị, chúng tôi đã "may mắn" mua được vé chuyến xe cuối cùng đi Đông Hà vào lúc 4 giờ chiều. Khi đó, tôi đinh ninh, xe sẽ đến Đông Hà vào lúc trời chập choạng tối, rất thuận tiện cho chúng tôi chui vô rừng ẩn nấp. Nhưng xưa nay, có không biết bao nhiêu chuyện mình tính toán bằng tất cả sự khôn ngoan của mình, nhưng thực tế khi xảy ra, mình mới nhận ra tất cả sự ngu ngốc của mình.
Chuyến xe cuối cùng từ Quảng Trị đi Đông Hà là chiếc xe đò loại nhỏ, có khoảng hơn 50 chỗ, nhưng vì là chuyến xe cuối cùng, nên trong xe chỉ có khoảng hơn hai chục người, trong đó có 3 chúng tôi. Ngay khi lên xe, chúng tôi đã nhận ra sự lạc lõng của mình với tất cả những hành khách còn lại trong xe. Nhất là khi có ít hành khách, mọi người càng để ý đến sự lạc lõng của chúng tôi. Trong khi hành khách trong xe đều ăn mặc lam lũ, đồ đạc mang theo là thúng mủng, quang gánh, gà qué, rau trái... đủ loại, thì chúng tôi ăn vận không giống ai, đồ đạc ba lô thì lỉnh kỉnh, chỉ nhìn qua cũng đoán biết là dân đi vượt biên. Nhất là cháu gái BH và T, với nước da trắng trẻo, mày thanh mắt sáng, môi đỏ như son, ai nhìn cũng biết là dân Sàigòn.
Cảm nhận được sự lạc lõng của mình, chúng tôi lại càng im lặng không nói với nhau. Trong lòng tôi xốn xang và lo ngại vô cùng, nên rất lúng túng. Tất cả những hành khách trong xe cũng chụm đầu xì xầm bàn tán, trong khi ánh mắt của họ thỉnh thoảng lại hướng về phía chúng tôi, vẻ tò mò hiện lên rất rõ.
Để tránh sự chú ý của đám đông và đề phòng chuyện bất trắc, tôi đã nói mỗi người ngồi mỗi ghế, và tìm cách trò chuyện thân mật với hành khách ngồi cạnh mình. Nhưng BH và T nhất định không chịu ngồi xa nhau. Viễn ảnh một người bị bắt, một người chạy thoát, đối với BH và T là điều vô cùng đau khổ, khiến cả hai không chịu đựng nổi. Vì vậy, BH và T chấp nhận, thà bị bắt cả hai để được gần nhau còn hơn phải chia tay nhau... Tôi ngồi phía sau hai cháu, lòng tôi trăm mối ngổn ngang, vừa ân hận đau khổ vì mình đã nhận lời mang hai cháu đi vượt biên, vừa lo sợ trước viễn ảnh vô cùng nguy hiểm đang chờ đợi, mà tôi thì hoàn toàn bất lực...
Điều nguy hiểm nữa đối với chúng tôi là hành khách dần dần xuống xe dọc đường. Xe cứ chạy được khoảng vài cây số, là lại có một, hai hành khách kêu bác tài dừng xe. Vì là xe đò chạy tuyến đường hẻo lánh, miền rừng núi, nên có cả một số khách người thiểu số, nói tiếng thiểu số líu lô, tôi không hiểu họ nói gì. Nhưng nhìn ánh mắt của họ nhìn chúng tôi khi nói, rồi cười ầm lên, là chúng tôi đỏ mặt vừa lúng túng vừa lo sợ...
Đang lo sợ, hoảng hốt như vậy thì bà cụ ngồi phía sau tôi, kêu bác tài dừng xe cho xuống. Xe chạy chậm dần rồi dừng lại. Bà cụ đứng dậy, đi qua chỗ tôi, bỗng dưng đưa tay đập nhẹ vai tôi. Tôi giật mình nhìn lên, chưa kịp hiểu chuyện gì, thì bà cụ đã nói nhỏ:
- Tụi con cẩn thận nghe.
Nói xong, bà cụ không cần nghe tôi trả lời, thản nhiên đi về phía trước như không có chuyện gì, rồi bước xuống xe. Xe chuyển bánh, tôi nhìn qua cửa kính, thấy cụ cầm vật gì khua khua trong không khí. Tôi không biết cụ làm vậy cho ai, và có ý nghĩa gì. Nhưng câu nói của cụ "Tụi con cẩn thận nghe" đã như hồi trống báo động, làm cho tim tôi đập thình thịch. Lời cảnh cáo của cụ trong đó có hai chữ "Tụi con" chứng tỏ cụ đã nhìn rõ chúng tôi gồm có ba người, cùng những nguy hiểm đang chờ đợi chúng tôi phía trước...
Nhớ lại chuyến xe từ Dầu Tiếng về Bình Dương, sao tôi thấy hai chuyến xe, cùng trên đất nước Việt Nam mà lại khác nhau một trời một vực. Tôi tự hỏi, nếu trong chuyến xe này, tôi nói rõ cho mọi người biết, tôi là tù cải tạo vượt ngục, là người đang vượt biên, không biết mọi người trong xe sẽ đối xử với tôi ra sao" Họ sẽ giúp tôi hay bắt tôi trao cho công an" Tôi không biết chắc. Nhưng nếu chỉ có một mình tôi, tôi dám làm tất cả mọi chuyện. Đằng này, tôi còn hai cháu đi theo. Nếu tôi có một quyết định sai lầm, sẽ ảnh hưởng đến tự do và sự sống của hai cháu. Như vậy tôi không dám. Hơn nữa, nhớ lại thái độ thận trọng và câu nói nhỏ của bà cụ, tôi đoán ngay, tình hình trong xe không thuận lợi nếu tôi nói thật. Vì nếu thuận lợi, bà cụ đã không phải thận trọng và nói nhỏ với tôi. Nghĩ vậy, tôi ngồi im không dám làm gì, cho dù trong lòng như lửa đốt...
Trong khi đó, hành khách trên xe cứ xuống dần dần, xuống dần, để rồi cuối cùng chỉ còn lại có người tài xế, cậu lơ xe, và ba đứa chúng tôi. Nhìn ra bên ngoài, thấy trời đã chạng vạng tối, hai bên đường là rừng, cây cao cây thấp mọc chen nhau. Nếu như tôi chỉ đi có một mình, thì thật là dễ xử. Tôi chỉ cần bảo tài xế cho dừng lại, nhảy xuống xe, rồi chạy thẳng vào rừng là mất tăm. Trên xe, dù có ai nghi ngờ cũng không có một ai dám đuổi theo tôi. Vào đến rừng rậm, tôi sẽ âm thầm, cắt đường xuyên qua biên giới. Trung bình mỗi giờ đi trong rừng khoảng 3 cây số, một đêm tôi cũng đi được khoảng 30 cây số. Với chiếc địa bàn, bản đồ, cùng khả năng sống trong rừng mà tôi đã được huấn luyện khi còn trong bộ đội, tôi tin, ngày nghỉ đêm đi, chỉ cần hai đêm là tôi vượt qua được biên giới Lào Việt. Nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, nếu muốn bảo xe ngừng lại để xuống giữa đường, tôi phải bàn bạc với BH và T, chứ đâu có thể quyết định một mình. Mà bàn bạc trên xe, trong lúc này thì lại càng nguy hiểm. Thì ra, trong những lúc nguy hiểm, khi chỉ có một mình, tôi dám có những quyết định liều mạng, vì quyết định đó chỉ ảnh hưởng đến tự do, mạng sống của riêng mình. Mình dám làm thì dám chịu. Còn khi quyết định của mình có liên quan đến tự do và mạng sống của người khác thì tôi lại không thể đơn phương làm một mình. Và đó là sự bế tắc, khiến tôi phải ngồi đó, bất động và hoàn toàn thụ động, khi thấy mình dần dần đi vào bẫy sập ở một nơi nào phía trước mặt. Tôi không biết chính xác bẫy sập đó ở chỗ nào, nhưng tôi chắc chắn bẫy sập đó sẽ không xa bến xe Đông Hà, và không lâu sau khi chúng tôi xuống xe. Ở đó, trong bóng tối chập choạng đang bao phủ rừng núi phía tây tỉnh Quảng Trị, cùng với những luồng khí lạnh buốt của núi rừng, những tên bộ đội, những tên công an áo vàng với súng ống đầy đủ và còng số 8, sẽ xuất hiện, chờ đợi trong tư thế sẵn sàng để tóm gọn ba đứa chúng tôi... (Còn tiếp...)